Các loại thuốc có thể gây bàng quang tăng hoạt
Đi tiểu nhiều lần là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng bàng quang tăng hoạt.
Bàng quang tăng hoạt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như:
- Uống quá nhiều nước
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Đồ uống chứa cồn, caffeine, đồ ăn cay, thực phẩm có tính axit và các loại thực phẩm, đồ uống gây kích thích bàng quang khác
- Không thể làm trống hoàn toàn bàng quang khi đi tiểu
- Một số bệnh, ví dụ như sỏi bàng quang và bệnh tiểu đường
Bàng quang tăng hoạt cũng có thể là do một số loại thuốc gây ra.
Những loại thuốc có thể gây bàng quang tăng hoạt
Một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bàng quang tăng hoạt.
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước thừa ở thận, từ đó làm tăng lượng nước tiểu. Những loại thuốc này được dùng để điều trị cao huyết áp, phù nề do giữ nước và suy tim sung huyết.
Nếu cơ thể đã tạo ra đủ nước tiểu thì việc dùng thuốc lợi tiểu có gây ra tình trạng đa niệu (bài tiết quá nhiều nước tiểu). Điều tương tự cũng xảy ra khi dùng thuốc lợi tiểu liều cao. Đa niệu sẽ dẫn đến đi tiểu nhiều lần và đôi khi rò rỉ nước tiểu không kiểm soát.
Thuốc điều trị cao huyết áp
Ngoài thuốc lợi tiểu, các loại thuốc điều trị cao huyết áp khác cũng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Theo một nghiên cứu vào năm 2022, những loại thuốc có thể gây ra điều này gồm có:
- Thuốc chẹ kênh canxi
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB)
Những loại thuốc này có tác dụng làm giãn mạch máu để máu lưu thông qua dễ dàng hơn, nhờ đó làm giảm huyết áp nhưng lại có thể ảnh hưởng đến sự co bóp cơ bàng quang và dẫn đến bàng quang tăng hoạt.
Thuốc hướng thần
Thuốc hướng thần có tác dụng kiểm soát tâm trạng và suy nghĩ. Những loại thuốc này đi kèm nhiều tác dụng phụ, trong đó có bàng quang tăng hoạt. Các loại thuốc hướng thần có thể ảnh hưởng đến việc tiểu tiện gồm có:
Thuốc chống trầm cảm
Mặc dù một số loại thuốc chống trầm cảm được dùng để điều trị bàng quang tăng hoạt nhưng một số khác lại có thể gây ra bàng quang tăng hoạt. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để xác định những loại thuốc chống trầm cảm mà người bị bàng quang tăng hoạt cần tránh nhưng theo một nghiên cứu vào năm 2017, các loại thuốc chống trầm cảm sau đây có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt:
- venlafaxin (Effexor)
- escitalopram (Lexapro)
- fluoxetin (Prozac)
- paroxetin (Paxil)
Thuốc ổn định tâm trạng
Thuốc lithium, một loại thuốc được dùng phổ biến để điều trị chứng rối loạn lưỡng cực, có thể gây khát nước quá mức kèm theo đi tiểu nhiều lần. Sử dụng thuốc lithium trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh đái tháo nhạt. Đây là tình trạng thận không thể giữ nước và tạo ra quá nhiều nước tiểu.
Đái tháo nhạt và đái tháo đường là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Đái tháo nhạt không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Theo một nghiên cứu vào năm 2018 được thực hiện trên 873 người, 9% số người tham gia phải ngừng dùng thuốc lithium do bị bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và đái tháo nhạt.
Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt. Tương tự như thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống loạn thần cũng có thể gây ra bệnh đái tháo nhạt, dẫn đến bàng quang tăng hoạt và tiểu không tự chủ.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021, một số loại thuốc chống loạn thần có thể gây ra các vấn đề về tiết niệu gồm có:
- clozapin (Clozaril)
- risperidone (Risperidone)
- aripiprazol (Abilify)
- olanzapin (Zyprexa)
Triệu chứng bàng quang tăng hoạt
Nên đi khám nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào của bàng quang tăng hoạt hoặc các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Những triệu chứng này gồm có:
- Đột ngột buồn tiểu dữ dội, không thể nhịn được
- Rò rỉ nước tiểu một cách không kiểm soát
- Đi tiểu nhiều lần (8 lần trở lên trong vòng 24 giờ)
- Tiểu đêm (đi tiểu từ 2 lần trở lên vào ban đêm)
Điều trị tiểu không tự chủ, bàng quang tăng hoạt và các vấn đề tiết niệu khác do thuốc
Nếu nghi ngờ các vấn đề về tiết niệu là do loại thuốc đang dùng gây ra, người bệnh nên báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ đổi loại thuốc khác hoặc kê thêm các loại thuốc để điều trị vấn đề về tiết niệu.
Ngoài ra, người bệnh có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách tránh các tác nhân gây kích thích bàng quang, hạn chế uống nước trước khi đi ngủ và tập Kegel để tăng cường cơ sàn chậu.
Một số câu hỏi thường gặp
Còn những loại thuốc nào khác gây ảnh hưởng đến bàng quang?
Có nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến bàng quang và gây ra các triệu chứng về tiết niệu.
Bên cạnh các loại thuốc gây bàng quang tăng hoạt kể trên, một số loại thuốc có thể gây bí tiểu (không thể làm trống bàng quang hoàn toàn), làm tăng nguy cơ hình thành khối u ở bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra còn có một số loại thuốc làm thay đổi màu nước tiểu.
Nếu thói quen tiểu tiện có sự thay đổi bất thường khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy báo cho bác sĩ.
Những loại thuốc nào gây tiểu đêm?
Đi tiểu nhiều vào ban đêm có thể do các loại thuốc như:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc kháng cholinergic
- Thuốc ức chế cholinesterase (được sử dụng để điều trị chứng sa sút trí tuệ)
- Thuốc lithium
Tóm tắt bài viết
Bàng quang tăng hoạt có thể là do một số loại thuốc gây ra, gồm có thuốc lợi tiểu, các loại thuốc điều trị cao huyết áp khác và một số loại thuốc hướng thần (thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần và lithium).
Hãy báo cho bác sĩ khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào về tiết niệu hoặc các triệu chứng trở nên nặng thêm trong thời gian dùng thuốc.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.
Những thay đổi trong thời kỳ mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ bị bàng quang tăng hoạt.
Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - bàng quang tăng hoạt) là một nhóm các triệu chứng về tiết niệu, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp – tình trạng đột ngột buồn tiểu dữ dội. Đây là một vấn đề phổ biến. Ước tính có khoảng 16% dân số thế giới bị bàng quang tăng hoạt, tỷ lệ mắc ở nam giới và nữ giới là tương đương nhau.