1

Ung thư âm đạo: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Khi ung thư âm đạo được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu thì tỷ lệ sống là rất cao.
Ung thư âm đạo: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị Ung thư âm đạo: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Nội dung chính của bài viết

  • Ung thư âm đạo là một loại ung thư hiếm gặp phát sinh từ âm đạo.
  • Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư âm đạo là chảy máu âm đạo bất thường. 
  • Ngoài ra, dịch tiết âm đạo loãng, đau khi đi tiểu, đi tiểu nhiều, đau nhức ở vùng chậu và hình thành lỗ rò cũng là những biểu hiện của ung thư âm đạo.
  • Virus HPV hay phơi nhiễm với diethylstilbestrol (DES) trong bụng mẹ là những nguyên nhân chủ yếu gây ung thư âm đạo.
  • Xạ trị là phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến nhất ở tất cả các giai đoạn của ung thư âm đạo.
  • Ung thư âm đạo được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu thì tỷ lệ sống là rất cao.

Ung thư âm đạo là gì?

Ung thư âm đạo là một loại ung thư hiếm gặp phát sinh từ âm đạo. Theo số liệu của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), ung thư âm đạo chỉ chiếm khoảng 1% tổng số ca ung thư bộ phận sinh dục ở phụ nữ.

Có một số loại ung thư âm đạo chính gồm có:

  • Ung thư tế bào vảy: bắt đầu từ lớp niêm mạc âm đạo và tiến triển chậm, chiếm khoảng 75% số ca ung thư âm đạo.
  • Ung thư biểu mô tuyến: bắt đầu trong các tế bào tuyến của âm đạo – các tế bào có vai trò sản xuất dịch bôi trơn. Loại ung thư này xảy ra chủ yếu ở phụ nữ trên 50 tuổi và là loại ung thư âm đạo phổ biến thứ hai.
  • Ung thư tế bào hắc tố: loại ung thư này bắt đầu trong các tế bào tạo màu sắc cho da.
  • Sarcoma âm đạo: chỉ chiếm khoảng 4% tổng số trường hợp ung thư âm đạo, bắt đầu phát triển từ mô liên kết hoặc các tế bào trong thành âm đạo.

Khi ung thư âm đạo được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu thì tỷ lệ sống là rất cao.

Các loại ung thư âm đạo

Ung thư âm đạo được phân loại dựa trên loại tế bào nơi ung thư bắt đầu phát sinh. Các loại ung thư âm đạo thường gặp gồm có:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy âm đạo: bắt đầu trong các tế bào dẹt nằm trên bề mặt của âm đạo. Đây là loại ung thư âm đạo phổ biến nhất.
  • Ung thư biểu mô tuyến âm đạo: bắt đầu trong các tế bào tuyến của âm đạo. Tế bào tuyến là những tế bào có nhiệm vụ tạo dịch bôi trơn.
  • Ung thư hắc tố âm đạo: phát triển từ các tế bào sản xuất sắc tố
  • Sarcoma âm đạo: phát triển trong các tế bào mô liên kết hoặc các tế bào cơ trong thành âm đạo

Triệu chứng ung thư âm đạo

Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư âm đạo là chảy máu âm đạo bất thường, gồm có chảy máu sau mãn kinh, chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục và ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, các triệu chứng khác còn có:

  • Dịch tiết âm đạo loãng
  • Đau đi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Đau nhức ở vùng chậu, đặc biệt là trong khi quan hệ tình dục
  • Hình thành lỗ rò khi ung thư tiến triển sang giai đoạn cuối

Ung thư âm đạo giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng. Trong những trường hợp này, bệnh chỉ có thể được phát hiện khi đi khám phụ khoa định kỳ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các nguyên nhân gây ung thư âm đạo gồm có:

  • Virus u nhú ở người (HPV): Loại virus lây qua đường tình dục này là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư âm đạo.
  • Mắc ung thư cổ tử cung: HPV là thủ phạm gây ung thư cổ tử cung và ung thư âm đạo.
  • Phơi nhiễm với diethylstilbestrol (DES) trong bụng mẹ: Thuốc này được sử dụng ở phụ nữ mang thai để ngăn ngừa sảy thai. Tuy nhiên, hiện diethylstilbestrol đã không còn được sử dụng nữa. Vì thế mà hiện nay, ung thư âm đạo do DES rất hiếm khi xảy ra.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư âm đạo gồm có:

  • Đã từng phẫu thuật cắt tử cung trước đây vì bất kỳ lý do nào (u xơ hay u ác tính)
  • Bị tân sinh trong biểu mô âm đạo (các tế bào trong âm đạo trở nên bất thường nhưng chưa phải là ung thư)
  • Hút thuốc lá (làm tăng nguy cơ ung thư âm đạo lên gấp đôi)
  • Trên 60 tuổi
  • Bị nhiễm HIV
  • Bắt đầu quan hệ tình dục từ sớm

Chẩn đoán ung thư âm đạo

Đầu tiên, bác sĩ sẽ lấy bệnh sử để hiểu rõ hơn về các triệu chứng và các yếu tố nguy cơ. Sau đó sẽ tiến hành kiểm tra vùng chậu và làm xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) để phát hiện các dấu hiệu và tế bào bất thường bên trong vùng âm đạo.

Nếu kết quả xét nghiệm Pap cho thấy có tế bào bất thường thì tiếp theo sẽ cần soi cổ tử cung. Đây là phương pháp sử dụng một dụng cụ phóng đại hình ảnh gọi là máy soi cổ tử cung để kiểm tra thành âm đạo và cổ tử cung nhằm xác định các tế bào bất thường nằm ở đâu.

Quá trình soi cổ tử cung cũng tương tự như khám phụ khoa thông thường. Bệnh nhân sẽ nằm ngửa lên bàn khám, bác sĩ dùng dụng cụ mỏ vịt mở rộng thành âm đạo và quan sát bằng máy soi cổ tử cung đặt ở cửa âm đạo. Khi đã xác định được vị trí có các tế bào bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để kiểm tra các tế bào có phải là ung thư hay không.

Nếu các tế bào đúng là ung thư thì tiếp theo sẽ cần đến các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI), cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cắt lớp positron (PET) để xem ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể hay chưa.

Xác định giai đoạn

Giai đoạn ung thư âm đạo được xác định dựa trên phạm vi lan rộng của tế bào ung thư. Có 4 giai đoạn chính và 1 giai đoạn tiền ung thư:

  • Tân sinh trong biểu mô âm đạo (VAIN): Tân sinh trong biểu mô âm đạo là một dạng tiền ung thư. Ở giai đoạn này, niêm mạc âm đạo có các tế bào bất thường nhưng chúng chưa phát triển hoặc lan rộng. VAIN không phải là ung thư.
  • Giai đoạn 1: Ung thư chỉ giới hạn bên trong thành âm đạo.
  • Giai đoạn 2: Tế bào ung thư đã lan đến vùng mô bên cạnh âm đạo nhưng chưa lan đến thành chậu.
  • Giai đoạn 3: Tế bào ung thư đã lan rộng hơn vào bên trong khoang chậu và thành chậu. Ở giai đoạn này, ung thư cũng có thể đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn 4: Giai đoạn 4 được chia thành hai giai đoạn nhỏ:
    • Ở giai đoạn 4A, ung thư đã lan đến bàng quang, trực tràng hoặc cả hai.
    • Ở giai đoạn 4B, ung thư đã lan rộng đến các cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn như phổi, gan hoặc các hạch bạch huyết ở xa.

Điều trị ung thư âm đạo

Ở giai đoạn 1 và ung thư mới chỉ giới hạn ở phần trên của âm đạo thì có thể cần phẫu thuật để loại bỏ khối u và một vùng nhỏ mô khỏe mạnh xung quanh. Bệnh nhân thường cần phải xạ trị sau phẫu thuật.

