Hướng dẫn đo huyết áp bằng máy điện tử và máy cơ
Huyết áp là gì?
Huyết áp áp lực của máu lên thành động mạch, các chỉ số huyết áp cho biết cường độ mà tim của chúng ta đang phải làm việc để bơm máu qua các động mạch. Đây là một trong bốn dấu hiệu sinh tồn quan trọng của cơ thể bên cạnh:
- Thân nhiệt
- Nhịp tim và
- Nhịp thở
Các dấu hiệu sinh tồn cho biết cơ thể đang “vận hành” ở trạng thái ra sao. Nếu một trong 4 dấu hiệu sinh tồn này quá cao hoặc quá thấp thì có nghĩa là tình trạng sức khỏe đang có điều bất ổn.
Huyết áp được xác định bằng hai chỉ số. Chỉ số đầu tiên là huyết áp tâm thu. Đó là con số đầu tiên hoặc số nằm bên trên ở kết quả đo huyết áp. Chỉ số thứ hai là huyết áp tâm trương. Đó là số thứ hai hoặc nằm bên dưới ở kết quả đo.
Ví dụ, khi đo, nếu kết quả hiển thị là 117/80mmHg (milimét thủy ngân thì huyết áp tâm thu là 117 còn huyết áp tâm trương là 80.
Huyết áp tâm thu là áp lực bên trong động mạch khi tim đang co bóp để bơm máu, còn huyết áp tâm trương là áp lực bên trong động mạch khi cơ tim nghỉ ở giữa các nhịp đập.
Một trong hai chỉ số này ở mức cao đều cho thấy trái tim đang phải hoạt động với cường độ cao hơn bình thường để bơm máu qua các động mạch. Đây có thể là kết quả do một nguyên nhân từ bên ngoài, ví dụ như khi bị căng thẳng hoặc lo âu, sợ hãi, những điều này đều làm cho các mạch máu bị thu hẹp lại. Hoặc cũng có thể là do một nguyên nhân từ bên trong, chẳng hạn như sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch có thể khiến các mạch máu trở nên hẹp hơn.
Nếu bạn muốn tự mình đo huyết áp tại nhà thì tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn về cách đo, thời điểm đo và theo dõi. Ví dụ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đo huyết áp:
- Trước hoặc sau khi dùng một loại thuốc nào đó
- Vào những thời điểm nhất định trong ngày
- Khi căng thẳng hoặc cảm thấy chóng mặt
Cách sử dụng máy đo huyết áp điện tử
Cách đơn giản nhất để đo huyết áp tại nhà là dùng máy đo tự động hay còn gọi là máy đo điện tử. Đây là loại máy đo huyết áp dễ sử dụng nhất và đặc biệt có ích cho những người bị khiếm thính.
Loại máy đo huyết áp này có màn hình kỹ thuật số hiển thị chỉ số huyết áp.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị nên dùng máy đo huyết áp điện tử bắp tay cho mục đích sử dụng tại nhà. Để sử dụng máy đo huyết áp tự động, người dùng cần làm theo các hướng dẫn đi kèm của nhà sản xuất hoặc cũng có thể mang đến gặp bác sĩ hay các nhà thuốc để được hướng dẫn.
Ngoài ra, bạn cũng nên mua một cuốn sổ nhỏ để ghi lại các chỉ số huyết áp và tiện theo dõi.
Máy đo huyết áp điện tử có thể cho ra kết quả khác với máy đo huyết áp cơ (máy đo huyết áp bằng tay). Bạn có thể mang máy đo của mình đến bất kỳ phòng khám, nhà thuốc hay cơ sở y tế nào có máy đo cơ để so sánh kết quả. Bằng cách này, bạn sẽ xác định được mức huyết áp thế nào là bình thường và thế nào là cao ở máy của mình.
Một điều quan trọng nữa là nên mua máy đo huyết áp chính hãng, chất lượng tốt và chú ý theo dõi các lỗi. Ngay cả khi thường xuyên đo huyết áp tại nhà thì vẫn nên để bác sĩ đo bằng máy cơ tại các lần khám sức khỏe định kỳ.
Cách đo huyết áp bằng máy cơ
Máy đo huyết áp cơ hay máy đo bằng tay gồm có một vòng bít (vòng quấn), một quả bóp cao su, đồng hồ hiển thị và ống nghe. Loại máy đo huyết áp này hơi khó dùng nên thường phải cần đến sự giúp đỡ của người khác.
Dưới đây là các bước để đo huyết áp tại nhà bằng máy cơ:
Thả lỏng cơ thể trước khi bắt đầu đo với cánh tay đặt lên một bề mặt bằng phẳng, lòng bàn tay hướng lên trên. Tiếp theo, quấn vòng bít quanh bắp tay và bóp bóng để làm căng vòng bít. Theo dõi số trên đồng hồ, bơm vòng bít cho đến khi thấy chỉ số cao hơn khoảng 20 - 30mmHg so với mức huyết áp bình thường. Nếu bạn không biết huyết áp bình thường của mình là bao nhiêu thì nên hỏi bác sĩ xem nên bơm lên bao nhiêu.
Khi vòng bít được bơm căng, đặt mặt phẳng của ống nghe lên phần bên trong của nếp gấp khuỷu tay, nơi có động mạch chính của cánh tay. Trước khi đo cần kiểm tra ống nghe bằng cách gõ lên để đảm bảo vẫn có thể nghe được bình thường và hướng phần tai của ống nghe vào màng nhĩ.
Từ từ xả khí trong quả bóp và vẫn đeo tai nghe cho đến khi bắt đầu nghe thấy tiếng đập và ghi nhớ số hiển thị trên đồng hồ tại thời điểm này. Đây là huyết áp tâm thu. Tiếp tục nghe và xả khí từ từ cho đến khi nào không còn nghe thấy tiếng đập thì tiếp tục ghi nhớ chỉ số lúc này. Đây là huyết áp tâm trương. Cuối cùng ghi lại huyết áp dưới dạng tâm thu/tâm trương, ví dụ 115/75.
Ý nghĩa các chỉ số huyết áp
Sau khi tự đo huyết áp lần đầu tiên thì nên thảo luận kết quả với bác sĩ. Huyết áp là một dấu hiệu sinh tồn mang tính cá nhân, có nghĩa là nó có sự khác nhau ở mỗi người. Một số người có huyết áp thấp trong khi những người khác lại có huyết áp cao.
Nói chung, huyết áp dưới 120/80mmHg thì được coi là bình thường. Huyết áp của từng người sẽ phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác, cân nặng và các vấn đề về sức khỏe (nếu có). Nếu đo thấy chỉ số huyết áp từ 120/80mmHg trở lên thì hãy đợi từ 2 - 5 phút và đo lại.
Nếu sau khi đo lại mà huyết áp vẫn còn cao thì nên nói chuyện với bác sĩ để được kiểm tra xem có bị bệnh tăng huyết áp hay không. Nếu huyết áp tâm thu vượt quá 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương vượt quá 120mmHg sau khi đo lại thì cần có biện pháp can thiệp y tế ngay lập tức.
Biểu đồ huyết áp
Mặc dù mọi người đều khác nhau nhưng Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đưa ra các phạm vi huyết áp như sau:
Tình trạng | Tâm thu (mmHg) | Tâm trương (mmHg) |
Bình thường | <120 | <80 |
Nguy cơ tăng huyết áp | 120 - 129 | <80 |
Tăng huyết áp giai đoạn 1 | 130 - 139 | 80 - 89 |
Tăng huyết áp giai đoạn 2 | >140 | >90 |
Tăng huyết áp giai đoạn 3 (cơn tăng huyết áp) | >180 | >120 |
Lưu ý, cả chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương đều phải nằm trong phạm vi bình thường thì huyết áp mới được coi là bình thường. Chỉ cần có một trong hai chỉ số ở mức cao thì huyết áp cũng thuộc dạng cao. Ví dụ, nếu huyết áp là 115/92 thì sẽ được coi là tăng huyết áp giai đoạn 2.
Triển vọng của người bệnh cao huyết áp
Việc theo dõi huyết áp thường xuyên giúp cho cả bệnh nhân và bác sĩ xác định được vấn đề ngay từ sớm và nếu cần thiết thì có thể tiến hành điều trị luôn trước khi xảy ra bất cứ tổn hại nào ở bên trong động mạch.
Bệnh cao huyết áp có thể được khắc phục bằng nhiều cách như thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên hoặc dùng các loại thuốc huyết áp, ví dụ như:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitor)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
Bằng các biện pháp điều trị thích hợp và kết hợp thay đổi lối sống, bạn sẽ có thể kiểm soát huyết áp ở mức ổn định.
Mẹo sử dụng máy đo huyết áp
Để có được kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên ghi nhớ một số điều sau:
- Đảm bảo vòng bít có kích thước phù hợp với tay. Vòng bít có nhiều kích cỡ khác nhau, nếu có bắp tay quá nhỏ thì có thể sử dụng loại dành cho trẻ em. Nếu có thể luồn một ngón tay vào giữa vòng và bắp tay khi vòng chưa được bơm căng thì đó là kích cỡ vòng phù hợp.
- Không hút thuốc, uống rượu hoặc tập thể dục 30 phút trước khi đo huyết áp.
- Ngồi thẳng lưng, đặt bàn chân trên sàn và không bắt chéo chân.
- Đo huyết áp vào các thời điểm khác nhau trong ngày và ghi lại chính xác thời gian của mỗi lần đo.
- Nghỉ ngơi từ 3 đến 5 phút trước khi đo huyết áp và nếu vừa vận động thì nên nghỉ thêm vài phút nữa.
- Mang theo máy đo của mình đến đến gặp bác sĩ ít nhất một lần một năm để hiệu chỉnh và đảm bảo rằng máy vẫn hoạt động chính xác.
- Mỗi khi đo nên đo ít nhất hai lần để đảm bảo kết quả chính xác. Mỗi lần đo cách nhau vài phút.
- Duy trì việc đo huyết áp vào các thời điểm khác nhau trong ngày trong một khoảng thời gian để có được kết quả chính xác nhất.
Cao huyết áp hay tăng huyết áp được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì lý do là thường không bộc lộ triệu chứng rõ rệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Chế độ ăn lành mạnh hàng ngày cũng là một cách để giữ huyết áp luôn ở mức ổn định bình thường.
Một chế độ ăn uống lành mạnh là cách hữu hiệu để hạ huyết áp và kiểm soát huyết áp luôn ở mức ổn định.