Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ
Nội dung chính của bài viết
- Ung thư biểu mô tại chỗ là một thuật ngữ được dùng để chỉ bệnh ung thư giai đoạn đầu.
- Giai đoạn này, các tế bào ung thư mới chỉ giới hạn ở trên bề mặt của cổ tử cung và chưa xâm nhập sâu hơn vào lớp mô bên dưới.
- Ung thư biểu mô tại chỗ không có bất cứ triệu chứng gì. Cần phải xét nghiệm Pap định kỳ để phát hiện vấn đề.
- Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh này. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp.
- Sau khi điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ, bệnh nhân sẽ cần đến tái khám và làm xét nghiệm Pap sau 3 đến 6 tháng một lần.
Ung thư biểu mô tại chỗ là gì?
Ung thư biểu mô tại chỗ (carcinoma in situ) là một thuật ngữ được dùng để chỉ bệnh ung thư giai đoạn đầu. Ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ còn được gọi là ung thư cổ tử cung giai đoạn 0. Đây là giai đoạn không xâm lấn, có nghĩa là các tế bào ung thư mới chỉ giới hạn ở trên bề mặt của cổ tử cung và chưa xâm nhập sâu hơn vào lớp mô bên dưới.
Cổ tử cung là phần hẹp, nằm giữa tử cung và ống âm đạo. Ung thư cổ tử cung bắt đầu hình thành trên bề mặt cổ tử cung và thường phát triển chậm. Nguyên nhân đa phần là do các chủng HPV (vi-rút u nhú ở người) gây ra. Đây là loại vi-rút lây truyền qua đường tình dục.
Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam có khoảng 4.200 ca mắc mới ung thư cổ tử cung vào năm 2018. Hầu hết những phụ nữ bị bệnh ung thư này đều dưới 55 tuổi. Ung thư cổ tử cung hiếm khi xảy ra ở phụ nữ dưới 20 tuổi. Căn bệnh này từng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ, nhưng số ca tử vong đã giảm đáng kể trong vòng 40 năm qua nhờ những phương pháp sàng lọc và điều trị mới.
Triệu chứng
Ung thư cổ tử cung thường chỉ biểu hiện triệu chứng khi đã sang đến các giai đoạn sau, vì vậy người bệnh không nhận thấy bất cứ biểu hiện nào ở giai đoạn ung thư biểu mô tại chỗ. Đó là lý do tại sao phụ nữ được khuyến nghị nên xét nghệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) định kỳ để phát hiện sớm những thay đổi tế bào bất thường ở cổ tử cung.
Nguyên nhân
Nhiễm HPV là yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Có hàng trăm chủng HPV khác nhau, được chia thành hai loại là HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có 10 chủng HPV nguy cơ cao có thể gây nên những thay đổi tế bào bất thường ở cổ tử cung và dẫn đến ung thư, nhưng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do chủng HPV 16 và HPV 18 gây ra.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, gồm có:
- Quan hệ tình dục với nhiều người
- Hút thuốc lá
- Hệ miễn dịch suy yếu do nhiễm HIV/AIDS, điều trị bằng hóa trị, xạ trị, dùng steroid trong thời gian dài…
- Bắt đầu quan hệ tình dục từ quá sớm
- Chế độ ăn ít trái cây và rau xanh
- Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài
- Bị mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, ví dụ như lậu, chlamydia…
Chẩn đoán bằng cách nào?
Ung thư cổ tử cung được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm Pap. Đây là thủ thuật lấy mẫu tế bào ở bề mặt cổ tử cung sau đó đem đi xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Phương pháp xét nghiệm HPV cũng có thể được thực hiện trên mẫu tế bào này để kiểm tra sự hiện diện của virus và để xem có các chủng HPV nguy cơ cao hay không.
Ngoài ra còn có một phương pháp chẩn đoán nữa là soi cổ tử cung. Bác sĩ bôi một loại dung dịch đặc biệt lên bề mặt cổ tử cung và sử dụng máy soi cổ tử cung để quan sát rõ bên trong và phát hiện những tế bào bất thường. Trong quá trình này, bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu mô nhỏ để làm xét nghiệm thêm. Thủ thuật này được gọi là sinh thiết. Mẫu mô cũng sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích và có thể đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
Nếu kết quả cho thấy tế bào ung thư biểu mô tại chỗ thì sẽ cần lấy một mẫu mô lớn hơn từ cổ tử cung. Trong đó, vùng tế bào bất thường được loại bỏ cùng với một vùng mô khỏe mạnh xung quanh.
Phương pháp điều trị
Việc điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ cũng tương tự như chứng loạn sản cổ tử cung. Mặc dù được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ nhưng thực chất các tế bào bất thường ở giai đoạn này mới chỉ là tế bào tiền ung thư vì không xâm lấn.
Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ gồm có:
- Cắt tử cung: đây là giải pháp cho những phụ nữ không còn ý định sinh con.
- Liệu pháp áp lạnh: đóng băng để tiêu diệt các tế bào bất thường.
- Phẫu thuật bằng laser hay bằng vòng điện: loại bỏ các mô bất thường bằng laser hoặc một vòng dây điện.
- Khoét chóp cổ tử cung: cắt đi một vùng mô lớn hơn, có hình nón ở cổ tử cung để đảm bảo loại bỏ toàn bộ các tế bào bất thường. Thủ thuật này ít được sử dụng cho những trường hợp ung thư biểu mô tại chỗ.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào tuổi tác, mong muốn duy trì khả năng sinh sản, tình trạng sức khỏe tổng thể và các yếu tố nguy cơ khác của người bệnh.
Theo dõi sau điều trị
Sau khi điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ, bệnh nhân sẽ cần đến tái khám và làm xét nghiệm Pap sau 3 đến 6 tháng một lần. Ung thư cổ tử cung có thể tái phát nhưng phương pháp xét nghiệm Pap và kiểm tra định kỳ sẽ giúp phát hiện và xử lý các tế bào bất thường ngay từ sớm.
Đôi khi, vì một số lý do nhất định mà phụ nữ sẽ cần phẫu thuật cắt đi cổ tử cung.
Liệu pháp áp lạnh là gì? Quy trình thực hiện như thế nào? Có những rủi ro gì?
Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào bất thường trên cổ tử cung phát triển một cách mất kiểm soát.
Cắt tử cung là quy trình phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung của người phụ nữ.
Mục đích của phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung là để chẩn đoán các vấn đề bất thường xảy ra ở tử cung hoặc để loại trừ các bệnh khác.