Các loại bệnh cơ tim và cách điều trị

Bệnh cơ tim (cardiomyopathy) là những vấn đề xảy ra ở cơ tim khiến tim khó bơm máu đến phần còn lại của cơ thể. Bệnh cơ tim có thể dẫn đến suy tim. Các loại bệnh cơ tim chính là bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại và bệnh cơ tim hạn chế. Các phương pháp điều trị bệnh cơ tim gồm có dùng thuốc, cấy thiết bị hỗ trợ tim, phẫu thuật tim và ghép tim, tùy thuộc vào loại bệnh cơ tim và mức độ nghiêm trọng.
Các loại bệnh cơ tim và cách điều trị Các loại bệnh cơ tim và cách điều trị

Các loại bệnh cơ tim

  1. Bệnh cơ tim giãn
  2. Bệnh cơ tim phì đại
  3. Bệnh cơ tim hạn chế

Triệu chứng bệnh cơ tim

Giai đoạn đầu của bệnh cơ tim thường không có triệu chứng nhưng khi tình trạng bệnh tiến triển, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ xuất hiện:

  • Khó thở khi vận động hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi
  • Phù nề cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân
  • Bụng to lên do tích tụ chất lỏng
  • Ho khi nằm
  • Khó nằm thẳng
  • Mệt mỏi, kiệt sức
  • Tim đập nhanh, mạnh
  • Đau, khó chịu ở ngực
  • Chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu

Nếu không được điều trị, các triệu chứng của bệnh cơ tim sẽ ngày càng nặng. Ở nhiều người, bệnh tiến triển xấu nhanh chóng trong khi ở một số người, tình trạng bệnh lại duy trì ổn định trong suốt một thời gian dài.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám ngay khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh cơ tim. Gọi cấp cứu nếu bị đau ngực dữ dội, kéo dài hoặc chóng mặt, choáng váng.

Một số loại bệnh cơ tim là bệnh di truyền. Những người có người thân trong gia đình bị bệnh cơ tim nên đi khám tầm soát.

Nguyên nhân gây bệnh cơ tim

Đa số các trường hợp mắc bệnh cơ tim đều không xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, bệnh cơ tim có thể xảy ra do một bệnh lý khác (bệnh cơ tim mắc phải) hoặc do di truyền (bệnh cơ tim di truyền).

Một số nguyên nhân gây bệnh cơ tim không do di truyền gồm có:

  • Cao huyết áp trong thời gian dài
  • Tổn thương mô tim do nhồi máu cơ tm
  • Nhịp tim nhanh trong thời gian dài
  • Các vấn đề về van tim
  • Nhiễm Covid-19
  • Một số bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là những bệnh gây viêm tim
  • Rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như béo phì, bệnh tuyến giáp hoặc tiểu đường
  • Thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như vitamin B1 (thiamin)
  • Các biến chứng khi mang thai
  • Sự tích tụ sắt trong cơ tim (bệnh ứ sắt)
  • Sự tích tụ tế bào gây viêm tạo thành u (u hạt) ở các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả tim và phổi
  • Sự tích tụ protein bất thường trong các cơ quan (bệnh thoái hóa tinh bột)
  • Bệnh mô liên kết
  • Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài
  • Sử dụng steroid đồng hóa hoặc các chất ma túy như cocaine và amphetamine
  • Một số loại thuốc hóa trị và xạ trị để điều trị ung thư

Các loại bệnh cơ tim gồm có:

  • Bệnh cơ tim giãn: Tâm thất trái - buồng bơm máu chính của tim – bị giãn ra và không thể đẩy máu ra khỏi tim một cách hiệu quả. Mặc dù loại bệnh cơ tim này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kể lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người trong độ tuổi trung niên, nhất là nam giới. Nguyên nhân chính gây bệnh cơ tim giãn là bệnh mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bệnh cơ tim giãn cũng có thể là do biến đổi gen.
  • Bệnh cơ tim phì đại: Tình trạng cơ tim dày lên bất thường, khiến tim khó bơm máu. Bệnh cơ tim phì đại chủ yếu ảnh hưởng đến thành cơ của tâm thất trái. Bệnh cơ tim phì đại có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tình trạng bệnh thường nghiêm trọng hơn nếu bắt đàu xảy ra khi còn nhỏ. Hầu hết những người bị bệnh cơ tim phì đại đều có tiền sử gia đình mắc bệnh. Bệnh cơ tim phì đại có liên quan đến một số biến đổi gen.
  • Bệnh cơ tim hạn chế: Tình trạng cơ tim trở nên cứng và đàn hồi kém, khiến cho buồng tim không thể giãn nở và chứa đầy máu giữa mỗi lần co bóp của tim. Bệnh cơ tim hạn chế ít phổ biến hơn bệnh cơ tim giãn và bệnh cơ tim phì đại. Bệnh cơ tim hạn chế cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở người lớn tuổi. Bệnh cơ tim hạn chế có thể xảy ra mà không rõ nguyên nhân (vô căn) hoặc cũng có thể là do các bệnh lý ở những nơi khác trong cơ thể ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn như bệnh thoái hóa tinh bột.
  • Loạn sản thất phải gây rối loạn nhịp tim: Trong loại bệnh cơ tim hiếm gặp này, cơ ở tâm thất phải bị thay bằng mô sẹo, dẫn đến rối loạn nhịp tim. Loạn sản thất phải gây rối loạn nhịp tim thường là do biến đổi gen gây ra.
  • Bệnh cơ tim chưa được phân loại: Những loại bệnh cơ tim khác không phải các bệnh kể trên.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim gồm có:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh cơ tim, suy tim và ngừng tim đột ngột
  • Cao huyết áp trong thời gian dài
  • Các tình trạng ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, nhiễm trùng ở tim hay bệnh tim thiếu máu cục bộ
  • Béo phì (khiến tim phải làm việc nhiều hơn)
  • Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài
  • Sử dụng steroid đồng hóa
  • Sử dụng các chất ma túy như cocaine và amphetamine
  • Điều trị ung thư bằng một số loại thuốc hóa trị và xạ trị

Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim:

  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh tuyến giáp
  • Bệnh ứ sắt (tích tụ quá nhiều sắt trong cơ thể)
  • Thoái hóa tinh bột
  • U hạt
  • Bệnh mô liên kết

Biến chứng của bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Suy tim: Tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nếu không được điều trị, suy tim có thể dẫn đến tử vong.
  • Huyết khối: Vì tim không thể bơm máu hiệu quả nên huyết khối (cục máu đông) có thể hình thành trong tim. Cục máu đông có thể di chuyển theo dòng máu, gây tắc nghẽn mạch máu và làm gián đoạn sự lưu thông máu đến các cơ quan khác, bao gồm cả tim và não.
  • Các vấn đề về van tim: Khi cơ tim to ra, các van tim sẽ không thể đóng chặt. Điều này khiến cho máu chảy ngược qua van.
  • Ngừng tim và đột tử: Bệnh cơ tim có thể gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến ngất xỉu hoặc thậm chí là đột tử nếu tim ngừng đập.

Phòng ngừa bệnh cơ tim

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh cơ tim và một số nguyên nhân trong số đó là không thể phòng ngừa, chẳng hạn như bệnh cơ tim do di truyền.

Tuy nhiên, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cơ tim và các loại bệnh tim mạch khác bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, tốt cho tim mạch:

  • Không uống nhiều rượu bia
  • Không sử dụng các chất ma túy như cocaine
  • Kiểm soát tình trạng cao huyết áp, cholesterol cao và bệnh tiểu đường
  • Ăn uống lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ngủ đủ giấc
  • Hạn chế căng thẳng

Chẩn đoán bệnh cơ tim

Trước tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh cá nhân cũng như gia đình. Bệnh nhân sẽ được hỏi về các triệu chứng cụ thể và thời điểm xuất hiện triệu chứng. Nếu nghi ngờ bệnh cơ tim, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các kỹ thuật khám cận lâm sàng sau đây để xác nhận chẩn đoán:

  • Chụp X-quang lồng ngực: Cho thấy hình ảnh của tim, từ đó có thể phát hiện kích thước tim bất thường.
  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim, cho thấy kích thước và chuyển động của tim. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cho biết tình trạng của các van tim và giúp xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
  • Điện tâm đồ (ECG): Bệnh nhân được dán các miếng điện cực trên người để đo tín hiệu điện từ tim. Điện tâm đồ cho thấy những bất thường trong hoạt động điện của tim, nhờ đó có thể phát hiện rối loạn nhịp tim và các khu vực có vấn đề.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Nhịp tim, huyết áp và nhịp thở của bệnh nhân được theo dõi khi bệnh nhân đi bộ trên máy chạy. Phương pháp này giúp đánh giá các triệu chứng và kiểm tra xem hoạt động thể chất có gây nhịp tim bất thường hay không.
  • Thông tim: Một ống nhỏ và dài được đưa vào mạch máu ở bẹn và luồn đến tim. Trong quá trình thông tim, bác sĩ tiến hành đo áp lực trong các buồng tim để đánh giá lực bơm máu qua tim. Thuốc cản quang được tiêm qua ống thông vào mạch máu để làm cho các mạch máu chúng nổi rõ hơn trên hình ảnh X-quang (kỹ thuật này được gọi là chụp mạch vành). Thủ thuật thông tim giúp phát hiện tình trạng tắc nghẽn trong mạch máu. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) trong quá trình thông tim để phân tích tìm những dấu hiệu bất thường.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: Sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của tim. Bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI tim nếu chưa thể đưa ra chẩn đoán sau khi siêu âm tim.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim: Bệnh nhân nằm trên bàn chụp và sau đó được đưa vào bên trong lòng máy chụp. Tia X bên trong máy chụp quét quanh cơ thể và tạo ra hình ảnh của tim và ngực. Dựa trên hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ đánh giá kích thước và chức năng của tim cũng như là các van tim.
  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân có thể phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận, tuyến giáp và gan cũng như là để đo nồng độ sắt. Mẫu máu còn được phân tích để đo nồng độ peptit lợi niệu natri type B (B-type natriuretic peptide - BNP) - một loại protein được sản xuất trong tim. Nồng độ BNP trong máu có thể tăng cao khi bị suy tim - một biến chứng phổ biến của bệnh cơ tim.
  • Xét nghiệm hoặc sàng lọc di truyền: Bệnh cơ tim có thể di truyền nên nếu có người thân trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái) mắc bệnh cơ tim thì nên cân nhắc làm xét nghiệm di truyền.

Điều trị bệnh cơ tim

Mục đích của các phương pháp điều trị bệnh cơ tim là:

  • Kiểm soát các triệu chứng
  • Ngăn sự tiến triển của bệnh
  • Giảm nguy cơ biến chứng

Phương pháp điều trị cần thực hiện phụ thuộc vào loại bệnh cơ tim và mức độ nghiêm trọng.

Điều trị bằng thuốc

Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh cơ tim. Các loại thuốc này có tác dụng:

  • Cải thiện khả năng bơm máu của tim
  • Cải thiện lưu thông máu
  • Hạ huyết áp
  • Làm giảm nhịp tim
  • Hỗ trợ đào thải chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể
  • Ngăn hình thành cục máu đông

Nếu mắc các bệnh lý gây ảnh hưởng đến tim, bệnh nhân cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tình trạng bệnh.

Các thủ thuật xâm lấn tối thiểu

Các thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để điều trị bệnh cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim gồm có:

  • Triệt đốt bằng cồn: Phá hủy một phần cơ tim dày lên bằng cách tiêm cồn qua ống thông vào động mạch cung cấp máu cho khu vực đó. Điều này giúp cải thiện lưu thông máu.
  • Triệt đốt bằng sóng cao tần: Thủ thuật này được sử dụng để điều trị rối loạn nhịp tim. Bác sĩ đưa ống thông qua các mạch máu đến tim. Điện cực ở đầu ống thông truyền năng lượng sóng radio frequency (sóng điện từ tần số cao) để phá hủy một phần mô tim gây rối loạn nhịp tim.

Cấy thiết bị hỗ trợ tim

Người mắc bệnh cơ tim có thể cần cấy thiết bị vào tim để cải thiện chức năng tim và làm giảm các triệu chứng:

  • Máy khử rung tim (implantable cardioverter-defibrillator - ICD): Thiết bị này theo dõi nhịp tim và tạo ra sốc điện khi cần thiết để điều hòa nhịp tim bất thường. Máy khử rung tim không điều trị được bệnh cơ tim mà có tác dụng theo dõi và kiểm soát rối loạn nhịp tim - một biến chứng nguy hiểm của bệnh cơ tim.
  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất (ventricular assist device - VAD): Thiết bị này giúp máu lưu thông bình thường qua tim. Bác sĩ thường chỉ định cấy thiết bị hỗ trợ tâm thất khi đã điều trị bằng các phương pháp ít xâm lấn hơn mà không hiệu quả. Thiết bị hỗ trợ tâm thất có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị lâu dài hoặc tạm thời trong thời gian chờ ghép tim.
  • Máy tạo nhịp tim (pacemaker): Một loại thiết bị nhỏ được cấy dưới da ở ngực hoặc bụng, phát ra xung điện để kiểm soát rối loạn nhịp tim.

Phẫu thuật

Các phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh cơ tim gồm có:

  • Cắt vách liên thất: Trong ca phẫu thuật tim hở này, bác sĩ cắt bỏ một phần vách ngăn bị dày lên ở giữa hai tâm thất (vách liên thất). Điều này giúp cải thiện sự lưu thông máu qua tim và giảm tình trạng máu chảy ngược do hở van hai lá. Phương pháp cắt vách liên thất được thực hiện để điều trị bệnh cơ tim phì đại.
  • Ghép tim: Đây là giải pháp cuối cùng dành cho những người bị suy tim giai đoạn cuối và các phương pháp điều trị khác không còn tác dụng.

Thay đổi lối sống

Một số thay đổi về lối sống có thể giúp kiểm soát bệnh cơ tim:

  • Bỏ thuốc lá
  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Tập thể dục thường xuyên nhưng cần trao đổi với bác sĩ về cường độ và tần suất tập thể dục an toàn
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, gồm có nhiều loại trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Ăn ít muối (natri). Mỗi ngày không nên ăn quá 1.500 mg natri
  • Không uống hoặc hạn chế uống rượu
  • Kiểm soát căng thẳng
  • Ngủ đủ giấc mỗi ngày
  • Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh Buerger (viêm thuyên tắc mạch máu) điều trị bằng cách nào?
Bệnh Buerger (viêm thuyên tắc mạch máu) điều trị bằng cách nào?

Bệnh Buerger hay viêm thuyên tắc mạch máu là một bệnh hiếm gặp xảy ra ở động mạch và tĩnh mạch ở tay và chân. Ở những người mắc bệnh lý này, các mạch máu bị viêm, sưng và có thể bị tắc nghẽn do cục máu đông (huyết khối). Điều này làm gián đoạn sự lưu thông máu đến da, làm hỏng mô da và có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc hoại thư. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Buerger thường xuất hiện ở bàn tay và bàn chân rồi cuối cùng lan rộng ra trên cánh tay và cẳng chân.

Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Bệnh van tim: Triệu chứng và cách điều trị
Bệnh van tim: Triệu chứng và cách điều trị

Bệnh van tim là tình trạng một hoặc nhiều van tim bị ảnh hưởng đến chức năng hoạt động. Nguyên nhân có thể là do máu bị rò rỉ (hở van tim), lỗ mở van tim bị hẹp (hẹp van tim), hoặc kết hợp cả hai.

Những điều cần biết về các loại bệnh van tim
Những điều cần biết về các loại bệnh van tim

Bệnh van tim xảy ra khi ít nhất một trong bốn van tim không thực hiện được chức năng như bình thường. Điều này có thể là do van tim bị rò rỉ làm máu bị trào ngược, van bị hẹp quá mức hoặc van không có lỗ mở.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây