1

Những điều cần biết về cơn đau tim sau sinh

Cơn đau tim sau sinh xảy ra khi dòng máu đến một phần tim bị tắc nghẽn trong những tháng sau khi sinh. Thay đổi hormone có thể làm tăng nguy cơ đau tim trong giai đoạn này. Nguyên nhân chính gây ra cơn đau tim ở khoảng thời gian này là bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD). Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn về cơn đau tim sau sinh, bao gồm triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Hình ảnh 57 Những điều cần biết về cơn đau tim sau sinh

Cơn đau tim sau sinh là gì?

Cơn đau tim sau sinh là cơn đau tim xảy ra ngay sau khi sinh con. Theo các nghiên cứu, giai đoạn hậu sản thường được xác định trong khoảng 6 đến 12 tuần sau sinh.

Cơn đau tim, hay nhồi máu cơ tim, xảy ra khi một phần cơ tim không nhận đủ oxy do dòng máu bị gián đoạn. Tình trạng thiếu máu nuôi tim có thể dẫn đến tổn thương tim vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong.

Triệu chứng của cơn đau tim sau sinh

Các dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim bao gồm:

  • Đau ngực, cảm giác khó chịu như bị áp lực, bóp nghẹt, đầy hoặc đau
  • Đau ở một hoặc cả hai cánh tay
  • Đau lưng
  • Đau hàm
  • Đau bụng
  • Khó thở
  • Toát mồ hôi lạnh
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), phụ nữ có xu hướng gặp phải các triệu chứng không điển hình hơn so với nam giới, bao gồm:

  • Khó thở
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau lưng hoặc hàm

Nguyên nhân gây ra cơn đau tim sau sinh là gì?

Cơn đau tim xảy ra trong hoặc ngay sau thai kỳ được gọi là nhồi máu cơ tim liên quan đến thai kỳ (pregnancy-associated myocardial infarction - PAMI).

Nguyên nhân chính của PAMI là bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD), tình trạng thành động mạch trong tim đột ngột bị rách. Khoảng 87% đến 95% các trường hợp SCAD xảy ra ở phụ nữ, và tình trạng này có liên quan mật thiết đến giai đoạn mang thai và sau sinh.

Mức progesterone cao trong thai kỳ và hormone bị thay đổi nhanh chóng sau khi sinh được cho là góp phần hình thành SCAD trong thai kỳ.

Dù chỉ khoảng 5% trường hợp SCAD xảy ra trong thai kỳ nhưng SCAD lại chiếm đến 43% các cơn đau tim trong thai kỳ và khoảng một nửa các cơn đau tim sau sinh.

Các nguyên nhân khác dẫn đến PAMI bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch: khoảng 27% các trường hợp
  • Hình thành cục máu đông: khoảng 17% các trường hợp
  • Co thắt động mạch vành: khoảng 2% các trường hợp

Yếu tố nguy cơ gây cơn đau tim sau sinh

PAMI xảy ra ở khoảng 2,8 đến 8,1 phụ nữ trên mỗi 100.000 ca sinh, tỷ lệ này cao gấp bốn lần so với tỷ lệ đau tim ở người không mang thai trong độ tuổi sinh sản.

Một trong những yếu tố nguy cơ được ghi nhận nhiều nhất là tuổi trên 35. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Huyết áp cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Rối loạn mỡ máu

Tuy nhiên, phụ nữ mắc PAMI ít gặp những yếu tố này hơn ở so với phụ nữ bị đau tim không liên quan đến thai kỳ.

Các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khác có thể bao gồm:

  • Huyết áp cao trong thai kỳ (tiền sản giật)
  • Sinh đôi hoặc hơn
  • Tăng đông máu, tình trạng dễ hình thành cục máu đông
  • Truyền máu
  • Nhiễm trùng sau sinh

Theo một đánh giá nghiên cứu năm 2022, tỷ lệ PAMI ở Hoa Kỳ cao gấp bốn lần so với ở Canada hoặc châu Âu. Điều này có thể do tỷ lệ các yếu tố nguy cơ cao hơn và việc chậm trễ trong chăm sóc y tế do thiếu bảo hiểm y tế.

Phụ nữ da đen cũng có nguy cơ mắc PAMI cao hơn, có thể do nhóm này có tỷ lệ các yếu tố nguy cơ cao hơn.

Ghi chú về ngôn ngữ

Bài viết sử dụng thuật ngữ "phụ nữ" do dữ liệu từ các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện trên đối tượng này. Các nghiên cứu tham khảo không cung cấp dữ liệu hoặc không bao gồm những người là người chuyển giới, phi nhị nguyên giới, hoặc không xác định giới tính.

Chẩn đoán cơn đau tim sau sinh như thế nào?

Các bác sĩ sử dụng nhiều phương pháp để chẩn đoán PAMI và đánh giá mức độ tổn thương tim, bao gồm:

  • Xem xét bệnh sử cá nhân và gia đình
  • Đánh giá triệu chứng
  • Khám lâm sàng
  • Chụp X-quang ngực
  • Điện tâm đồ để đo hoạt động điện của tim
  • Xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu sinh học liên quan, như troponin
  • Các xét nghiệm hình ảnh, bao gồm: siêu âm tim, chụp mạch vành, chụp cắt lớp quang học tim và siêu âm trong lòng mạch

Điều trị cơn đau tim sau sinh như thế nào?

Cơn đau tim là tình trạng cần được cấp cứu y tế ngay lập tức. Điều trị kịp thời để khôi phục lưu lượng máu và giúp cho tim hồi phục. Phương pháp điều trị có thể bao gồm kết hợp thuốc, hồi phục chức năng tim, và phẫu thuật.

Thuốc điều trị

Các loại thuốc có thể bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors)
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin kết hợp neprilysin
  • Thuốc chống đông máu và chống kết tập tiểu cầu
  • Liệu pháp aspirin
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc kết hợp chẹn alpha và beta
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc giảm cholesterol
  • Thuốc giãn mạch

Aspirin và thuốc chẹn beta thường được sử dụng kết hợp để quản lý tình trạng SCAD lâu dài.

Phẫu thuật

Nếu cần phẫu thuật, các phương pháp có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật tim hở: Trong phẫu thuật này, bác sĩ có thể thực hiện ghép động mạch vành, tạo đường dẫn máu mới sử dụng mạch máu từ bộ phận khác trên cơ thể.
  • Can thiệp mạch vành qua da (PCI): Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó bác sĩ đặt stent qua ống thông mỏng dài được luồn vào mạch máu.

Hồi phục chức năng tim

Hồi phục chức năng tim là chương trình giúp tim khỏe mạnh hơn, bao gồm:

  • Tập luyện
  • Giáo dục
  • Tư vấn

Tiên lượng của người bị cơn đau tim sau sinh

PAMI có thể đe dọa đến tính mạng. Tỷ lệ tử vong có thể cao hơn so với cơn đau tim không liên quan đến thai kỳ.

Theo một nghiên cứu năm 2018, tỷ lệ tử vong tại bệnh viện ở Hoa Kỳ trong giai đoạn từ 2002 đến 2014 là 4,5%. Các nghiên cứu khác báo cáo tỷ lệ tử vong PAMI dao động từ 5% đến 11%.

Gần một nửa các trường hợp tử vong do PAMI xảy ra trong ngày đầu tiên sau sinh, và hai phần ba xảy ra trong tuần đầu tiên.

Các câu hỏi thường gặp

Cơn đau tim có xảy ra phổ biến trong giai đoạn sau sinh không?

Theo một nghiên cứu năm 2018, ước tính cứ 16.000 ca sinh thì có 1 ca đau tim. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu ước tính rằng cứ 12.400 phụ nữ nhập viện trong thai kỳ hoặc ngay sau thai kỳ thì có 1 trường hợp bị đau tim.

Mang thai có phải là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim không?

Mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ thường gặp. Nguy cơ đau tim ở phụ nữ mang thai cao gấp bốn lần so với phụ nữ không mang thai trong độ tuổi sinh sản.

Những bệnh tim nào liên quan đến thai kỳ?

Thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng như:

  • Bệnh cơ tim
  • Hội chứng mạch vành cấp
  • Bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD)
  • Cơn đau tim
  • Bệnh van tim

Kết luận

Phụ nữ trong giai đoạn sau sinh có nguy cơ bị đau tim cao hơn. Nguyên nhân được cho là do những thay đổi hormone trong và sau thai kỳ.

Hầu hết các cơn đau tim sau sinh xảy ra trong ngày hoặc tuần đầu tiên sau sinh. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khẩn cấp nếu bạn hoặc ai đó xung quanh có dấu hiệu bị đau tim.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhồi máu cơ tim có những loại nào? Những thông tin cần biết về nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim có những loại nào? Những thông tin cần biết về nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là một dạng của hội chứng mạch vành cấp (ACS), xảy ra khi tim không được cung cấp đủ máu. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về từng loại nhồi máu cơ tim, cũng như các lưu ý về phòng ngừa, điều trị và phục hồi sau cơn nhồi máu cơ tim.

Phân biệt đột quỵ và nhồi máu cơ tim
Phân biệt đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Các triệu chứng đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều xảy đến đột ngột. Mặc dù có một vài triệu chứng giống nhau nhưng hai bệnh lý này vẫn có các triệu chứng khác biệt hoàn toàn.

Liệu pháp ngăn ngừa và bổ sung cho điều trị nhồi máu cơ tim
Liệu pháp ngăn ngừa và bổ sung cho điều trị nhồi máu cơ tim

Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh là điều vô cùng cần thiết để duy trì một trái tim khỏe.

Phân biệt chứng ợ nóng và nhồi máu cơ tim
Phân biệt chứng ợ nóng và nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim và ợ nóng là hai vấn đề khác nhau nhưng lại có cùng một triệu chứng đó là đau tức ngực. Vì thế nên đôi khi chúng ta rất khó mà biết được mình nên gọi cấp cứu ngay lập tức hay chỉ cần uống một viên thuốc kháng axit là đủ.

Phân biệt chất béo tốt và chất béo xấu
Phân biệt chất béo tốt và chất béo xấu

Các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có hàng chục loại chất béo khác nhau, và mỗi loại lại có một vai trò và tác động không giống nhau bên trong cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây