Các phương pháp điều trị tăng huyết áp (cao huyết áp)

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát huyết áp, gồm có thay đổi lối sống và dùng thuốc. Phác đồ điều trị tăng huyết áp thường gồm có sự kết hợp giữa dùng thuốc và thay đổi lối sống. Mục tiêu là đưa huyết áp về mức khỏe mạnh.
dieu tri tang huyet  ap Các phương pháp điều trị tăng huyết áp (cao huyết áp)

Thay đổi lối sống để kiểm soát tăng huyết áp

Lối sống lành mạnh là một phần rất quan trọng trong việc điều trị bệnh tăng huyết áp. Người bị tăng huyết áp nên thực hiện các thay đổi về lối sống sau đây:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: chế độ ăn cân bằng, đủ dinh dưỡng có thể giúp kiểm soát huyết áp và cải thiện sức khỏe tổng thể. Một chế độ ăn được khuyến nghị cho những người bị tăng huyết áp và người có nguy cơ cao tăng huyết áp là chế độ ăn DASH. Chế độ này gồm có nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, các loại hạt và đậu.
  • Hoạt động thể chất: Duy trì thói quen tập thể dục với các bài tập cardio thường xuyên rất tốt cho tim mạch. Cố gắng tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần.
  • Cân nặng hợp lý: Duy trì cân nặng hợp lý và giảm cân nếu thừa cân có thể cải thiện huyết áp.
  • Giảm uống rượu: Không nên uống quá nhiều rượu. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ không nên uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày và nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn mỗi ngày. (Một đơn vị cồn = 10g cồn nguyên chất)
  • Không hút thuốc: Ở những người hút thuốc lá, bỏ thuốc có thể giúp làm giảm huyết áp. Ngoài ra cần tránh hít phải khói thuốc.
  • Giảm stress: Stress có thể làm tăng huyết áp, vì vậy nên hãy cố gắng giảm stress một cách tối đa. Bạn có thể thử các biện pháp giảm stress và thư giãn như thiện, bài tập thở hoặc yoga. Nếu tình trạng không cải thiện dù đã thử nhiều cách thì có thể đến gặp chuyên gia trị liệu tâm lý.
  • Giảm lượng muối: Ăn quá nhiều muối (natri) sẽ làm tăng huyết áp, vì vậy nên hãy cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn. Người khỏe mạnh không nên tiêu thụ quá 2.300 miligam (mg) natri mỗi ngày và người bị tăng huyết áp không nên tiêu thụ quá 1.500mg natri/ngày.

Thuốc điều trị tăng huyết áp

Trong nhiều trường hợp, chỉ thay đổi lối sống là chưa đủ để kiểm soát bệnh tăng huyết áp mà cần phải sử dụng thuốc. Có nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp với cơ chế tác dụng khác nhau.

Người bệnh có thể cần dùng kết hợp từ hai loại thuốc trở lên để kiểm soát huyết áp một cách hiệu quả. Tốt nhất nên đi khám để được bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.

Dựa trên cơ chế tác dụng, các loại thuốc điều trị tăng huyết áp được chia thành các nhóm dưới đây.

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu giúp thận đào thải lượng nước và muối dư thừa khỏi cơ thể. Điều này làm giảm lượng máu chảy qua mạch máu và nhờ đó làm giảm huyết áp.

Có 4 nhóm thuốc lợi tiểu chính, mỗi nhóm có cơ chế tác dụng khác nhau:

  • Thuốc lợi tiểu thiazid, ví dụ như chlorthalidone, Microzide, Diuril
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali, ví dụ như amiloride, Aldactone, Dyrenium
  • Thuốc lợi tiểu quai, ví dụ như bumetanide, furosemid
  • Thuốc lợi tiểu kết hợp, có nghĩa là chứa các hoạt chất thuộc các nhóm khác nhau trong cùng một loại thuốc

Thuốc lợi tiểu thiazid thường có ít tác dụng phụ hơn so với các nhóm khác, đặc biệt là khi dùng liều thấp. Những người bị tăng huyết áp giai đoạn đầu nên dùng liều thấp.

Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta (beta blocker) làm giảm tốc độ và lực co bóp của tim. Điều này có nghĩa là tim sẽ bơm ít máu hơn qua các mạch máu và huyết áp sẽ giảm. Một số loại thuốc chẹn beta gồm có:

  • atenolol
  • propranolol
  • metoprolol tartrat
  • metoprolol succinat
  • carvedilol

Thuốc chẹn alpha-beta

Thuốc chẹn alpha-beta (alpha-beta-blocker) có tác dụng kết hợp. Các loại thuốc này thuộc nhóm thuốc chẹn beta, có tác dụng ngăn chặn hormone catecholamine gắn với cả thụ thể alpha và beta.

Thuốc chẹn alpha-beta làm giảm sự thu hẹp mạch máu giống như thuốc chẹn alpha-1, đồng thời làm giảm tốc độ và lực co bóp của tim giống như thuốc chẹn beta. Ví dụ về các loại thuốc trong nhóm này gồm có:

  • carvedilol
  • labetalol hydrochloride

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (angiotensin-converting enzyme - ACE) làm giảm sự sản xuất angiotensin II trong cơ thể, đây là một loại hormone khiến mạch máu thu hẹp. Những loại thuốc này làm giảm huyết áp bằng cách giúp mạch máu giãn ra và nhờ đó máu chảy qua dễ dàng hơn.

Một số loại thuốc ức chế ACE gồm có:

  • benazepril hydrochloride
  • captopril
  • enalapril maleat
  • fosinopril sodium
  • lisinopril

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (angiotensin II receptor blocker - ARB) ngăn cản tác động của angiotensin II lên mạch máu. ARB bám vào vị trí thụ thể trên mạch máu và ngăn không cho mạch máu bị hẹp lại. Điều này giúp làm giảm huyết áp.

Một số ví dụ về thuốc ARB gồm có:

  • candesartan
  • eprosartan mesylate
  • irbesartan
  • losartan potassium
  • telmisartan
  • valsartan

Thuốc chẹn kênh canxi

Thuốc chẹn kênh canxi hạn chế canxi đi vào tế bào cơ trơn của tim và mạch máu. Điều này làm giảm lực co bóp của tim và giúp mạch máu giãn ra, nhờ đó hạ huyết áp.

Ví dụ về các loại thuốc chẹn kênh canxi gồm có:

  • amlodipine besylate
  • felodipin
  • diltiazem
  • isradipine
  • verapamil hydrochloride

Thuốc chẹn alpha-1

Khi bị căng thẳng, cơ thể tạo ra một nhóm hormone gọi là catecholamine. Các hormone catecholamine, chẳng hạn như norepinephrine và epinephrine, khiến tim đập nhanh hơn và mạnh hơn. Các hormone này còn làm co mạch máu và gây tăng huyết áp.

Các cơ xung quanh một số mạch máu có thụ thể alpha-1 hoặc alpha-adrenergic. Khi catecholamine liên kết với thụ thể alpha-1, cơ sẽ co lại, khiến cho mạch máu thu hẹp và huyết áp tăng lên.

Thuốc chẹn alpha-1 liên kết với thụ thể alpha-1 và ngăn catecholamine bám vào thụ thể này, nhờ đó ngăn tình trạng thu hẹp mạch máu, giúp máu có thể chảy qua dễ dàng hơn và làm giảm huyết áp.

Ví dụ về các loại thuốc chẹn alpha-1 gồm có:

  • doxazosin mesylate
  • prazosin hydrochloride
  • terazosin hydrochloride

Thuốc chủ vận thụ thể alpha-2

Khi thụ thể alpha-2 được kích hoạt, quá trình sản xuất norepinephrine sẽ bị chặn lại. Điều này làm giảm lượng norepinephrine. Lượng norepinephrine ít hơn sẽ giúp làm giảm sự co mạch và giảm huyết áp.

Vì thuốc chủ vận thụ thể alpha-2 có thể hoạt động trong não và hệ thần kinh trung ương nên còn được gọi là thuốc chủ vận trung ương. Do đó, các loại thuốc này còn được dùng để điều trị nhiều vấn đề sức khỏe khác ngoài tăng huyết áp.

Các loại thuốc chủ vận thụ thể alpha-2 gồm có:

  • methyldopa
  • clonidin hydrocloride
  • guanabenz axetate
  • guanfacine hydrochloride

Thuốc giãn mạch

Thuốc giãn mạch có tác dụng làm giãn các cơ ở thành mạch máu, đặc biệt là các động mạch nhỏ (tiểu động mạch). Điều này giúp cho các mạch máu rộng ra và máu chảy qua dễ dàng hơn. Kết quả là huyết áp sẽ giảm.

Các ví dụ về thuốc giãn mạch gồm có:

  • hydralazine hydrochloride
  • minoxidil

Điều trị tăng huyết áp kháng trị

Tăng huyết áp kháng trị là tình trạng tăng huyết áp không thể kiểm soát dù đã dùng ba nhóm thuốc trở lên. Khi tình trạng tăng huyết áp không thể kiểm soát dù đã dùng 5 nhóm thuốc trở lên thì được gọi là tăng huyết áp bất trị.

Vẫn có cách để làm giảm huyết áp trong những trường hợp như vậy, chẳng hạn như sử dụng loại thuốc khác, tăng liều, kết hợp nhiều loại thuốc với nhau và thay đổi lối sống tích cực hơn.

Điều trị tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp thứ phát là tăng huyết áp do một bệnh lý hoặc tác dụng phụ của thuốc gây ra. Một số bệnh lý gây tăng huyết áp là bệnh thận, bệnh tuyến thượng thận, bệnh tuyến giáp, chứng ngưng thở khi ngủ, dị tật tim bẩm sinh… Trong những trường hợp này, điều trị nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp làm giảm huyết áp. Nếu đang dùng thuốc kê đơn, người bệnh không được tự ý ngừng thuốc khi thấy huyết áp tăng cao mà phải báo cho bác sĩ để được hướng dẫn.

Điều trị tăng huyết áp ở trẻ nhỏ và thiếu niên

Phương pháp điều trị đầu tay cho trẻ nhỏ và thiếu niên bị tăng huyết áp là thay đổi lối sống, gồm:

  • Chế độ ăn uống cân bằng
  • Tập thể dục đều đặn
  • Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì

Nếu cần thiết, trẻ em cũng có thể dùng thuốc điều trị tăng huyết áp giống như người lớn. Ở những trẻ bị tăng huyết áp thứ phát, huyết áp thường trở lại bình thường khi nguyên nhân gốc rẽ được điều trị.

Tóm tắt bài viết

Điều trị tăng huyết áp thường gồm có sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và dùng thuốc. Đôi khi, thay đổi lối sống là đủ để đưa huyết áp trở lại mức bình thường. Những thay đổi này gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục, hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá và giảm cân nếu thừa cân. Nếu huyết áp vẫn cao thì nên đi khám để được bác sĩ kê thuốc phù hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị
Tăng huyết áp ẩn giấu: Cách nhận biết và điều trị

Tăng huyết áp ẩn giấu là khi huyết áp đo tại bệnh viện ở mức bình thường nhưng lại ở mức cao khi đo tại nhà. Theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp phát hiện tình trạng này.

Tăng huyết áp khi mang thai: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị
Tăng huyết áp khi mang thai: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị

Nếu tăng huyết áp không được điều trị trong thời kỳ mang thai, cả mẹ và thai nhi đều có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, theo dõi huyết áp và thực hiện một số thay đổi về lối sống có thể làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng do tăng huyết áp.

Tăng huyết áp mạn tính điều trị bằng cách nào?
Tăng huyết áp mạn tính điều trị bằng cách nào?

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành trong của động mạch. Huyết áp có thể thay đổi trong suốt cả ngày và thay đổi theo các giai đoạn trong cuộc đời. Khi huyết áp cao hơn nhiều so với mức bình thường thì được gọi là tăng huyết áp hay cao huyết áp.

Tăng huyết áp do mức renin thấp điều trị bằng cách nào?
Tăng huyết áp do mức renin thấp điều trị bằng cách nào?

Tăng huyết áp do mức renin thấp là tình trạng huyết áp tăng cao do nồng độ một loại enzyme tên là renin trong máu ở mức thấp hơn bình thường.

Biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp
Biện pháp tránh thai an toàn cho người bị tăng huyết áp

Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác thì nên tránh sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp và tiêm thuốc tránh thai. Có nhiều biện pháp tránh thai khác an toàn hơn cho người bị tăng huyết áp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây