Nguyên Nhân Gây Viêm Da Đầu Và Cách Điều Trị
Dưới đây là nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và các thông tin cần biết khác về bệnh viêm da đầu. Biết được các dấu hiệu, triệu chứng sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm và việc điều trị khi bệnh ở giai đoạn đầu sẽ dễ dàng hơn.
Viêm da đầu là gì?
Viêm da đầu hay còn gọi là viêm da tiết bã (seborrheic dermatitis) là một bệnh ngoài da xảy ra ở da đầu. Đây là tình trạng mà lớp ngoài của da đầu bị viêm, có biểu hiện là da đầu ửng đỏ, bong tróc các mảng vảy màu trắng hoặc vàng và ngứa ngáy.
Tình trạng viêm da tiết bã không chỉ xảy ra trên da đầu mà còn có thể xảy ra ở cả những khu vực tiết nhiều dầu khác trên cơ thể như mặt, đặc biệt là quanh mũi, ngực, lưng hoặc ở rốn.
Nguyên nhân gây viêm da đầu
Hiện y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh viêm da đầu nhưng trong hầu hết trường hợp, tình trạng viêm da này xảy ra ở những khu vực tiết nhiều dầu (bã nhờn).
Trên da đầu của chúng ta có một loại nấm có tên là Malassezia. Loại nấm này ăn bã nhờn và bình thường chúng không gây hại nhưng khi da đầu có nhiều dầu, nấm Malassezia sẽ phát triển tốt. Khi loại nấm này sinh sôi quá mức, chúng sẽ ăn một lượng lớn dầu trên da và dẫn đến mất cân bằng lượng dầu giữ ẩm tự nhiên. Sau đó, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách giải phóng axit oleic và gây ra phản ứng viêm.
Tuy nhiên, không phải ai có da đầu nhờn cũng bị viêm da tiết bã. Mức độ phản ứng viêm còn phụ thuộc vào hệ miễn dịch của mỗi người. Những người có đáp ứng miễn dịch bất thường hoặc đáp ứng miễn dịch quá mức với nấm Malassezia sẽ dễ bị viêm da tiết bã hơn và khi bị bệnh thì thường nghiêm trọng hơn bình thường.
Tình trạng da đầu tiết quá nhiều dầu có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau đây:
- Mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể: Androgen là hormone có chức năng kiểm soát trực tiếp hoạt động tiết dầu của các tuyến bã nhờn. Nồng độ Androgen tăng cao sẽ khiến cho các tuyến bã nhờn tiết ra nhiều dầu hơn bình thường.
- Thời tiết hanh khô kích thích tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu hơn để duy trì độ ẩm cho da.
- Sử dụng các loại hóa chất như thuốc nhuộm tóc hoặc thuốc duỗi tóc khiến cho da đầu bị khô. Tuyến bã nhờn sẽ phản ứng lại bằng cách tiết thêm dầu để giữ ẩm cho da đầu.
- Ăn một số chất dinh dưỡng làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn, chẳng hạn như axit béo và vitamin B.
- Một bệnh lý về thần kinh ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hoạt động của tuyến bã nhờn như bệnh Parkinson hoặc trầm cảm.
- Ngoài da đầu nhờn, những người có hệ miễn dịch yếu cũng có nguy cơ bị viêm da đầu cao hơn, chẳng hạn như:
- Người mắc các bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch như ung thư, AIDS, viêm tụy do rượu
- Người vừa mới hồi phục sau các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim
- Những người mới phải trải qua một ca đại phẫu, chẳng hạn như ghép tạng
Ngoài những yếu tố nêu trên còn có một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến bã nhờn hoặc làm suy yếu chức năng miễn dịch và làm tăng nguy cơ viêm da đầu, ví dụ như căng thẳng, nghỉ ngơi không đủ, suy nhược, hút thuốc lá, uống rượu, dùng một số loại thuốc và mắc các bệnh di truyền.
Khi nào cần đi khám?
Viêm da đầu không phải một bệnh nghiêm trọng. Nếu viêm da đầu không phải do một bệnh lý khác gây ra thì có thể tự điều trị mà không cần phải đi khám bác sĩ. Người bệnh chỉ cần thay đổi một số thói quen và tránh các yếu tố khiến cho da đầu bị viêm. Thông thường sau một thời gian, tình trạng viêm da đầu sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên, nên đi khám nếu như:
- Da đầu bị ngứa ngáy, khó chịu nhiều đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, không thể tập trung vào công việc và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Tình trạng ngứa ngáy, gãi đầu liên tục và các mảng da đầu bong tróc gây xấu hổ, mất tự tin.
- Đã thay đổi thói quen và sử dụng các sản phẩm trị gàu mà tình trạng vẫn không khỏi.
- Nếu bệnh gây quá nhiều phiền toái hoặc đã thử nhiều cách mà không thấy cải thiện thì nên đi khám vì nếu để lâu, viêm da đầu có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như rối loạn lo âu hay trầm cảm.
- Nếu điều trị mãi mà không khỏi thì có thể viêm da đầu là do hệ miễn dịch đang có vấn đề và điều này có thể là kết quả của các bệnh nghiêm trọng như ung thư. Do đó, cần đi khám để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Mặc dù viêm da đầu không gây rụng tóc và mỏng tóc nhưng sẽ gây ngứa. Gãi nhiều sẽ làm tổn thương da đầu và gây rụng tóc. Các phương pháp để điều trị rụng tóc, tóc thưa mỏng và hói đầu gồm có:
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
- Tiêm tế bào gốc nang tóc
- Laser LLLT
- Laser Fotona
- Thuốc trị rụng tóc
- Cấy tóc tự thân
Triệu chứng của viêm da đầu
Đa số các triệu chứng của bệnh viêm da đầu đều có thể quan sát thấy bằng mắt thường, gồm có:
- Da đầu nhiều dầu, nhờn
- Những vùng da đầu bị viêm có các mảng vảy lớn, màu trắng hoặc vàng và vón cục do da dầu có dầu
- Da đầu có các mảng đỏ không có ranh giới rõ ràng
- Cảm giác ngứa ngáy dữ dội và khó chịu
Nếu còn có các triệu chứng khác như rụng tóc nhiều (rụng cả đầu hoặc rụng thành từng mảng), nổi mụn nước, sẹo, da đầu có các mảng đỏ có ranh giới rõ ràng, các vảy gàu dày, da đầu có mủ hoặc vết phồng rộp lớn thì hãy đi khám ngay.
Đây thường không phải là các triệu chứng của bệnh viêm da đầu mà là các bệnh nghiêm trọng hơn cần được bác sĩ kê thuốc điều trị như bệnh vảy nến, nấm da đầu hay áp-xe da đầu.
Điều trị viêm da đầu
Có nhiều phương pháp điều trị viêm da đầu và có thể cần kết hợp nhiều phương pháp cùng lúc để bệnh nhanh khỏi hơn. Ngoài ra, người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Các cách chính để điều trị viêm da đầu gồm có:
Sử dụng dầu gội có tác dụng giảm viêm da đầu
Có nhiều loại dầu gội trị gàu có tác dụng trị được cả gàu ướt và tình trạng viêm da đầu do dầu và nấm Malassezia.
Nên chọn các loại dầu gội có chứa thành phần giúp kiểm soát dầu, diệt nấm và làm giảm tốc độ thay tế bào da vì quá trình thay tế bào da diễn ra quá nhanh do phản ứng viêm là nguyên nhân khiến cho da đầu bị bong tróc và tạo thành các vảy gàu. Một số thành phần có những công dụng kể trên gồm có:
- Ketoconazole: có tác dụng diệt nấm Malassezia
- Kẽm Pyrithione: giúp giảm nấm Malassezia trên da đầu.
- Piroctone olamine: giảm nấm Malassezia.
- Selenium sulfide: diệt nấm Malassezia và làm chậm quá trình thay tế bào da.
- Coal tar (nhựa than đá): giúp làm giảm sự bong tróc da đầu
- Tinh dầu tràm trà (tea tree oil): giúp kiểm soát dầu trên da đầu
- Salicylic acid: giúp tế bào chết bong khỏi da đầu một cách dễ dàng và giảm nhờn nhưng thành phần này có thể gây khô da đầu
Trên thị trường có rất nhiều loại dầu gội trị gàu với các thành phần khác nhau. Trước khi chọn mua nên đọc kỹ bảng thành phần, chọn những sản phẩm có thành phần phù hợp và tránh những thành phần có thể gây kích ứng hay dị ứng. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và theo dõi tình trạng da đầu trong thời gian sử dụng xem các triệu chứng có thuyên giảm hay không. Nếu như da đầu càng ngứa nặng hơn, nhiều gàu hơn hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng mới thì hãy ngừng sử dụng ngay. Sau đó có thể đổi sang loại dầu gội khác cho đến khi tìm được sản phẩm phù hợp nhất với mình. Nhưng nếu đã dùng dầu gội trị gàu trong 12 tuần mà các triệu chứng vẫn không cải thiện thì nên đi khám để xác định nguyên nhân. Rất có thể nguyên nhân gây ra các triệu chứng là do một bệnh lý tiềm ẩn không thể tự điều trị.
Điều trị bằng thuốc steroid
Trong trường hợp viêm da đầu nghiêm trọng hoặc không thể điều trị bằng các phương pháp khác, bác sĩ có thể sẽ kê steroid tại chỗ để điều chỉnh đáp ứng miễn dịch.
Steroid ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và từ đó làm giảm phản ứng viêm. Nếu không thể sử dụng steroid, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác để giảm viêm như tacrolimus hoặc pimecrolimus.
Người bệnh không được tự ý mua và sử dụng steroid mà phải có đơn của bác sĩ vì những loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách.
Thuốc kháng nấm
Terbinafine là một trong những loại thuốc kháng nấm được sử dụng phổ biến nhất. Thuốc này có cả dạng viên uống và dạng bôi ngoài da. Dạng bôi chỉ dùng được cho người lớn. Nếu trẻ nhỏ có dấu hiệu viêm da đầu, bố mẹ không được tự mua thuốc về điều trị mà phải đưa trẻ đi khám để được bác sĩ kê thuốc.
Các bác sĩ thường chỉ kê terbinafine khi thực sự cần thiết vì thuốc này có khá nhiều tác dụng phụ. Dạng bôi có thể gây kích ứng, phát ban. Dạng uống có thể gây chán ăn, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, đau nhức cơ và khớp.
Liệu pháp ánh sáng
Đây cũng là một phương pháp điều trị viêm da đầu. Liệu pháp ánh sáng sử dụng tia cực tím bước sóng A (UVA) kết hợp với thuốc psoralen – một chất làm cho da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng và đồng thời, ánh sáng sẽ kích thích thuốc phản ứng với da. Phương pháp này được sử dụng trong những trường hợp bệnh kháng thuốc. Liệu pháp ánh sáng cần được thực hiện ít nhất một lần mỗi tuần trong 3 - 4 tháng.
Liệu pháp ánh sáng cần được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra những vấn đề không mong muốn như tổn thương da.
Cách chăm sóc tóc khi bị viêm da đầu
Mặc dù viêm da đầu có thể tự hết nhưng vẫn nên điều trị để bệnh nhanh khỏi và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày.
Kể cả khi đã điều trị khỏi, bệnh vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Ngoài các phương pháp điều trị kể trên, người bệnh cần biết cách chăm sóc tóc và da đầu để kiểm soát các triệu chứng viêm da đầu và ngăn ngừa bệnh tái phát trong tương lai.
Cách chăm sóc tóc và da đầu để giảm các triệu chứng và ngăn ngừa viêm da đầu:
- Gội đầu thường xuyên bằng dầu gội dịu nhẹ và dầu gội trị gàu để giữ cho tóc và da đầu luôn sạch sẽ
- Không gội đầu bằng nước quá lạnh hay quá nóng
- Cố gắng hạn chế căng thẳng và dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc
- Ngủ đủ giấc
- Thi thoảng để da đầu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, điều này sẽ giúp làm giảm nấm
- Tránh sử dụng hóa chất trên tóc và da đầu, chẳng hạn như thuốc nhuộm tóc, thuốc duỗi tóc hay thuốc tẩy tóc, đặc biệt là các sản phẩm có chứa cồn
- Không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia
Tóm tắt bài viết
Viêm da đầu không phải là một vấn đề nguy hiểm nhưng các triệu chứng của bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và gây mất tự tin. Hơn nữa, đôi khi viêm da đầu là do một bệnh lý tiềm ẩn gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Mặc dù có thể tự khỏi hoặc được chữa khỏi nhưng viêm da đầu có thể tái phát bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là phải chăm sóc tốt cho tóc và da đầu để ngăn ngừa sự sinh sôi quá mức của nấm và giảm nguy cơ viêm da đầu.
Giống như tóc, lông mày cũng có thể bị rụng và thưa đi hoặc ngừng phát triển. Bạn có thể gặp phải vấn đề này vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là các nguyên nhân gây rụng lông mày và các phương pháp điều trị.
Bệnh hói đầu có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới
Hói đỉnh đầu có những nguyên nhân nào và cách điều trị như thế nào. Rất nhiều người quan tâm về vấn đề này, chi tiết sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây...
Rụng tóc từng mảng là bệnh có thể tự khỏi. Rụng tóc từng mảng không phải vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu nguyên nhân là do hệ miễn dịch có vấn đề thì cần phải có biện pháp điều trị để ngăn ngừa rụng tóc về lâu dài.
Rụng tóc sau sinh là một triệu chứng bình thường, có thể xay ra do thay đổi nội tiết tố
- 14 trả lời
- 4332 lượt xem
Tôi 23 tuổi sắp sang tuổi 24. Tôi có khuôn mặt trẻ con baby đến mức không thể chịu được. Trông tôi không giống với độ tuổi của mình, luôn trẻ hơn khoảng 5,6 tuổi. Lúc nào tôi cũng được nhận xét là có khuôn mặt trẻ con, điều này làm tôi rất mệt mỏi. Tôi không thể mọc bất kỳ sợi lông nào trên mặt, hoặc nếu có thì chỉ sau 1 tuần lại láng mịn. Nghĩa là tôi không thể để kiểu ria mép goatee hay thậm chí là một bộ râu mà thực sự khiến tôi cảm thấy tốt hơn. Có cách nào để kích thích mọc râu trên mặt không?
- 9 trả lời
- 1949 lượt xem
Tôi có một vị trí mất tóc ở ngay bên trên tai. Vùng tóc mai của tôi trông có vẻ cao hơn và gần như biến mất. Một bên đường viền chân tóc thực sự trông không còn rõ nét từ trước khi tôi thực hiện căng da mặt, trong khi bên kia hoàn toàn bình thường. Giờ tôi có thể làm gì để khắc phục tình trạng này?
- 8 trả lời
- 4918 lượt xem
Tôi ghét vầng trán quá cao của mình và tự hỏi liệu có thể thu gọn nó bằng quy trình cấy tóc không, hạ thấp đường viền chân tóc xuống được không?
- 10 trả lời
- 6713 lượt xem
Bao lâu sau khi cấy tóc bệnh nhân có thể được sử dụng các loại máy sấy tóc, gel tạo kiểu, hoặc có thể duỗi thẳng hay nhuộm tóc không? Và nang cấy có thể được lấy ở bất cứ đâu trên cơ thể?
- 4 trả lời
- 2730 lượt xem
Xin chào, cách đây 1 tháng tôi đã thực hiện cấy tóc bằng kỹ thuật FUE. Hiện tại dường như chẳng có gì đang xảy ra, ý tôi là da đầu rất mịn, không có lỗ hay chân tóc gì cả.