Bạn biết gì về hormone điều chỉnh cân nặng leptin và kháng leptin?
Nhiều người cho rằng nguyên nhân gây thừa cân, béo phì đơn thuần là do tham ăn hay lười vận động nhưng khoa học đã chứng minh điều này không hoàn toàn đúng.
Cảm giác đói và no được kiểm soát bởi nhiều hormone khác nhau trong cơ thể, trong đó có hormone leptin.
Kháng leptin, tình trạng mà cơ thể không phản ứng với hormone này, cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tăng cân và tích mỡ thừa.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về hormone leptin và mối liên hệ với thừa cân, béo phì.
Leptin là gì và có những chức năng nào?
Leptin là một loại hormone được sản xuất bởi các tế bào mỡ trong cơ thể.
Leptin thường được gọi là “hormone tạo cảm giác no” hay “hormone điều chỉnh cân nặng”.
Mục tiêu chính mà leptin nhắm đến là não bộ, đặc biệt là vùng dưới đồi.
Khi cơ thể đã có đủ lượng chất béo tích trữ thì leptin có nhiệm vụ báo cho não bộ biết rằng không cần ăn thêm nữa và có thể đốt cháy calo ở mức bình thường.
Hormone này còn thực hiện nhiều chức năng khác liên quan đến khả năng sinh sản, miễn dịch và chức năng não bộ.
Tuy nhiên, vai trò chính của leptin là điều chỉnh mức năng lượng về lâu dài, gồm có lượng calo nạp vào trong chế độ ăn và calo tiêu hao hàng ngày, cũng như lượng chất béo được dự trữ trong cơ thể.
Leptin giữ cho chúng ta không bị chết đói hoặc ăn quá nhiều và trước đây, khi còn phải săn bắt hái lượm thì điều này giúp con người tồn tại được trong môi trường tự nhiên.
Ngày nay, khi nguồn thực phẩm đã đầy đủ và nguy cơ béo phì tăng cao, leptin là hormone rất quan trọng trong việc giúp kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ và ngăn chúng ta nạp vào quá nhiều đồ ăn. Nhưng đôi khi, hormone này lại không thể hoạt động được một cách bình thường.
Tóm tắt: Leptin là một loại hormone được sản xuất bởi các tế bào mỡ trong cơ thể. Vai trò chính của hormone này là điều chỉnh sự tích trữ chất béo, lượng calo nạp vào và lượng calo đốt cháy.
Cơ chế hoạt động
Leptin được sản xuất bởi các tế bào mỡ của cơ thể. Vì thế nên càng có nhiều mỡ thì nồng độ leptin càng cao.
Leptin được dòng máu đưa đến não bộ và tại đây, hormone gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi – khu vực kiểm soát thời gian và lượng thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ.
Các tế bào mỡ sử dụng leptin để cho não biết chúng đang chứa bao nhiêu chất béo. Nồng độ leptin cao cho não bộ biết rằng cơ thể đang có nhiều chất béo tích trữ và ngược lại, nồng độ leptin thấp sẽ báo cho não rằng chỉ còn ít chất béo và cần phải ăn thêm.
Khi ăn, lượng chất béo trong cơ thể sẽ tăng lên và mức leptin cũng tăng theo. Sau đó, não bộ sẽ chỉ đạo ăn ít đi và đốt cháy nhiều calo hơn.
Ngược lại, khi không ăn, lượng chất béo trong cơ thể sẽ giảm xuống và mức leptin cũng giảm. Lúc này, não lại chỉ đạo ăn nhiều thêm và đốt cháy ít calo hơn.
Hệ thống này được coi là một vòng phản hồi tiêu cực (negative feedback loop) và cũng tương tự như cơ chế kiểm soát nhiều chức năng sinh lý khác của cơ thể, chẳng hạn như hít thở, thân nhiệt và huyết áp.
Tóm tắt: Chức năng chính của leptin là gửi tín hiệu cho não biết lượng chất béo được tích trữ trong các tế bào mỡ của cơ thể.
Kháng leptin là gì?
Những người béo phì có rất nhiều chất béo trong các tế bào mỡ.
Vì các tế bào mỡ sản xuất lượng leptin tương ứng với kích thước của chúng nên những người béo phì cũng có lượng leptin ở mức rất cao.
Do cơ chế hoạt động của leptin là báo cho não bộ biết khi nào thì cơ thể đã có đủ chất béo để ngừng ăn nên đáng lẽ, những người béo phì có thể tự động ăn ít đi.
Tuy nhiên, ở nhiều người béo phì, leptin lại không thực hiện được chức năng gửi tín hiệu một cách bình thường. Mặc dù lượng leptin ở mức cao nhưng lại không thể giao tiếp được với não bộ.
Tình trạng này được gọi là kháng leptin và hiện được cho là một trong những nguyên nhân chính gây béo phì.
Khi não không nhận được tín hiệu của leptin, nó sẽ tưởng rằng cơ thể vẫn đang đói, mặc dù thực tế là đã dự trữ nhiều năng lượng.
Điều này làm cho não thay đổi hoạt động để tăng lượng chất béo trong cơ thể. Khi đó, não sẽ chỉ đạo:
- Ăn nhiều hơn: Bộ não nghĩ rằng bạn phải ăn thêm để tránh bị đói.
- Giảm tiêu hao năng lượng: Não làm giảm mức năng lượng của cơ thể để khiến bạn hoạt động ít đi và ngoài ra còn giảm lượng calo đốt cháy khi nghỉ ngơi.
Vì vậy, ăn nhiều và ít vận động không phải là nguyên nhân gốc rễ gây tăng cân mà là hậu quả có thể xảy ra do tình trạng kháng leptin - một dạng rối loạn nội tiết tố.
Ở hầu hết những người bị kháng leptin, việc chống lại cảm giác đói là điều vô cùng khó khăn.
Tóm tắt: Những người béo phì có lượng leptin cao nhưng hormone này lại không thể thực hiện chức năng gửi tín hiệu đến não bộ như bình thường do tình trạng kháng leptin. Kháng leptin gây ra cảm giác đói cồn cào và giảm lượng calo đốt cháy.
Ảnh hưởng của kháng leptin đến giảm cân
Kháng leptin là một trong những lý do khiến nhiều chế độ ăn kiêng không thể đem lại hiệu quả giảm cân về lâu dài.
Giảm cân sẽ vẫn làm giảm lượng mỡ và dẫn đến giảm đáng kể mức leptin nhưng không thể khắc phục được tình trạng kháng leptin.
Nồng độ leptin giảm xuống sẽ dẫn đến tăng cảm giác đói, thèm ăn, giảm động lực tập thể dục và giảm lượng calo đốt cháy khi nghỉ ngơi.
Lúc này, não lại cho rằng bạn đang bị đói và bắt đầu nhiều cơ chế khác nhau để khôi phục lại lượng mỡ mà cơ thể đã mất.
Đây là lý do chính tại sao rất nhiều người dù đã giảm được một số cân nặng lớn nhờ ăn kiêng nhưng lại nhanh chóng tăng cân trở lại ngay sau đó.
Tóm tắt: Khi một người giảm mỡ, lượng leptin sẽ giảm đáng kể. Bộ não hiểu đây là một tín hiệu đói nên thay đổi cơ chế sinh học và hoạt động để lấy lại lượng mỡ đã mất.
Nguyên nhân nào gây kháng leptin?
Có một số nguyên nhân đằng sau sự kháng leptin, gồm có:
- Phản ứng viêm: Tín hiệu viêm ở vùng dưới đồi có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng leptin ở cả động vật và người.
- Axit béo tự do: Nồng độ axit béo tự do cao trong máu có thể làm tăng sự chuyển hóa chất béo trong não và cản trở tín hiệu của leptin.
- Nồng độ leptin cao: Nồng độ leptin cao có thể gây ra kháng leptin.
Hầu hết các nguyên nhân này đều được khuếch đại bởi tình trạng béo phì, có nghĩa là sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn: tăng cân - kháng leptin – rồi lại tiếp tục tăng cân.
Tóm tắt: Các nguyên nhân tiềm ẩn của kháng leptin gồm có phản ứng viêm, tăng axit béo tự do và mức leptin cao.
Có thể khắc phục kháng leptin không?
Cách tốt nhất để biết bạn có kháng leptin hay không là soi gương.
Nếu có nhiều mỡ trong cơ thể, đặc biệt là ở vùng bụng thì gần như chắc chắn là đã bị kháng leptin.
Hiện khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về việc làm thế nào để khắc phục tình trạng kháng leptin nhưng đã có rất nhiều giả thuyết.
Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc giảm phản ứng viêm trong cơ thể bằng chế độ ăn uống có thể giúp đảo ngược tình trạng kháng leptin. Duy trì một lối sống lành mạnh cũng có thể giúp ích cho vấn đề này.
Dưới đây là một số cách bạn có thể thử để cải thiện kháng leptin:
- Hạn chế tối đa thực phẩm đã qua chế biến sẵn: Những thực phẩm đã qua chế biến nhiều sẽ ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của đường ruột và gây tăng phản ứng viêm trong cơ thể.
- Ăn nhiều chất xơ hòa tan: Ăn nhiều chất xơ hòa tan có thể giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và chống lại bệnh béo phì.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất có thể giúp đảo ngược tình trạng kháng leptin.
- Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể dẫn đến nhữngvấn đề với hormone leptin.
- Giảm nồng độ triglyceride: Nồng độ triglyceride cao có thể ngăn cản quá trình vận chuyển leptin từ máu đến não. Cách tốt nhất để giảm triglyceride là giảm lượng carb trong chế độ ăn.
- Ăn nhiều protein: Ăn nhiều thực phẩm giàu protein có thể giảm cân và điều này có thể là kết quả của sự tăng độ nhạy leptin.
Mặc dù không có cách nào đơn giản để chấm dứt hoàn toàn tình trạng kháng leptin nhưng bạn có thể thực hiện những thay đổi trong lối sống về lâu dài để cải thiện vấn đề này.
Tóm tắt: Mặc dù tình trạng kháng leptin có thể được khắc phục nhưng cần phải thực hiện và duy trì một số thay đổi trong chế độ ăn uống cũng như là lối sống.
Tóm tắt bài viết
Kháng leptin là một trong những nguyên nhân chính gây tăng cân và khó giảm cân ở nhiều người.
Như vậy, béo phì không phải lúc nào cũng là do thiếu ý thức trong ăn uống và ăn quá nhiều.
Nếu lo lắng rằng mình bị kháng leptin thì bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn và lối sống để cải thiện vấn đề.
Không giống với các chế độ ăn kiêng ít carb khác như Keto, chế độ ăn Atkins rất linh hoạt. Bạn sẽ chỉ cần hạn chế lượng carb tiêu thụ ở mức thấp trong hai tuần của giai đoạn đầu.
Chế độ ăn thuần chay được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau, từ lý do tôn giáo, mong muốn bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hay để cải thiện sức khỏe và giảm cân.
Việc kiểm tra cân nặng hàng ngày giúp giảm cân hiệu quả hơn và ít tăng cân trở lại sau giảm hơn.
Vitamin D và cân nặng có một mối liên hệ khá phức tạp.
Có rất nhiều thay đổi đơn giản mà bạn có thể thực hiện để duy trì kết quả có được sau khi giảm cân về lâu dài, gồm có những thay đổi trong chế độ ăn, tập luyện, giấc ngủ và sức khỏe tinh thần.