Các loại viêm khớp dạng thấp và cách điều trị
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), khoảng 20 triệu người trên thế giới mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Căn bệnh này có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới nhưng khoảng 70% người bị viêm khớp dạng thấp là phụ nữ. Khoảng 1 – 3% phụ nữ sẽ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp vào một thời điểm nào đó trong đời. (1)
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính gây ra nhiều triệu chứng, gồm có:
- Đau khớp
- Sưng khớp
- Cứng khớp
- Giảm khả năng cử động khớp
- Mệt mỏi, kiệt sức
- Chán ăn
- Sụt cân
Tình trạng viêm và sưng đau có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào tren cơ thể nhưng đa phần xảy ra ở các khớp của bàn tay và bàn chân. Khi bệnh tiến triển nặng, viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan như phổi hoặc mắt.
Viêm khớp dạng thấp có một số triệu chứng tương tự như nhiều bệnh lý khác và điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh. Để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần dựa trên kết quả khám lâm sàng, chụp X-quang và các xét nghiệm máu.
Bẹnh viêm khớp dạng thấp được chia thành nhiều loại. Một loại cần có phương pháp điều trị khác nhau.
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
Nếu xét nghiệm máu dương tính với yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor - RF) hoặc kháng thể kháng CCP (anti-CCP) thì có nghĩa là cơ thể đang tạo ra phản ứng miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh. Những người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột có kết quả xét nghiệm RF dương tính có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao gấp 4 lần so với bình thường. Theo Johns Hopkins Medicine, khoảng 80% người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có kết quả xét nghiệm RF dương tính. (2)
Có yếu tố dạng thấp hay kháng thể anti-CCP trong máu không phải lúc nào cũng chỉ ra bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng ở những người bị viêm khớp dạng thấp, sự hiện diện của những kháng thể này trong máu giúp bác sĩ xác định loại bệnh.
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính
Nhiều người dù mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng xét nghiệm RF và anti-CCP lại cho kết quả âm tính. Do đó, không thể chỉ dựa trên kết quả của những xét nghiệm này để xác nhận chẩn đoán viêm khớp dạng thấp mà còn phải dựa trên các triệu chứng lâm sàng, chụp X-quang và các xét nghiệm khác. Ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có kết quả xét nghiệm RF và anti-CCP âm tính, tình trạng bệnh thường nhẹ hơn so với những người có kết quả xét nghiệm dương tính.
Viêm khớp dạng thấp thiếu niên (viêm khớp tự phát thiếu niên)
Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là loại viêm khớp phổ biến nhất ở người dưới 17 tuổi. (3, http://www.mayoclinic.com/health/juvenile-rheumatoid-arthritis/DS00018 Bệnh có thể chỉ là tạm thời hoặc kéo dài suốt đời. Giống như viêm khớp dạng thấp ở người trưởng thành, các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thiếu niên cũng gồm có viêm khớp, sưng tấy, cứng khớp và đau. Bệnh nặng còn có thể gây viêm mắt và cản trở sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Các bệnh chồng lấp và bệnh có triệu chứng giống viêm khớp dạng thấp
Các bệnh tự miễn có nhiều triệu chứng giống nhau và điều này phần nào gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Hơn nữa, những người mắc bệnh tự miễn thường mắc từ hai bệnh trở lên. Một số bệnh chồng lấp hoặc thường bị nhầm lẫn với viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Bệnh lupus
- Đau xơ cơ hóa
- Bệnh lyme
- Hội chứng mệt mỏi mạn tính
- Bệnh thần kinh
- Đau thần kinh toạ
- Thiếu máu
- Suy giáp
- Trầm cảm
Viêm khớp dạng thấp còn có thể bị nhầm lẫn với bệnh thoái hóa khớp, loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp không phải là bệnh tự miễn mà xảy ra do sự hao mòn khớp theo thời gian.
Điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh mạn tính không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Mục tiêu điều trị là làm giảm các triệu chứng, cải thiện khả năng vận động cho người bệnh và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Phương pháp điều trị chính là dùng thuốc.
Các loại thuốc để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Thuốc chống viêm để giảm viêm và sưng đau, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen
- Corticoid để giảm viêm và đau
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) để làm chậm sự tiến triển của bệnh
- Thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học nhắm đến các phần gây viêm trong hệ thống miễn dịch, nhờ đó giúp làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể
Mặc dù hầu hết người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp đều chỉ cần điều trị bằng thuốc nhưng một số trường hợp cần phải phẫu thuật nếu khớp bị hỏng vĩnh viễn. Khớp bị hỏng sẽ không thể cử động bình thường, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động thường ngày và không thể sống độc lập. Phẫu thuật thay khớp giúp phục hồi chức năng cho các khớp bị hỏng và giảm đau do viêm.
Các phương pháp điều trị khác
Bên cạnh sử dụng thuốc, điều chỉnh lối sống cũng có thể giúp giảm một số triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Các biện pháp tự khắc phục tại nhà có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Ví dụ, chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm và đau. Ăn nhiều rau củ, trái cây, cá cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Những thay đổi lối sống khác cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Nghỉ ngơi nhiều: Mệt mỏi và vận động quá sức có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp và khiến cho bệnh viêm khớp dạng thấp tái phát. Hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trong ngày và tránh các hoạt động gây áp lực lên khớp.
- Tập thể dục: Tập thể dục vừa phải có thể giúp cải thiện khả năng cử động khớp và giảm đau. Nên kết hợp cả các bài tập cardio (bài tập tim mạch) và tập kháng lực để tăng sức mạnh của cơ. Người có các vấn đề về xương khớp như viêm khớp dạng thấp nên chọn các bài tập ít gây áp lực lên khớp như đạp xe, đi bộ hoặc bơi lội. Cố gắng tập thể dục từ 3 – 5 ngày một tuần, mỗi ngày tập 30 phút.
- Chườm nóng và chườm lạnh: Chườm nóng giúp giảm cứng khớp và chườm lạnh giúp giảm đau khớp.
- Trị liệu: Ngoài dùng thuốc giảm đau, người bệnh có thể thử các phương pháp giảm đau khác như mát-xa và châm cứu.
- Thực phẩm chức năng: Một số loại thực phẩm chức năng như dầu cá omega-3 có thể giúp giảm viêm và nhờ đó cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào vì thực phẩm chức năng có thể tương tác với thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám nếu tình trạng sưng đau khớp kéo dài dai dẳng không đỡ hoặc ngày càng nặng lên. Nếu bệnh viêm khớp dạng thấp không được điều trị, khớp sẽ bị hỏng vĩnh viễn và người bệnh sẽ mất khả năng vận động. Ngoài ra, bệnh viêm khớp dạng thấp không được kiểm soát tốt sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều biến chứng khác. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Sử dụng loại thuốc phù hợp kết hợp với thay đổi lối sống sẽ giúp người bệnh sống khỏe mạnh và giảm tần suất bệnh tái phát.
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô khớp. Điều này gây tổn thương khớp và dây chằng. Mặc dù tình trạng viêm do hệ miễn dịch tấn công có thể xảy ra khắp cơ thể nhưng một trong những vị trí phổ biến nhất bị ảnh hưởng là bàn tay.
Ngoài các triệu chứng điển hình là sưng và đau khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp đôi khi còn gây sốt nhẹ. Nếu bạn mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và bị sốt thì nên đi khám ngay. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
Có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, gồm có thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), thuốc sinh học, thuốc ức chế miễn dịch và thuốc ức chế JAK. Người bệnh có thể phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc để kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
Các đợt tái phát viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính thường khó dự đoán và có thể kéo dài từ một ngày đến một năm nếu không được điều trị. Tuy rằng không có cách nào chữa khỏi được bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng khi bệnh tái phát, gồm có dùng thuốc và các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm nóng và nghỉ ngơi.
Giống như nhiều loại thuốc khác, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có tác dụng phụ.