Lợi ích của dầu dừa đối với sức khỏe răng miệng
Cụ thể, dầu dừa được sử dụng trong hệ thống y học truyền thống của Ấn Độ (Ayurvedic) để làm sạch và trắng răng, giảm hôi miệng và cải thiện sức khỏe của nướu.
Một số lợi ích mà dầu dừa mang lại cho sức khỏe răng miệng thậm chí đã được chứng minh trong các nghiên cứu khoa học ngày nay.
Dầu dừa là gì?
Dầu dừa là loại dầu được chiết xuất từ phần cùi của trái dừa và là một trong những nguồn chất béo bão hòa có nguồn gốc thực vật dồi dào nhất hành tinh.
Loại chất béo chính trong dầu dừa là axit lauric - một loại chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT) có độ dài chuỗi axit béo là 12 cacbon (C12). Axit lauric chiếm khoảng một nửa lượng chất béo trong dầu dừa. Ngoài ra, dầu dừa còn chứa một lượng nhỏ axit palmitic (C16) và axit myristic (C14).
Các axit béo trong dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn nên loại dầu này có lợi cho sức khỏe răng miệng. Cụ thể, axit lauric và monolaurin (một dạng monoglyceride của axit lauric) là những thành phần có đặc tính kháng vi sinh vật trong dầu dừa.
Trong suốt nhiều thế kỷ, nền y học Ayurvedic đã sử dụng dầu dừa để súc miệng nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng. Phương pháp súc miệng bằng dầu được cho là có thể giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại gây sâu răng và hôi miệng.
Dầu dừa được bán rộng rãi và mặc dù có nhiều loại dầu dừa nhưng tốt nhất nên sử dụng dầu dừa nguyên chất vì dầu dừa nguyên chất vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng của dừa và không phải qua xử lý nên không chứa các hóa chất giống như dầu dừa tinh luyện.
Tóm tắt: Dầu dừa là loại dầu được chiết xuất từ cùi dừa, chứa nhiều axit lauric – loại chất béo có đặc tính kháng khuẩn có lợi cho sức khỏe răng miệng.
Các lợi ích của dầu dừa đối với sức khỏe răng miệng
Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm nhưng phương pháp súc miệng bằng dầu có thể cải thiện sức khỏe của răng, nướu và toàn khoang miệng.
Bên cạnh đặc tính kháng khuẩn, việc súc miệng bằng dầu còn có đặc tính xà phòng hóa hay tác dụng làm sạch, giúp làm giảm vi khuẩn và mảng bám trên răng.
Loại bỏ vi khuẩn có hại trong miệng
Dầu dừa có thể giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại trong khoang miệng – nguyên nhân gây hôi miệng, sâu răng và viêm nướu. (1)
Cụ thể, dầu dừa có khả năng tiêu diệt một loại vi khuẩn gây hại trong miệng có tên là Streptococcus mutans (S. mutans). Vi khuẩn này chính là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng. Dầu dừa còn giúp làm giảm một loại vi khuẩn phổ biến khác có tên là Candida albicans (C. albicans).
Một nghiên cứu ngẫu nhiên được thực hiện trên 60 người cho thấy số lượng vi khuẩn S. mutans giảm đáng kể sau khi súc miệng bằng dầu dừa mỗi ngày trong 2 tuần. Tác dụng diệt khuẩn này có thể sánh ngang với chlorhexidine - một thành phần kháng khuẩn có trong nhiều loại nước súc miệng.
Một nghiên cứu khác được thực hiện trên 50 trẻ em từ 8 đến 12 tuổi đã nhận thấy rằng việc súc miệng bằng dầu dừa trong 2 đến 3 phút mỗi ngày giúp làm giảm đáng kể vi khuẩn S. mutans sau 30 ngày. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy kết quả tương tự ở nhóm sử dụng nước súc miệng chlorhexidine. Điều này có nghĩa là dầu dừa có hiệu quả tương đương chlorhexidine.
Tuy nhiên, theo một bản đánh giá vào năm 2020 thì cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ hơn về tác dụng tiêu diệt vi khuẩn của phương pháp súc miệng bằng dầu.
Giảm mảng bám và trị viêm nướu
Viêm nướu là tình trạng vùng mô bao quanh chân răng bị viêm, có triệu chứng là đỏ, sưng tấy và chảy máu. Nguyên nhân chính gây viêm nướu là sự tích tụ mảng bám do vi khuẩn có hại trong miệng và điều này thường xảy ra do vệ sinh răng miệng kém.
Nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng dầu dừa có thể giúp làm giảm mảng bám tích tụ trên răng và giảm viêm nướu.
Trong một nghiên cứu, việc súc miệng bằng dầu dừa trong 30 ngày đã làm giảm đáng kể mảng bám và tình trạng viêm nướu ở 60 người tham gia.
Sau 30 ngày, mảng bám giảm trung bình 68% và tình trạng viêm nướu giảm trung bình 56%.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy sự tích tụ mảng bám và triệu chứng chảy máu chân răng do viêm nướu có sự cải thiện rõ rệt sau khi súc miệng bằng dầu 20 phút mỗi ngày trong 30 ngày.
Cuối cùng, một nghiên cứu ngẫu nhiên kéo dài 7 ngày cũng cho kết quả tương tự sau khi súc miệng bằng dầu dừa 10 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, nhóm súc miệng bằng nước khoáng trong nghiên cứu này cũng giảm mảng bám và chảy máu chân răng. Điều này cho thấy rằng súc miệng thường xuyên, dù bằng dầu, nước hay nước súc miệng, là điều rất cần thiết để giảm tích tụ mảng bám. (2)
Mặc dù những nghiên cứu này đều cho kết quả đầy hứa hẹn nhưng vẫn cần có thêm các thử nghiệm lâm sàng để kiểm chứng.
Giảm hôi miệng
Hôi miệng là một vấn đề về sức khỏe răng miệng phổ biến. Mặc dù hôi miệng có thể là do một số bệnh lý và thuốc nhưng nguyên nhân gây hôi miệng phần lớn là do thói quen vệ sinh răng miệng và sức khỏe răng miệng kém.
Viêm lợi, sâu răng, mảng bám trên lưỡi, mảnh vụn thức ăn và sự tích tụ vi khuẩn đều có thể khiến cho hơi thở có mùi khó chịu.
Súc miệng bằng dầu có thể giúp cải thiện tình trạng hôi miệng. Dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn nên súc miệng bằng dầu dừa có thể loại bỏ vi khuẩn gây mùi trong khoang miệng. Hơn nữa, phương pháp này còn giúp giảm sự tích tụ mảnh vụn thức ăn trên răng, mặt trong má và lưỡi.
Trong một nghiên cứu, phương pháp súc miệng bằng dầu mè đã giúp giảm đáng kể tình trạng hôi miệng ở những người tham gia. Dầu dừa có đặc tính xà phòng hóa và kháng khuẩn giống như dầu mè nên cũng có thể cho kết quả tương tự.
Tóm tắt: Đặc tính kháng khuẩn của dầu dừa có thể giúp làm giảm vi khuẩn có hại trong khoang miệng, nhờ đó ngăn ngừa sâu răng, giảm tích tụ mảng bám và cải thiện tình trạng hôi miệng. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Cách súc miệng bằng dầu dừa
Súc miệng bằng dầu không phải là một cách vệ sinh răng miệng mới. Trên thực tế, phương pháp này đã có ở Ấn Độ từ hàng nghìn năm trước.
Súc miệng bằng dầu cũng giống như súc miệng bằng nước súc miệng.
Cách thực hiện như sau:
- Cho một thìa dầu dừa vào miệng.
- Súc dầu đều khắp khoang miệng trong khoảng 15 - 20 phút.
- Nhổ dầu ra và đánh răng như bình thường
Sau khi súc miệng xong, nên nhổ dầu vào thùng rác thay vì nhổ vào bồn rửa vì dầu có thể gây tắc ống dẫn nước.
Trong quá trình súc miệng, dầu sẽ cuốn vi khuẩn và mảng bám khỏi các bề mặt trong miệng. Ngoài ra, các axit béo trong dầu dừa còn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn.
Tốt nhất nên súc miệng bằng dầu ngay khi vừa ngủ dậy vào buổi sáng, trước khi ăn uống bất cứ thứ gì.
Tìm hiểu thêm về những lợi ích của phương pháp súc miệng bằng dầu dừa
Tóm tắt: Súc miệng bằng dầu cũng tương tự như súc miệng bằng nước súc miệng. Cho dầu vào trong miệng và súc trong khoảng 15 - 20 phút rồi nhổ ra. Việc này giúp loại bỏ vi khuẩn có hại và mảng bám bên trong miệng.
Các cách vệ sinh răng miệng khác
Mặc dù súc miệng bằng dầu dừa là một cách hiệu quả để giảm vi khuẩn, mảng bám, ngăn ngừa sâu răng, viêm lợi và cải thiện hơi thở nhưng không nên sử dụng phương pháp này thay cho các biện pháp vệ sinh răng miệng thông thường.
Cách tốt nhất để duy trì sức khỏe răng miệng tốt là đánh răng bằng kem đánh răng có chứa fluoride và dùng chỉ nha khoa hai lần mỗi ngày. Ngoài ra nên vệ sinh mặt lưỡi và bên trong má bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi.
Uống nước thường xuyên trong ngày, hạn chế đồ ăn và đồ uống có đường, không hút thuốc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và đi khám răng thường xuyên cũng là những điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Tóm tắt: Mặc dù súc miệng bằng dầu dừa mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng không thể thay thế cho các biện pháp vệ sinh răng miệng thông thường. Các cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe răng miệng là đánh răng và dùng chỉ nha khoa hai lần mỗi ngày, chú ý đến thói quen ăn uống, uống đủ nước, không hút thuốc và đi khám răng định kỳ.
Tóm tắt bài viết
Dầu dừa đã được sử dụng trong suốt nhiều thế kỷ để chăm sóc răng miệng.
Mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm nhưng các nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng phương pháp súc miệng bằng dầu dừa có thể làm giảm vi khuẩn có hại bên trong miệng, ngăn ngừa viêm lợi, sâu răng và giảm hôi miệng.
Cách súc miệng bằng dầu dừa rất đơn giản nên bạn có thể thử để giúp cho răng chắc, nướu khỏe và hơi thở thơm tho. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp cùng các biện pháp vệ sinh răng miệng khác như đánh răng và dùng chỉ nha khoa.
Có khoảng 80% các trường hợp tổn thương răng miệng xảy ra ở răng cửa và có thể tác động đến cả phần mô mềm – lưỡi, môi và bên trong má.
Có một số vấn đề về răng miệng mà nếu mắc phải bạn sẽ cần đến phương pháp phẫu thuật.
Bất kì trường hợp răng miệng khẩn cấp nào như tổn thương đến răng, lợi cũng có thể trở nên nghiêm trọng và không nên bị coi nhẹ.
Sâu răng là sự phá hủy cấu trúc răng và có thể tác động đến cả men răng (lớp phủ ngoài cùng của răng) và lớp ngà răng.
Tìm hiểu về vấn đề phổ biến trong nha khoa: đau răng