1

Tại sao chu kỳ kinh ngắn hơn vào giai đoạn tiền mãn kinh?

Sự thay đổi nồng độ hormone trong giai đoạn tiền mãn kinh gây ra nhiều dấu hiệu, triệu chứng như bốc hỏa, khô âm đạo, đau đầu và chu kỳ kinh nguyệt bất thường.
Tại sao chu kỳ kinh ngắn hơn vào giai đoạn tiền mãn kinh? Tại sao chu kỳ kinh ngắn hơn vào giai đoạn tiền mãn kinh?

Nội dung chính của bài viết:

  • Càng đến những năm sau của giai đoạn tiền mãn kinh, số lần có kinh nguyệt sẽ ngày càng ít đi. Một khi giai đoạn tiền mãn kinh kết thúc và giai đoạn mãn kinh đã bắt đầu thì sẽ không còn có kinh nguyệt nữa.
  • Sự thay đổi nồng độ hormone khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường. Khi ở trong giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều và các lần có kinh diễn ra gần nhau là điều bình thường.
  • Tuy nhiên, đôi khi những thay đổi này lại là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn. Khi gặp phải bất kỳ hiện tượng chảy máu âm đạo hoặc sự thay đổi bất thường nào trong chu kỳ kinh nguyệt thì đều nên đi khám bác sĩ.

Tiền mãn kinh là gì?

Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp từ độ tuổi sinh sản sang giai đoạn mãn kinh, thường bắt đầu trong khoảng từ giữa đến cuối độ tuổi 40 nhưng cũng có thể bắt đầu sớm hơn. Trong thời gian này, buồng trứng bắt đầu sản xuất ít estrogen hơn.

Sự thay đổi nồng độ hormone trong giai đoạn này gây ra nhiều dấu hiệu, triệu chứng như bốc hỏa, khô âm đạo, đau đầu và chu kỳ kinh nguyệt bất thường.

Những triệu chứng này thường kéo dài khoảng 4 năm trước khi kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn. Giai đoạn tiền mãn kinh kết thúc và chuyển sang giai đoạn mãn kinh sau 12 tháng liên tiếp không có kinh nguyệt.

Dưới đây là những điều cần biết về tiền mãn kinh và những thay đổi trong chu kỳ kinh ở giai đoạn này.

Kinh nguyệt sẽ thay đổi như thế nào?

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt vốn bình thường, đều đặn trước đây sẽ trở nên bất thường. Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên có kinh (ra máu) của lần này đến ngày đầu tiên có kinh của lần kế tiếp.

Trong độ tuổi sinh sản, nồng độ estrogen và progesterone tăng và giảm theo một chu kỳ nhất quán hàng tháng. Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, sự thay đổi nồng độ hormone sẽ trở nên thất thường. Điều này khiến cho kinh nguyệt không còn diễn ra đều đặn như trước.

Cụ thể, phụ nữ sẽ gặp những thay đổi như:

  • Thay đồi chiều dài chu kỳ kinh nguyệt: Thay vì có chu kỳ kinh 28 đến 30 ngày như trước thì vào giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh có thể rút ngắn lại hoặc dài ra.
  • Kinh nguyệt thất thường: Trong giai đoạn tiền mãn kinh, khoảng thời gian giữa các kỳ kinh có thể thay đổi theo từng tháng. Có tháng hai kỳ kinh diễn ra rất gần nhau nhưng sang tháng sau lại có thể cách nhau rất xa.
  • Mất kinh: Trong giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh, có thể sẽ có những tháng mất kinh nguyệt (hay vô kinh). Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng mình đã mãn kinh nhưng thực tế là vẫn chưa. Một người chỉ được coi là chính thức mãn kinh khi không có kinh trong 12 tháng liên tiếp.
  • Kinh nguyệt ra nhiều hoặc ít hơn truóc: Mức độ ra máu kinh khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh có thể nhiều hơn hoặc ít hơn trước, thậm chí chỉ ra máu nhỏ giọt, không hề giống như hành kinh bình thường.
  • Thời gian có kinh ngắn hoặc dài hơn trươc: Thời gian có kinh cũng có thể thay đổi. Hiện tượng ra máu có thể chỉ diễn ra trong 1 đến 2 ngày hoặc kéo dài quá một tuần.

Tại sao lại có những thay đổi này?

Trong một vài năm trước khi mãn kinh, buồng trứng không còn rụng trứng định kỳ hàng tháng nữa. Khi sự rụng trứng diễn ra không thường xuyên, các hormone do buồng trứng sản xuất là estrogen và progesterone cũng bắt đầu dao động và giảm đi. Đây là những hormone chịu trách nhiệm điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Do đó, sự thay đổi nồng độ hormone khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường. Ngoài ra, còn gây những triệu chứng khác như:

  • Bốc hỏa
  • Ngực căng đau
  • Tăng cân
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Giảm tập trung
  • Hay quên
  • Đau nhức cơ
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Thay đổi tâm trạng
  • Giảm ham muốn tình dục

Thời gian diễn ra những triệu chứng này ở mỗi người là khác nhau nhưng thường kéo dài đến tận khi mãn kinh, có thể chỉ là một vài tháng nhưng cũng có trường hợp lên đến 12 năm kể từ khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Khi nào cần đi khám?

Khi ở trong giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều và các lần có kinh diễn ra gần nhau là điều bình thường. Tuy nhiên, đôi khi những thay đổi này lại là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn.

Cần đi khám bác sĩ nếu:

  • Đột nhiên kinh nguyệt ra nhiều bất thường (cứ cách 1 tiếng lại phải thay băng vệ sinh)
  • Hai lần có kinh cách nhau dưới 3 tuần
  • Kinh nguyệt lâu hết hơn bình thường
  • Chảy máu âm đạo khi quan hệ hoặc ngoài thời gian có kinh

Mặc dù hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường trong giai đoạn tiền mãn kinh thường là do sự dao động hormone nhưng cũng có thể là một dấu hiệu của:

  • Polyp: khối u lành hình thành ở lớp niêm mạc tử cung hoặc cổ tử cung. Mặc dù đa phần là lành tính nhưng đôi khi, khối polyp có thể biến thành u ác tính.
  • U xơ tử cung: cũng là khối u lành trong tử cung. Các khối u xơ có kích thước khác nhau, từ chỉ rất nhỏ cho đến đủ lớn để làm thay đổi kích thước tử cung và khiến bụng dưới phình to. Hầu hết u xơ tử cung đều không tiến triển thành ung thư.
  • Teo nội mạc tử cung: tình trạng lớp nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung) mỏng đi và có thể gây chảy máu âm đạo bất thường.
  • Tăng sản nội mạc tử cung: lớp niêm mạc tử cung dày lên.
  • Ung thư tử cung: một bệnh ung thư bắt đầu hình thành trong tử cung.

Bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp kiểm tra để xác định nguyên nhân gây chảy máu âm đạo bất thường:

  • Siêu âm vùng chậu: sử dụng sóng âm thanh để lấy hình ảnh của tử cung, cổ tử cung và các cơ quan khác trong khoang chậu. Đầu dò siêu âm có thể được đưa vào âm đạo (siêu âm qua âm đạo) hoặc đặt trên vùng bụng dưới (siêu âm qua thành bụng).
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: sử dụng một ống nhỏ để lấy mẫu mô ở niêm mạc tử cung. Sau đó, mẫu mô được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích tìm dấu hiệu bất thường.
  • Nội soi buồng tử cung: đưa ống nội soi qua âm đạo vào tử cung. Thủ thuật này cho phép bác sĩ quan sát bên trong tử cung và lấy mẫu mô làm sinh thiết nếu cần thiết.
  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung: bác sĩ bơm dung dịch nước muối sinh lý vào tử cung để làm tử cung căng lên và sau đó siêu âm để có thể quan sát rõ hơn.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị mà bác sĩ chỉ định sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra hiện tượng ra máu bất thường và mức độ nghiêm trọng.

Nếu nguyên nhân là do nội tiết tố và không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì có thể không cần can thiệp điều trị hoặc điều trị bằng các phương pháp sử dụng hormone, gồm có thuốc tránh thai đường uống hoặc vòng tránh thai nội tiết. Các phương pháp này giúp giảm bớt mức độ ra máu trong những trường hợp kinh nguyệt ra nhiều bằng cách ngăn niêm mạc tử cung dày lên quá mức.

Với những trường hợp bị ra máu bất thường do khối u lành như u xơ hoặc polyp thì có thể cần điều trị nếu có các triệu chứng. Có thể loại bỏ polyp bằng kỹ thuật mổ nội soi. U xơ có thể được điều trị bằng một trong những phương pháp dưới đây:

  • Nút mạch u xơ tử cung: tiêm một loại vật liệu chứa các hạt nhỏ vào động mạch cung cấp máu cho tử cung. Điều này sẽ cắt đứt nguồn máu nuôi u xơ và khiến khối u teo đi.
  • Phá hủy u xơ: sử dụng dòng điện hoặc laser để tiêu diệt u xơ và cắt nguồn cung cấp máu đến khối u. Thủ thuật này cũng có thể được thực hiện bằng nitơ lỏng (cryomyolysis).
  • Cắt u xơ: với thủ thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ khối u xơ nhưng vẫn giữ nguyên tử cung. Quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng hay nội soi bằng robot, nội soi buồng tử cung hoặc mổ mở.
  • Cắt tử cung: bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ tử cung. Đây là phương pháp điều trị u xơ tử cung xâm lấn nhất. Khi đã cắt tử cung thì sẽ không thể mang thai được nữa.

Có thể điều trị teo nội mạc tử cung và tăng sản nội mạc tử cung bằng cách sử dụng hormone progestin dạng thuốc đường uống, kem bôi âm đạo, thuốc tiêm hoặc vòng đặt trong tử cung, tùy theo độ tuổi và vấn đề cụ thể. Một số trường hợp sẽ cần phẫu thuật loại bỏ lớp niêm mạc tử cung dày lên bằng kỹ thuật nội soi hoặc kỹ thuật nong cổ tử cung và nạo buồng tử cung (D&C).

Phương pháp chính để điều trị ung thư tử cung là phẫu thuật cắt tử cung. Ngoài ra còn có xạ trị, hóa trị hoặc liệu pháp hormone.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đau bụng kinh nhiều hơn trong giai đoạn tiền mãn kinh có bình thường không?
Đau bụng kinh nhiều hơn trong giai đoạn tiền mãn kinh có bình thường không?

Đau buồng trứng có thể là do chu kỳ kinh nguyệt hoặc các yếu tố khác. Tình trạng đau có thể gia tăng trong giai đoạn tiền mãn kinh. Nếu tình trạng đau kéo dài dai dẳng hoặc đã hết kinh nguyệt mà vẫn còn đau thì bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân gây đau.

Những thay đổi về khí hư trong giai đoạn tiền mãn kinh
Những thay đổi về khí hư trong giai đoạn tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh. Mãn kinh bắt đầu khi bạn không có kinh nguyệt trong suốt một năm. Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 30 đến 40. Nồng độ estrogen thay đổi liên tục trong khoảng thời gian này. Điều này khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều, ví dụ như thời gian hành kinh dài hơn, ngắn hơn, thưa hơn và lượng máu kinh nhiều hơn hoặc ít hơn. Những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt này kéo theo những thay đổi về dịch tiết âm đạo hay còn gọi là khí hư. Nồng độ estrogen sụt giảm trong giai đoạn tiền mãn kinh khiến cho lượng dịch tiết âm đạo giảm đi và dẫn đến khô âm đạo.

Giai đoạn tiền mãn kinh nên ăn gì, kiêng gì?
Giai đoạn tiền mãn kinh nên ăn gì, kiêng gì?

Mãn kinh là điều tất yếu xảy ra với mọi phụ nữ và không có cách nào có thể ngăn cản được. Tuy nhiên, có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng khó chịu trong giai đoạn tiền mãn kinh. Một trong những cách đó là điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt.

Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tiền mãn kinh
Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tiền mãn kinh

Mãn kinh là một quá trình sinh lý tự nhiên ở phụ nữ, xảy ra khi buồng trứng ngừng phóng trứng trưởng thành vào mỗi tháng và cơ thể tạo ra ít horTronmone estrogen, progesterone hơn.

Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến kinh nguyệt như thế nào?
Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến kinh nguyệt như thế nào?

Những thay đổi của thời kỳ tiền mãn kinh diễn ra không theo quy luật nên sẽ có ảnh hưởng đến sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây