1

Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi sự lưu thông máu đến cơ tim đột ngột giảm mạnh, trong khi đột quỵ xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến não. Mặc dù nhồi máu cơ tim và đột quỵ có một số triệu chứng tương tự nhau nhưng cũng có những triệu chứng khác nhau.

Nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ và nhồi máu cơ tim là điều rất quan trọng để hành động kịp thời. Cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều là những tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nhưng cấp cứu kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong và biến chứng lâu dài.

Các dấu hiệu ban đầu của đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Không phải khi nào nhồi máu cơ tim cũng bắt đầu bằng cơn đau ngực đột ngột và dữ dội. Các dấu hiệu ban đầu của nhồi máu cơ tim có thể xuất hiện từ từ và không rõ ràng. Ngoài ra, các triệu chứng mà mỗi người gặp phải là không giống nhau.

Một số triệu chứng phổ biến ở giai đoạn đầu của cơn nhồi máu cơ tim gồm có:

  • Đau ngực nhẹ từng cơn
  • Cảm giác đau hoặc khó chịu ở cánh tay, lưng, cổ hoặc hàm
  • Buồn nôn hoặc đau bụng
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Khó thở

Các triệu chứng ban đầu của cơn đột quỵ sớm thậm chí còn nhẹ hơn. Dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất của đột quỵ là cơn thiếu máu não thoáng qua, hay còn được gọi là đột quỵ nhẹ. Cơn thiếu máu não thoáng qua có thể xảy ra trước cơn đột quỵ thực sự vài giờ, vài ngày hoặc vài tháng.

Ngoài mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, điểm khác biệt chính giữa cơn thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ là những gì hiển thị trên ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) và thời gian xảy ra tình trạng gián đoạn lưu thông máu. Trong cơn thiếu máu não thoáng qua, tình trạng gián đoạn lưu thông máu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn nên không dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.

Triệu chứng điển hình của cơn thiếu máu não thoáng qua:

  • Đau đầu đột ngột
  • Tê hoặc yếu cơ, thường ở một bên cơ thể
  • Mất thăng bằng và đi lại khó khăn
  • Lú lẫn đột ngột
  • Khó nuốt

Các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Các triệu chứng đột quỵ thường dễ nhận biết hơn so với triệu chứng nhồi máu cơ tim. Một trong những điểm khác biệt chính là đột quỵ thường gây ra triệu chứng thần kinh đột ngột và nghiêm trọng, trong khi triệu chứng chính của cơn nhồi máu cơ tim là đau ngực.

Triệu chứng có thể xảy ra ở cánh tay. Khi xảy ra cơn nhồi máu cơ tim, cơn đau có thể lan xuống một hoặc cả hai cánh tay (thường là cánh tay trái nhưng không phải lúc nào cũng vậy). Người bị đột quỵ thường bị tê hoặc yếu cơ ở nửa mặt, một cánh tay hoặc chân.

Mặc dù bị đau nhưng người bị nhồi máu cơ tim có thể giơ cả hai tay lên. Trong khi đó, người bị đột quỵ chỉ có thể giơ được một tay chứ không thể giơ cả hai.

Triệu chứng của đột quỵ và nhồi máu cơ tim ở phụ nữ

Nhìn chung, phụ nữ và nam giới đều gặp các triệu chứng giống nhau khi bị đột quỵ nhưng một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy rằng phụ nữ còn có thể gặp phải một số dấu hiệu bất thường sau đây khi trải qua cơn đột quỵ:

  • Ngất xỉu
  • Mệt mỏi
  • Tiểu không tự chủ
  • Đau
  • Yếu cơ toàn thân

Phụ nữ cũng có nguy cơ cao gặp phải các triệu chứng nhồi máu cơ tim không điển hình. Ngoài đau ngực và khó thở — các triệu chứng nhồi máu cơ tim phổ biến ở cả nam và nữ, phụ nữ thường có thêm các triệu chứng sau:

  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Đau ở ngực dưới hoặc bụng trên
  • Đau lưng trên
  • Đau nhức cơ thể giống như cúm
  • Mệt mỏi cực độ

Triệu chứng của đột quỵ và nhồi máu cơ tim ở nam giới

Ở nam giới, triệu chứng nhồi máu cơ tim chính được báo cáo là đau ngực. Triệu chứng này được nhiều người mô tả là cảm giác giống như ngực bị siết chặt hoặc có vật nặng đè lên ngực. Các triệu chứng nhồi máu cơ tim phổ biến khác ở nam giới gồm có:

  • Đau ở vai, cổ hoặc hàm
  • Hụt hơi
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Đổ mồ hôi lạnh

Các dấu hiệu ban đầu phổ biến của đột quỵ ở nam giới gồm có:

  • Đột ngột đau đầu dữ dội
  • Yếu cơ hoặc tê ở một bên người hoặc mặt
  • Thay đổi thị lực
  • Khó nói hoặc khó hiểu lời nói của người khác

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim có chung nhiều yếu tố nguy cơ, gồm có:

  • Hút thuốc
  • Cholesterol cao hoặc xơ vữa động mạch
  • Cao huyết áp, khiến cho thành mạch máu dần trở nên suy yếu và cản trở sự lưu thông máu
  • Tuổi cao
  • Tiền sử gia đình

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ đột quỵ:

  • Rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như rung nhĩ vì nhịp tim bất thường sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông
  • Tiền sử đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua
  • Bị đau nửa đầu aura
  • Sử dụng thuốc tránh thai chứa estrogen hoặc liệu pháp hormone
  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát
  • Mang thai

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim:

  • Béo phì
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Lối sống ít vận động
  • Chế độ ăn không lành mạnh
  • Thường xuyên bị căng thẳng
  • Sử dụng chất cấm
  • Tiền sử tiền sản giật
  • Mắc bệnh tự miễn

Tình trạng nào nghiêm trọng hơn: đột quỵ hay nhồi máu cơ tim?

Cả đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều có thể gây tử vong nhưng nếu được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể sống sót và thậm chí có thể phục hồi hoàn toàn. Tiên lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim và thời điểm được cấp cứu.

Khi được điều trị kịp thời, phục hồi chức năng tim thành công và kết hợp với lối sống lành mạnh, người bị nhồi máu cơ tim vẫn có thể sống thọ mà không gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.

Tiên lượng của người bị đột quỵ thường khó dự đoán hơn. Nếu cơn đột quỵ làm hỏng một số phần nhất định của não, người bệnh sẽ gặp phải các biến chứng suốt đời ngay cả khi được điều trị kịp thời và trải qua quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ. Một số biến chứng lâu dài của đột quỵ gồm có:

  • Đi lại khó khăn
  • Khó nuốt
  • Giảm khả năng cử động một hoặc cả hai tay
  • Tiểu không tự chủ
  • Suy giảm nhận thức

Một nghiên cứu vào năm 2019 chỉ ra rằng 5 đến 9% người sống sót sau đột quỵ bị co giật và 70% gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả trầm cảm. (1)

Một nghiên cứu vào năm 2016 được công bố trên Tạp chí Khoa học Vật lý trị liệu (the Journal of Physical Therapy Science) cho thấy gần 89% người sống sót sau đột quỵ lần đầu gặp phải một hoặc nhiều biến chứng dưới đây ngay sau khi cơn đột quỵ xảy ra: (2)

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Đau vai
  • Mất ngủ
  • Trầm cảm
  • Đau cơ xương ở các vị trí khác ngoài đau vai
  • Đi lại khó khăn
  • Khó nuốt

Nhồi máu cơ tim là hậu quả của bệnh tim mạch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.

Đột quỵ đứng thứ hai trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Cần làm gì khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ?

Nếu nghi ngờ bản thân hoặc một người nào đó đang bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay.

Không nên tự lái xe đến bệnh viện khi có các biểu hiện nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ vì bạn có thể sẽ bị mất ý thức trên đường đi, điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính bạn và những người khác. Nên chờ xe cấp cứu đến vì nhân viên y tế sẽ bắt đầu thực hiện các phương pháp điều trị ngay khi bạn được đưa lên xe.

Nếu nghi ngờ nhồi máu cơ tim, nhân viên cấp cứu có thể sẽ cho bạn dùng aspirin nhằm phá vỡ cục máu đông đang cản trở dòng máu chảy đến cơ tim. Nếu bạn từng được bác sĩ kê nitroglycerin để điều trị đau ngực do bệnh tim mạch thì hãy uống vào lúc này.

Nếu nghi ngờ đột quỵ, hãy cố gắng ghi lại thời điểm bắt đầu xuất hiện các triệu chứng vào một tờ giấy. Khi xe cấp cứu đến, nếu còn ý thức, hãy đưa tờ giấy này cho nhân viên y tế. Thuốc làm tan cục máu đông cần được dùng trong vòng vài giờ kể từ cơn đột quỵ khởi phát. Cố gắng giữ bình tĩnh và nghỉ ngơi cho đến khi xe cấp cứu đến. Nếu có người thân quen ở cạnh, hãy báo cho họ để được hỗ trợ trong thời gian chờ xe cấp cứu và có người đi cùng đến bệnh viện.

Hồi sức tim phổi cho người bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ có thể giúp khôi phục sự lưu thông máu. Các bước hồi sức tim phổi như sau:

  1. Đặt bệnh nhân nằm ngửa
  2. Đặt hai tay lên ngực bệnh nhân (một tay ở trên một tay ở dưới)
  3. Ép ngực hai lần mỗi giây

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều là những tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng và có một số dấu hiệu tương tự nhau nhưng mỗi tình trạng cũng có những triệu chứng riêng. Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một vùng của não bị gián đoạn trong khi nhồi máu cơ tim là do sự gián đoạn lưu thông máu đến cơ tim. Nhận biết được các dấu hiệu của cơn đột quỵ và nhồi máu cơ tim là điều rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, ví dụ như người bị cao huyết áp, đái tháo đường hay cholesterol cao. Khi nhận thấy những thay đổi bất thường trên cơ thể, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, không được chờ cho các triệu chứng qua đi. Điều trị kịp thời cơn đột quỵ và nhồi máu cơ tim là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ tử vong và các biến chứng nghiêm trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sốc tim: Dấu hiệu, nguyên nhân và biến chứng
Sốc tim: Dấu hiệu, nguyên nhân và biến chứng

Sốc tim là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường là do cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng gây ra nhưng không phải ai bị nhồi máu cơ tim cũng bị sốc tim. Sốc tim rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đột quỵ xuất huyết não: Nguyên nhân, dấu hiệu và tiên lượng
Đột quỵ xuất huyết não: Nguyên nhân, dấu hiệu và tiên lượng

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu bị vỡ, làm gián đoạn sự lưu thông máu đến một phần não. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ và hành động kịp thời khi có dấu hiệu bất thường có thể giúp cải thiện tiên lượng cho người bệnh.

Xuất huyết não: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa
Xuất huyết não: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa

Xuất huyết não là một loại đột quỵ và là vấn đề có thể để lại di chứng vĩnh viễn nếu không được can thiệp kịp thời.

Phân biệt triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ
Phân biệt triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ

Cả liệt dây thần kinh số 7 (liệt mặt) và đột quỵ đều gây yếu cơ mặt nhưng các triệu chứng của đột quỵ xảy ra trên phạm vi rộng hơn. Liệt dây thần kinh số 7 có thể được điều trị từ từ nhưng đột quỵ cần được điều trị khẩn cấp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây