1

Rụng trứng là gì? 17 điều cần biết về chu kỳ kinh nguyệt

Rụng trứng là một phần của chu kỳ kinh nguyệt, xảy ra khi một quả trứng được phóng ra từ buồng trứng.
Rụng trứng là gì? 17 điều cần biết về chu kỳ kinh nguyệt Rụng trứng là gì? 17 điều cần biết về chu kỳ kinh nguyệt

Nội dung chính của bài viết:

  • Hầu hết phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt trong độ tuổi từ 10 đến 15. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu rụng trứng và có khả năng mang thai.
  • Sự rụng trứng thường diễn ra vào khoảng ngày 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Quá trình rụng trứng có thể xảy ra trong vòng 28 – 36 tiếng sau khi nồng độ hormone luteinizing tăng lên.
  • Rụng trứng diễn ra trong 3 giai đoạn, đó là: giai đoạn nang trưng, rụng trứng và sau rụng trứng (hoàng thể).
  • Khi sắp rụng trứng, dịch âm đạo sẽ nhiều hơn. Khi rụng trứng sẽ có hiện tượng ra máu nhẹ, vú căng, tăng ham muốn tình dục, đầy hơi, đau ở một bên bụng dưới...
  • Một số phụ nữ có thể rụng trứng nhiều lần trong một chu kỳ kinh nguyệt.
  • Rụng trứng không phải là thời điểm duy nhất có thể thụ thai thành công. nếu bạn quan hệ trong vòng vài ngày trước khi quá trình rụng trứng diễn ra hoặc vào ngày rụng trứng thì đều có thể mang thai.
  • Khoảng thời gian 6 ngày, bao gồm 5 ngày trước rụng trứng và ngày diễn ra quá trình rụng trứng được gọi là “cửa sổ thụ thai” (fertile window). Đây là khoảng thời gian mà trứng có thể được thụ tinh khi quan hệ tình dục.
  • Nếu bạn đang muốn mang thai thì nên đi khám bác sĩ để được giải đáp những thắc mắc về sự rụng trứng và theo dõi cũng như tư vấn cho bạn về cách xác định thời điểm quan hệ để tăng khả năng thụ thai thành công.

1. Rụng trứng là gì?

Sau khi được giải phóng, trứng đi vào ống dẫn trứng, tại đây nó có thể có hoặc không được thụ tinh bởi tinh trùng. Nếu được thụ tinh, trứng sẽ di chuyển đến tử cung và làm tổ ở niêm mạc tử cung (lớp mô bao phủ bề mặt bên trong của tử cung) rồi phát triển thành bào thai. Nếu không được thụ tinh, trứng sẽ thoái hóa và niêm mạc tử cung bị bong ra, gây hiện tượng chảy máu và bắt đầu có kinh nguyệt.

Hầu hết phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt trong độ tuổi từ 10 đến 15. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu rụng trứng và có khả năng mang thai.

Hiểu được giai đoạn rụng trứng diễn ra như thế nào và vào thời gian nào sẽ giúp bạn tăng khả năng thụ thai thành công hoặc tránh mang thai ngoài ý muốn. Quan sát những thay đổi diễn ra trong thời kỳ rụng trứng còn giúp phát hiện một số vấn đề về sức khỏe.

2. Rụng trứng diễn ra khi nào?

Sự rụng trứng thường diễn ra vào khoảng ngày 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên có kinh của lần này đến ngày đầu tiên có kinh của lần kế tiếp và một chu kỳ thường kéo dài 28 – 30 ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng có chu kỳ 28 – 30 ngày mà có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tùy từng người.

Nói chung, sự rụng trứng diễn ra trong khoảng 4 ngày trước hoặc 4 ngày sau điểm giữa của chu kỳ kinh nguyệt.

3. Rụng trứng diễn ra như thế nào?

Quá trình rụng trứng được xác định bởi một khoảng thời gian mà nồng độ hormone sinh dục tăng cao trong chu kỳ kinh nguyệt. Quá trình này được chia thành 3 giai đoạn:

  1. Giai đoạn trước rụng trứng hay giai đoạn nang trứng: Hai hormone là hormone kích thích nang trứng (follicle stimulating hormone – FSH) và hormone luteinizing (LH) được tiết ra, nang trứng trưởng thành và chuẩn bị phóng trứng. Hai hormone này còn kích thích sự sản sinh hormone sinh dục nữ estrogen.
  2. Giai đoạn rụng trứng: Trứng được phóng khỏi buồng trứng và đi vào ống dẫn trứng. Dịch nhầy cổ tử cung tăng lên cả về lượng và độ dày. Dịch nhầy này nuôi dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng đi về phía trứng. Đây là giai đoạn mà khả năng thụ thai đạt mức cao nhất và thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ.
  3. Giai đoạn sau rụng trứng hay giai đoạn hoàng thể: Sau khi giải phóng trứng của mình, nang trứng rỗng sẽ trở thành một cấu trúc mới gọi là hoàng thể. Hoàng thể tạo ra hormone progesterone, chuẩn bị tử cung để trứng sau khi thụ tinh sẽ làm tổ. Nếu trứng được thụ tinh thì sẽ đi qua ống dẫn trứng và bám vào thành tử cung. Còn nếu trứng không được thụ tinh thì sẽ từ từ đi qua tử cung, niêm mạc tử cung bong ra và bắt đầu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.

4. Giai đoạn rụng trứng kéo dài bao lâu?

Quá trình rụng trứng bắt đầu khi cơ thể bạn giải phóng hormone kích thích nang trứng (FSH), thường là vào khoảng giữa ngày thứ 6 đến 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Hormone này giúp trứng bên trong buồng trứng trưởng thành để chuẩn bị được phóng đi.

Khi trứng đã trưởng thành, cơ thể sẽ tiết ra một lượng hormone luteinizing (LH) để kích hoạt sự phóng trứng từ buồng trứng. Quá trình rụng trứng có thể xảy ra trong vòng 28 – 36 tiếng sau khi nồng độ hormone luteinizing tăng lên.

5. Dấu hiệu nhận biết rụng trứng

Một trong những dấu hiệu báo sự rụng trứng sắp diễn ra là tăng tiết dịch âm đạo (khí hư). Chất dịch thường trong và nhầy giống như lòng trắng trứng sống. Sau khi rụng trứng, dịch tiết âm đạo sẽ giảm và đặc hơn hoặc đục hơn.

Ngoài ra, rụng trứng còn có các dấu hiệu khác như:

  • Ra máu nhẹ hay máu nhỏ giọt (có những đốm máu nhỏ trên quần lót)
  • Vú căng và nhạy cảm
  • Tăng ham muốn tình dục
  • Đau buồng trứng với biểu hiện là cảm giác khó chịu hoặc đau ở một bên bụng dưới
  • Khứu giác, thị giác hay vị giác nhạy hơn bình thường
  • Thân nhiệt tăng nhẹ
  • Đầy hơi, trướng bụng

Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng gặp phải các dấu hiệu này trước khi rụng trứng, vì vậy không thể chỉ dựa vào những dấu hiệu này để theo dõi khả năng sinh sản.

6. Rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt

Ngày đầu tiên ra máu là mốc đánh dấu một chu kỳ kinh nguyệt mới bắt đầu. Đây là sự khởi đầu của giai đoạn trước rụng trứng hay giai đoạn nang trứng (follicular phase), đây là giai đoạn mà trứng trưởng thành để rồi sau đó được giải phóng ra khỏi buồng trứng trong quá trình rụng trứng, vào khoảng ngày 14 của chu kỳ kinh nguyệt.

Sau giai đoạn trước rụng trứng là đến giai đoạn hoàng thể. Nếu trứng được thụ tinh thì sẽ bám vào thành tử cung, các hormone sẽ giữ cho lớp niêm mạc tử cung không bị bong ra và không có hiện tượng ra máu. Mặc khác, nếu trứng không được thụ tinh thì niêm mạc tử cung sẽ bong và gây chảy máu, bắt đầu có kinh nguyệt vào khoảng ngày 28 của chu kỳ và đây cũng là lúc bắt đầu chu kỳ tiếp theo.

Tóm lại, sự rụng trứng thường diễn ra vào giữa chu kỳ kinh nguyệt.

7. Có thể rụng trứng nhiều lần trong một chu kỳ kinh nguyệt không?

Có thể. Một số phụ nữ rụng trứng nhiều lần trong một chu kỳ kinh nguyệt.

Một nghiên cứu từ năm 2003 cho thấy một phụ nữ có thể rụng trứng 2 hoặc 3 lần trong một chu kỳ kinh nguyệt. Một nghiên cứu khác cũng cho biết 10% những người tham gia đều có hiện tượng phóng 2 quả trứng trong một tháng.

Ngoài ra cũng có những người mà buồng trứng phóng ra nhiều trứng cùng lúc trong một lần rụng trứng một cách tự nhiên hoặc do tác động của các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Nếu cả hai trứng cùng được thụ tinh thì sẽ tạo thành thai đôi cùng trứng.

8. Có phải chỉ có thể thụ thai vào thời gian rụng trứng không?

Rụng trứng không phải là thời điểm duy nhất có thể thụ thai thành công. Mặc dù trứng chỉ có thể được thụ tinh trong vòng 12 đến 24 giờ sau khi được phóng ra khỏi buồng trứng nhưng ở điều kiện lý tưởng, tinh trùng có thể sống trong cơ thể phụ nữ trong thời gian lên đến 5 ngày. Vì vậy, nếu bạn quan hệ trong vòng vài ngày trước khi quá trình rụng trứng diễn ra hoặc vào ngày rụng trứng thì đều có thể mang thai.

9. Cửa sổ thụ thai là gì?

Khoảng thời gian 6 ngày, bao gồm 5 ngày trước rụng trứng và ngày diễn ra quá trình rụng trứng được gọi là “cửa sổ thụ thai” (fertile window). Đây là khoảng thời gian mà trứng có thể được thụ tinh khi quan hệ tình dục.

Tinh trùng có thể tồn tại được khoảng vài ngày trong ống dẫn trứng sau khi quan hệ và sẵn sàng thụ tinh cho trứng sau khi trứng được phóng ra. Một khi trứng đi vào ống dẫn trứng thì nó có thể sống trong khoảng 24 tiếng trước khi thoái hóa và không thể được thụ tinh được nữa. Lúc này, cửa sổ thụ tinh kết thúc.

10. Dự đoán ngày rụng trứng bằng cách nào?

Mặc dù cách chính xác nhất để xác nhận sự rụng trứng là siêu âm tại các phòng khám hoặc bằng cách xét nghiệm nội tiết tố (hormone) trong máu nhưng ngoài ra còn có nhiều cách để dự đoán sự rụng trứng tại nhà.

  • Biểu đồ thân nhiệt chuẩn (Basal body temperature): Đo nhiệt độ cơ thể bằng nhiệt kế vào mỗi sáng ngay sau khi ngủ dậy trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và ghi lại để theo dõi những thay đổi. Khi nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng lên rồi duy trì trong 3 ngày liên tiếp thì có thể đoán được thời điểm rụng trứng.
  • Bộ dụng cụ thử rụng trứng (Ovulation predictor kit): Bạn có thể mua được ở các hiệu thuốc. Bộ dụng cụ này giúp đo nồng độ hormone luteinizing trong nước tiểu. Bình thường, nước tiểu phụ nữ luôn có hormone luteinizing nhưng nồng độ hormone này tăng cao khi gần đến thời điểm rụng trứng. Sau khi thử, nếu vạch hiển thị trên que có màu đậm bằng hoặc đậm hơn vạch in sẵn thì có nghĩa là bạn sắp đến ngày rụng trứng. Ngoài loại que giấy, hiện nay trên thị trường còn có cả loại que thử rụng trứng điện tử với cách sử dụng tương tự.
  • Máy theo dõi khả năng thụ thai: Thiết bị này cũng có thể mua được tại các nhà thuốc nhưng có giá cao hơn que thử rụng trứng. Đây là loại máy theo dõi hai hormone là estrogen và luteinizing để giúp xác định 6 ngày của cửa sổ thụ thai.

11. Phương pháp nào hiệu quả nhất?

Rất khó để chọn ra phương pháp nào hiệu quả nhất.

Biểu đồ thân nhiệt chuẩn có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố làm thay đổi nhiệt độ cơ thể, ví dụ như bệnh tật hoặc uống rượu bia. Trong một nghiên cứu, phương pháp theo dõi thân nhiệt chỉ xác nhận rụng trứng chính xác cho 17 trên 77 trường hợp. Theo một khảo sát, trong một năm sử dụng các biện pháp nhận biết rụng trứng như biểu đồ thần nhiệt thì chỉ có từ 12 đến 24 trong tổng số 100 người mang thai thành công.

Mặt khác, máy theo dõi khả năng thụ thai giúp làm tăng khả năng mang thai thành công chỉ sau một tháng sử dụng. Tuy nhiên, những công cụ này không phải khi nào cũng hiệu quả.

Cần nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp dự đoán thời điểm rụng trứng nếu bạn:

  • Sắp đến tuổi mãn kinh
  • Gần đây mới bắt đầu có kinh nguyệt
  • Mới thay đổi phương pháp tránh thai nội tiết tố
  • Vừa mới sinh con

12. Thời điểm và tần suất quan hệ khi muốn thụ thai?

Để mang thai thì bạn chỉ cần quan hệ một lần trong cửa sổ thụ thai. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng đang muốn có con có thể tăng khả năng thành công bằng cách quan hệ mỗi ngày hoặc 2 ngày một lần trong cửa sổ thụ thai.

Thời điểm lý tưởng nhất để thụ thai là trong vòng 2 ngày trước rụng trứng và vào ngày rụng trứng.

13. Nếu muốn tránh thai thì sao?

Nếu bạn muốn tránh thai thì điều quan trọng nhất là phải sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ trong cửa sổ thụ thai. Mặc dù có thể chỉ cần đến các biện pháp bảo vệ như bao cao su là đủ nhưng tốt nhất nên có thêm các biện pháp hiệu quả hơn.

Bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn về phương pháp tránh thai tốt nhất.

14. Điều gì diễn ra nếu trứng được thụ tinh?

Sau khi được thụ tinh, trứng bắt đầu quá trình phân chia, đầu tiên thành 2 tế bào, sau đó là 4 và cứ thế tiếp tục cho đến khi trở thành phôi nang gồm có 100 tế bào. Phôi nang sau đó bám vào thành tử cung và thai kỳ bắt đầu.

Sau khi trứng thụ tinh bám vào thành tử cung, hormone estrogen và progesterone giúp làm dày niêm mạc tử cung. Những hormone này còn phát tín hiệu đến não bộ để không làm bong lớp niêm mạc, giúp cho phôi có thể tiếp tục phát triển thành thai nhi.

15. Nếu trứng không được thụ tinh thì sao?

Nếu trứng không được thụ tinh bởi tinh trùng trong chu kỳ kinh nguyệt thì trứng sẽ thoái hóa. Các hormone phát đi tín hiệu để cơ thể làm bong lớp niêm mạc tử cung, gây hiện tượng chảy máu kéo dài từ 2 – 7 ngày hay chính là kỳ kinh nguyệt.

16. Điều gì xảy ra nếu không rụng trứng thường xuyên?

Nếu bạn theo dõi ngày rụng trứng đều đặn hàng tháng thì có thể sẽ nhận thấy rằng bạn không rụng trứng thường xuyên hoặc thậm chí có những người hoàn toàn không rụng trứng. Trong những trường hợp này thì cần đi khám bác sĩ.

Mặc dù những yếu tố bình thường như căng thẳng, áp lực thần kinh hoặc chế độ ăn uống không cân bằng có thể làm cho ngày rụng trứng ở mỗi tháng có sự chênh lệch một chút nhưng nguyên nhân gây rụng trứng không đều hoặc ngừng hoàn toàn cũng có thể là do những vấn đề sức khỏe như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc vô kinh (không có kinh nguyệt).

Những vấn đề này còn có các triệu chứng khác liên quan đến mất cân bằng nội tiết tố, ví dụ như mọc lông không mong muốn trên mặt hoặc trên cơ thể, nổi mụn trứng cá và thậm chí là vô sinh.

17. Khi nào cần đi khám?

Nếu bạn đang muốn mang thai trong tương lai gần thì nên đi khám bác sĩ để được giải đáp những thắc mắc về sự rụng trứng và theo dõi cũng như tư vấn cho bạn về cách xác định thời điểm quan hệ để tăng khả năng thụ thai thành công.

Bên cạnh đó, nếu khó có thai thì khi đi khám, bác sĩ sẽ làm các phương pháp kiểm tra, xét nghiệm để xác định bất kỳ vấn đề nào gây ra rụng trứng không đều, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như là các triệu chứng bất thường khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: chu kỳ
Tin liên quan
Những Điều Cần Biết Về Sức Khỏe Dương Vật
Những Điều Cần Biết Về Sức Khỏe Dương Vật

Khi nhắc đến sức khỏe dương vật, đa số mọi người đều thường nghĩ về các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STD/STI) hay rối loạn chức năng cương dương (ED). Đây đúng là những vấn đề rất đáng quan tâm nhưng chủ đề sức khỏe dương vật không chỉ có vậy.

Mọi điều cần biết về cách sử dụng bao cao su
Mọi điều cần biết về cách sử dụng bao cao su

Để tránh mang thai ngoài ý muốn và ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, đeo bao cao su dành cho cả nam và nữ là một lựa chọn thích hợp.

Những điều cần biết về ham muốn tình dục ở nam giới
Những điều cần biết về ham muốn tình dục ở nam giới

Nam giới nghĩ về tình dục nhiều gấp đôi phụ nữ.

Âm Đạo Dài Bao Nhiêu Và 10 Điều Bạn Cần Biết Về “Cô Bé”
Âm Đạo Dài Bao Nhiêu Và 10 Điều Bạn Cần Biết Về “Cô Bé”

Âm đạo dài bao nhiêu và bạn cần biết những điều gì về "cô bé". Giống như nhiều đặc điểm khác trên cơ thể, độ sâu, mùi và màu của âm đạo ở mỗi người đều không giống nhau.

Quan Hệ Qua Đường Hậu Môn: Những Điều Bạn Cần Biết
Quan Hệ Qua Đường Hậu Môn: Những Điều Bạn Cần Biết

Quan hệ tình dục qua đường hậu môn là cách dùng tay hoặc cậu nhỏ để thâm nhập, dễ đạt cực khoái tuy nhiên cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhiễm vi khuẩn cần lưu ý.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây