U nang buồng trứng thực thể là gì?
Các loại u nang buồng trứng
U nang cơ năng
U nang cơ năng là những túi chứa dịch lỏng và là loại u nang buồng trứng phổ biến nhất. Chúng hình thành khi buồng trứng không thể giải phóng trứng hoặc khi một nang trong buồng trứng tiếp tục phát triển sau khi trứng đã được phóng đi. Vì những u nang này hình thành do chu kỳ kinh nguyệt bình thường hàng tháng nên được gọi là u nang cơ năng. U nang cơ năng thường không biểu hiện triệu chứng và tự biến mất sau vài chu kỳ kinh nguyệt.
U nang thực thể
U nang thực thể là những túi chứa máu và vật chất rắn. Loại u nang buồng trứng này không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường và ít gặp hơn u nang cơ năng. Dưới đây là ba loại u nang thực thể phổ biến nhất:
- U nang bì buồng trứng: hay còn gọi là u quái, có chứa nhiều loại mô khác nhau như mỡ, da, bã nhờn, tóc, thậm chí là cả mô xương, răng.
- U nang tuyến: chứa mô buồng trứng cùng với dịch lỏng hoặc chất nhầy.
- U nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung: hình thành khi các tế bào niêm mạc tử cung phát triển ở trong hoặc trên buồng trứng.
Mặc dù hiếm nhưng u nang buồng trứng có thể phát triển thành khối u ác tính. Tuy nhiên, hầu hết u nang buồng trứng là lành tính, đặc biệt là những u nang hình thành trước khi mãn kinh.
Triệu chứng
Khi u nang buồng trứng có kích thước nhỏ thì thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng nếu có thì các triệu chứng thường là:
- Chướng bụng hoặc cảm giác tức nặng ở bụng dưới
- Đau bụng dưới
- Buồn nôn và nôn nếu u nang gây xoắn buồng trứng
- Đi tiểu nhiều bất thường nếu u nang có kích thước lớn và chèn ép vào bàng quang
- Đau đột ngột, dữ dội khi u nang bị vỡ
Cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu bị sốt, nôn hoặc đau bụng dữ dội.
Khi bị u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung thì các triệu chứng có thể gặp phải gồm có:
- Đau đớn khi đến kỳ kinh nguyệt
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau khi đi tiểu và đại tiện, đặc biệt là trong kỳ kinh
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Vô sinh
Nguyên nhân gây u nang buồng trứng thực thể
Thường thì không thể xác định được nguyên nhân gây ra u nang buồng trứng.
U nang cơ năng hình thành do một số vấn đề nhỏ, thường liên quan đến nội tiết tố, xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Hội chứng buồng trứng đa nang là một bênh lý gây hình thành nhiều nang nhỏ ở buồng trứng. Nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng có liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố.
U nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung xảy ra do bệnh lạc nội mạc tử cung, trong đó các tế bào niêm mạc tử cung phát triển ở những vị trí khác ở bên ngoài buồng tử cung, ví dụ như trên buồng trứng.
Khối u ác tính (ung thư) hình thành khi các tế bào buồng trứng bị đột biến, bắt đầu phát triển và nhân lên một cách mất kiểm soát.
Ai có nguy cơ bị u nang buồng trứng?
U nang buồng trứng là một vấn đề khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguy cơ sẽ giảm sau mãn kinh. Nhưng nếu u nang buồng trứng hình thành sau mãn kinh thì sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Chỉ có khoảng 8% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có u nang đủ lớn đến mức cần điều trị.
Chẩn đoán u nang buồng trứng thực thể
Nếu đang gặp các dấu hiệu của u nang bồng trứng thì cần đi khám. Bước đầu tiên là khám phụ khoa. Khi bác sĩ nghi ngờ có u nang thì có thể chưa cần can thiệp vội mà chỉ cần theo dõi trong một thời gian vì u nang buồng trứng đa phần sẽ tự hết. Cũng có thể sẽ cần làm xét nghiệm thử thai vì mang thai cũng có những dấu hiệu tương tự như u nang buồng trứng.
Các phương pháp khác cũng được sử dụng để chẩn đoán u nang buồng trứng là siêu âm hoặc chụp CT.
Siêu âm
Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của buồng trứng và các cơ quan khác trong cơ thể. Siêu âm có thể được thực hiện qua thành bụng, trong đó đầu dò được đặt lên bụng. Quy trình này rất đơn giản, nhanh chóng và hoàn toàn không đau đớn. Nếu bác sĩ nghi ngờ có u nang buồng trứng thì sẽ cần siêu âm qua đường âm đạo để xác nhận. Với phương pháp siêu âm này, người bệnh cần nằm ngửa lên bàn khám phụ khoa, mở rộng hai chân và đặt lên bàn đạp ở hai bên. Đầu dò được đưa vào bên trong âm đạo để cho thấy hình ảnh của buồng trứng và tử cung. Đầu dò siêu âm có kích thước nhỏ hơn dụng cụ mỏ vịt được dụng để làm xét nghiệm Pap. Toàn bộ quá trình chỉ mất một vài phút, có thể hơi khó chịu nhưng cũng không đau.
Hình ảnh siêu âm sẽ giúp xác định vị trí, kích thước và hình dạng của u nang buồng trứng. Qua đó, bác sĩ cũng xác định được đó là u nang cơ năng hay u nang thực thể.
Nên uống nhiều nước và nhịn tiểu trước khi siêu âm ổ bụng. Có thể sẽ cần phải siêu âm lần 1 khi bàng quang đầy và sau đó đi tiểu rồi siêu âm lại lần 2. Nhưng đôi khi, bác sĩ sẽ yêu cầu đi tiểu hết trước khi bắt đầu siêu âm.
Xét nghiệm máu
Có thể sẽ cần làm xét nghiệm máu để đo nồng độ kháng nguyên ung thư 125 (CA-125) - một loại protein mà nồng độ tăng cao ở những phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, mức CA-125 cũng có thể tăng do những nguyên nhân khác như lạc nội mạc tử cung hoặc đang có kinh nguyệt. Ngoài ra, các xét nghiệm máu khác sẽ giúp xác định xem có bị mất cân bằng nội tiết tố hay không.
Tìm hiểu thêm: Phân biệt u nang và ung thư buồng trứng
Điều trị
Khi bị u nang cơ năng và không có triệu chứng thì không cần điều trị. Nếu có những triệu chứng nhẹ thì thường chỉ cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn là đủ. Nhưng nếu bị đau nhiều thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giảm đau mạnh hơn.
U nang buồng trứng thực thể thường cần phải điều trị. Ước tính từ 5 đến 10% trường hợp nghi có u nang buồng trứng cần phẫu thuật để loại bỏ. 12 đến 21% trong số đó được kết luận là khối u ác tính sau phẫu thuật.
Cần làm phẫu thuật loại bỏ u nang buồng trứng nếu kích thước quá lớn, gây đau đớn hoặc gây ra các vấn đề khác.
U nang buồng trứng có thể được loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Trong đó, ống nội soi cùng dụng cụ mổ được đưa vào bụng qua các đường rạch nhỏ. Bệnh nhân sẽ được gây mê. Tuy nhiên, với những trường hợp có u nang cỡ lớn hoặc u nang thực thể thì thường sẽ cần loại bỏ bằng phương pháp mổ mở truyền thống qua đường rạch dài trên bụng. Sau khi được lấy ra, u nang sẽ được phân tích để xem có chứa tế bào ung thư hay không.
Nếu thường xuyên có u nang buồng trứng thì sẽ cần sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết để ngăn ngừa rụng trứng và giảm nguy cơ tiếp tục hình thành u nang.
Các phương pháp để điều trị u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung gồm có liệu pháp hormone, thuốc giảm đau và phẫu thuật.
Những biến chứng có thể xảy ra
Hầu hết u nang cơ năng buồng trứng đều không gây hại.
Tuy nhiên, u nang thực thể, chẳng hạn như u nang bì và u nang tuyến, có thể phát triển quá lớn và đẩy buồng trứng ra khỏi vị trí bình thường. Những u nang này cũng có thể gây xoắn buồng trứng. U nang còn có thể chèn ép vào bàng quang, khiến người bệnh đi tiểu nhiều hoặc thường xuyên buồn tiểu gấp.
Khi u nang buồng trứng bị vỡ thì sẽ gây ra:
- đau bụng dữ dội
- sốt
- chóng mặt
- cơ thể mệt mỏi
- thở gấp
- nôn
- chảy máu âm đạo
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì cần đến bệnh viện ngay.
Cả lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang đều gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Hầu hết u nang buồng trứng không phải là ung thư nhưng u nang thực thể sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Triển vọng điều trị
Triển vọng khi bị u nang buồng trứng nhìn chung là rất khả quan, đặc biệt là u nang cơ năng. Triển vọng khi có u nang thực thể sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Đa số bệnh nhân đều không có bất kỳ vấn đề sức khỏe lâu dài nào sau khi phẫu thuật cắt u nang buồng trứng.
Để điều trị lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng thì thường cần làm phẫu thuật và liệu pháp hormone. Trong một số trường hợp, quy trình phẫu thuật làm hình thành mô sẹo và khiến các cơ quan nội tạng dính vào nhau. Khoảng 30 đến 40% phụ nữ vô sinh bị lạc nội mạc tử cung.
Nếu bị ung thư buồng trứng thì tiên lượng sẽ phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư tại thời điểm chẩn đoán và bắt đầu điều trị. Các lựa chọn điều trị thường gồm có phẫu thuật cắt buồng trứng, hóa trị và xạ trị. Ung thư càng được chẩn đoán và điều trị sớm thì tiên lượng càng khả quan.
Mặc dù phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị u nang buồng trứng thấp hơn so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng chừng nào còn buồng trứng thì vẫn sẽ có nguy cơ bị u nang buồng trứng.
Đôi khi phụ nữ cần cắt bỏ buồng trứng vì một số lý do như u nang buồng trứng hay ung thư buồng trứng.