Xạ trị là phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến nhất ở tất cả các giai đoạn của ung thư âm đạo. Trong một số trường hợp, xạ trị được kết hợp với hóa trị. Tuy nhiên, mới có rất ít bằng chứng chứng minh lợi ích của hóa trị liệu đối với ung thư âm đạo.

Nếu đã từng xạ trị trước đây ở vùng âm đạo thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Lý do là bởi mỗi bộ phận của cơ thể chỉ có thể tiếp nhận một lượng phóng xạ nhất định. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u mà trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ:

  • chỉ khối u và một vùng nhỏ mô khỏe mạnh xung quanh
  • một phần hoặc toàn bộ âm đạo
  • hầu hết các cơ quan sinh dục hoặc cơ quan trong khoang chậu

Khi ung thư tiến triển sang giai đoạn 4B thì sẽ không thể chữa khỏi được nữa nhưng các phương pháp điều trị có thể làm giảm các triệu chứng. Trong những trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định xạ trị hoặc hóa trị. Bệnh nhân cũng có thể đăng ký tham gia các thử nghiệm lâm sàng để giúp các nhà nghiên cứu tìm ra phương pháp chữa trị mới.

Tiên lượng

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) ước tính tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư âm đạo là 47%. Tỷ lệ sống ở mỗi giai đoạn có sự khác biệt khá lớn. Ở giai đoạn 1 của ung thư âm đạo, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 75% nhưng khi sang giai đoạn 4 thì tỷ lệ sống chỉ còn từ 15 đến 50%. Tỷ lệ sống còn phụ thuộc vào phạm vi lan rộng của ung thư và vị trí mà ung thư đã di căn đến.

Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót khi mắc ung thư âm đạo, ví dụ như tuổi tác. Những phụ nữ trên 60 tuổi có tỷ lệ sống thấp hơn so với những người dưới 60. Những người có triệu chứng khi chẩn đoán và những người có khối u ở giữa hoặc phần dưới của âm đạo cũng có tỷ lệ sống sót thấp hơn.

Phòng ngừa ung thư âm đạo

Mặc dù không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư âm đạo nhưng có một số cách để giảm thiểu nguy cơ, ví dụ như:

  • Tránh nhiễm HPV bằng cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, dù là bất kỳ hình thức nào (đường âm đạo, đường miệng hoặc đường hậu môn) và tiêm vắc-xin phòng HPV.
  • Bỏ thuốc lá nếu hút: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ ung thư âm đạo cũng như là nhiều bệnh ung thư khác.
  • Hạn chế đồ uống có cồn: Đã có một số bằng chứng chỉ ra rằng uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ ung thư âm đạo.
  • Khám phụ khoa và xét nghệm Pap định kỳ nhằm phát hiện những tế bào tiền ung thư trước khi chúng phát triển thành ung thư hoặc phát hiện ung thư ngay từ giai đoạn đầu trước khi bệnh lan rộng và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh viêm vùng chậu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh viêm vùng chậu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Việc điều trị kịp thời nhiễm trùng lây qua đường tình dục có thể ngăn ngừa bệnh viêm vùng chậu.

U nang tuyến Bartholin: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
U nang tuyến Bartholin: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

U nang tuyến Bartholin là vấn đề hiếm gặp nhưng nếu xuất hiện thì rất dễ xử lý.

Hiểu và điều trị triệu chứng đau do ung thư buồng trứng
Hiểu và điều trị triệu chứng đau do ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng được cho là một trong những “kẻ giết người thầm lặng” vì nhiều phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh di căn (lan đến những khu vực, bộ phận khác trong cơ thể).

Kiểm soát triệu chứng ung thư buồng trứng giai đoạn cuối
Kiểm soát triệu chứng ung thư buồng trứng giai đoạn cuối

Khi đã lan sang các cơ quan khác trong cơ thể (di căn) thì không thể chữa khỏi ung thư được nữa. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp để giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khả năng lây truyền sẽ cao nhất khi có mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây