1

Chlamydia có chữa khỏi được không?

Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh kê đơn nhưng nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cơ thể và dẫn đến các vấn đề về lâu dài như vô sinh.
Chlamydia có chữa khỏi được không? Chlamydia có chữa khỏi được không?

Nguyên nhân gây chlamydia

Chlamydia là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục do một loại vi khuẩn có tên là Chlamydia trachomatis gây ra. Vi khuẩn này có thể lây nhiễm vào các khu vực mềm và ẩm của cơ thể, gồm có bộ phận sinh dục, hậu môn, mắt và khoang miệng.

Chlamydia lây chủ yếu qua quan hệ tình dục đường miệng, âm đạo và hậu môn. Những phụ nữ nhiễm bệnh cũng có thể truyền vi khuẩn sang cho con trong khi sinh.

Dấu hiệu, triệu chứng

Chlamydia thường không có triệu chứng. Nếu có thì các triệu chứng sẽ xuất hiện sau khoảng vài tuần kể từ khi bị nhiễm bệnh. Do đa phần không biểu hiện triệu chứng nên đi xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên là điều rất quan trọng để phát hiện sớm chlamydia và các bệnh khác.

Các triệu chứng của chlamydia ở nam giới và phụ nữ hơi có sự khác biệt.

Các triệu chứng thường gặp ở phụ nữ gồm có:

  • Dịch tiết âm đạo bất thường
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Chảy máu sau khi quan hệ tình dục
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đau bụng dưới hay vùng chậu
  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Đau thắt lưng

Các triệu chứng ở nam giới thường là:

  • Tiết dịch từ dương vật
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Sưng đau ở tinh hoàn

Các triệu chứng chlamydia cũng có thể xảy ra ở cả những khu vực khác ngoài bộ phận sinh dục.

Các triệu chứng ở hậu môn gồm có đau, chảy máu, ngứa ngáy và tiết dịch. Chlamydia còn có thể lây nhiễm vào khoang miệng và cổ họng, gây sưng đỏ, loét và đau rát nhưng đôi khi lại không có triệu chứng gì. Ngoài ra, vi khuẩn Chlamydia trachomatis cũng có thể xâm nhập vào mắt và gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ).

Chlamydia có thể chữa khỏi được không?

Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh kê đơn. Người bệnh cần phải uống thuốc đúng theo chỉ định và không quan hệ tình dục trong suốt thời gian điều trị cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.

Nếu không điều trị kịp thời, chlamydia có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cơ thể và dẫn đến các vấn đề về lâu dài như vô sinh.

Kể cả khi đã chữa khỏi thì vẫn có nguy cơ tái nhiễm chlamydia nếu như tiếp tục quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh hoặc không dùng thuốc kháng sinh đúng theo chỉ định. Việc bị mắc chlamydia một lần sẽ không tạo miễn dịch cho cơ thể chống lại vi khuẩn này.

Cần quan hệ tình dục an toàn và đi xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục thường xuyên để tránh bị nhiễm chlamydia hoặc để phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.

Phương pháp điều trị chlamydia

Chlamydia là bệnh do vi khuẩn gây ra (Chlamydia trachomatis) nên được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Hai loại thuốc kháng sinh được dùng phổ biến nhất để điều trị bệnh này là:

  • azithromycin
  • doxycycline

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê một loại thuốc kháng sinh khác, ví dụ như:

  • erythromycin
  • levofloxacin
  • ofloxacin

Nếu như đang mang thai thì sẽ cần nói với bác sĩ để được kê các loại thuốc khác. Một số loại kháng sinh điều trị chlamydia sẽ gây nguy hiểm cho phụ nữ đang mang thai và thai nhi.

Trẻ sơ sinh có thể bị lây nhiễm chlamydia từ người mẹ trong quá trình sinh nở và cũng được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Mặc dù thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn và chữa khỏi bệnh chlamydia nhưng không thể phục hồi được các tổn hại do bệnh này gây ra. Ở phụ nữ, nếu không được điều trị thì chlamydia có thể gây ra một số biến chứng, ví dụ như bệnh viêm vùng chậu.

Viêm vùng chậu có thể gây hình thành sẹo vĩnh viễn ở ống dẫn trứng (ống vận chuyển trứng từ buồng trứng đến tử cung trong giai đoạn rụng trứng). Sẹo sẽ gây tắc ống dẫn trứng và dẫn đến khó hoặc không thể thụ thai.

Bao lâu thì khỏi bệnh?

Thời gian cần dùng thuốc kháng sinh điều trị chlamydia dao động từ 1 đến 7 ngày. Thuốc azithromycin chỉ cần dùng một liều duy nhất trong khi các loại kháng sinh khác cần dùng vài lần một ngày trong thời gian đủ 7 ngày.

Để chữa dứt điểm bệnh chlamydia thì cần dùng thuốc kháng sinh đúng theo chỉ định của bác sĩ, phải uống đủ liều và trong đủ thời gian quy định. Không được tự ý ngừng thuốc giữa chừng. Việc này sẽ làm cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc, không bị tiêu diệt hết và bệnh dễ tái phát. Điều trị vi khuẩn kháng kháng sinh sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Nếu đã dùng hết đợt kháng sinh mà các triệu chứng vẫn còn thì cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Bệnh nhân cũng cần tái khám sau 3 tháng kể từ khi hoàn thành liệu trình điều trị để đảm bảo rằng bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn.

Khi nào có thể quan hệ tình dục trở lại?

Phải ngừng quan hệ tình dục ngay khi phát hiện có các triệu chứng của bệnh và cũng không được quan hệ trong suốt thời gian điều trị.

Nếu như được kê thuốc kháng sinh đơn liều như azithromycin thì cần phải chờ qua một tuần sau khi uống thuốc mới quan hệ tình dục trở lại để tránh lây truyền bệnh cho bạn tình.

Khả năng tái nhiễm

Ngay cả sau khi đã điều trị thì vẫn có thể tiếp tục bị nhiễm chlamydia nếu như:

  • không hoàn thành hết đợt thuốc kháng sinh theo chỉ định và tình trạng nhiễm trùng ban đầu không được điều trị dứt điểm.
  • bạn tình cũng bị nhiễm chlamydia nhưng không được phát hiện và điều trị

Cần làm gì nếu nghi ngờ bị nhiễm chlamydia?

Nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm chlamydia hay bất cứ một bệnh lây qua đường tình dục nào thì đều phải đi khám ngay lập tức để làm xét nghiệm. Có rất nhiều bệnh lây qua đường tình dục với các triệu chứng tương tự nhau và chỉ khi làm xét nghiệm thì mới biết được chính xác là bệnh nào để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

Các xét nghiệm chẩn đoán chlamydia gồm có xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm mẫu dịch ở vùng bị nhiễm bệnh. Sau khi lấy, mẫu bệnh phẩm sẽ được đến phòng thí nghiệm để phân tích xem có vi khuẩn gây chlamydia hay một loại vi khuẩn, virus khác hay không.

Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính với chlamydia thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh dể điều trị.

Biến chứng của chlamydia

Bệnh chlamydia không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Phụ nữ có thể bị bệnh viêm vùng chậu. Đây là bệnh lý viêm ở các cơ quan trong vùng chậu như tử cung hay ống dẫn trứng với triệu chứng là đau nhức vùng chậu, khí hư bất thường, ra máu ngoài kỳ kinh nguyệt,… Viêm vùng chậu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây ra nhiều biến chứng khi mang thai. Nhiều phụ nữ bị vô sinh do ảnh hưởng của bệnh chlamydia không được điều trị.

Nam giới có thể bị viêm tinh hoàn do chlamydia không được điều trị kịp thời và cũng có thể gặp các vấn đề về khả năng sinh sản.

Trẻ sơ sinh bị nhiễm chlamydia từ mẹ có thể bị viêm kết mạc và viêm phổi. Do đó, khi mắc bệnh chlamydia thì cần điều trị khỏi trước khi sinh để tránh lây sang con.

Phòng ngừa chlamydia

Quan hệ tình dục dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chlamydia. Một số cách để giảm nguy cơ mắc bệnh này:

  • Không quan hệ tình dục với nhiều người
  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như bao cao su khi quan hệ qua đường âm đạo, hậu môn và bao cao su hoặc màng chắn miệng khi quan hệ tình dục bằng miệng
  • Đi xét nghiệm thường xuyên để phát hiện bệnh sớm
  • Phụ nữ không thụt rửa vì điều này sẽ phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn trong âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh Chlamydia là gì?
Bệnh Chlamydia là gì?

Đa số trường hợp mắc bệnh chlamydia đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng thì bệnh vẫn gây ảnh hưởng lên cơ thể.

Quan Hệ Bằng Tay Có Lây Bệnh Xã Hội Hay Không?
Quan Hệ Bằng Tay Có Lây Bệnh Xã Hội Hay Không?

Quan hệ bằng tay có lây bệnh xã hội hay không? Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hay bệnh xã hội không chỉ lây qua quan hệ thâm nhập mà còn có thể lây qua cả những hình thức quan hệ khác, trong đó có cả quan hệ bằng tay.

Ngứa hậu môn có phải là triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục không?
Ngứa hậu môn có phải là triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục không?

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như mụn rộp hậu môn, bệnh lậu, mụn cóc hậu môn và rận mu có thể gây ngứa hậu môn kèm với một số triệu chứng khác.

Ghẻ có lây qua đường tình dục không?
Ghẻ có lây qua đường tình dục không?

Ghẻ là một bệnh da liễu rất dễ lây và có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Ghẻ có thể lây qua quan hệ tình dục và bất cứ hình thức tiếp xúc da trực tiếp nào.

Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng có phải là bệnh lây qua đường tình dục không
Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng có phải là bệnh lây qua đường tình dục không

Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng là một bệnh truyền nhiễm phổ biến. Mặc dù được coi là một bệnh lây qua đường tình dục nhưng quan hệ tình dục không phải con đường lây truyền duy nhất.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây