Chiết xuất rau má có lợi ích gì cho da?
Rau má (tên khoa học là Centella asiatica) là một loài cây nhỏ, mọc bò ở những vùng ẩm mát, có thân mảnh mai, nhẵn, rễ ở các mấu và viền lá có răng cưa. Rau má có mùi hơi hăng, vị hơi đắng và tính hàn, không độc. Từ xa xưa loài cây này đã được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và ngày nay vẫn là một vị thuốc trong y học cổ truyền. Bên cạnh đó, chiết xuất rau má còn được sử dụng trong nhiều sản phẩm chăm sóc da, thường là các sản phẩm có tác dụng làm dịu da và chống lão hóa.
Các hoạt chất trong rau má
Rau má chứa một nhóm hợp chất hoạt tính tên là triterpenoid, gồm có asiaticoside, madecassoside, axit asiatic và axit madecassic. Những hóa chất thực vật này giúp cho rau má có tác dụng làm dịu da và chống lão hóa. Chất asiaticoside trong rau má đã được chứng minh là có tác dụng kích thích sản xuất collagen, một loại protein quan trọng giúp duy trì sự săn chắc và trẻ trung cho làn da. Bên cạnh những hợp chất này, chiết xuất rau má còn chứa hàm lượng lớn axit béo, cả axit béo bão hòa và axit béo không bão hòa mang lại nhiều lợi ích cho da.
Các lợi ích của rau má đối với da
Nghiên cứu cho thấy khi thoa trực tiếp lên da, chiết xuất rau má mang lại nhiều lợi ích cho da như:
- Tăng cường sản sinh collagen
- Cải thiện độ ẩm và độ đàn hồi của da
- Làm mờ đường nhăn và nếp nhăn
- Tăng tốc độ chữa lành vết thương
- Làm mờ sẹo và vết rạn da
- Làm dịu các dạng viêm da như viêm da cơ địa
- Điều trị vết bỏng nhẹ
Nhờ những lợi ích này nên chiết xuất rau má là một thành phần chăm sóc da rất tốt cho làn da lão hóa, da tổn thương và da nhạy cảm. Các hợp chất triterpenoid trong rau má có tác dụng kích thích sản sinh collagen mới đồng thời giảm mẩn đỏ và viêm – một trong những nguyên nhân dẫn đến lão hóa da.
Tác dụng chống lão hóa da
Nhờ khả năng kích thích sản xuất collagen nên chiết xuất rau má có thể giúp chống lão hóa da. Trong một nghiên cứu, những người thoa kem dưỡng da chứa chiết xuất rau má đã nhận thấy độ đàn hồi của da tăng lên và làn da săn chắc hơn chỉ sau 4 tuần. Sau 8 tuần, những người này nhận thấy các nếp nhăn trên da giảm đi, da mịn màng và đều màu hơn.
Nghiên cứu này còn cho thấy chất asiaticoside trong rau má bảo vệ tế bào da khỏi tác hại của tia cực tím, chất gây ô nhiễm và các tác nhân gây hại từ môi trường khác – các yếu tố làm tăng tốc độ lão hóa da. Bằng cách bảo vệ làn da khỏi bị tổn hại và tích cực phục hồi những tổn thương, chiết xuất rau má giúp duy trì vẻ trẻ trung cho làn da.
Tác dụng phục hồi tổn thương da
Từ lâu, rau má đã được sử dụng để chữa lành vết thương và vết bỏng. Các nghiên cứu cũng đã xác nhận tác dụng tăng tốc độ chữa lành vết thương của loài cây này. Trong một nghiên cứu, những con chuột được điều trị bằng rau má đã lành vết thương nhanh hơn, ít hình thành sẹo hơn so với những con chuột không được điều trị bằng rau má.
Kem bôi chứa chiết xuất rau má có thể được sử dụng để giúp cho vết mổ sau phẫu thuật, vết bỏng và vết trầy xước lành lại nhanh hơn. Chiết xuất rau má kích thích sự tăng trưởng tế bào da mới đồng thời giảm viêm. Những điều này giúp tăng tốc độ phục hồi da và ngăn ngừa hình thành sẹo lồi.
Bột và dầu rau má
Thành phần rau má trong các sản phẩm dưỡng da có thể có dạng bột hoặc dạng dầu. Bột rau má được tạo ra bằng cách phơi khô lá rau má rồi nghiền mịn. Nhờ đó nên bột rau má giữ lại được các hợp chất hoạt tính như asiaticoside. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, dùng bột rau má để pha trà hoặc chiết xuất sẽ giúp cơ thể hấp thu được nhiều hoạt chất có lợi hơn.
Dầu rau má được tạo ra bằng cách ngâm lá rau má trong một loại dầu nền, ví dụ như dầu ô liu hoặc dầu dừa. Sau một thời gian, các hợp chất tan trong chất béo như triterpenoid trong lá rau má sẽ từ từ ngấm vào dầu. Dầu rau má chất lượng càng cao thì càng có nhiều lợi ích cho da. Hãy tìm loại dầu hữu cơ, được làm từ dầu nền ép lạnh để có kết quả tốt nhất.
Chiết xuất rau má có an toàn cho da không?
Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng chiết xuất rau má rất an toàn và không gây kích ứng cho da. Nhóm hoạt động vì môi trường (EWG) đánh giá chiết xuất rau má là một thành phần mỹ phẩm cực kỳ an toàn và bền vững. Cho dù sử dụng ở nồng độ cao thì chiết xuất rau má cũng không khiến da trở nên nhạy cảm. Chiết xuất rau má không độc hại và dịu nhẹ với da nên có thể dùng hàng ngày. Nhược điểm duy nhất là chiết xuất rau má chứa hàm lượng axit palmitic khá lớn, hợp chất này có thể gây bít tắc lỗ chân lông và làm tăng nguy cơ nổi mụn. Điều này có nghĩa là nếu bạn có làn da dễ bị mụn trứng cá thì không nên dùng chiết xuất rau má.
Chiết xuất việt quất đen (vaccinium myrtillus/bilberry) hay dầu hạt việt quất là một thành phần chăm sóc da có chứa các hợp chất có tác dụng chống lão hóa, làm dịu da và làm sáng da.
Từ lâu cam thảo đã được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và chăm sóc sắc đẹp nhờ những lợi ích đối với sức khỏe và đối với da. Hiện nay, chiết xuất cam thảo là một thành phần được sử dụng phổ biến trong nhiều sản phẩm chăm sóc da mặt như serum, kem dưỡng ẩm, kem chống lão hóa và kem chống nắng. Chiết xuất cam thảo có thể giúp khắc phục nhiều vấn đề về da và chỉ có rất ít tác dụng phụ.
Cúc La Mã (chamomile, tên khoa học là Chamomila recutita) là một loài hoa thuộc họ Cúc có cánh nhỏ màu trắng, nhụy vàng. Cúc La Mã thường được dùng làm trà nhưng cũng được dùng khá phổ biến trong mỹ phẩm làm đẹp.
Chắc hắn bạn đã ít nhất một lần nhìn thấy hoặc nghe quảng cáo về một sản phẩm dưỡng da chứa chiết xuất dưa leo. Đây là một thành phần có trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc da như sữa rửa mặt, toner, serum, kem dưỡng hay mặt nạ.
Cây phỉ (witch hazel, tên khoa học là Hamamelis virginiana) là một nhóm thực vật có hoa thuộc họ Kim mai (Hamamelidaceae) được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.