Kết quả điện tâm đồ bất thường
Cơ chế hoạt động của điện tâm đồ
Máy đo điện tâm đồ thường là một thiết bị di động có 12 dây dẫn (leads) mềm và dài nối với các điện cực được đặt ở các vị trí nhất định quanh tim, trên cánh tay và chân để cảm nhận các xung điện đến từ nhiều hướng. Quá trình thực hiện điện tâm đồ không gây đau đớn và khâu chuẩn bị không quá phức tạp. Thông thường, xét nghiệm này chỉ mất khoảng 5 phút hoặc ít hơn.
Máy EKG không tạo ra điện mà chỉ đo lường và dẫn truyền hoạt động điện.
Tim thường dẫn truyền điện theo một đường dẫn mang tính hệ thống, từ tâm nhĩ phải đến tâm nhĩ trái. Dòng điện sau đó di chuyển đến nút nhĩ thượng (AV node), tín hiệu này làm các tâm thất co bóp. Dòng điện tiếp tục truyền đến bó His, sau đó phân chia thành các sợi dẫn đến các tâm thất trái và phải.
Điện tâm đồ giúp phát hiện các gián đoạn trong dòng điện có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim.
Kết quả điện tâm đồ bất thường cho thấy điều gì?
Vì EKG đo lường nhiều khía cạnh khác nhau của chức năng tim nên kết quả bất thường có thể chỉ ra một số vấn đề, bao gồm:
- Khiếm khuyết hoặc bất thường trong hình dạng và kích thước tim: điện tâm đồ bất thường có thể cho thấy một hoặc nhiều phần của thành tim lớn hơn hoặc dày hơn bình thường. Điều này có thể báo hiệu rằng tim đang phải làm việc vất vả hơn để bơm máu.
- Mất cân bằng điện giải: chất điện giải là các hạt dẫn điện trong cơ thể giúp duy trì nhịp đập của cơ tim. Kali, canxi và magiê là các chất điện giải quan trọng. Nếu mất cân bằng điện giải, kết quả EKG có thể bất thường.
- Nhồi máu cơ tim hoặc thiếu máu cục bộ: Trong cơn đau tim, lưu lượng máu đến tim bị ảnh hưởng, làm cho mô tim mất oxy và bắt đầu hoại tử. Các mô này không dẫn điện tốt, dẫn đến điện tâm đồ bất thường. Thiếu máu cục bộ (giảm lưu lượng máu) cũng có thể gây ra kết quả tương tự.
- Bất thường về nhịp tim: Nhịp tim bình thường dao động từ 60-100 nhịp/phút. Điện tâm đồ có thể xác định được liệu tim có đang đập quá nhanh hay quá chậm hay không.
- Rối loạn nhịp tim: EKG có thể phát hiện nếu nhịp tim đập bất thường .
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nhịp tim. Thậm chí có trường hợp thuốc được dùng để cải thiện nhịp tim lại gây ra rối loạn nhịp tim. Các loại thuốc ảnh hưởng đến nhịp tim bao gồm thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh natri, và thuốc chẹn kênh canxi.
Khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế
Một số triệu chứng có thể cho thấy bạn cần thực hiện điện tâm đồ (EKG) để kiểm tra xem tim có hoạt động bình thường hay không. Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bạn gặp các triệu chứng sau:
- Đau hoặc khó chịu ở ngực
- Khó thở
- Hồi hộp hoặc cảm giác tim đập bất thường
- Cảm giác như sắp ngất
- Tim đập nhanh
- Cảm giác bị ép chặt ở ngực
- Yếu người đột ngột
Các phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị khi có kết quả EKG bất thường thường phụ thuộc vào nguyên nhân được chẩn đoán ban đầu. Ví dụ:
Một số người có nhịp tim rất chậm, trong đó tim không dẫn truyền tín hiệu điện theo hệ thống. Những trường hợp này có thể cần cấy máy tạo nhịp tim để khôi phục nhịp tim bình thường.
Những trường hợp khác có thể cần dùng thuốc thường xuyên để duy trì nhịp tim ổn định hơn.
Người bị đau tim có thể cần thông tim hoặc phẫu thuật để khôi phục lưu lượng máu về tim.
Người bị mất cân bằng điện giải có thể cần điều trị bằng thuốc hoặc dịch truyền. Ví dụ, mất nước có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải và gây ra EKG bất thường. Những trường hợp này có thể cần bổ sung dịch, đồ uống chứa điện giải, hoặc thuốc để khôi phục cân bằng điện giải.
Đôi khi, bác sĩ có thể không khuyến nghị điều trị đối với trường hợp EKG bất thường, đặc biệt là khi người bệnh không có triệu chứng đáng lo ngại hoặc bất thường đó không gây nguy hiểm.