1

Mirabegron: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Mirabegron được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt. Mirabegron có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với solifenacin.
Mirabegron: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Mirabegron: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo quan trọng

  • Nguy cơ tăng huyết áp: Mirabegron có thể làm tăng huyết áp. Ở những người vốn đã bị cao huyết áp, thuốc này có thể làm cho tình trạng thêm nghiêm trọng hơn. Người bệnh nên đo huyết áp thường xuyên trong thời gian dùng mirabegron.
  • Nguy cơ bí tiểu: Mirabegron có thể khiến cho tình trạng bí tiểu thêm nặng hơn ở những người bị tắc nghẽn cổ bàng quang hoặc đang dùng các loại thuốc khác để điều trị bàng quang tăng hoạt. Hãy báo ngay bác sĩ nếu không thể đi tiểu.
  • Nguy cơ dị ứng: Mirabegron có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người, dẫn đến sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng. Nếu có các triệu chứng dị ứng như sưng phù và khó thở khi dùng mirabegron, hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

Mirabegron là gì?

Mirabegron là một loại thuốc kê đơn có dạng viên nén phóng thích kéo dài dùng qua đường uống.

Mirabegron chỉ có dạng biệt dược là Myrbetriq, không có dạng thuốc gốc.

Chỉ định

Mirabegron được sử dụng để điều trị các triệu chứng sau đây của hội chứng bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - OAB) ở người lớn:

  • Tiểu nhiều lần
  • Tiểu gấp: cảm giác buồn tiểu xảy đến đột ngột, dữ dội, cần phải vào nhà vệ sinh ngay lập tức
  • Tiểu không tự chủ: rò rỉ nước tiểu khi chưa kịp vào nhà vệ sinh

Cơ chế tác dụng

Mirabegron thuộc nhóm thuốc chủ vận thụ thể adrenergic beta-3. Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng và công dụng giống nhau.

Mirabegron và các loại thuốc chủ vận thụ thể adrenergic beta-3 khác làm giãn cơ bao quanh bàng quang và tăng khả năng chứa nước tiểu của bàng quang. Điều này giúp làm giảm các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt.

Liều dùng mirabegron

Dưới đây là một số liều dùng điển hình của mirabegron. Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp với mỗi người bệnh. Liều dùng, dạng thuốc, tần suất dùng thuốc và sự kết hợp thuốc sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác
  • Bệnh lý cần điều trị
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng với liều đầu tiên

Dạng bào chế và hàm lượng

Biệt dược: Myrbetriq

  • Dạng bào chế: viên nén phóng thích kéo dài
  • Hàm lượng: 25 mg và 50 mg

Liều dùng để điều trị bàng quang tăng hoạt

Liều dùng cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên)

Chỉ dùng mirabegron

  • Liều khởi đầu điển hình: 25 mg uống một lần mỗi ngày.
  • Tăng liều: Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 8 tuần dùng thuốc, bác sĩ có thể sẽ tăng liều lên 50 mg uống một lần mỗi ngày.

Dùng mirabegron cùng với solifenacin

  • Liều khởi đầu điển hình: 25 mg mirabegron và 5 mg solifenacin uống một lần mỗi ngày.
  • Tăng liều: 50 mg mirabegron và 5 mg solifenacin uống một lần mỗi ngày sau 4 đến 8 tuần điều trị.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Mirabegron hiện chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không sử dụng mirabegron cho người dưới 18 tuổi.

Liều dùng trong những trường hợp đặc biệt

  • Liều dùng cho người mắc bệnh thận: Trong những trường hợp bị suy thận nặng, liều dùng mirabegron không được vượt quá 25 mg mỗi ngày.
  • Liều dùng cho người mắc bệnh gan: Trong những trường hợp mắc bệnh gan mức độ nhẹ đến vừa, liều dùng mirabegron không được vượt quá 25 mg mỗi ngày.

Cách sử dụng

Có thể uống mirabegron trước hoặc sau khi ăn nhưng nên dùng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Uống cả viên thuốc, không bẻ, nghiền hay nhai.

Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn

Mirabegron được sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt về lâu dài. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn. Nếu không, thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

Nếu ngừng dùng thuốc đột ngột hoặc hoàn toàn không dùng thuốc: Các triệu chứng bàng quang tăng hoạt như tiểu gấp, tiểu nhiều lần và tiểu không tự chủ sẽ không thuyên giảm và thậm chí còn có thể ngày càng nặng hơn..

Không dùng thuốc đều đặn hàng ngày: Thuốc sẽ kém hiệu quả hoặc hoàn toàn không có hiệu quả. Để mirabegron phát huy tác dụng tối đa, người bệnh cần uống thuốc đều đặn vào cùng một thời điểm hàng ngày để duy trì lượng thuốc ổn định trong cơ thể.

Dùng thuốc quá liều: Nồng độ mirabegron trong máu sẽ tăng quá cao. Điều này có thể gây ra các vấn đề như:

  • Rối loạn nhịp tim (tim đập nhanh, đánh trống ngực)
  • Tăng huyết áp

Nếu lỡ uống thuốc quá liều, hãy theo dõi các triệu chứng. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

Cần làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy bỏ qua liều đã quên và ngày hôm sau uống thuốc như bình thường. Không uống hai liều trong cùng một ngày. Điều này có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.

Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu các triệu chứng bàng quang tăng hoạt thuyên giảm thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả.

Tác dụng phụ của mirabegron

Mirabegron không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Các tác dụng phụ phổ biến của mirabegron gồm có:

  • Tăng huyết áp
  • Các triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường, chẳng hạn như nghẹt mũi, sổ mũi hoặc hắt hơi
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Đau đầu

Nếu những tác dụng phụ chỉ ở mức độ nhẹ thì thường tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo ngay cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu các triệu chứng có vẻ đặc biệt nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của mirabegron cùng các triệu chứng gồm có:

  • cao huyết áp
  • Bí tiểu (không thể đi tiểu hoặc không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu)
  • Dị ứng, gây sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng và khó thở

Tương tác với các loại thuốc khác

Mirabegron có thể tương tác với các loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Trước khi bắt đầu điều trị bằng mirabegron, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng cũng như thảo dược đang dùng để bác sĩ kê thuốc phù hợp, tránh xảy ra vấn đề không mong muốn.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể gây tương tác với mirabegron.

Thuốc chống loạn thần

Dùng thioridazine – một loại thuốc chống loạn thần cùng với mirabegron sẽ làm tăng nồng độ thioridazine trong máu. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Thuốc chống đông máu

Dùng warfarin – một loại thuốc chống đông máu cùng với mirabegron có thể làm tăng nồng độ warfarin trong máu. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu bắt buộc phải dùng hai loại thuốc này cùng nhau, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng cho phù hợp.

Thuốc điều trị bệnh tim

Dùng một số loại thuốc điều trị bệnh tim cùng với mirabegron có thể làm tăng nồng độ các loại thuốc này trong máu và điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Ví dụ về các loại thuốc điều trị bệnh tim có thể tương tác với mirabegron gồm có:

  • flecainide
  • propafenone
  • digoxin

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về tác dụng phụ và tương tác thuốc của mirabegron. Phản ứng của mỗi người với thuốc là khác nhau nên tác dụng phụ cũng như tương tác thuốc mà mỗi người gặp phải khi dùng mirabegron sẽ khác nhau. Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ hoặc đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ và tương tác thuốc của mirabegron.

Cảnh báo về mirabegron

Mirabegron đi kèm một số cảnh báo.

Nguy cơ dị ứng

Mirabegron có thể gây ra một dạng phản ứng dị ứng nghiêm trọng gọi là phù mạch. Các triệu chứng gồm có:

  • Sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng
  • Khó thở

Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất nếu có các triệu chứng này khi dùng mirabegron.

Tuyệt đối không được dùng mirabegron nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc này. Việc tiếp tục dùng thuốc khi đã có tiền sử dị ứng có thể gây tử vong.

Cảnh báo đối với người mắc một số bệnh lý nhất định

Đối với người bị bệnh gan: Sau khi vào trong cơ thể, mirabegron được xử lý bởi gan. Nếu gan không hoạt động tốt, mirabegron sẽ tích tụ trong cơ thể và điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Người mắc bệnh gan nặng không nên dùng mirabegron. Đối với những người bị bệnh gan mức độ nhẹ đến vừa, bác sĩ có thể vẫn kê mirabegron nhưng cần giảm liều dùng thuốc.

Đối với người bị bệnh thận: Mirabegron được lọc khỏi máu bởi thận. Nếu thận không hoạt động tốt, mirabegron sẽ tích tụ trong máu và điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối không nên dùng loại thuốc này. Nếu người bệnh bị suy thận nặng, bác sĩ sẽ giảm liều dùng thuốc này.

Đối với người bị cao huyết áp: Ở những người bị cao huyết áp, mirabegron có thể làm cho tình trạng trở nên nặng hơn. Người bệnh nên đo huyết áp thường xuyên trong thời gian sử dụng thuốc. Người bị cao huyết áp nghiêm trọng không nên dùng mirabegron.

Đối với người bị tắc nghẽn cổ bàng quang: Mirabegron có thể khiến cho tình trạng bí tiểu trở nên trầm trọng hơn ở những người bệnh bị tắc nghẽn cổ bàng quang hoặc đang dùng các loại thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt khác. Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh không thể đi tiểu.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

Đối với phụ nữ mang thai: Hiện chưa có đủ nghiên cứu về việc sử dụng mirabegron ở phụ nữ mang thai nên chưa rõ thuốc có gây hại cho thai nhi hay không.

Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc dự định có thai. Chỉ nên sử dụng mirabegron trong thai kỳ khi thực sự cần thiết. Nếu người bệnh có thai trong thời gian dùng thuốc thì cần báo ngay cho bác sĩ.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ liệu mirabegron có đi vào sữa mẹ hay không nhưng nếu có, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh bú mẹ. Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang cho con bú. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác an toàn hơn.

Đối với trẻ em: Do chưa có đủ bằng chứng nghiên cứu nên chưa rõ mirabegron có an toàn và hiệu quả đối với người dưới 18 tuổi hay không.

Những lưu ý quan trọng khi dùng mirabegron

Lưu ý chung

  • Uống thuốc vào cùng một thời điểm hàng ngày. Có thể uống trước hoặc sau khi ăn.
  • Uống cả viên thuốc, không nghiền, bẻ hoặc nhai.

Bảo quản

  • Bảo quản mirabegron ở nơi mát mẻ, tốt nhất là ở nhiệt độ 25°C (77°F). Có thể bảo quản thuốc trong thời gian ngắn ở nhiệt độ từ 15°C đến 30°C (59°F đến 86°F).
  • Đậy nắp kín sau mỗi lần lấy thuốc.
  • Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt, nhiệt độ cao và có ánh sáng chiếu trực tiếp.
  • Để thuốc xa tầm tay trẻ em.
  • Khi thuốc hết hạn phải vứt đi ngay để tránh sử dụng nhầm.

Mang thuốc khi đi xa

  • Vì phải uống thuốc đều đặn hàng ngày nên người bệnh phải mang theo thuốc khi đi xa.
  • Khi đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà luôn phải để trong hành lý xách tay.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
  • Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Theo dõi lâm sàng

Trong quá trình điều trị bằng mirabegron, người bệnh cần theo dõi huyết áp và các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tác dụng
Tin liên quan
Thuốc kháng cholinergic: Công dụng và tác dụng phụ
Thuốc kháng cholinergic: Công dụng và tác dụng phụ

Thuốc kháng cholinergic được dùng để điều trị nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, gồm có tiểu không tự chủ và một số loại ngộ độc. Các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ do giảm sản xuất nước tiểu, tiêu hóa, chất nhầy và nước bọt. Cùng tìm hiểu về công dụng, cơ chế tác dụng, danh sách các loại thuốc trong nhóm thuốc kháng cholinergic và tác dụng phụ của các loại thuốc này.

Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?
Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?

Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).

Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng vật lý trị liệu sàn chậu
Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng vật lý trị liệu sàn chậu

Một giải pháp điều trị chứng tiểu không tự chủ do bàng quang tăng hoạt là vật lý trị liệu sàn chậu. Trong phương pháp điều trị này, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách phối hợp các cơ sàn chậu và bàng quang thông qua các bài tập như Kegel.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây