Tại sao nhiễm nấm âm đạo mãi không khỏi?
Nội dung chính của bài viết
-
Nhiễm nấm âm đạo là vấn đề phụ khoa rất phổ biến và hoàn toàn có thể điều trị khỏi được. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh rất lâu khỏi hoặc có thể tái phát sau điều trị.
-
Triệu chứng thường gặp của nhiễm nấm âm đạo là: ngứa, đau, sưng đỏ âm đạo và âm hộ; nóng rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục; khí hư có màu trắng, đặc, lợn cợn.
-
Triệu chứng của một số bệnh như nhiễm khuẩn âm đạo, viêm âm hộ, bệnh lậu.. có thể gây nhầm lẫn với nhiễm nấm âm đạo.
- Nếu bạn đã dùng thuốc nhưng các triệu chứng không hết hoặc tái đi tái lại nhiều lần trong một năm thì cần đi khám bác sĩ để xác định đó là nhiễm nấm âm đạo hay một vấn đề khác.
Nhiễm nấm âm đạo là gì?
Nhiễm nấm âm đạo là một dạng nhiễm trùng nấm men phổ biến xảy ra khi nấm men sinh sôi, phát triển quá mức trong âm đạo. Nhiễm trùng nấm men có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng ở phụ nữ, nhiễm nấm chủ yếu xảy ra ở âm đạo và âm hộ.
Bình thường, nấm men luôn tồn tại bên trong âm đạo nhưng sự phát triển của chúng được kiểm soát bởi những vi khuẩn có lợi. Điều này giúp duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật bên trong âm đạo. Tuy nhiên, khi có một tác nhân nào đó làm mất đi sự cân bằng này, khiến cho nấm men sinh sôi, phát triển quá mức thì sẽ bị nhiễm nấm âm đạo. Thủ phạm gây ra vấn đề này là loại nấm Candida nên nhiễm nấm âm đạo còn được gọi là viêm âm đạo do nấm Candida.
Nhiễm nấm âm đạo nhẹ thường khỏi sau vài ngày đièu trị nhưng nếu nặng thì có thể kéo dài lên đến 2 tuần.
Các triệu chứng thường gặp của nhiễm nấm âm đạo gồm có:
- Ngứa ngáy, đau, sưng đỏ âm đạo và âm hộ
- Nóng rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục
- Khí hư màu trắng, đặc, lợn cợn giống như óc đậu
Viêm âm đạo do nấm Candida đôi khi tự khỏi mà không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần đến các biện pháp khắc phục tại nhà để làm dịu các triệu chứng là đủ nhưng thường thì sẽ cần dùng các loại thuốc trị nấm không kê đơn hoặc thuốc kê đơn để điều trị dứt điểm các triệu chứng.
Nếu như đã dùng thuốc được vài ngày mà các triệu chứng vẫn không đỡ thì có thể đó là một vấn đề khác chứ không phải nhiễm nấm âm đạo.
Cùng đọc bài viết dưới đây để biết bao lâu thì nhiễm nấm âm đạo sẽ khỏi khi điều trị bằng các loại thuốc kê đơn và không kê đơn cũng như là những vấn đề khác có triệu chứng tương tự như nhiễm nấm âm đạo.
Biện pháp điều trị nám âm đạo như thế nào
Các chị em đang gặp phải vấn đề về nhiễm nấm âm đạo mà chưa tìm ra biện pháp điều trị thích hợp
Thuốc không kê đơn
Nếu không bị nhiễm nấm âm đạo thường xuyên và chỉ có triệu chứng nhẹ thì có thể dùng các loại thuốc trị nấm không kê đơn như clotrimazole, miconazole (Monistat) và terconazole (Terazol),...
Đây là những thuốc trị nấm tại chỗ có dạng kem, thuốc mỡ hoặc viên đặt âm đạo.
Thời gian điều trị tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng nhưng đa phần sẽ cần dùng thuốc trong từ 3 đến 7 ngày, thường là trước khi đi ngủ. Cần đọc kỹ hướng dẫn đi kèm trước khi dùng thuốc ngay cả khi đã sử dụng các loại thuốc trị nấm không kê đơn khác trước đây.
Lưu ý, ngay sau khi dùng thuốc có thể sẽ có hiện tượng nóng hoặc châm chích. Đây là phản ứng bình thường và sẽ tự hết.
Những loại thuốc này rất hiệu quả đối với nhiễm nấm âm đạo dạng nhẹ. Các triệu chứng sẽ cải thiện đáng kể trong vòng một vài ngày nhưng sau một tuần mà các triệu chứng vẫn không đỡ thì cần đi khám bác sĩ.
Thuốc kê đơn
Nếu như có các triệu chứng nặng hoặc đã dùng thuốc không kê đơn nhựng không hiệu quả thì sẽ cần đi khám để bác sĩ kê các loại thuốc khác. Những người bị nhiễm nấm âm đạo tái đi tái lại có thể sẽ cần dùng thuốc trị nấm thường xuyên.
Các loại thuốc trị nhiễm trùng nấm men kê đơn như fluconazole (Diflucan) thường là thuốc đường uống. Đa phần thì chỉ cần dùng một liều nhưng cũng có thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng hai liều nếu như các triệu chứng quá nghiêm trọng.
Các loại thuốc trị nhiễm trùng nấm men kê đơn khác, bao gồm cả thuốc trị nấm âm đạo có thể được dùng trong thời gian lên đến hai tuần.
Với những trường hợp không đáp ứng với thuốc trị nấm thông thường thì có thể cần điều trị bằng axit boric.
Đối với phụ nữ mang thai và bị nhiễm nấm âm đạo thì chỉ nên dùng các phương pháp trị nấm tại chỗ không kê đơn. Không được dùng thuốc trị nấm đường uống fluconazole trong thai kỳ vì thuốc này làm tăng nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh.
Tuy nhiên, nếu đã dùng thuốc không kê đơn mà các triệu chứng vẫn không thuyên giảm thì cũng cần đi khám bác sĩ để kiểm tra xem có đúng là nhiễm nấm âm đạo hay không. Nếu đúng thì bác sĩ sẽ kê những loại thuốc khác hiệu quả hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho phụ nữ mang thai.
Có thể không phải nhiễm nấm âm đạo
Nếu như các triệu chứng vẫn tiếp diễn trong suốt nhiều tuần và các phương pháp điều trị không có tác dụng thì rất có thể đó không phải là nhiễm nấm âm đạo mà là một vấn đề khác.
Các triệu chứng nhiễm nấm âm đạo giống với nhiều bệnh cũng xảy ra ở cơ quan sinh dục nên trước tiên cần xác định chính xác vấn đề để có phương pháp điều trị thích hợp.
Thuốc trị nấm chỉ có tác dụng điều trị các triệu chứng do nhiễm nấm nên nếu không phải do nhiễm nấm thì những loại thuốc này sẽ không có tác dụng. Một số vấn đề cũng có triệu chứng tương tự và có thể bị nhầm với nhiễm nấm âm đạo gồm có:
Nhiễm khuẩn âm đạo
Nhiễm khuẩn âm đạo hay viêm âm đạo do vi khuẩn là một dạng viêm âm đạo xảy ra khi vi khuẩn có hại phát triển quá mức bên trong âm đạo. Mặc dù không được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng nhiễm khuẩn âm đạo thường xảy ra ở những người có quan hệ tình dục.
Những phụ nữ gần đây mới quan hệ với một người lạ hoặc quan hệ với nhiều người sẽ có nguy cơ cao gặp phải vấn đề này.
Thói quen thụt rửa và sử dụng các sản phẩm như băng vệ sinh, tampon có mùi thơm hay nước hoa vùng kín cũng có thể làm tăng nguy cơ.
Những người chưa bao giờ quan hệ tình dục hiếm khi bị viêm âm đạo do vi khuẩn.
Viêm âm đạo do vi khuẩn đôi khi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng nếu có thì thường gồm có:
- Dịch tiết âm đạo loãng, màu trắng xám, vàng hoặc xanh và có mùi khó chịu
- Ngứa ngáy, đỏ, nóng rát âm đạo và âm hộ
- Đau rát khi đi tiểu
- Đau khi quan hệ tình dục
Mặc dù đôi khi viêm âm đạo do vi khuẩn sẽ tự khỏi mà không cần điều trị nhưng nếu các triệu chứng tiếp diễn quá một tuần thì cần đi khám bác sĩ. Sẽ cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị các triệu chứng kéo dài dai dẳng.
Viêm âm hộ
Viêm âm hộ là tình trạng viêm xảy ra ở vùng da xung quanh âm đạo.
Nguyên nhân phổ biến gây viêm âm hộ gồm có:
- Phản ứng dị ứng hoặc nhiễm trùng
- Đi xe đạp thường xuyên
- Hay mặc quần bó sát và bằng chất liệu gây bí
- Tiếp xúc với các chất gây kích ứng, chẳng hạn như dung dịch thụt rửa và xịt thơm vùng kín
- Dùng giấy vệ sinh, băng vệ sinh hoặc tampon có mùi thơm
Viêm âm hộ thường có những triệu chứng như:
- Màu và mùi khí hư thay đổi bất thường
- Ngứa âm hộ dai dẳng
- Đỏ, sưng và nóng rát xung quanh âm hộ
- Nổi mụn nước, nứt nẻ hoặc đóng vảy trắng trên âm hộ
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm nên cần đi khám bác sĩ để xác định chính xác và có biện pháp điều trị phù hợp.
Chlamydia
Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) khá phổ biến và thường đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên, bệnh này cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh nên các loại thuốc trị nấm sẽ không có tác dụng.
Một số triệu chứng của bệnh chlamydia cũng tương tự như các triệu chứng nhiễm nấm âm đạo nhưng nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục này lại không hề gặp bất cứ triệu chứng nào cả.
Khi có thì chlamydia sẽ gây các triệu chứng điển hình như:
- Đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục
- Dịch tiết âm đạo bất thường
- Chảy máu sau khi quan hệ hoặc giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Đau bụng dưới
Nếu không được điều trị, chlamydia có thể dẫn đến các biến chứng về lâu dài, ví dụ như bệnh viêm vùng chậu và vô sinh. Vì vậy nên cần đi khám ngay khi có bất cứ triệu chứng nào ở trên.
Nếu gần đây mới quan hệ với người lạ hoặc quan hệ với nhiều người thì cần đến bệnh viện làm xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc này giúp phát hiện sớm các bệnh không có triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng về sức khỏe.
Bệnh lậu
Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Giống như chlamydia, bệnh lậu cần được điều trị bằng kháng sinh nên phải đi khám để bác sĩ kê thuốc.
Người mắc bệnh lậu có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào nhưng nếu có thì thường là:
- Đau rát khi đi tiểu
- Chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Tăng tiết dịch âm đạo
Bệnh lậu cần được phát hiện và điều trị kịp thời vì bệnh này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh viêm vùng chậu và vô sinh.
Nhiễm trichomonas
Nhiễm trichomonas, hay còn được gọi là trich, cũng là một bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp. Trùng roi âm đạo Trichomonas vaginalis – ký sinh trùng gây ra bệnh này - lây từ người này qua người kia khi quan hệ tình dục mà không sử dụng các phương pháp rào cản, chẳng hạn như bao cao su.
Các triệu chứng phổ biến khi nhiễm trichomonas gồm có:
- Viêm ở vùng sinh dục
- Đỏ, nóng rát và ngứa ngáy bộ phận sinh dục
- Đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ
- Dịch tiết âm đạo màu trắng, xám, xanh lá hoặc vàng và có mùi khó chịu
Nhiễm trichomonas là bệnh có thể điều trị được nhưng cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác và kê thuốc điều trị. Sau khi quan hệ tình dục, nếu một người phát hiện bị nhiễm trichomonas thì người còn lại cũng cần điều trị để tránh nguy cơ tái nhiễm.
Bệnh trĩ
Mặc dù xảy ra hậu môn nhưng đôi khi, bệnh trĩ cũng có các triệu chứng tương tự như triệu chứng khi bị nhiễm nấm âm đạo.
Bệnh trĩ xảy ra do hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch gần lỗ hậu môn. Có nhiều nguyên nhân ra điều này này, ví dụ như tập thể dục quá sức, hay phải gồng nhiều, thường xuyên bị táo bón và phải rặn mạnh, sinh thường hoặc do lão hóa.
Khi bị bệnh trĩ thì sẽ có những triệu chứng như:
- Nóng rát hoặc ngứa quanh hậu môn
- Đau ở vùng hậu môn
- Ngứa và rát quanh vùng âm đạo
- Chảy máu trong hoặc sau khi đi ngoài
- Rò rỉ phân
Phương pháp điều trị bệnh trĩ sẽ phụ thuộc vào loại trĩ (trĩ nội hay trĩ ngoại) và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Khi nào cần đi khám?
Nếu đây là lần đầu tiên có các triệu chứng nhiễm nấm âm đạo hoặc gặp triệu chứng giống với các vấn đề khác, chẳng hạn như bệnh lây truyền qua đường tình dục thì nên đi khám.
Cần đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như vết loét hoặc trầy xước trên da.
Nếu bị nhiễm nấm âm đạo tái đi tái lại (nhiều hơn 4 lần trong một năm) hoặc đã dùng thuốc trị nấm kê đơn/không kê đơn nhưng các triệu chững vẫn không đỡ sau một vài ngày thì cũng cần đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị khác.
Khi thường xuyên bị nhiễm nấm thì không nên tự mua thuốc điều trị vì điều này có thể gây kháng thuốc.
>>> Xem thêm: Tại Sao Lại Bị Nhiễm Nấm Âm Đạo Sau Khi Quan Hệ Tình Dục
Nếu không được điều trị, nhiễm nấm âm đạo có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
Ngoài những triệu chứng như ngứa ngáy hay dịch tiết âm đạo thay đổi bất thường, loét cũng là một triệu chứng của nhiễm nấm âm đạo nhưng không phải là triệu chứng phổ biến.
Mặc dù vùng kín có mùi bất thường là triệu chứng chung của nhiều bệnh phụ khoa khác nhau nhưng điều này lại không đúng với nhiễm nấm âm đạo.
Thụ rửa không đem lại lợi ích như nhiều người vẫn nghĩ mà thậm chí còn tiềm ẩn một số rủi ro.
Bên cạnh các loại thuốc kháng sinh, tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn còn có thể được khắc phục bằng các biện pháp điều trị tại nhà.