1

Viêm khớp tự phát thiếu niên điều trị bằng cách nào?

Viêm khớp tự phát thiếu niên (juvenile idiopathic arthritis - JIA), trước đây gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên, là loại viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em.
Viêm khớp tự phát thiếu niên điều trị bằng cách nào? Viêm khớp tự phát thiếu niên điều trị bằng cách nào?

Viêm khớp là một tình trạng kéo dài gây ra các triệu chứng như sưng, đau và cứng khớp.

Viêm khớp tưởng chừng là một vấn đề chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nhưng trên thực tế, trẻ em cũng có thể bị viêm khớp. Một số trẻ chỉ bị viêm khớp trong vài tháng, vài năm nhưng một số lại phải sống chung với tình trạng này suốt đời.

Nguyên nhân chính xác gây viêm khớp tự phát thiếu niên vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng đây là một bệnh tự miễn. Bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tưởng nhầm các tế bào khỏe mạnh của cơ thể là mối đe dọa và tấn công các tế bào này.

Hầu hết các trường hợp viêm khớp tự phát thiếu niên đều nhẹ nhưng những ca bệnh nặng có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như tổn thương khớp và đau mạn tính. Cha mẹ cần nhận biết được các triệu chứng bệnh và đưa con đi khám khi thấy có biểu hiện bất thường. Điều trị sớm sẽ giúp ngăn bệnh tiến triển và phát sinh biến chứng.

Mục đích của các phương pháp điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên:

  • Giảm viêm
  • Giảm đau
  • Cải thiện chức năng khớp
  • Ngăn ngừa hư hỏng khớp

Những điều này sẽ giúp trẻ có thể vận động và sinh hoạt một cách bình thường.

Triệu chứng của bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên gồm có:

  • Đau khớp
  • Cứng khớp
  • Giảm phạm vi chuyển động
  • Khớp nóng, đỏ và sưng
  • Dáng đi tập tễnh
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Thường xuyên bị sốt

Viêm khớp tự phát thiếu niên có thể xảy ra ở một hoặc nhiều khớp. Trong một số trường hợp, tình trạng này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây phát ban, sốt và sưng hạch. Tình trạng này được gọi là viêm khớp tự phát thiếu niên toàn thân (systemic juvenile idiopathic arthritis), xảy ra ở khoảng 10% số trường hợp viêm khớp tự phát thiếu niên.

Các loại viêm khớp tự phát thiếu niên

Viêm khớp tự phát thiếu niên được chia thành 6 loại:

  • Viêm khớp tự phát thiếu niên toàn thân (systemic JIA): Loại viêm khớp tự phát thiếu niên ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bao gồm khớp, da và các cơ quan nội tạng.
  • Viêm khớp tự phát thiếu niên thể viêm ít khớp (oligoarticular JIA): tình trạng viêm xảy ra ở dưới 5 khớp. Khoảng một nửa số trẻ em bị viêm khớp mắc thể này.
  • Viêm khớp tự phát thiếu niên thể viêm đa khớp (polyarticular JIA): tình trạng viêm xảy ra ở 5 khớp trở lên. Trẻ mắc thể này có thể dương tính hoặc âm tính với yếu tố dạng thấp (RF).
  • Viêm khớp vảy nến thiếu niên (juvenile psoriatic arthritis): Loại viêm khớp xảy ra cùng với bệnh vảy nến.
  • Viêm khớp tự phát thiếu niên liên quan đến viêm điểm bám gân (enthesitis-related JIA): tình trạng viêm xảy ra ở vị trí gân và dây chằng bám vào xương.
  • Viêm khớp không thể xác định: có triệu chứng của từ hai loại viêm khớp thiếu niên trở lên hoặc không đáp ứng tiêu chí của bất kỳ loại viêm khớp thiếu niên nào.

Càng có nhiều khớp bị viêm thì tình trạng bệnh càng nặng.

Chẩn đoán viêm khớp tự phát thiếu niên

Trước tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về bệnh sử chi tiết.

Sau đó, trẻ sẽ được lấy mẫu máu để làm các xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm CRP: đo lượng protein phản ứng C (C-reactive protein - CRP) trong máu. CRP là chất mà gan tạo ra khi có phản ứng viêm. Do đó, xét nghiệm CRP giúp phát hiện tình trạng viêm trong cơ thể. Một xét nghiệm khác giúp phát hiện tình trạng viêm là xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR), cũng có thể được thực hiện.
  • Xét nghiệm RF: giúp phát hiện sự hiện diện của yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor) trong máu, một kháng thể được tạo ra bởi hệ miễn dịch. Sự hiện diện của kháng thể này thường là dấu hiệu chỉ ra bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Xét nghiệm ANA: giúp phát hiện kháng thể kháng nhân (antinuclear antibody) - các kháng thể chống lại axit nucleic (DNA và RNA) trong nhân tế bào. Kháng thể kháng nhân thường được tạo ra bởi hệ miễn dịch ở những người mắc bệnh tự miễn.
  • Xét nghiệm HLA-B27: phát hiện sự hiện diện của HLA-B27 – một chỉ thị di truyền ở người bị viêm khớp tự phát thiếu niên liên quan đến viêm điểm bám gân.

Ngoài ra, trẻ còn phải chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh này được thực hiện nhằm loại trừ các bệnh lý khác cũng gây viêm hoặc đau khớp, chẳng hạn như nhiễm trùng và gãy xương.

Điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên

Các phương pháp điều trị có thể giúp giảm các triệu chứng, cải thiện khả năng vận động và giảm thiểu tổn thương khớp. Thông thường sẽ phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau để kiểm soát bệnh một cách hiệu quả.

Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen để giảm viêm và sưng đau khớp. NSAID thường được kết hợp cùng với các loại thuốc khác. Trẻ em không nên sử dụng aspirin vì loại thuốc này dễ gây tác dụng phụ ở trẻ em.

Tuy nhiên, trẻ bị viêm khớp tự phát thiếu niên thường phải sử dụng các loại thuốc mạnh hơn, gồm có thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) và thuốc sinh học.

DMARD có tác dụng ức chế hệ miễn dịch và ngăn hệ miễn dịch tấn công các khớp.

Trẻ bị viêm khớp tự phát thiếu niên nên điều trị bằng DMARD thay vì chỉ sử dụng NSAID. NSAID chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời trong khi DMARD tác động đến hệ miễn dịch. Ban đầu, bác sĩ thường sẽ kê DMARD (có hoặc không kèm NSAID) trước khi kê thuốc sinh học.

Một số loại DMARD thường được sử dụng để điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên gồm có:

  • methotrexate
  • sulfasalazine
  • leflunomide

Methotrexate là loại DMARD được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Thuốc sinh học có tác dụng nhắm trực tiếp đến các phân tử hoặc protein có liên quan đến tình trạng viêm khớp. Thuốc sinh học có thể được sử dụng kết hợp với DMARD.

Một số ví dụ về thuốc sinh học được sử dụng để giảm viêm và tổn thương khớp gồm có:

  • abatacept (Orencia)
  • rituximab (Rituxan)
  • tocilizumab (Actemra)
  • thuốc ức chế TNF (ví dụ như adalimumab)

Đôi khi cần tiêm steroid trực tiếp vào khớp bị viêm, đặc biệt khi các triệu chứng nghiêm trọng gây cản trở khả năng vận động hàng ngày. Tuy nhiên, nếu có nhiều khớp bị viêm thì không nên tiêm steroid vì tiêm nhiều steroid vào cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, khớp bị hỏng sẽ được thay thế bằng khớp nhân tạo.

Thay đổi lối sống

Tập thể dục và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là điều quan trọng với tất cả mọi người nhưng những điều này đặc biệt cần thiết đối với những trẻ mắc bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên. Thực hiện những thay đổi về lối sống sau đây có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm khớp và giảm nguy cơ biến chứng.

Ăn uống lành mạnh

Thay đổi cân nặng là điều thường gặp ở trẻ mắc viêm khớp tự phát thiếu niên. Thuốc điều trị bệnh có thể làm tăng hoặc giảm cảm giác thèm ăn, khiến cho trẻ tăng hoặc sụt cân nhanh chóng. Một chế độ ăn uống lành mạnh với lượng calo phù hợp có thể giúp trẻ duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ nếu trẻ tăng hoặc sụt cân quá nhiều do viêm khớp tự phát thiếu niên.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục ít nhất ba lần mỗi tuần sẽ giúp tăng cường sức mạnh của cơ và cải thiện sự linh hoạt của khớp, những điều này giúp đối phó với bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên về lâu dài dễ dàng hơn. Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tập các bài tập ít gây áp lực lên các khớp như bơi lội và đi bộ.

Vật lý trị liệu

Chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn trẻ các bài tập giúp tăng sức mạnh của cơ và khôi phục tính linh hoạt của các khớp bị cứng, đau.

Biến chứng của viêm khớp tự phát thiếu niên

Viêm khớp tự phát thiếu niên không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Thiếu máu
  • Đau dai dẳng
  • Hỏng khớp
  • Tăng trưởng kém
  • Chân tay không đều
  • Thị lực kém
  • Viêm màng ngoài tim

Tiên lượng

Trẻ bị viêm khớp tự phát thiếu niên mức độ nhẹ đến vừa thường hồi phục mà không gặp phải biến chứng. Tuy nhiên, viêm khớp tự phát thiếu niên là một bệnh mạn tính bùng phát theo đợt. Trẻ sẽ bị cứng và đau khớp mỗi khi bệnh bùng phát.

Một khi bệnh tiến triển nặng hơn, tần suất bùng phát sẽ tăng lên và khả năng thuyên giảm sẽ giảm đi. Đó là lý do tại sao việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng. Điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm khớp trở nên trầm trọng thêm và lan sang các khớp khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính kéo dài bao lâu? Điều trị bằng cách nào?
Đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính kéo dài bao lâu? Điều trị bằng cách nào?

Các đợt tái phát viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính thường khó dự đoán và có thể kéo dài từ một ngày đến một năm nếu không được điều trị. Tuy rằng không có cách nào chữa khỏi được bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng khi bệnh tái phát, gồm có dùng thuốc và các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm nóng và nghỉ ngơi.

Hiểu về bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên
Hiểu về bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên

Viêm khớp tự phát thiếu niên (juvenile idiopathic arthritis) là bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra ở trẻ em. Viêm khớp tự phát thiếu niên được chia thành nhiều loại, tất cả đều gây đau và cứng khớp. Viêm khớp tự phát thiếu niên có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm hoặc thậm chí cả đời.

Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.

Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng kháng thể đơn dòng
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng kháng thể đơn dòng

Kháng thể đơn dòng là một loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp khi các loại thuốc khác không hiệu quả. Kháng thể đơn dòng giúp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây