Tại sao chúng ta dễ bị cục máu đông hơn khi đi máy bay?

Cục máu đông hình thành khi sự lưu thông máu bị chậm hoặc ngừng lại. Ngồi yên trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu và dẫn đến hình thành cục máu đông.
Ngồi máy bay trong 4 tiếng trở lên là một trong những yếu tố nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. Huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi là những biến chứng nghiêm trọng của cục máu đông. Nếu không điều trị kịp thời, những tình trạng này có thể gây tử vong.
Tại sao cục máu đông lại nguy hiểm?
Đông máu là một hiện tượng sinh lý trong cơ thể nhằm ngăn chảy máu quá nhiều. Nhưng khi xảy ra bên trong mạch máu, cục máu đông sẽ gây cản trở sự lưu thông máu và khiến cho một vùng của cơ thể không nhận được đủ máu. Ví dụ, khi cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não, một vùng não sẽ bị thiếu oxy và không thể hoạt động bình thường. Các tế bào não sẽ chết và dẫn đến đột quỵ.
Khi cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch thì được gọi là huyết khối tĩnh mạch. Huyết khối tĩnh mạch sâu là khi cục máu đông hình thành ở các tĩnh mạch nằm sâu trong cơ thể. Tình trạng này đa phần xảy ra ở chân. Cục máu đông trong tĩnh mạch sâu có thể di chuyển đến phổi và dẫn đến thuyên tắc phổi. Khi cục máu đông hình thành ở một động mạch cấp máu cho tim, tim sẽ không thể thực hiện chức năng bơm máu một cách hiệu quả và kết quả là suy tim.
Tại sao đi máy bay làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông?
Trong và ngay sau một chuyến bay đường dài, bạn có nguy cơ bị cục máu đông cao hơn khoảng 3 lần so với bình thường.
Ngồi một chỗ trong thời gian dài là một nguyên nhân gây hình thành cục máu đông. Ngoài ra, càng lên cao thì áp suất không khí càng giảm, có nghĩa là lượng oxy mà bạn hít vào khi hít thở sẽ ít hơn. Đây cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông khi đi máy bay.
Giảm lượng oxy hít vào sẽ làm giảm nồng độ oxy trong máu. Đa phần, tình trạng giảm oxy máu khi đi máy bay chỉ ở mức độ nhẹ nhưng có thể làm chậm tốc độ lưu thông máu và điều này tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Trong một số trường hợp, cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu và dẫn đến thuyên tắc phổi.
Nếu bạn đã từng hoặc đang có cục máu đông thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đi máy bay. Việc có thể đi máy bay được hay không phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Bệnh sử
- Vị trí và kích thước của cục máu đông
- Thời gian bay
Các yếu tố nguy cơ gây cục máu đông khác
Ngoài đi máy bay đường dài còn có nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nguy cơ bị cục máu đông khi đi máy bay sẽ càng cao hơn nếu bạn có thêm các yếu tố này.
- Tiền sử cá nhân bị cục máu đông
- Tiền sử gia đình bị cục máu đông
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc rối loạn tăng đông máu di truyền, chẳng hạn như yếu tố V Leiden
- Từ 40 tuổi trở lên
- Hút thuốc
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức béo phì
- Sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc tránh thai đường uống
- Dùng liệu pháp hormone thay thế (HRT)
- Mới trải qua phẫu thuật trong vòng ba tháng trở lại đây
- Tổn thương tĩnh mạch do bị chấn thương
- Đang mang thai hoặc vừa mới sinh con/sảy thai (trong vòng 6 tuần)
- Đang bị ung thư hoặc có tiền sử ung thư
- Đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm
- Đang bó bột ở chân
Phòng ngừa cục máu đông khi đi máy bay
Dưới đây là một số biện pháp giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông khi đi máy bay.
- Dùng thuốc. Tùy vào bệnh sử mà bạn sẽ được bác sĩ kê thuốc để phòng ngừa hình thành cục máu đông, chẳng hạn như dùng aspirin hoặc các thuốc chống đông máu khác trước giờ bay 1 – 2 tiếng.
- Mang vớ y khoa. Vớ y khoa thúc đẩy máu lưu thông tốt hơn ở chân khi ngồi lâu. Có rất nhiều loại vớ y khoa và phải sử dụng loại phù hợp thì mới có hiệu quả.
- Chọn chỗ ngồi rộng rãi. Nếu có thể, hãy chọn chỗ ngồi cạnh lối đi, vách ngăn hoặc lối thoát hiểm. Đây là những vị trí có chỗ để chân rộng rãi, bạn có thể duỗi chân và dễ dàng đứng lên đi lại trong chuyến bay.
- Đứng lên và đi lại cách một tiếng một lần hoặc thường xuyên hơn và tập các bài tập chân trong khi ngồi, ví dụ như duỗi thẳng chân và gập bàn chân. Nếu chỗ ngồi đủ rộng, hãy co đầu gối lên ngực, đặt tay lên cẳng chân và giữ trong 10 - 15 giây.
- Trao đổi trước với phi hành đoàn. Nếu bạn có nguy cơ cao bị cục máu đông, hãy nói với phi hành đoàn để được phép đi lại trên máy bay.
- Mát xa cơ chân. Ngoài đi lại và cử động chân liên tục, mát-xa cũng giúp thúc đẩy lưu thông máu ở chân. Bạn có thể mang theo một quả bóng mát-xa hoặc bóng tennis. Khi ngồi, nhẹ nhàng lăn bóng từ đùi xuống chân và ngược lại. Bạn cũng đặt bóng dưới bàn chân và di chuyển chân qua lại để mát-xa cơ.
Theo hướng dẫn năm 2021 của Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ (ASH), dùng thuốc chống đông máu và mang vớ y khoa là những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất cho những người có nguy cơ cao bị cục máu đông.
Ngoài những biện pháp kể trên, bạn có thể thực hiện thêm những điều dưới đây để giảm nguy cơ cục máu đông:
- Không ngồi bắt chéo chân vì tư thế này gây cản trở lưu thông máu
- Mặc quần rộng rãi, không mặc quần bó
- Uống 240ml nước sau mỗi một giờ để cấp đủ nước cho cơ thể
- Tránh hoặc hạn chế các loại đồ uống gây mất nước, chẳng hạn như đồ uống có cồn và cà phê
Ngăn ngừa cục máu đông khi di chuyển bằng các phương tiện khác
Bất kể là ở trên không hay dưới mặt đất, ngồi một chỗ lâu trong không gian chật hẹp đều làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Nếu di chuyển đường dài bằng ô tô riêng, hãy dừng lại và xuống xe đi lại thường xuyên.
- Nếu đi xe khách, hãy cử động chân liên tục và xuống xe khi đến các trạm nghỉ.
- Nếu đi tàu hỏa, bạn có thể đi bộ dọc theo lối đi và cử động chân khi ngồi.
Triệu chứng của cục máu đông
Các triệu chứng của cục máu đông ở chân:
- Đau chân, chuột rút hoặc nhức chân
- Sưng ở mắt cá chân hoặc cẳng chân, thường chỉ ở một chân
- Chân chuyển đỏ hoặc xanh tím
- Da nóng khi chạm
Đôi khi, cục máu đông không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Bạn nên đi khám khi nhận thấy các triệu chứng huyết khối tĩnh mạch sâu. Tình trạng này có thể được chẩn đoán bằng các kỹ thuật không xâm lấn như siêu âm tĩnh mạch, chụp tĩnh mạch hay chụp cộng hưởng từ mạch máu.
Một biến chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu là thuyên tắc phổi.
Các triệu chứng của thuyên tắc phổi gồm có:
- Hụt hơi
- Đau ngực
- Ho
- Chóng mặt
- Nhịp tim bất thường
- Đổ mồ hôi
- Sưng chân
Gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi thấy triệu chứng thuyên tắc phổi. Phương pháp chẩn đoán chính là chụp CT. Tình trạng này cần được điều trị khẩn cấp.
Tóm tắt bài viết
Chuyến bay đường dài làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Nguy cơ sẽ càng tăng cao khi có các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị cục máu đông. Có một số cách để phòng ngừa hình thành cục máu đông khi đi máy bay và các phương tiện giao thông khác, gồm có mang vớ nén, đi lên đi lại thường xuyên nếu có thể, cử động chân liên tục, uống đủ nước và mát-xa chân.
Nếu bạn đang có cục máu đông hoặc vừa mới kết thúc quá trình điều trị cục máu đông thì nên trao đổi với bác sĩ trước khi đi máy bay. Có thể bạn sẽ phải hoãn chuyến đi hoặc dùng thuốc để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

Ống động mạch là một phần trong hệ tuần hoàn của thai nhi, có chức năng nối hai mạch máu chính dẫn máu từ tim là động mạch chủ và động mạch phổi trong thời kỳ bào thai và đóng lại trong vòng vài ngày sau khi sinh. Nếu cấu trúc này vẫn mở sau khi sinh thì được gọi là còn ống động mạch.

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ bị thu hẹp và không mở ra như bình thường. Tình trạng này có thể gây đau ngực và khó thở, đặc biệt là sau khi gắng sức.

Hở van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ không đóng kín hoàn toàn, khiến một phần máu chảy ngược lại vào tâm thất trái. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như đau ngực và mệt mỏi cùng những triệu chứng khác.

Hẹp van động mạch phổi xảy ra khi van động mạch phổi không mở đúng cách hoặc không mở đủ rộng. Đây là một vấn đề rất hiếm gặp, thường xuất hiện ngay từ khi sinh ra. Tình trạng đôi khi có thể cần sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị.