Tại sao huyết áp tăng khi lên cao?

Tăng huyết áp là khi dòng máu tác động lực quá lớn lên thành động mạch. Tình trạng này có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và có thể là tạm thời hoặc mạn tính. Huyết áp cao kéo dài có thể làm hỏng mạch máu, tim và các cơ quan khác trong cơ thể.
Đến nơi có độ cao lớn so với mực nước biển cũng là một nguyên nhân gây tăng huyết áp tạm thời. Tình trạng này gọi là tăng huyết áp khi lên cao hay tăng áp phổi khi lên cao.
Tại sao huyết áp tăng khi lên cao?
Độ cao có thể làm thay đổi quá trình trao đổi khí của cơ thể và làm giảm độ bão hòa oxy, từ đó gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp. Tăng huyết áp khi lên cao là một dạng say độ cao cấp tính (acute mountain sickness), một tình trạng gây ra nhiều triệu chứng thiếu oxy, bao gồm cả huyết áp tăng cao.
Ở mực nước biển, áp suất oxy bên trong phế nang (các túi khí của phổi) cao hơn áp suất trong máu, điều này cho phép oxy khuếch tán vào máu một cách hiệu quả.
Khi ở độ cao trên 2.500m (8.200 feet), áp suất khí quyển giảm khi mật độ các hạt trong không khí giảm đi. Điều này làm giảm áp suất oxy trong môi trường cũng như trong phế nang, khiến oxy khó khuếch tán vào máu.
Sự khuếch tán oxy kém dẫn đến tình trạng thiếu oxy (nồng độ oxy trong máu quá thấp). Khi điều này xảy ra, cơ thể sẽ khởi động một loạt các phản ứng, gồm có tăng nhịp tim, thu hẹp mạch máu trong phổi và giữ lại nước, tất cả đều dẫn đến tăng huyết áp.
Những ai có nguy cơ bị tăng huyết áp khi lên cao?
Không phải ai cũng bị tăng huyết áp khi lên cao. Một số người có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn, chẳng hạn như người:
- mắc bệnh tăng huyết áp không được kiểm soát
- từng bị say độ cao
- có tiền sử bệnh tim mạch
- mắc bệnh đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hay hen suyễn. Những bệnh lý này làm tăng nguy cơ thiếu oxy khi lên cao
- đang bị biến chứng do mang thai
- mới trải qua phẫu thuật tim hoặc đường hô hấp gần đây
- mắc các bệnh ảnh hưởng đến mạch máu, ví dụ như bệnh đái tháo đường
- tuổi cao
- mất nước
Mức độ thể lực, di truyền, tốc độ lên cao và lượng nước/dinh dưỡng cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ bị tăng huyết áp khi lên cao.
Nguy cơ bị tăng huyết áp khi lên cao cũng sẽ cao hơn nếu thay đổi độ cao quá nhanh và không có đủ dành thời gian để thích nghi. Ngay cả khi có sức khỏe tốt, càng lên cao thì nguy cơ bị tăng huyết áp sẽ càng cao.
Dấu hiệu và triệu chứng của tăng huyết áp khi lên cao
Tăng huyết áp khi lên cao cũng có các triệu chứng tương tự như tăng huyết áp thông thường nhưng khác ở chỗ các triệu chứng chỉ xảy ra khi đến nơi có độ cao lớn.
Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Mệt mỏi
- Hụt hơi
- Tim đập nhanh
- Sưng chân tay
- Thay đổi thị lực
- Rối loạn giấc ngủ
- Lú lẫn, mất phương hướng
Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng, hãy đi xuống nơi có độ cao thấp hơn và tìm sự hỗ trợ y tế.
Điều trị tăng huyết áp khi lên cao
Để tránh bị tăng huyết áp, hãy lên cao từ từ. Cơ thể có khả năng thích nghi với sự giảm oxy nhưng cần có thời gian, có thể là là vài ngày hoặc vài tuần, tùy thuộc vào các yếu tố cá nhân như tuổi tác và sức khỏe tổng thể. Thay đổi độ cao đột ngột rất dễ gây tăng huyết áp.
Theo khuyến nghị hiện tại, tốc độ tăng độ cao lý tưởng là dưới 500m/ngày khi cần lên cao trên 2.500m so với mực nước biển. Cần ít nhất một ngày để cơ thể thích nghi với độ cao 2.500m và cứ tăng thêm 1.000m thì sẽ cần thêm một ngày nữa để thích nghi.
Trong thời gian thích nghi, bạn nên tránh vận động mạnh, ví dụ như tập thể dục và không uống rượu bia. Nếu có triệu chứng say độ cao thì không nên tiếp tục lên cao thêm.
Khi gặp các triệu chứng nghiêm trọng, hãy giảm độ cao và sử dụng liệu pháp oxy. Nên chuẩn bị trước các loại thuốc hạ huyết áp, giảm viêm và giảm co mạch.
Tóm tắt bài viết
Tăng huyết áp khi lên cao là tình trạng huyết áp tăng cao do thay đổi áp suất khí quyển và độ bão hòa oxy. Những thay đổi này khiến cơ thể bị thiếu oxy, dẫn đến tăng nhịp tim, co mạch và giữ nước, kết quả là tăng huyết áp.
Nếu bị tăng huyết áp khi lên cao, hãy dành thời gian để thích nghi. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì sẽ cần sử dụng liệu pháp oxy và giảm độ cao.
Nếu bạn có tiền sử tăng huyết áp hoặc các bệnh lý như bệnh tim mạch, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi đến nơi có độ cao lớn.

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.

Khó thở có thể là do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có tăng huyết áp và tăng áp phổi.

Lo âu có thể gây ra nhiều triệu chứng về thể chất, trong đó có tăng huyết áp. Mặc dù lo lắng không gây ra tình trạng tăng huyết áp mạn tính nhưng cả lo lắng ngắn hạn và mạn tính đều có thể khiến huyết áp tăng vọt.

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp tăng và giảm một chút vào các thời điểm khác nhau trong ngày là điều bình thường. Tuy nhiên, khi huyết áp duy trì ở mức cao trong một thời gian dài thì được gọi là tăng huyết áp, hay cao huyết áp. Đây là một vấn đề rất phổ biến.