Dầu quả bơ và dầu ô liu: Loại nào tốt hơn?
Dầu quả bơ
Dầu quả bơ (avocado oil) được ép từ thịt của quả bơ (tên khoa học: Persea americana) – một loại quả chứa khoảng 60% dầu.
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Mỹ nhưng quả bơ hiện được trồng ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Có hai loại dầu quả bơ là dầu tinh chế và dầu nguyên chất. Dầu bơ nguyên chất là loại được ép lạnh, nhờ đó giữ được màu sắc và mùi vị tự nhiên.
Mặt khác, dầu bơ tinh chế được chiết xuất bằng nhiệt và đôi khi là bằng dung môi hóa học. Thông thường, dầu tinh chế được tẩy trắng và khử mùi nên thành phẩm bị mất đi mùi vị đặc trưng của quả bơ.
Dầu quả bơ rất linh hoạt và được sử dụng trong cả nấu nướng lẫn làm đẹp.
Vô số nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích lớn mà dầu bơ mang lại cho sức khỏe, gồm có giảm LDL cholesterol (cholesterol xấu) và triglyceride.
Tóm tắt: Dầu quả bơ là dầu được chiết xuất từ phần thịt của quả bơ. Có hai loại dầu bơ là dầu tinh chế và dầu nguyên chất. Dầu bơ có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Dầu ô liu
Giống như dầu bơ, dầu ô liu cũng được chiết xuấ từ phần thịt quả ô liu.
Trên thị trường có nhiều loại dầu ô liu, chẳng hạn như dầu ô liu tinh khiết (pure olive oil), dầu ô liu nguyên chất (virgin olive oil) và dầu ô liu siêu nguyên chất (extra virgin olive oil).
Dầu ô liu nguyên chất và siêu nguyên chất được sản xuất bằng phương pháp ép lạnh. Còn những sản phẩm chỉ có chữ “olive oil” hay “pure olive oil” thường có chứa hỗn hợp dầu ô liu ép lạnh và dầu ô liu tinh chế - loại dầu được chiết xuất bằng hóa chất hoặc nhiệt.
Có thể dùng dầu ô liu cho nhiều món ăn khác nhau, chẳng hạn như salad.
Cũng giống như dầu quả bơ, dầu ô liu từ lâu đã được biết đến là có nhiều lợi ích cho sức khỏe, gồm có giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, giảm cholesterol và lượng đường trong máu.
Tóm tắt: Dầu ô liu được chiết xuất từ thịt của quả ô liu và được chia thành nhiều loại dựa trên thành phần và phương pháp chiết dầu. Dầu ô liu có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Giá trị dinh dưỡng
Dầu quả bơ và dầu ô liu có thành phần dinh dưỡng tương tự nhau.
Bảng dưới đây so sánh các chất dinh dưỡng có trong 1 muỗng canh (15ml) dầu quả bơ và dầu ô liu siêu nguyên chất: (1)
Dầu quả bơ | Dầu ô liu siêu nguyên chất | |
Lượng calo | 120 | 120 |
Tổng lượng chất béo | 14 gram | 14 gram |
Chất béo bão hòa | 2 gram | 2 gram |
Chất béo không bão hòa đơn | 10 gram | 10 gram |
Chất béo không bão hòa đa | 2 gram | 1,5 gram |
Vitamin E | 23% nhu cầu hàng ngày | 33% nhu cầu hàng ngày |
Như vậy là dầu bơ và dầu ô liu có cùng một lượng calo trong mỗi khẩu phần.
Thành phần chất béo của hai loại cũng tương tự nhau. Dầu quả bơ và dầu ô liu chứa lượng chất béo bão hòa bằng nhau và mặc dù dầu bơ có hàm lượng chất béo không bão hòa đa cao hơn nhưng sự chênh lệch là không đáng kể.
Cả dầu bơ và dầu ô liu đều chủ yếu được tạo nên từ axit oleic - một loại chất béo không bão hòa đơn trong nhóm axit béo omega-9.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn nhiều thực phẩm giàu axit oleic có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, axit oleic giúp làm giảm viêm và hạ huyết áp ở người bị cao huyết áp. (2)
Tóm tắt: Thành phần dinh dưỡng của dầu quả bơ và dầu ô liu tương tự nhau. Đặc biệt, cả hai đều giàu chất béo không bão hòa đơn – một loại chất béo tốt.
So sánh lợi ích của dầu bơ và dầu ô liu
Cả dầu ô liu và dầu quả bơ đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Hàm lượng chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là những chất làm giảm stress oxy hóa bằng cách chống lại các gốc tự do trong cơ thể.
Cả dầu quả bơ và dầu ô liu đều chứa nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin E.
Tuy nhiên, dầu ô liu có hàm lượng vitamin E cao hơn một chút so với dầu bơ. Mỗi một muỗng canh (15ml) dầu bơ có thể đáp ứng khoảng 23% nhu cầu vitamin E hàng ngày trong khi lượng vitamin E trong dầu ô liu có thể đáp ứng đến 33% nhu cầu hàng ngày. (3)
Ngoài ra, dầu quả bơ và dầu ô liu đặc biệt giàu lutein - một chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe của da và mắt.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng lutein cao trong dầu bơ và dầu ô liu có thể giúp bảo vệ làn da khỏi tia cực tím và ánh sáng nhìn thấy.
Tác dụng đối với da
Dầu quả bơ và dầu ô liu có lợi cho da mà chủ yếu là nhờ thành phần axit béo, vitamin E và lutein.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng thoa dầu bơ trực tiếp lên da giúp làm giảm tình trạng da khô, nứt nẻ và phục hồi tổn thương da.
Ngoài ra, dầu bơ còn có thể hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến. Một nghiên cứu nhỏ cho thấy kem dưỡng chứa dầu bơ và vitamin B12 giúp làm giảm các triệu chứng vẩy nến.
Các nghiên cứu được thực hiện trên động vật đã quan sát thấy rằng dầu bơ có công dụng tăng cường sản sinh collagen và giảm viêm, nhờ đó giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Tương tự, dầu ô liu từ lâu đã được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da.
Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận tác dụng của dầu ô liu đối với làn da, gồm có ngăn ngừa nhiễm trùng và giúp chữa lành vết bỏng, vết cắt và vết loét do tì đè.
Điểm bốc khói
Điểm bốc khói của dầu là mức nhiệt độ mà dầu bắt đầu phân hủy và giải phóng gốc tự do có hại.
Dầu quả bơ có điểm bốc khói cao hơn dầu ô liu, có nghĩa dầu ô liu bị cháy và bốc khói ở nhiệt độ thấp hơn dầu bơ.
Điểm bốc khói của dầu bơ là trên 250°C (482°F), trong khi dầu ô liu bốc khói và cháy ở 191°C (375°F). (4)
Vì vậy, dầu quả bơ là lựa chọn an toàn hơn cho các phương pháp nấu ăn cần sử dụng mức nhiệt cao, chẳng hạn như áp chảo, nướng và chiên.
Khả năng hấp thụ dinh dưỡng
Hàm lượng chất béo không bão hòa đơn cao trong dầu quả bơ và dầu ô liu giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng hơn, đặc biệt là carotenoid - một nhóm chất chống oxy hóa có trong nhiều loại trái cây và rau củ màu sắc sặc sỡ. Carotenoid tan trong chất béo, có nghĩa là cơ thể sẽ hấp thụ hợp chất này hiệu quả hơn nếu ăn cùng với các loại thực phẩm giàu chất béo.
Một nghiên cứu cho thấy rằng ăn salad trộn với dầu quả bơ giúp làm tăng đáng kể khả năng hấp thụ carotenoid từ rau.
Tương tự, trong một nghiên cứu khác, việc thêm dầu ô liu vào nước ép cà chua giúp tăng cường khả năng hấp thụ lycopene (một loại carotenoid có nhiều trong cà chua).
Tóm tắt: Cả dầu quả bơ và dầu ô liu đều giàu chất chống oxy hóa, giúp cải thiện sức khỏe da và tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Dầu bơ có điểm bốc khói cao hơn dầu ô liu nên an toàn hơn khi cần nấu ăn ở nhiệt độ cao.
Tóm tắt bài viết
Nhìn chung, dầu quả bơ và dầu ô liu đều là những nguồn cung cấp chất béo tốt và chất chống oxy hóa dồi dào.
Cả hai loại dầu đều có lợi cho sức khỏe tim mạch nhờ chứa hàm lượng axit oleic cao - một loại chất béo không bão hòa đơn.
Ngoài ra, cả dầu bơ và dầu ô liu đều có lợi cho da và hỗ trợ quá trình lành vết thương.
Dầu bơ có điểm bốc khói đặc biệt cao so với dầu ô liu nên phù hợp hơn với các phương pháp nấu nướng sử dụng nhiệt độ cao.
Cả dầu bơ và dầu ô liu đều là những thực phẩm lành mạnh nên bổ sung vào chế độ ăn uống.
Sữa chua là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng nếu không biết cách lựa chọn thì có thể sẽ vô tình nạp vào cơ thể một số thành phần “không mấy lành mạnh” trong sữa chua.
Để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là một cách đơn giản và hiệu quả để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Nếu như ít khi ra nắng thì sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D và cần phải bổ sung từ các loại thực phẩm.
Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng tăng lượng vitamin sẽ chữa khỏi bệnh vảy nến nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin kết hợp với các phương pháp điều trị khác có thể làm giảm triệu chứng bệnh.
Vitamin C có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau nên không khó để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Có rất nhiều loại khoáng chất, vitamin và thảo dược có lợi đối với hệ miễn dịch, chẳng hạn như kẽm, vitamin C, vitamin D, nấm dược liệu…