Gãy lồi cầu chẩm điều trị bằng cách nào?
Chúng ta đều biết rằng bảo vệ não và cột sống là điều vô cùng quan trọng. Chấn thương nặng ở một trong những bộ phận này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cho dù có thực hiện đủ mọi biện pháp phòng ngừa thì tai nạn vẫn có thể xảy ra.
Gãy lồi cầu chẩm là một loại chấn thương vùng đầu cổ hiếm gặp, xảy ra ở khu vực giao giữa hộp sọ và cột sống.
Trong những trường hợp gãy lồi cầu chẩm, bác sĩ thường đề nghị bất động và điều trị bảo tồn trừ khi người bệnh bị mất vững cột sống.
Gãy lồi cầu chẩm là gì?
Lồi cầu chẩm là hai phần xương nhô lên ở mặt dưới của xương chẩm, nằm bên cạnh lỗ chẩm, tại vị trí giao giữa hộp sọ và cột sống. Mỗi người có hai lồi cầu chẩm.
Giống như tất cả các xương khác trong cơ thể, lồi cầu chẩm cũng có thể bị gãy. Tuy nhiên, do nằm ở đáy hộp sọ nên gãy lồi cầu chẩm rất hiếm khi xảy ra.
Tùy thuộc vào mức độ gãy xương mà gãy lồi cầu chẩm được chia thành gãy một phần, gãy hoàn toàn và gãy làm nhiều mảnh.
Nguyên nhân gây gãy lồi cầu chẩm
Gãy lồi cầu chẩm thường xảy ra do chấn thương cùn gây vặn xoắn mạnh ở vùng đầu cổ hoặc áp lực dọc theo trục cột sống.
Dạng chấn thương này có thể xảy ra khi bị ngã hoặc các tình huống va đập mạnh khác, chẳng hạn như tai nạn giao thông, chơi thể thao và bị đánh.
Các loại gãy lồi cầu chẩm
Sau khi chẩn đoán gãy lồi cầu chẩm, bác sĩ sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng gãy xương dựa trên một số hệ thống phân loại, ví dụ như tiêu chí Anderson-Montesano. Tiêu chí Anderson-Montesano phân loại gãy xương dựa trên vị trí bị gãy xương và mức độ ảnh hưởng đến cấu trúc xung quanh.
Tuy rằng có nhiều hệ thống phân loại gãy lồi cầu chẩm nhưng hệ thống Anderson-Montesano là một trong những hệ thống được sử dụng phổ biến nhất.
Theo tiêu chí này, gãy lồi cầu chẩm được chia thành 3 loại:
- Loại I: Gãy xương ổn định, không di lệch, chỉ có lồi cầu chẩm bị gãy.
- Loại II: Gãy xương ổn định ở nền sọ và kéo dài tới lồi cầu chẩm.
- Loại III: Gãy xương di lệch xảy ra ở khu vực lồi cầu chẩm gắn với dây chằng cánh và gây mất ổn định cột sống.
Mức độ nghiêm trọng của gãy lồi cầu chẩm thường phụ thuộc vào các chấn thương xảy ra đồng thời. Theo một nghiên cứu vào năm 2020 đánh giá các cách phân loại gãy lồi cầu chẩm, yếu tố quyết định kết quả lâm sàng của các trường hợp gãy lồi cầu chẩm là mức độ tổn thương các cấu trúc xung quanh chứ không phải mức độ nghiêm trọng của vết gãy ở lồi cầu chẩm.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng loại III là loại gãy lồi cầu chẩm phổ biến nhất.
Chẩn đoán gãy lồi cầu chẩm
Nhiều trường hợp gãy lồi cầu chẩm không có triệu chứng rõ ràng. Do nguyên nhân của dạng chấn thương này nên nhiều người bị bất tỉnh trong quá trình chẩn đoán. Khi bệnh nhân tỉnh táo, triệu chứng duy nhất có thể là đau cổ hoặc yếu cơ ở một bên vai và cánh tay.
Không thể chỉ dựa trên triệu chứng để chẩn đoán gãy lồi cầu chẩm mà phải tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
Tuy nhiên, gãy lồi cầu chẩm không dễ phát hiện bằng phương pháp chụp X quang truyền thống. Bác sĩ sẽ yêu cầu chụp cắt lớp vi tính (CT) để có được hình ảnh đa chiều của các cấu trúc ở vùng đầu cổ.
Theo hướng dẫn được Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thần kinh đưa ra vào năm 2013, chụp CT là điều cần thiết để chẩn đoán gãy lồi cầu chẩm. Nhưng chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng là một công cụ hữu ích để đánh giá tình trạng tổn thương mô mềm xung quanh vị trí gãy xương.
Điều trị gãy lồi cầu chẩm
Việc điều trị gãy lồi cầu chẩm sẽ phụ thuộc vào loại gãy xương (ổn định hay không ổn định).
Gãy lồi cầu chẩm không ổn định có thể gây tổn thương cho não hoặc tủy sống do các mảnh xương bị di lệch hoặc gây tổn thương đáng kể đến các cấu trúc lân cận, chẳng hạn như nền sọ.
Những trường hợp gãy lồi cầu chẩm ổn định có thể chỉ cần điều trị bảo tồn. Người bệnh cần đeo nẹp cổ cứng để giữ cố định cổ trong thời gian xương liền lại.
Tốc độ hồi phục phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe tổng thể và những thương tích xảy ra cùng lúc ở gãy lồi cầu chẩm. Nói chung, gãy lồi cầu chẩm thường phải mất vài tuần đến vài tháng mới hồi phục.
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy hầu hết các trường hợp gãy lồi cầu chẩm không biến chứng đều chỉ cần 6 tuần điều trị bảo tồn là đủ.
Tuy nhiên, đôi khi cần phẫu thuật để điều trị gãy lồi cầu chẩm. Nếu chấn thương gây mất ổn định tủy sống, chèn ép thân não hoặc là một phần của chấn thương đầu cổ phạm vi rộng hơn thì có thể cần tiến hành phẫu thuật kết hợp xương bên trong.
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật ở mỗi ca bệnh là khác nhau và có thể mất vài tuần đến vài tháng. Người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục.
Tóm tắt bài viết
Gãy lồi cầu chẩm là một dạng chấn thương hiếm gặp ở vùng đầu cổ. Lồi cầu chẩm là cấu trúc xương nằm ở đáy hộp sọ, hai bên thân não.
Gãy lồi cầu chẩm thường xảy ra do chấn thương cùn có tác động mạnh và thường đi kèm với các dạng chấn thương đầu cổ khác. Tình trạng này có thể xảy ra do va đập khi bị ngã, tai nạn giao thông, chơi thể thao hoặc bị đánh mạnh.
Gãy lồi cầu chẩm ổn định có thể điều trị bảo tồn bằng phương pháp bất động. Những trường hợp gãy lồi cầu chẩm mất ổn định cột sống, chèn ép dây thần kinh hoặc chấn thương đầu cổ diện rộng có thể phải phẫu thuật hợp nhất hoặc kết hợp xương.
Chứng loãng xương có thể được điều trị bằng thảo dược và một số phương pháp điều trị thay thế khác (phương pháp điều trị thay thế bao gồm tất cả các biện pháp giúp kiểm soát hoặc làm giảm tình trạng bệnh mà không cần dùng đến các phương pháp điều trị chính thống như thuốc).
Xương đùi là xương lớn nhất và khỏe nhất trong cơ thể. Gãy thân xương đùi sẽ lâu liền hơn so với các xương khác. Gãy thân xương đùi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hàng ngày vì đây là một trong những xương chính giúp chúng ta đi lại.
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các khớp. Điều này gây ra tình trạng sưng, đau và cứng khớp. Ngoài ra, sự tấn công của hệ miễn dịch còn gây hình thành mô bất thường ở khớp, tạo thành những nốt sần cứng gọi là nốt dạng thấp.
Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.