Điện tâm đồ (EKG) có phát hiện được cơn đau tim trước đó không?
Điện tâm đồ (EKG) là gì?
EKG là một xét nghiệm an toàn, nhanh chóng và không xâm lấn để kiểm tra hoạt động điện của tim.
Nhịp tim được kiểm soát bởi một hệ thống điện có chức năng điều khiển thời điểm các buồng trên của tim (tâm nhĩ) co bóp và sau đó đến các buồng dưới của tim (tâm thất). Bình thường, quá trình này diễn ra theo một mô hình đồng bộ với tốc độ có thể dự đoán trước.
Tim đập bất thường có thể là dấu hiệu của các vấn đề tim mạch, chẳng hạn như cơn đau tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), EKG cung cấp hai thông tin quan trọng về sức khỏe tim mạch:
- EKG đo thời gian một sóng điện di chuyển từ tâm nhĩ đến tâm thất, giúp xác định xem hoạt động điện của tim có bị quá nhanh, quá chậm, hay hỗn loạn không.
- EKG cũng đo mức độ hoạt động điện qua tim, giúp bác sĩ đánh giá liệu tim có đang làm việc quá sức hay không.
Điện tâm đồ được thực hiện bằng cách đặt các điện cực nhỏ lên ngực và lên chân tay. Đây là những miếng dán có thể tháo rời, kết nối qua dây với máy EKG, máy này ghi lại tín hiệu điện tim và hiển thị lên màn hình.
Kết quả in ra cho thấy mô hình điện của tim, cung cấp một bản cứng ghi lại hoạt động của tim tại thời điểm đó. Điều này rất quan trọng vì một số thay đổi trong hoạt động điện của tim chỉ mang tính tạm thời. Vì vậy, cần có bằng chứng về sự thay đổi trong mô hình điện của tim.
Điện tâm đồ chẩn đoán cơn đau tim như thế nào?
EKG là một trong các xét nghiệm giúp chẩn đoán cơn đau tim. Đây thường là một trong những xét nghiệm đầu tiên được thực hiện khi có người nhập viện với các triệu chứng của cơn đau tim.
Vì mô tim bị tổn thương thường gây gián đoạn dòng điện bình thường của tim nên EKG có thể ngay lập tức phát hiện ra vấn đề nếu có.
Ngoài việc chỉ ra khả năng tổn thương mô tim, kết quả EKG bất thường cũng có thể cho thấy lưu lượng máu qua các động mạch vành bị giảm. Đây thường là nguyên nhân phổ biến dẫn đến cơn đau tim.
EKG cũng có thể dùng để chẩn đoán nhịp tim bất thường, gọi là rối loạn nhịp tim.
Ngoài EKG, một xét nghiệm máu cũng sẽ được thực hiện nếu nghi ngờ có cơn đau tim. Mô tim bị tổn thương thường giải phóng một số protein gọi là troponin. Mức troponin T và troponin I cao bất thường thường là dấu hiệu của cơn đau tim.
Điện tâm đồ (EKG) có phát hiện được cơn đau tim trước đó không?
Điện tâm đồ (EKG) có thể phát hiện rằng bạn đã từng bị cơn đau tim nhiều năm trước mà không biết. Các mô hình điện bất thường trong xét nghiệm này cho thấy có thể một phần của tim đã bị tổn thương do thiếu oxy.
Không phải tất cả các cơn đau tim đều gây ra triệu chứng rõ ràng. Nếu đã từng bị cơn đau tim thầm lặng, có thể bạn sẽ không biết cho đến khi thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như EKG, MRI, chụp CT, hoặc siêu âm.
EKG là một phương pháp để bác sĩ có thể tìm bằng chứng về các cơn đau tim trước đó, nhưng sẽ có được phát hiện tốt nhất khi kết hợp với các kỹ thuật chẩn đoán khác như xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh. Kết quả EKG đôi khi có thể cho kết quả dương tính giả.
Một nghiên cứu đã đo lường độ chính xác của EKG trong việc chẩn đoán cơn đau tim trước đó so với chụp cộng hưởng từ tim (MRI). Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng EKG có:
- Độ nhạy kém: EKG chỉ phát hiện được cơn đau tim trước đó với độ chính xác bằng 48,4% so với MRI.
- Độ đặc hiệu tốt: EKG đã xác định chính xác rằng không có cơn đau tim nào xảy ra trước đó trong 83,5% trường hợp so với kết quả từ MRI.
- Độ chính xác trong dự đoán dương tính: Những người có kết quả EKG cho thấy họ đã từng bị đau tim có 72% khả năng thực sự đã từng bị đau tim.
- Độ chính xác trong dự đoán âm tính: Những người có kết quả EKG cho thấy họ không bị đau tim có 64,2% khả năng thực sự không bị đau tim.
Độ nhạy kém và độ chính xác trong dự đoán âm tính chưa cao cho thấy nếu chỉ dùng mỗi EKG thì không thể chẩn đoán đúng nhất về cơn đau tim trước đó.
Điện tâm đồ (EKG) có dự đoán được cơn đau tim trong tương lai không?
EKG có thể dự đoán nguy cơ cơn đau tim trong tương lai bằng cách phát hiện các bất thường trong hoạt động điện của tim bạn.
Một nghiên cứu năm 2019 phát hiện rằng các chỉ số nguy cơ bệnh tim mạch dựa trên EKG cũng hữu ích tương tự, hoặc đôi khi hơn, các chỉ số dựa trên tiền sử bệnh lý.
Trong một nghiên cứu khác năm 2019, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người bị bệnh xơ vữa động mạch hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ gây đau tim thường có kết quả EKG bất thường.
Chỉ sử dụng kết quả EKG không thể dự đoán hiệu quả cơn đau tim trong tương lai ở những người có nguy cơ thấp. Có thể bạn vẫn sẽ bị đau tim mặc dù kết quả EKG bình thường.
Một hạn chế của EKG là nó không thể phát hiện được tình trạng tắc nghẽn không có triệu chứng trong động mạch mà có thể gây nguy cơ đau tim trong tương lai. EKG hữu ích nhất khi được sử dụng để dự đoán cơn đau tim trong tương lai nếu kết hợp với các xét nghiệm khác.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy kết quả kết hợp từ năm xét nghiệm khác nhau có thể cải thiện khả năng dự đoán nguy cơ bị bệnh tim so với việc đánh giá huyết áp, cholesterol, tiểu đường và tiền sử hút thuốc.
Năm xét nghiệm bao gồm:
- Điện tâm đồ 12 chuyển đạo tiêu chuẩn để cung cấp thông tin về tình trạng cơ tim dày lên.
- Chụp CT mạch vành để phát hiện sự tích tụ mảng bám trong động mạch tim.
- Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP) để đo mức độ viêm.
- Xét nghiệm NT-proBNP để đo áp lực lên tim.
- Xét nghiệm troponin T để đo tổn thương tim.
Các xét nghiệm khác có thể giúp phát hiện cơn đau tim là gì?
Một số xét nghiệm khác cũng có thể được sử dụng để phát hiện cơn đau tim trước đó. Bao gồm:
- Máy Holter: Máy Holter là một loại EKG đo hoạt động điện của tim trong vòng 24 giờ hoặc lâu hơn khi bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày. Các điện cực gắn vào ngực sẽ gửi thông tin về hoạt động điện của tim đến một thiết bị nhỏ chạy bằng pin.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể chỉ ra các dấu hiệu cho thấy bạn đã từng bị đau tim. Troponin là chất thường được xem như một dấu hiệu của cơn đau tim vì sau cơn đau tim, mức protein này trong máu tăng lên và có thể duy trì ở mức cao trong vòng 2 tuần.
- Chụp CT mạch vành: Chụp CT mạch vành sử dụng tia X để tạo hình ảnh của các động mạch cung cấp máu cho tim. Một loại thuốc cản quang đặc biệt được tiêm vào máu để giúp bác sĩ quan sát rõ hơn khi nó di chuyển qua các động mạch.
- Thông tim: Trong thủ thuật thông tim, một ống dài gọi là ống thông được đưa qua một vết thủng trên da vào động mạch dẫn đến tim. Bác sĩ cũng tiêm thuốc cản quang vào mạch máu để có thể kiểm tra tim.
- Siêu âm tim: Siêu âm tim sử dụng sóng siêu âm để tạo hình ảnh trực tiếp của tim. Hình ảnh này có thể giúp bác sĩ phát hiện phần nào của tim bơm máu không hiệu quả.
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim): MRI tim sử dụng trường từ mạnh và sóng vô tuyến để tạo hình ảnh 3D của tim. MRI giúp bác sĩ xác định vùng tim cụ thể bị thiếu máu hoặc phần tim bị tổn thương nếu có.
Cơn đau tim thầm lặng là gì?
Cơn đau tim thầm lặng là một cơn đau tim gần như không có triệu chứng. Nếu đã từng gặp phải cơn đau tim thầm lặng, bạn có thể có nguy cơ cao hơn bị các cơn đau tim khác hoặc suy tim. Nguy cơ tử vong cũng cao hơn vì bạn không được điều trị y tế kịp thời do thiếu triệu chứng để nhận biết.
Ngay cả khi có triệu chứng, chúng cũng thường rất nhẹ đến mức có vẻ không đáng lo ngại. Mệt mỏi, đau ngực nhẹ giống như chứng khó tiêu, và các triệu chứng giống cảm cúm đều có thể là dấu hiệu của cơn đau tim thầm lặng.
Cơn đau tim thầm lặng xảy ra do thiếu máu cung cấp cho tim, giống như các cơn đau tim thông thường. Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể và duy trì kiểm tra định kỳ.
Khi nào cần tìm đến sự hỗ trợ y tế khẩn cấp?
Nếu bạn nghĩ rằng mình bị đau tim, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khẩn cấp ngay lập tức. Điều trị kịp thời có thể giảm thiểu được tổn thương cho tim.
Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp ngay:
- Đau ngực hoặc khó chịu ở giữa ngực hoặc ngực trái kéo dài hơn vài phút.
- Đau ở hàm, lưng hoặc cổ.
- Đau ở một hoặc cả hai cánh tay hoặc vai.
- Khó thở.
- Chóng mặt.
- Yếu người hoặc ngất xỉu.
Kết luận
EKG có thể giúp xác định được cơn đau tim trước đó bằng cách sàng lọc các bất thường trong hoạt động điện của tim. Kết quả EKG thường đem lại hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với xét nghiệm máu và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để giảm khả năng có kết quả dương tính giả.
Hiện vẫn chưa rõ EKG có hiệu quả như thế nào trong việc xác định nguy cơ đau tim trong tương lai. Các nghiên cứu chỉ ra rằng EKG có thể có hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với xét nghiệm máu và chụp mạch vành để xác định nguy cơ này.
Nếu bạn nghĩ có thể mình đang bị đau tim, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Càng nhanh chóng được điều trị phù hợp, tiên lượng của bạn càng khả quan hơn.
Tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có đau tim. Có thể giảm thiểu các nguy cơ này bằng cách kiểm soát huyết áp và thực hiện các biện pháp duy trì sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, vẫn cần nhận biết được các dấu hiệu và triệu chứng của cơn đau tim cũng như biết cách xử lý khi nghi ngờ mình bị đau tim.
Thường xuyên bị căng thẳng có thể dẫn đến giảm tuổi thọ, hoặc thậm chí gây tử vong. Theo các nghiên cứu, căng thẳng tâm lý tăng cao có thể là do các vấn đề sức khỏe tim mạch, bao gồm huyết áp cao, đau tim và đột quỵ. Bài viết này sẽ phân tích xem căng thẳng ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể và có liên quan gì đến đau tim.