1

Huyết áp bao nhiêu là cao?

Huyết áp ở mức nào là bình thường và mức nào là cao?
Huyết áp bao nhiêu là cao? Huyết áp bao nhiêu là cao?

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành mạch máu khi tim đập và được đo bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg).

Huyết áp được xác định bằng hai chỉ số, một là huyết áp tâm thu (số bên trên trong kết quả đo). Đây là áp lực của máu lên thành mạch máu khi tim bơm máu. Hai là huyết áp tâm trương (số bên dưới trong kết quả đo). Đây là áp lực của máu lên thành mạch máu ở giữa các nhịp đập của tim, có nghĩa là khi máu từ cơ thể trở về tim.

Có hai vấn đề chính về huyết áp, đó là:

  • Huyết áp cao, hay tăng huyết áp: vấn đề này thường đi kèm với nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch, giảm thị lực, suy thận và đột quỵ.
  • Huyết áp thấp, hay tụt huyết áp cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, ví dụ như chóng mặt hay ngất xỉu. Huyết áp thấp nghiêm trọng làm suy giảm sự lưu thông máu và lượng oxy, dẫn đến tổn hại các cơ quan trong cơ thể.

Hiểu chỉ số huyết áp của mình

Để có thể kiểm soát huyết áp thì trước tiên bạn cần biết chỉ số huyết áp ở mức nào là khỏe mạnh và mức nào cần phải lưu ý. Dưới đây là phạm vi chỉ số huyết áp thường được sử dụng để chẩn đoán huyết áp cao và huyết áp thấp ở người lớn.

Nói chung, khác với huyết áp cao, tình trạng huyết áp thấp thường chủ yếu biểu hiện qua các triệu chứng và dấu hiệu thực tế thay vì các con số ở kết quả đo.

Tâm thu (chỉ số trên) -mmHg<80 Tâm trương (chỉ số dưới) - mmHg Tình trạng
Dưới 90 Dưới 60 Huyết áp thấp

91 - 119

61 - 79 Bình thường

120 - 129

<80 Nguy cơ tăng huyết áp

130 - 139

80 - 89 Tăng huyết áp giai đoạn 1

Từ 140 trở lên

Từ 90 trở lên Tăng huyết áp giai đoạn 2
Từ 180 trở lên Trên 120 Tăng huyết áp giai đoạn 3 hay cơn tăng huyết áp (hypertensive crisis)

Chỉ cần một trong hai chỉ số huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương ở mức cao thì bạn cũng sẽ được xếp vào nhóm tăng huyết áp. Ví dụ, huyết áp đo được là 119/81mmHg thì có nghĩa là bạn bị tăng huyết áp giai đoạn 1.

Mức huyết áp của trẻ nhỏ

Mức huyết áp của trẻ nhỏ khác của người lớn và tình trạng huyết áp được xác định bởi một số yếu tố như:

  • Độ tuổi
  • Giới tính
  • Chiều cao

Nếu bạn lo lắng về huyết áp của con mình thì nên nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để xác định đúng tình trạng huyết áp cho trẻ.

Cách đo huyết áp

Có một số cách khác nhau để kiểm tra huyết áp. Ví dụ như đo tại các phòng khám hoặc bệnh viện. Hiện nay nhiều nhà thuốc cũng kiểm tra huyết áp miễn phí. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự kiểm tra tại nhà bằng máy đo huyết áp.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nếu đo tại nhà thì nên dùng máy đo huyết áp điện tử bắp tay. Hiện nay còn có các loại máy đo huyết áp cổ tay hoặc ngón tay nhưng kết quả thường không được chính xác bằng.

Khi đo huyết áp, cần đảm bảo những điều sau:

  • Ngồi yên, lưng thẳng, hai bàn chân đặt xuống sàn và hai chân để song song, không bắt chéo.
  • Giữ cho bắp tay ở ngang tim.
  • Quấn vòng bít sao cho phần giữa nằm ngay phía trên khuỷu tay
  • Không vận động, uống cà phê hoặc hút thuốc trong 30 phút trước đo huyết áp.

Phương pháp điều trị

Ngay cả khi chỉ có một trong hai chỉ số ở mức cao hay thấp thì bạn vẫn có vấn đề về huyết áp và cho dù vấn đề ở mức nào thì bạn vẫn nên theo dõi thường xuyên, đồng thời hỏi ý kiến bác sĩ về tần suất kiểm tra huyết áp tại nhà.

Sau khi đo, nên ghi lại kết quả và mang đến cho bác sĩ xem vào mỗi buổi khám định kỳ. Mỗi khi đo, bạn nên đo lại nhiều lần, mỗi lần cách nhau khoảng 3 đến 5 phút để đảm bảo kết quả chính xác nhất.

Huyết áp cao

Nếu bạn bị huyết áp cao thì sẽ cần theo dõi chặt chẽ hơn vì đây là một vấn đề làm tăng nguy cơ bệnh tim.

Khi huyết áp tâm thu ở mức từ 120 – 129mmHg còn huyết áp tâm trương ở mức dưới 80mmHg thì bạn đang có nguy cơ bị tăng huyết áp. Nếu bạn thuộc nhóm này thì nên thay đổi một số thói quen hàng ngày như thực hiện chế độ ăn có lợi cho tim mạch, hạn chế rượu bia và vận động thường xuyên hơn để làm giảm chỉ số huyết áp. Ở mức này thì thường chưa cần dùng đến thuốc kê đơn.

Khi sang đến tăng huyết áp giai đoạn 1 thì sẽ cần thay đổi lối sống và kết hợp dùng thuốc. Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) hoặc thuốc chẹn kênh canxi.

Huyết áp thấp

Huyết áp thấp cần phương pháp điều trị khác với huyết áp cao. Hoặc nếu không có triệu chứng thì chưa cần phải điều trị.

Huyết áp thấp thường do một vấn đề nào đó về sức khỏe gây nên, chẳng hạn như vấn đề về tuyến giáp, tác dụng phụ của thuốc, mất nước, tiểu đường hoặc chảy máu và cần phải điều trị vấn đề gốc rễ đó trước tiên.

Nếu không rõ nguyên nhân gây huyết áp thấp thì có các lựa chọn khắc phục như:

  • Ăn nhiều muối
  • Uống nhiều nước
  • Mang tất (vớ) nén để ngăn máu chảy xuống chân
  • Dùng một loại thuốc corticosteroid như fludrocortison để giúp tăng thể tích máu

Các biến chứng

Nếu không được kiểm soát thì huyết áp cao hay thấp đều có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Huyết áp cao là tình trạng phổ biến hơn nhiều so với huyết áp thấp và nếu không đo thì rất khó mà biết được khi nào huyết áp tăng cao. Cao huyết áp thường không gây ra các triệu chứng rõ rệt cho đến khi xảy ra các cơn tăng huyết áp (hypertensive crisis) nhưng một khi đã xảy ra thì sẽ cần đến biện pháp can thiệp y tế khẩn cấp.

Nếu không được kiểm soát và điều trị thì cao huyết áp có thể gây ra:

  • Đột quỵ
  • Nhồi máu cơ tim
  • Bóc tách động mạch chủ
  • Phình động mạch
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Bệnh thận
  • Mất thị lực
  • Vấn đề về trí nhớ
  • Tràn dịch màng phổi

Mặt khác, tụt huyết áp có thể gây ra:

  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Té ngã dẫn đến chấn thương
  • Tổn hại tim
  • Tổn thương não
  • Tổn thương các cơ quan nội tạng khác

Phòng ngừa cao huyết áp

Một số thay đổi về thói quen sống hàng này sẽ giúp ngăn ngừa bệnh cao huyết áp, cụ thể là:

  • Theo một chế độ ăn tốt cho tim mạch, gồm có ăn nhiều trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo tốt và protein ít béo.
  • Giảm tiêu thụ muối. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị chỉ nên tiêu thụ muối dưới 2.400 miligam (mg) mà lý tưởng nhất là không quá 1500mg mỗi ngày.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày 30 phút. Nếu không quen thì ban đầu có thể tập chậm trong thời gian ngắn và tăng dần.
  • Có các biện pháp giảm stress, ví dụ như ngồi thiền hay tập yoga. Việc bị stress trong suốt một thời gian dài hay liên tục gặp phải chuyện phiền não có thể khiến huyết áp tăng vọt. Vì thế, hạn chế căng thẳng cũng là một cách để kiểm soát huyết áp.

Nói chuyện với bác sĩ

Những người bị cao huyết áp mãn tính và không kiểm soát sẽ rất dễ gặp phải những vấn đề đe dọa đến tính mạng.

Còn nếu bị huyết áp thấp thì nguy cơ còn phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Nếu là do một vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn và không được điều trị thì các triệu chứng sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Bạn có thể giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng bằng cách kiểm soát huyết áp ở mức ổn định bình thường. Tốt nhất là nên nói chuyện trực tiếp với bác sĩ để tìm ra phương án điều trị và kiểm soát huyết áp phù hợp nhất với mình.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: huyết áp, bao nhiêu
Tin liên quan
13 loại thực phẩm tốt cho huyết áp
13 loại thực phẩm tốt cho huyết áp

Chế độ ăn lành mạnh hàng ngày cũng là một cách để giữ huyết áp luôn ở mức ổn định bình thường.

Thực phẩm và đồ uống cần tránh khi cao huyết áp
Thực phẩm và đồ uống cần tránh khi cao huyết áp

Một chế độ ăn uống lành mạnh là cách hữu hiệu để hạ huyết áp và kiểm soát huyết áp luôn ở mức ổn định.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp
Các triệu chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây