Tầm quan trọng của việc sàng lọc bệnh van tim

Bệnh van tim xảy ra khi một trong bốn van tim không hoạt động đúng cách, tức là không thể mở hoặc đóng hoàn toàn. Khi có triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ gây bệnh, việc sàng lọc bệnh van tim thông qua siêu âm tim hoặc các xét nghiệm khác là rất cần thiết.
Hình ảnh 166 Tầm quan trọng của việc sàng lọc bệnh van tim

Tim có bốn van giúp máu lưu thông qua bốn buồng tim theo một chiều nhất định.

Mỗi van tim có các lá van (các mảnh mô) thường mở và đóng theo nhịp đập của tim để máu lưu thông vào hoặc ra khỏi tim đúng hướng.

Bệnh van tim xảy ra khi một trong các van này không hoạt động đúng cách, tức là không thể mở hoặc đóng hoàn toàn.

Các yếu tố góp phần gây bệnh van tim gồm có: tuổi tác, di truyền và từng bị nhiễm trùng.

Nguy cơ mắc bệnh van tim sẽ tăng lên nếu có các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành, chẳng hạn như tăng huyết áp, hoặc nếu bạn bị suy tim.

Bệnh van tim cũng có thể là bẩm sinh, nghĩa là đã xuất hiện từ khi sinh ra.

Bệnh van tim có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ. Trong các trường hợp khởi phát đột ngột, nguyên nhân có thể là do rách lá van hoặc nhiễm trùng ở van tim. Triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc tiến triển chậm đến mức khó có thể nhận biết.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh không phải lúc nào cũng có thể xác định được dựa trên triệu chứng. Bạn có thể cần điều trị ngay cả khi các triệu chứng không xuất hiện rõ ràng.

Một số loại bệnh van tim chỉ ở mức nhẹ và không cần điều trị, nhưng các dạng khác có thể đòi hỏi cần phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

Bệnh van tim có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim, dẫn đến suy tim. Ngược lại, suy tim cũng có thể gây ra bệnh van tim.

Khi có triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ gây bệnh, việc sàng lọc bệnh van tim thông qua siêu âm tim hoặc các xét nghiệm khác là rất cần thiết.

Dưới đây là những điều cần biết về sàng lọc và các câu hỏi mà bạn nên hỏi bác sĩ.

Các loại bệnh van tim

Bệnh van tim có hai loại chính:

Hở van tim (Regurgitation)

Hở van tim xảy ra khi một trong các van tim không đóng kín hoàn toàn, khiến máu rò rỉ theo chiều ngược lại.

Điều này buộc tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu, có thể dẫn đến quá tải chức năng tim. Hở van tim có thể phát triển khi lớn lên hoặc đã có từ khi sinh ra. Các loại bệnh van tim liên quan đến hở van tim gồm có:

  • Hở van hai lá (Mitral valve regurgitation): Máu rò rỉ ngược lại qua van hai lá vào nhĩ trái.
  • Van động mạch chủ hai mảnh (Bicuspid aortic valve): Van động mạch chủ chỉ có hai lá van thay vì ba lá, khiến máu bị chảy ngược. Đây là bệnh bẩm sinh, nhưng triệu chứng có thể xuất hiện muộn.
  • Sa van hai lá (Mitral valve prolapse): Lá van phồng lên và không đóng kín hoàn toàn khi cơ tim co bóp.
  • Hở van ba lá (Tricuspid regurgitation): Máu rò rỉ ngược lại qua van ba lá vào nhĩ phải, có thể làm tăng kích thước nhĩ phải. Tình trạng này thường xảy ra do bệnh phổi nặng hoặc tăng áp động mạch phổi.

Hẹp van tim (Stenosis)

Hẹp van tim xảy ra khi lỗ mở van bị cứng và hẹp lại, làm hạn chế lưu lượng máu. Các loại bệnh van tim liên quan đến hẹp van gồm:

  • Hẹp van hai lá (Mitral valve stenosis): Van hai lá không mở hoàn toàn do bị hẹp, gây cản trở dòng máu đi qua van. Tình trạng này thường xảy ra sau sốt thấp khớp, làm viêm tim và mạch máu.
  • Hẹp van động mạch chủ (Aortic valve stenosis): Hẹp van động mạch chủ, thường gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng có thể là bệnh bẩm sinh do van động mạch chủ hai mảnh.
  • Hẹp van động mạch phổi (Pulmonary stenosis): Van động mạch phổi không mở đúng cách, thường là bệnh bẩm sinh.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh van tim

Triệu chứng của bệnh van tim có thể khác nhau tùy từng người. Dấu hiệu được phát hiện đầu tiên thường là tiếng thổi tim mà bác sĩ nghe thấy khi khám lâm sàng bằng ống nghe.

Tuy nhiên, không phải cứ có tiếng thổi tim là mắc bệnh van tim. Cần thực hiện các xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán hoặc loại trừ các nguyên nhân khác.

Do bệnh lý van tim ảnh hưởng đến lưu lượng máu nên các triệu chứng có thể là:

  • Mệt mỏi bất thường
  • Khó thở
  • Phình bụng hoặc phù chân
  • Đánh trống ngực
  • Chóng mặt
  • Huyết áp thấp hoặc cao
  • Đau ngực
  • Khó vận động

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh van tim

Siêu âm tim (Echocardiogram) là xét nghiệm chính để chẩn đoán bệnh van tim. Xét nghiệm này sử dụng sóng âm, hay siêu âm, để tạo ra hình ảnh của tim. Bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề về van tim và đánh giá chức năng cũng như sức khỏe tổng thể của tim mạch.

Ngoài siêu âm tim, bác sĩ còn sử dụng các loại xét nghiệm khác, bao gồm:

  • Điện tâm đồ (Electrocardiogram - ECG): Đây là xét nghiệm không xâm lấn giúp ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Nó có thể phát hiện các bất thường về tim, các bệnh tim và các mạch máu bị tắc nghẽn. Xét nghiệm này thực hiện bằng cách gắn các điện cực lên ngực và ghi lại tín hiệu điện khi tim đập.
  • Siêu âm tim qua thực quản (Transesophageal echo): Xét nghiệm này cũng tạo ra hình ảnh của tim. Bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm bằng cách đặt một ống mềm qua cổ họng xuống thực quản để chụp hình ảnh của tim.
  • Chụp tim qua ống thông (Cardiac catheterization): Xét nghiệm này sử dụng một ống mềm, mỏng đưa qua mạch máu đến tim. Bác sĩ dùng xét nghiệm này để đánh giá chức năng của van tim và thường sẽ đặt ống vào mạch máu ở cánh tay, đùi trên hoặc cổ.
  • Chụp X-quang ngực (Chest X-ray): Xét nghiệm này sử dụng tia năng lượng điện từ để tạo ra hình ảnh của tim, giúp bác sĩ phát hiện dấu hiệu tim phì đại và các vấn đề tim khác.
  • Nghiệm pháp gắng sức (Stress test): Hình ảnh tim sẽ được chụp lại khi bạn thực hiện một hoạt động thể chất như đi bộ hoặc chạy trên máy chạy bộ. Xét nghiệm này giúp đánh giá chức năng của tim và cung cấp thông tin về mức độ nghiêm trọng của bệnh van tim.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: Xét nghiệm này sử dụng từ trường để tạo ra hình ảnh tim, cung cấp thông tin về sức khỏe tổng thể của tim.

Những câu hỏi nên hỏi bác sĩ về xét nghiệm chẩn đoán bệnh van tim

Triệu chứng của bệnh van tim có thể khác nhau tùy từng người, cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Dưới đây là một số câu hỏi bạn nên hỏi bác sĩ về việc chẩn đoán và điều trị bệnh van tim.

  • Khi nào nên thực hiện siêu âm tim hoặc các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh van tim?
  • Xét nghiệm này có thể cho biết điều gì về tình trạng tim?
  • Cần làm gì tiếp theo nếu kết quả xét nghiệm phát hiện vấn đề?
  • Nếu vấn đề ở van tim không nghiêm trọng, liệu sau này có cần kiểm tra lại không?
  • Có các phương pháp nào để điều trị bệnh van tim?
  • Dấu hiệu nào cho thấy bệnh van tim đang trở nên nặng hơn?

Kết luận

Bệnh van tim có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Mặc dù một số người không có triệu chứng, nhưng tình trạng này có thể trở nên trầm trọng và gây ra suy tim, đột quỵ hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.

Điều quan trọng là bạn cần gặp bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng nào của các vấn đề tim mạch (đau ngực, hồi hộp, mệt mỏi, chóng mặt, huyết áp cao). Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn thực hiện các xét nghiệm sàng lọc bệnh van tim.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh thận có thể gây đánh trống ngực không?
Bệnh thận có thể gây đánh trống ngực không?

Bệnh thận mạn tính có thể dẫn đến các vấn đề về tim, trong đó đánh trống ngực - tình trạng nhịp tim bị thay đổi bất thường. Việc điều trị cả hai tình trạng này có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.

Hạ cholesterol giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch

Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Bạn biết gì về động mạch trong cơ thể?
Bạn biết gì về động mạch trong cơ thể?

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây