Tại sao bệnh tiểu đường gây mất nước?
Tất cả những người đang sống chung với bệnh tiểu đường đều phải hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì lượng đường (glucose) trong máu ở mức khỏe mạnh. Nếu không được kiểm soát, đường trong máu cao sẽ làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh trong cơ thể. Tình trạng này sẽ dẫn đến các biến chứng như suy thận, mù lòa và bệnh tim mạch.
Ngoài dùng thuốc, tập thể dục và ăn uống lành mạnh, uống đủ nước cũng là điều cần thiết để kiểm soát ổn định đường huyết. Cơ thể không được cung cấp đủ nước sẽ làm tăng lượng đường trong máu và ngược lại, đường huyết cao có thể làm giảm lượng chất lỏng trong cơ thể, dẫn đến mất nước.
Bệnh tiểu đường và mất nước
Bệnh tiểu đường có thể đi đôi với mất nước. Trên thực tế, khát và khô miệng thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh tiểu đường và cả hai cũng là dấu hiệu phổ biến chỉ ra tình trạng mất nước nhẹ. Tuy nhiên, cụ thể thì bệnh tiểu đường có mối liên hệ như thế nào với tình trạng mất nước?
Mối liên hệ này có liên quan đến cơ chế phản ứng của cơ thể khi lượng đường trong máu tăng cao.
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không tạo ra insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin là một loại hormone giúp các tế bào của cơ thể hấp thụ đường trong máu và sau đó sử dụng đường để tạo năng lượng.
Khi cơ thể thiếu insulin hoặc sử dụng insulin kém hiệu quả, đường sẽ không đi vào tế bào mà tích tụ trong máu. Khi lượng đường trong máu tăng cao, thận sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn để đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể.
Đi tiểu nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mất nước nếu như không bù đủ nước cho cơ thể.
Khát nước do tiểu đường
Khát nước liên tục là một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường và cũng là một dấu hiệu của tình trạng mất nước nhẹ.
Triệu chứng khát của bệnh tiểu đường tăng lên khi đường huyết cao gây đi tiểu nhiều lần và khiến cơ thể bị mất đi một lượng nước lớn. Ngay cả khi uống nước thường xuyên, người bệnh vẫn cảm thấy khát hoặc bị mất nước.
Lý do là bởi thận vẫn tiếp tục tạo ra nhiều nước tiểu để loại bỏ lượng glucose dư thừa ra ngoài. Điều này sẽ vẫn tiếp diễn chừng nào lượng đường trong máu còn ở mức cao.
Nhiễm toan ceton
Nhiễm toan ceton là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, xảy ra khi lượng đường trong máu cao kéo dài và phổ biến hơn ở bệnh tiểu đường type 2.
Khi các tế bào không thể hấp thụ đường từ máu để tạo năng lượng, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo để làm năng lượng. Quá trình này tạo ra một loại axit có tên là ceton (ketone) và nồng độ ceton trong máu quá cao sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Nhiễm toan ceton khiến cơ thể mất đi một lượng nước lớn và điều này có thể gây sốc. Các triệu chứng của nhiễm toan ceton gồm có:
- Da khô
- Mặt đỏ bừng
- Đau đầu
- Cứng cơ
- Nôn mửa
- Bất tỉnh
Đái tháo nhạt
Mặc dù tên gọi gần giống nhau nhưng đái tháo nhạt và đái tháo đường là hai tình trạng khác nhau. Đái tháo nhạt xảy ra do tuyến yên không sản xuất đủ vasopressin hoặc thận không thể đáp ứng với vasopressin. Vasopressin hay ADH (antidiuretic hormone, hormone chống bài niệu) là một loại hormone khiến thận không thể giữ nước.
Khi điều này xảy ra, thận sẽ bài tiết một lượng lớn nước tiểu và gây ra tình trạng mất nước.
Người bị tiểu đường nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Giữ đường huyết ổn định ở mức bình thường giúp cơ thể duy trì sự cân bằng chất lỏng. Một điều quan trọng nữa là phải uống đủ nước. Uống nước không chỉ giúp chống mất nước mà còn hỗ trợ thận đào thải lượng glucose dư thừa trong máu
Người mắc bệnh tiểu đường nên uống nhiều nước - khoảng 1,6 lít, tương đương 6,5 cốc mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 lít, tương đương 8,5 lít mỗi ngày đối với nam giới.
Mặc dù nước lọc vẫn là lựa chọn tốt nhất để bổ sung nước cho cơ thể và ngăn ngừa mất nước nhưng các loại đồ uống khác cũng mang lại tác dụng tương tự.
Nếu không thích nước lọc thì có thể thêm vào một vài vắt chanh tươi hoặc nước cốt chanh để tạo mùi vị hoặc uống trà thảo mộc không chứa caffeine, sữa tách béo hay cà phê đen không đường.
Tuy nhiên, nên tránh các loại đồ uống không lành mạnh như nước tăng lực, nước ép hoa quả và nước ngọt. Những đồ uống này chứa nhiều đường và có thể làm tăng lượng đường trong máu. Có thể uống nước khoáng có ga nhưng nên chọn loại không đường.
Nguyên nhân và triệu chứng của mất nước
Tình trạng mất nước do bệnh tiểu đường không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Đôi khi, các triệu chứng chỉ thoáng qua cho đến khi cơ thể bị mất nước nghiêm trọng.
Các triệu chứng thường gặp của mất nước nhẹ gồm có:
- Khô miệng
- Khát nước
- Đau đầu
- Khô mắt
- Khô da
- Nước tiểu sẫm màu
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
Mất nước nghiêm trọng sẽ gây tụt huyết áp, mạch yếu và không tỉnh táo.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mất nước hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước, chẳng hạn như thời tiết nóng, ẩm ướt, tập thể dục cường độ cao, uống rượu bia hoặc đồ uống có chứa caffeine.
Khi nào cần đi khám?
Nếu chỉ có dấu hiệu mất nước nhẹ, uống nhiều nước và kiểm soát đường huyết có thể giúp cân bằng lượng nước trong thể và cải thiện quá trình hydrat hóa.
Nên đi khám nếu như không thể kiểm soát được đường huyết bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống. Rất có thể loại thuốc điều trị tiểu đường hiện tại không hiệu quả và cần phải điều chỉnh.
Người bệnh cũng nên đi khám khi có các triệu chứng mất nước nghiêm trọng như đầu óc lâng lâng, mơ hồ, huyết áp thấp và mạch yếu hoặc nếu có các triệu chứng của nhiễm toan ceton, gồm có:
- Buồn nôn hoặc nôn
- Hơi thở có mùi trái cây
- Khó thở
- Đầu óc mơ hồ
Ngoài ra cũng cần đi khám nếu có dấu hiệu mất nước nhưng lượng đường trong máu vẫn ở mức bình thường. Đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác.
Tóm tắt bài viết
Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mãn tính có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị. Đi tiểu nhiều và thường xuyên khát nước là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Cần phải uống nhiều nước để bù nước cho cơ thể và duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh.
Nếu không được khắc phục, tình trạng mất nước sẽ dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn gây nguy hiểm đến tính mạng, làm tăng nguy cơ suy thận, co giật và thậm chí hôn mê.
Bệnh đái tháo đường có thể gây ra hiện tượng nước tiểu đục khi có quá nhiều đường tích tụ trong nước tiểu. Đôi khi, nước tiểu còn có mùi ngọt hay mùi trái cây. Bệnh đái tháo đường còn có thể dẫn đến các biến chứng về thận hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và cả hai đều có triệu chứng là nước tiểu đục.
Rất nhiều người có thói quen uống nước ép rau củ quả mỗi ngày. Mặc dù đúng là nước ép rau củ quả tươi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ giảm cân, bổ sung dinh dưỡng, thúc đẩy tiêu hóa, tăng cường miễn dịch hay làm đẹp da nhưng không phải ai cũng nên uống nước ép, biệt là những người mắc bệnh tiểu đường. Cùng tìm hiểu xem liệu uống nước ép có thực sự an toàn và tốt cho sức khỏe của những người bị tiểu đường hay không.
Khi ăn một loại thực phẩm nào đó, bao gồm cả gia vị hay nước sốt, người bệnh tiểu đường cần phải cân nhắc nên ăn vào thời điểm nào và ăn bao nhiêu để tránh làm cho lượng đường trong máu tăng đột ngột.
Ở những nam giới từ 45 tuổi trở xuống thì rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida và một trong số đó là bệnh tiểu đường.