Xét nghiệm độ thẩm thấu niệu là gì?
Xét nghiệm độ thẩm thấu niệu là gì?
Độ thẩm thấu là nồng độ tất cả các hạt trong chất lỏng. Ví dụ, siro đặc, có đường có độ thẩm thấu cao hơn nhiều so với một cốc nước lọc chỉ có một chút đường. Xét nghiệm độ thẩm thấu niệu đo nồng độ một số hợp chất trong nước tiểu, gồm có clorua, đường, glucose (đường), kali, natri và ure.
Chức năng của thận là ngăn cản hoặc cho phép một số hạt nhất định đi vào nước tiểu để duy trì sự cân bằng trong cơ thể. Xét nghiệm độ thẩm thấu niệu được thực hiện để kiểm tra lượng nước và các hạt trong nước tiểu. Độ thẩm thấu niệu là một chỉ số cho biết chức năng của thận, qua đó giúp chẩn đoán một số vấn đề.
Xét nghiệm độ thẩm thấu niệu thường được thực hiện cùng xét nghiệm độ thẩm thấu máu hay huyết thanh. Nồng độ các chất sau đây có ảnh hưởng đến độ thẩm thấu máu:
- Muối (natri), là một trong những chất điện giải quan trọng nhất trong máu và nước tiểu
- Cồn
- Độc tố
- Glucose
Mục đích của xét nghiệm độ thẩm thấu niệu
Một trong các mục đích chính của xét nghiệm độ thẩm thấu niệu là để kiểm tra lượng nước trong cơ thể. Xét nghiệm độ thẩm thấu niệu còn giúp kiểm tra khả năng tạo nước tiểu. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm này nếu ngườii bệnh có các triệu chứng sau đây:
- Nồng độ natri trong máu cao hoặc thấp bất thường
- Đi tiểu nhiều
- Khát nước liên tục
- Thiếu tỉnh táo
- Buồn nôn
- Buồn ngủ thường xuyên vào ban ngày
- Co giật hoặc hôn mê
- Mất nước
- Tiêu chảy kéo dài
Xét nghiệm độ thẩm thấu niệu còn được thực hiện nhằm:
- đánh giá chức năng thận
- đánh giá sự cân bằng điện giải trong cơ thể và hoạt động của thận
- theo dõi hiệu quả của các loại thuốc điều trị bệnh
- đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị các bệnh lý ảnh hưởng đến độ thẩm thấu
Chuẩn bị trước xét nghiệm
Bạn nên ăn uống cân bằng trong vài ngày trước khi làm xét nghiệm. Có thể bạn sẽ phải hạn chế chất lỏng trong 12 đến 14 giờ trước khi lấy mẫu xét nghiệm, tùy theo hướng dẫn của bác sĩ.
Một số loại thuốc, chẳng hạn như dextran và sucrose, có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm độ thẩm thấu niệu. Vì lý do này nên bạn cần phải cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng.
Ngoài ra, cần cho bác sĩ biết nếu bạn mới chụp X-quang có sử dụng thuốc cản quang trong khoảng vài ngày trước ngày làm xét nghiệm. Thuốc cản quang có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Xét nghiệm độ thẩm thấu niệu được thực hiện như thế nào?
Trước tiên, bạn cần lấy nước tiểu giữa dòng. Nếu là phụ nữ, bạn cần vệ sinh sạch môi âm hộ và niệu đạo trước khi lấy mẫu nước tiểu. Nếu là nam giới, bạn sẽ phải làm sạch đầu dương vật. Sau khi làm sạch vùng xung quanh niệu đạo, đi tiểu một ít vào bồn cầu, sau đó dừng lại và đặt lọ đựng nước tiểu vào đúng vị trí để hứng nước tiểu. Tiếp tục đi tiểu cho đến khi nước tiểu đầy đến nửa lọ (không nên lấy nước tiểu đầy đến miệng lọ). Đi tiểu nốt vào bồn cầu. Đậy chặt nắp lọ, chú ý không chạm tay vào bên trong lọ để tránh mẫu nước tiểu bị nhiễm khuẩn.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm
Kết quả bình thường
Độ thẩm thấu niệu được đo bằng đơn bị milliosmole trên kilogam nước (mOsm/kg). Độ thẩm thấu niệu bình thường thường dao động trong khoảng 500 đến 850 mOsm/kg nhưng có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút.
Kết quả bất thường
Độ thẩm thấu niệu cao có thể là do các nguyên nhân như:
- Suy tim sung huyết
- Mất nước
- Lượng đường trong máu cao
- Tổn thương thận cấp tính
Độ thẩm thấu niệu cao cũng có thể xảy ra do bệnh Addison (hay còn gọi là suy tuyến thượng thận) - một bệnh lý hiếm gặp xảy ra khi tuyến thượng thận tạo ra quá ít hormone cortisol và aldosterone.
Một số nguyên nhân gây độ thẩm thấu niệu thấp gồm có:
- Uống quá nhiều nước
- Suy thận
- Hoại tử ống thận
Đôi khi, đái tháo nhạt hoặc cường aldosteron có thể gây ra độ thẩm thấu niệu thấp. Độ thẩm thấu niệu sẽ dao động khi cơ thể phản ứng và điều chỉnh sự mất cân bằng nước tạm thời. Xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp phát hiện sự mất cân bằng này nhưng không thể xác định chính xác nguyên nhân. Tùy thuộc vào kết quả mà bạn sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác.
Tóm tắt bài viết
Độ thẩm thấu niệu đo nồng độ các chất hòa tan trong nước tiểu. Độ thẩm thấu niệu cao hay thấp đều chỉ ra những bất thường trong cơ thể. Có nhiều nguyên nhân khiến độ thẩm thấu niệu thay đổi, trong đó có những nguyên nhân tương đối dễ khắc phục, chẳng hạn như mất nước. Nguyên nhân cũng có thể là do các vấn đề sức khỏe như suy tim sung huyết, lượng đường trong máu cao, tổn thương thận hay hoại tử ống thận. Lượng nước tiểu tăng và độ thẩm thấu niệu cao có thể xảy ra do cơ thể đào thải một số chất, chẳng hạn như lượng glucose dư thừa trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây tăng hoặc giảm độ thẩm thấu niệu.
Xét nghiệm ADH đo nồng độ hormone chống bài niệu trong máu. Đây là hormone giúp thận kiểm soát lượng nước trong cơ thể. Xét nghiệm này thường được kết hợp với các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân khiến nồng độ ADH trong máu quá cao hoặc quá thấp.
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là một phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện các vấn đề được biểu hiện qua dấu hiệu bất thường trong nước tiểu.
Creatinin là một trong những chất mà thận loại bỏ khỏi cơ thể. Đo nồng độ creatinin trong máu sẽ giúp kiểm tra chức năng thận.
Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.