Nội soi ổ bụng trong chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung
Nội dung chính của bài viết
- Nội soi ổ bụng là một thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung và điều trị các triệu chứng như đau.
- Phẫu thuật nội soi ổ bụng có thể tăng khả năng mang thai cho người bệnh.
- Thủ thuật này rất an toàn và hiếm khi xảy ra biến chứng.
- Nếu còn băn khoăn về những rủi ro của phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng thì có thể hỏi bác sĩ để được giải đáp cụ thể.
Nội soi ổ bụng là gì?
Nội soi ổ bụng là một thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán và điều trị nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có cả lạc nội mạc tử cung.
Trong quá trìnhh nội soi ổ bụng, ống nội soi – một dụng cụ dài, hẹp, có gắn đèn chiếu sáng và camera - được đưa vào bụng qua một vết mổ nhỏ. Điều này cho phép bác sĩ quan sát bên trong hoặc lấy mẫu mô đem đi phân tích và tìm dấu hiệu bất thường. Kỹ thuật lấy mẫu mô này được gọi là sinh thiết. Phương pháp nội soi ổ bụng còn được sử dụng để cắt bỏ u nang, mô niêm mạc tử cung và mô sẹo trong những trường hợp lạc nội mạc tử cung.
Phẫu thuật nội soi ổ bụng để điều trị lạc nội mạc tử cung là một quy trình rủi ro thấp và ít xâm lấn, thường được thực hiện với phương pháp gây mê toàn thân. Hầu hết người bệnh đều có thể xuất viện ngay trong ngày nhưng đôi khi sẽ cần ở lại viện từ 1 – 2 ngày để bác sĩ theo dõi.
Đối tượng cần nội soi ổ bụng
Bác sĩ thường chỉ định nội soi ổ bụng cho những trường hợp:
- Thường xuyên bị đau bụng dữ dội và nghi là lạc nội mạc tử cung.
- Từng được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung và đã điều trị bằng liệu pháp hormone nhưng các triệu chứng vẫn tiếp diễn hoặc xuất hiện trở lại.
- Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến các cơ quan, chẳng hạn như bàng quang hoặc ruột.
- Bị lạc nội mạc tử cung và vô sinh.
- Phát hiện có u cục bất thường ở buồng trứng, đây có thể là u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung.
Không phải trường hợp nào cũng phù hợp với phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng. Trước tiên bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng liệu pháp hormone – một phương pháp không xâm lấn và theo dõi. Tuy nhiên, trong những trường hợp lạc nội mạc tử cung xảy ra ở ruột hoặc bàng quang thì thường sẽ cần phải phẫu thuật.
Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi ổ bụng
Cần ngừng sử dụng một số loại thuốc trong khoảng vài ngày trước khi nội soi ổ bụng, ví dụ như các thuốc làm loãng máu (như aspirin và warfarin) vì nhóm thuốc này có thể sẽ gây chảy máu trong quá trình làm thủ thuật. Cần thông báo với bác sĩ về các loại thuốc và viên uống bổ sung đang dùng, đặc biệt là các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường, cao huyết áp và bệnh tim mạch để bác sĩ hướng dẫn ngừng thuốc.
Nếu hút thuốc thì cần ngừng trong vài tuần trước ngày nội soi vì các chất trong thuốc lá sẽ gây cản trở quá trình lành lại sau thủ thuật và làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng như nhiễm trùng.
Không được ăn và uống trong từ 4 – 8 tiếng trước khi nội soi. Hầu hết các trường hợp đều có thể về nhà ngay trong ngày sau khi nội soi ổ bụng. Tuy nhiên, nếu xảy ra biến chứng thì sẽ cần ở lại viện để theo dõi. Nên chuẩn bị sẵn vật dụng cá nhân để đề phòng trường hợp chưa được về nhà ngay.
Sắp xếp người thân đưa đến bệnh viện và đưa về vì sau khi làm thủ thuật, do tác dụng cùa thuốc gây mê nên người bệnh sẽ không được tỉnh táo. Ngoài ra, thuốc gây mê sẽ gây buồn nôn và nôn nên cần chuẩn bị sẵn túi để đề phòng bị nôn trên đường về nhà. Trong trường hợp cần ở lại viện theo dõi thêm thì sẽ cần có người chăm sóc.
Không nên tắm trong 24- 48 tiếng sau khi nội soi ổ bụng để cho vết mổ có thời gian lành lại. Nên tắm ngay trước khi làm thủ thuật.
Quy trình thực hiện
Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân để không còn cảm thấy đau trong quá trình nội soi ổ bụng. Thuốc gây mê sẽ được truyền qua tĩnh mạch hoặc đặt nội khí quản.
Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bụng, thường là ở dưới rốn và đưa một ống thông vào qua đường rạch này rồi bơm khí, thường là khí carbon dioxide hoặc oxit nitơ để làm căng phồng ổ bụng và có thể quan sát bên trong một cách rõ hơn.
Tiếp theo, bác sĩ đưa ống nội soi vào. Camera nhỏ gắn ở đầu của ống nội soi cho phép bác sĩ nhìn thấy các cơ quan nội tạng trên màn hình. Có thể sẽ cần rạch thêm một vài đường nhỏ nữa để có thể quan sát rõ hơn. Quá trình này thường kéo dài khoảng 45 phút.
Khi phát hiện thấy mô nội mạc tử cung ở vị trí bất thường hoặc mô sẹo thì bác sĩ sẽ sử dụng một trong các kỹ thuật dưới đây để loại bỏ:
- Cắt bỏ mô lạc nội mạc tử cung
- Đốt nội mạc tử cung: sử dụng nhiệt, điện hoặc laser để phá hủy các mô.
Sau khi hoàn tất quá trình phẫu thuật nội soi ổ bụng, bác sĩ sẽ khâu đóng các đường rạch.
Thời gian hồi phục
Ngay thủ thuật, người bệnh có thể sẽ gặp những hiện tượng như:
- Tác dụng phụ của thuốc gây mê, ví dụ như người uể oải, không tỉnh táo, chóng mặt, buồn nôn và nôn
- Trướng bụng, đầy hơi do khí còn sót lại trong ổ bụng
- Chảy máu âm đạo nhẹ
- Đau tại vị trí vết mổ
- Đau ở bụng
- Thay đổi tâm trạng
Cần tránh các hoạt động dưới đây sau khi nội soi ổ bụng:
- Tập thể dục cường độ cao
- Cúi người
- Duỗi giãn cơ thể
- Nâng đồ nặng
- Quan hệ tình dục
Có thể phải mất một tuần hoặc lâu hơn mới có thể hoạt động trở lại như bình thường.
Có thể quan hệ tình dục sau từ 2 đến 4 tuần nhưng tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước và tuân thủ đúng theo hướng dẫn. Phải chờ đến khi cơ thể hoàn toàn hồi phục mới được thụ thai.
Kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi ca phẫu thuật có thể sẽ kéo dài hơn, ra nhiều máu hơn hoặc đau đớn hơn so với trước. Đừng lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường khi cơ thể đang trong quá trình hồi phục ở bên trong. Tuy nhiên, nếu bị đau đớn dữ dội thì cần đến bệnh viện gặp bác sĩ ngay.
Có thể đẩy nhanh tốc độ hồi phục sau nội soi ổ bụng bằng cách:
- Nghỉ ngơi nhiều
- Có chế độ ăn uống nhẹ nhàng và uống đủ nước
- Vận động nhẹ nhàng để loại bỏ khí ra khỏi bụng
- Giữ cho vết mổ sạch sẽ và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng
- Không vận động mạnh
- Đến bệnh viện ngay lập tức khi gặp các dấu hiệu bất thường
Có thể người bệnh sẽ được hẹn quay lại tái khám sau từ 2 đến 6 tuần. Nếu bị lạc nội mạc tử cung thì nên thảo luận với bác sĩ về kế hoạch điều trị về lâu dài cũng như là những giải pháp hỗ trợ sinh sản.
Có hiệu quả không?
Phẫu thuật nội soi ổ bụng có thể làm giảm các cơn đau và triệu chứng khác do lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể sẽ quay trở lại sau một thời gian.
Vô sinh
Theo thống kê, 50% trường hợp phụ nữ vô sinh bị lạc nội mạc tử cung.
Trong một nghiên cứu nhỏ, 71% phụ nữ dưới 25 tuổi từng phẫu thuật nội soi ổ bụng để điều trị lạc nội mạc tử cung đã có thể mang thai và sinh con bình thường. Tuy nhiên, với những phụ nữ trên 35 tuổi thì việc thụ thai tự nhiên mà không sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản sẽ khó khăn hơn.
Đối với những phụ nữ muốn điều trị vô sinh do bị lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng thì thụ tinh trong ống nghiệm sẽ là giải pháp phù hợp hơn là phẫu thuật nội soi.
Rủi ro và biến chứng
Phẫu thuật nội soi ổ bụng là một thủ thuật an toàn và hiếm khi xảy ra rủi ro, biến chứng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ quy trình phẫu thuật nào, phương pháp này cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định như:
- Nhiễm trùng ở bàng quang, tử cung hoặc các mô xung quanh
- Chảy máu không kiểm soát
- Tổn hại ruột, bàng quang hoặc niệu quản
- Hình thành sẹo
Cần đến bệnh viện ngay nếu gặp các biểu hiện dưới đây sau khi phẫu thuật nội soi ổ bụng:
- Đau đớn dữ dội
- Buồn nôn hoặc nôn mửa kéo dài liên tục một hoặc hai ngày không đỡ
- Chảy máu liên tục ở vết mổ
- Đau tăng tại vị trí vết mổ
- Dịch tiết âm đạo bất thường
- Chảy dịch từ vết mổ
Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là một trong những loại lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng và gây đau đớn nhất.
Đau đớn dữ dội khi đến kỳ kinh nguyệt là triệu chứng đặc trưng của lạc nội mạc tử cung.
Bên cạnh đau vùng chậu và kinh nguyệt bất thường, đầy hơi và chướng bụng cũng là một trong những triệu chứng của lạc nội mạc tử cung.
Có nhiều loại lạc nội mạc tử cung khác nhau và được phân loại dựa trên vị trí mà mô nội mạc tử cung hình thành. Trong một số trường hợp, lạc nội mạc tử cung xảy ra ở trên bề mặt hoặc bên trong ruột.
Lạc nội mạc tử cung có triệu chứng khác nhau nhưng đau nhức chân là một trong những triệu chứng phổ biến mà nhiều người gặp phải.