1

Cách đo huyết áp tại nhà

Cách đơn giản nhất để đo huyết áp tại nhà là sử dụng máy đo huyết áp điện tử, bạn có thể mua trực tuyến, mua tại các cửa hàng bán thiết bị y tế hoặc nhà thuốc lớn. Đây là phương pháp đo huyết áp được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị.
do huyet ap Cách đo huyết áp tại nhà

Huyết áp phần nào cho biết khối lượng công việc mà tim phải thực hiện để bơm máu qua động mạch. Đây là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh tình trạng sức khỏe.

Tăng huyết áp, tình trạng mà huyết áp thường xuyên ở mức cao, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Theo thời gian, huyết áp cao sẽ dần làm hỏng các cơ quan quan trọng, bao gồm cả tim, thận và não. Đó là lý do tại sao việc theo dõi huyết áp và thực hiện các biện pháp kiểm soát huyết áp khi bị tăng huyết áp là rất quan trọng.

Nếu bạn bị tăng huyết áp, tốt nhất nên mua máy đo huyết áp để có thể theo dõi huyết áp một cách sát sao. Bạn có thể lựa chọn máy đo huyết áp điện tử hoặc máy đo huyết áp cơ. Điều quan trọng là phải sử dụng máy đo huyết áp đúng cách để có kết quả chính xác.

Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách đo huyết áp tại nhà bằng cả hai loại máy.

Chỉ số huyết áp cho biết điều gì?

Huyết áp được biểu thị qua hai con số:

  • Huyết áp tâm thu: con số đầu tiên hoặc số ở trên trong kết quả đo huyết áp. Huyết áp tâm thu là áp lực bên trong động mạch khi tim co bóp để bơm máu.
  • Huyết áp tâm trương: con số thứ hai hay số bên dưới trong kết quả đo huyết áp. Huyết áp tâm trương là áp lực bên trong động mạch khi cơ tim nghỉ giữa các lần co bóp.

Huyết áp được đo bằng đơn bị milimet thủy ngân (mmHg) và được viết ở dạng phân số, ví dụ như 117/80 mmHg, đọc là “117 trên 80”. Ở đây, huyết áp tâm thu là 117 mmHg và huyết áp tâm trương là 80 mmHg.

Huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là bình thường. Huyết áp có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức này vì nhiều lý do.

Cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều cao là dấu hiệu cho thấy tim đang phải làm việc nhiều để bơm máu qua động mạch. Điều này có thể là do một tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như khi bị căng thẳng hoặc sợ hãi. Những điều này khiến cho mạch máu hẹp lại và huyết áp tăng cao.

Huyết áp cao hơn mức bình thường cũng có thể là do một nguyên nhân bên trong, chẳng hạn như xơ vữa động mạch – tình trạng tích tụ chất béo và một số chất khác ở thành động mạch. Điều này cũng khiến cho mạch máu thu hẹp lại và làm tăng huyết áp.

Tùy vào tình trạng sức khỏe, các bệnh lý đang mắc và các loại thuốc đang dùng mà có thể bạn sẽ phải đo huyết áp vào những thời điểm nhất định trong ngày, ví dụ như:

  • Trước hoặc sau khi uống thuốc
  • Khi xuất hiện các triệu chứng như đau đầu hay chóng mặt

Cách sử dụng máy đo huyết áp điện tử

Cách đơn giản nhất để kiểm tra huyết áp tại nhà là sử dụng máy đo huyết áp điện tử. Máy đo huyết áp điện tử rất dễ sử dụng, thường chỉ cần đeo máy vào tay và bấm nút.

Máy đo huyết áp điện tử có màn hình kỹ thuật số hiển thị kết quả đo. Bạn có thể mua máy đo huyết áp trực tuyến, tại các cửa hàng bán thiết bị y tế hoặc các nhà thuốc lớn.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị sử dụng máy đo huyết áp điện tử bắp tay để sử dụng tại nhà. Để có kết quả đo huyết áp chính xác, bạn cần làm đúng theo hướng dẫn đi kèm máy. Bạn cũng có thể mang máy đến phòng khám hoặc nhà thuốc để được hướng dẫn cách sử dụng.

Bạn nên ghi lại kết quả mỗi lần đo huyết áp vào một cuốn sổ hoặc điện thoại để theo dõi.

Máy đo huyết áp điện tử có thể sẽ cho kết quả khác với máy đo huyết áp cơ.

Bạn có thể mang máy đo huyết áp của mình theo khi đi khám sức khỏe để so sánh kết quả đo được bằng máy đo điện tử và máy đo huyết áp của bệnh viện. Điều này nhằm hiệu chuẩn máy.

Cho dù bạn tự đo huyết áp tại nhà thì khi đi khám vẫn sẽ được đo lại, thường là bằng máy đo huyết áp cơ.

Cách sử dụng máy đo huyết áp cơ

Máy đo huyết áp cơ thường gồm có các bộ phận sau:

  • Vòng bít
  • Quả bóp
  • Đồng hồ hiển thị
  • Ống nghe
  • Đầu thu tiếng mạch

Máy đo huyết áp cơ khó sử dụng một mình nên bạn sẽ cần có người giúp đỡ.

Các bước đo huyết áp bằng máy cơ:

  1. Thư giãn và thả lỏng người. Đặt cánh tay thẳng, lòng bàn tay hướng lên trên một bề mặt phẳng, chẳng hạn như mặt bàn.
  2. Quấn vòng bít quanh bắp tay và bóp bóng để làm căng vòng bít.
  3. Tiếp tục bơm vòng bít cho đến khi chỉ số trên đồng hồ cao hơn huyết áp bình thường khoảng 20 - 30 mmHg.
  4. Sau khi vòng bít được bơm căng, đặt mặt phẳng của đầu thu tiếng mạch ở mặt trong của khuỷu tay, hướng về phía bên trong cánh tay, nơi có động mạch chính của cánh tay. Hãy kiểm tra ống nghe trước khi sử dụng để đảm bảo có thể nghe rõ (kiểm tra bằng cách gõ nhẹ lên đầu thu tiếng mạch).
  5. Từ từ mở van để làm xẹp vòng bít khi bắt đầu nghe thấy tiếng mạch đập. Ghi lại hoặc nhớ con số trên đồng hồ đo tại thời điểm này. Đó là huyết áp tâm thu.
  6. Bạn sẽ nghe thấy tiếng mạch đập qua ống nghe. Hãy tiếp tục lắng nghe và để vòng bít xẹp dần cho đến khi không còn nghe thấy tiếng gì nữa. Ghi lại chỉ số trên đồng hồ đo. Đó là huyết áp tâm trương.
  7. Ghi kết quả đo huyết áp ở dạng phân số với huyết áp tâm thu viết trước và huyết áp tâm trương viết sau, ví dụ như 115/75.

Lưu ý khi tự đo huyết áp tại nhà

Để có được kết quả đo huyết áp chính xác, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Lựa chọn vòng bít có kích cỡ phù hợp. Vòng bít có nhiều kích cỡ khác nhau, bao gồm cả loại dành cho trẻ em. Những người có cánh tay quá nhỏ cũng có thể sử dụng loại vòng bít này. Bạn phải luồn được một ngón tay vào giữa cánh tay và vòng bít khi xẹp.
  • Không hút thuốc, uống rượu bia và tập thể dục trong vòng 30 phút trước khi đo huyết áp.
  • Khi đo huyết áp phải ngồi thẳng lưng và hai chân đặt trên sàn. Không vắt chéo chân.
  • Đo huyết áp vào các thời điểm khác nhau trong ngày để có được kết quả và phạm vi huyết áp chính xác nhất. Ghi lại kết quả của tất cả các lần đo kèm theo thời điểm đo.
  • Nghỉ ngơi từ 3 đến 5 phút trước khi đo huyết áp và lâu hơn nếu bạn mới vận động nhiều.
  • Sau lần đo thứ nhất, hãy đo lại thêm một lần nữa để đảm bảo kết quả chính xác. Kết quả hai lần đo không được chênh nhau quá nhiều.
  • Đo huyết áp ở cùng một cánh tay.
  • Ghi đi khám sức khỏe định kỳ, hãy mang theo máy đo tại nhà để hiệu chuẩn và xem máy có chính xác hay không.

Mức huyết áp bình thường

Huyết áp của mỗi người là khác nhau nhưng nhìn chung, huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là bình thường. Huyết áp thay đổi theo:

  • Giới tính
  • Tuổi tác
  • Cân nặng
  • Các loại thuốc đang dùng
  • Các bệnh lý đang mắc

Nếu đo huyết áp và kết quả từ 120/80 mmHg trở lên thì hãy đợi 2 đến 5 phút và đo lại. Nếu huyết áp vẫn cao thì bạn nên đi khám để xem có phải bị tăng huyết áp hay không.

Các mức huyết áp

Theo hướng dẫn của AHA, huyết áp ở người lớn được chia thành các mức như sau:

Mức huyết áp Huyết áp tâm thu (mmHg) Huyết áp tâm trương (mmHg)
Bình thường Dưới 120 Dưới 80
Tiền tăng huyết áp 120 - 129 Dưới 80
Tăng huyết áp độ 1 130 - 139 80 - 89
Tăng huyết áp độ 2 140 trở lên 90 trở lên
Cơn tăng huyết áp Trên 180 Trên 120

Để xác định mức huyết áp của bản thân, bạn phải dựa trên cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Chỉ khi cả hai chỉ số đều nằm trong phạm vi bình thường thì huyết áp mới được coi là bình thường.

Chỉ cần một trong hai chỉ số cao hơn bình thường thì sẽ được coi là tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp. Ví dụ, nếu huyết áp tâm thu là 115 mmHg và huyết áp tâm trương là 92 mmHg thì có nghĩa là tăng huyết áp độ 2.

Khi huyết áp tâm thu trên 180 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 120 mmHg thì cần phải gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

Điều trị tăng huyết áp

Đo huyết áp thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa hỏng động mạch và các biến chứng.

Một điều cần thiết để kiểm soát tăng huyết áp là thay đổi lối sống, chẳng hạn như:

  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Bỏ thuốc lá nếu hút
  • Chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
  • Giảm lượng muối (natri) trong chế độ ăn
  • Hạn chế rượu bia
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Kiểm soát căng thẳng

Nếu đã thay đổi lối sống mà tình hình vẫn không cải thiện, bạn sẽ phải dùng thuốc để hạ huyết áp Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp chính gồm có:

  • Thuốc lợi tiểu giống thiazid
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)

Nếu tăng huyết áp là do một bệnh lý gây ra thì cần phải điều trị bệnh lý đó, chẳng hạn như:

  • Bệnh tiểu đường
  • Cường giáp
  • Thiếu máu

Tóm tắt bài viết

Có hai loại máy đo huyết áp là máy tự động và máy cơ. Sử dụng máy đo huyết áp tự động sẽ đơn giản hơn. AHA khuyến nghị sử dụng loại máy đo huyết áp này để theo dõi huyết áp tại nhà.

Cho dù chọn loại máy đo huyết áp nào thì cũng phải sử dụng đúng cách để có kết quả chính xác.

Đo huyết áp thường xuyên là điều cần thiết để phát hiện sớm các vấn đề về huyết áp cũng như nguyên nhân gốc rễ gây ra các vấn đề này. Nếu không được kiểm soát, tình trạng tăng huyết áp sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị
Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị

Tăng huyết áp ẩn giấu là khi huyết áp đo tại bệnh viện ở mức bình thường nhưng lại ở mức cao khi đo tại nhà. Theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp phát hiện tình trạng này.

Tăng huyết áp khi mang thai: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị
Tăng huyết áp khi mang thai: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị

Nếu tăng huyết áp không được điều trị trong thời kỳ mang thai, cả mẹ và thai nhi đều có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, theo dõi huyết áp và thực hiện một số thay đổi về lối sống có thể làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng do tăng huyết áp.

Tăng huyết áp mạn tính điều trị bằng cách nào?
Tăng huyết áp mạn tính điều trị bằng cách nào?

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành trong của động mạch. Huyết áp có thể thay đổi trong suốt cả ngày và thay đổi theo các giai đoạn trong cuộc đời. Khi huyết áp cao hơn nhiều so với mức bình thường thì được gọi là tăng huyết áp hay cao huyết áp.

Tăng huyết áp do mức renin thấp điều trị bằng cách nào?
Tăng huyết áp do mức renin thấp điều trị bằng cách nào?

Tăng huyết áp do mức renin thấp là tình trạng huyết áp tăng cao do nồng độ một loại enzyme tên là renin trong máu ở mức thấp hơn bình thường.

Tăng huyết áp sau sinh: Nguyên nhân và cách điều trị
Tăng huyết áp sau sinh: Nguyên nhân và cách điều trị

Tăng huyết áp sau sinh có thể xảy ra ở cả người không có tiền sử tăng huyết áp. Tình trạng này thường không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây