Phân Biệt Bệnh Ghẻ Và Viêm Da Cơ Dịa
Phân biệt bệnh ghẻ và viêm da cơ địa
Phân biệt bệnh ghẻ và viêm da cơ địa hay chàm (eczema) đều là những bệnh ngoài da và có một số đặc điểm giống nhau. Tuy nhiên, đây lại là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai bệnh này là ghẻ rất dễ lây lan trong khi viêm da cơ địa không lây. Ngoài ra, bệnh ghẻ và viêm da cơ địa còn có nhiều điểm khác biệt nữa.
Nguyên nhân
Ghẻ và viêm da cơ địa có một số biểu hiện giống nhau nhưng lại là do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Bệnh ghẻ là do một loại côn trùng trong khi viêm da cơ địa là một dạng kích ứng da.
Nguyên nhân gây bệnh ghẻ
Nguyên nhân gây bệnh ghẻ là do sự xâm nhập của Sarcoptes scabiei - một loài côn trùng sống ký sinh gây ra. Chúng được gọi là cái ghẻ. Cái ghẻ đào đường hầm và đẻ trứng trong lớp ngoài cùng của da (lớp thượng bì).
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Đến nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gốc rễ gây bệnh viêm da cơ địa nhưng bệnh này thường được kích hoạt bởi một số yếu tố như:
- Phản ứng dị ứng
- Căng thẳng/stress
- Các tác nhân gây kích ứng da như xà phòng
- Nhiễm trùng da
- Khí hậu khô hanh
- Nhiệt độ cao
- Đổ mồ hôi
Khả năng lây lan
Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ có thể lây cả qua sự tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp.
Sự tiếp xúc trực tiếp gồm có những hành động thường ngày như cầm tay, ôm ấp hay quan hệ tình dục. Tuy nhiên, thời gian tiếp xúc cũng phải đủ lâu – khoảng vài phút trở lên - thì mới có thể bị lây ghẻ.
Bệnh ghẻ cũng có thể lây lan một cách gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng mà người bị bệnh ghẻ đã sử dụng, ví dụ như nằm chung giường hoặc mặc chung quần áo.
Viêm da cơ địa
VIêm da cơ địa là bệnh không lây.
Các dấu hiệu, triệu chứng
Nếu đột nhiên có một mảng da ửng đỏ và ngứa thì đó có thể là viêm da cơ địa hoặc cũng có thể là bệnh ghẻ. Tuy nhiên, tùy vào nguyên nhân cụ thể mà hiện tượng này còn đi kèm những triệu chứng khác. Đôi khi cần phải làm xét nghiệm mới có thể xác định chính xác.
Các dấu hiệu của bệnh ghẻ
Nếu chưa từng bị ghẻ trước đây thì thường phải sau vài tuần kể từ khi cái ghẻ xâm nhập mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Trong thời gian đó, cái ghẻ sinh sôi và có thể lây lan sang người khác. Nếu đã từng bị ghẻ thì các triệu chứng sẽ xuất hiện sớm hơn.
Dấu hiệu điển hình của bệnh ghẻ là nổi mụn nước và ngứa ngáy dữ dội, nhất là vào ban đêm. Người bệnh sẽ còn có những đường gờ nhỏ màu hồng hoặc màu xám trắng trên da. Đây là những đường hầm mà cái ghẻ đào. Ở đầu mỗi đường có mụn nước, bên trong là cái ghẻ.
Các dấu hiệu của viêm da cơ địa
Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa thường xảy ra theo từng đợt, có nghĩa là mỗi khi có tác nhân kích hoạt thì mới có triệu chứng và sau một vài ngày thì sẽ hết.
Bệnh viêm da cơ địa thường có triệu chứng là:
- Da khô, đóng vảy, ngứa, cũng nặng hơn vào ban đêm.
- Các mảng da dày cứng màu đỏ hoặc trắng bạc, thường là ở bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, cổ, ngực, mí mắt, bên trong khuỷu tay và đầu gối
- Nổi các sẩn nhỏ, rỉ dịch khi bị trầy xước và sau đó đóng vảy
Phương pháp điều trị
Vì bệnh ghẻ và viêm da cơ địa là do những nguyên nhân khác nhau gây ra nên cần điều trị bằng những phương pháp không giống nhau.
Cần điều trị ghẻ ngay sau bắt đầu có dấu hiệu hoặc để tránh lây lan sang người khác.
Điều trị ghẻ
Khi có những dấu hiệu của bệnh ghẻ thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ da liễu ngay để được chẩn đoán và kê thuốc điều trị. Cần dùng thuốc đúng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ vì khả năng tái phát là rất cao.
Điều trị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một vấn đề về da mãn tính, có nghĩa là không thể điều trị khỏi dứt điểm. Các phương pháp điều trị đều chỉ nhằm kiểm soát các triệu chứng. Bệnh này có thể điều trị được bằng các sản phẩm, thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm có:
- Kem dưỡng ẩm
- Bôi thuốc trị ngứa và phục hồi da
- Thuốc trị nhiễm trùng da
- Thuốc kháng viêm
- Thuốc bôi steroid
- Điều trị bằng tia cực tím
Ngoài ra, khi vị viêm da cơ địa thì cần duy trì chế độ chăm sóc da thích hợp mỗi ngày để ngăn ngừa các triệu chứng bùng phát.
Tóm tắt bài viết
Khi có những biểu hiện nghi ngờ là bệnh ghẻ thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được kê thuốc điều trị. Bắt đầu điều trị càng sớm thì điều trị càng dễ và tránh lây bệnh sang những người xung quanh.
Nếu vùng da bị bệnh chỉ hơi ngứa nhưng bị khô, đóng vảy cứng và nứt nẻ thì có thể là viêm da cơ địa.
Nếu đã dùng các sản phẩm chăm sóc da hay thuốc không kê đơn mà không có hiệu quả thì cũng nên đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn liệu trình điều trị tốt nhất.
>>> Tham khảo thêm:
Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai có quan hệ tình dục, bất kể tuổi tác, chủng tộc và xu hướng tính dục.
Cả chlamydia và bệnh lậu đều lây truyền qua những con đường giống nhau và cả hai đều có thể được điều trị một cách dễ dàng bằng thuốc kháng sinh.
Bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất.
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng bệnh lậu ở miệng có thể lây khi hôn.
Cái ghẻ có thể sống và sinh sản trên da trong vài tuần trước khi hệ miễn dịch có phản ứng và các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.