Các giai đoạn của bệnh võng mạc đái tháo đường
Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu như không được phát hiện và điều trị sớm. Do đó, người bệnh đái tháo đường cần khám mắt định kỳ. Có nhiều phương pháp điều trị để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường và duy trì, thậm chí phục hồi một phần thị lực.
Nguyên nhân gây bệnh võng mạc đái tháo đường
Glucose hay đường trong máu là nguồn năng lượng chính của các tế bào trong cơ thể nhưng quá nhiều glucose trong máu sẽ gây hại.
Tuyến tụy giải phóng ra một loại hormone có tên là insulin để giúp các tế bào hấp thụ glucose từ máu và sử dụng glucose làm năng lượng. Tuy nhiên, ở những người bị bệnh đái tháo đường, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Điều này dẫn đến kết quả là lượng glucose trong máu cao.
Lượng đường trong máu liên tục ở mức cao có thể làm hỏng các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả mắt.
Đường trong máu cao không chỉ làm suy yếu hoặc làm hỏng các mạch máu trong mắt mà còn gây hình thành các mạch máu bất thường trong võng mạc.
Các giai đoạn của bệnh võng mạc đái tháo đường
Bệnh võng mạc đái tháo đường là một bệnh về mắt tiến triển được chia thành 2 loại và 4 giai đoạn.
Hai loại bệnh võng mạc đái tháo đường là tăng sinh và không tăng sinh. Không tăng sinh là các giai đoạn đầu của bệnh còn tăng sinh là khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Giai đoạn 1: Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh nhẹ
Đây là giai đoạn đầu của bệnh võng mạc đái tháo đường, có đặc trưng là những vùng phình nhỏ trên các mạch máu của võng mạc. Những vùng phình này được gọi là túi phình.
Ở giai đoạn này, một lượng nhỏ chất lỏng có thể rò rỉ từ các mạch máu vào võng mạc và gây phù hoàng điểm (điểm vàng) - khu vực gần trung tâm của võng mạc.
Giai đoạn 2: Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh mức độ vừa
Túi phình ở các mạch máu nhỏ ngày càng to lên, gây cản trở lưu thông máu đến võng mạc. Điều này dẫn đến tích tụ máu và các chất lỏng khác ở hoàng điểm.
Giai đoạn 3: Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh nặng
Tình trạng tắc nghẽn các mạch máu trong võng mạc trở nên nghiêm trọng hơn, làm giảm đáng kể lưu lượng máu đến võng mạc. Lúc này, cơ thể bắt đầu tạo ra các mạch máu mới trong võng mạc.
Giai đoạn 4: Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh
Đây là giai đoạn cuối của bệnh, trong đó các mạch máu mới, bất thường hình thành trong võng mạc. Vì các mạch máu này rất mỏng manh nên dễ bị rò rỉ chất lỏng hơn. Điều này gây ra các vấn đề về thị lực như nhìn mờ và thậm chí mù lòa.
Triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường
Bệnh võng mạc đái tháo đường thường không biểu hiện triệu chứng ở các giai đoạn không tăng sinh nên nhiều người mắc bệnh mà không biết. Lý do là bởi không phải lúc nào các mạch máu cũng bị rò rỉ ở các giai đoạn này.
Nhiều người không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối hay giai đoạn tăng sinh.
Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa có thể phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường ngay từ giai đoạn đầu, kể cả khi không có triệu chứng. Đó là lý do tại sao cần khám mắt định kỳ.
Các triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh gồm có:
- Hiện tượng ruồi bay trở nên nặng hơn (các đốm, vệt hay đường ngoằn ngoèo xuất hiện trong tầm nhìn)
- Mờ mắt
- Nhìn sự vật bị méo mó
- Khả năng nhìn vào ban đêm kém
- Suy giảm hoặc mất thị lực
- Màu sắc nhạt nhòa
Các triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường thường xảy ra ở cả hai mắt.
Chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường
Để chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường, bác sĩ sẽ tiến hành khám mắt toàn diện, trong đó kiểm tra:
- Thị lực
- Chuyển động của cơ mắt
- Thị lực ngoại biên
- Khả năng nhận thức chiều sâu
- Độ cong của giác mạc
Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành soi đáy mắt, trong đó nhỏ thuốc giãn đồng tử để kiểm tra dây thần kinh thị giác và võng mạc.
Một phương pháp nữa để chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường là chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang để phát hiện sự hình thành mạch máu bất thường hoặc rò rỉ mạch máu.
Bác sĩ sẽ tiêm thuốc nhuộm huỳnh quang vào tĩnh mạch ở cánh tay của bệnh nhân. Quá trình thuốc di chuyển qua các mạch máu đến võng mạc sẽ được ghi lại bằng máy chụp võng mạc độ phân giải cao. Hình ảnh thu được sẽ giúp bác sĩ phát hiện những bất thường.
Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường
Mặc dù bệnh võng mạc đái tháo đường có thể gây suy giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn nhưng đây là một bệnh lý có thể điều trị được, nhất là khi phát hiện sớm. Trước hết, người bệnh cần kiểm soát lượng đường trong máu và bệnh đái tháo đường bằng cách dùng thuốc theo chỉ định, điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất.
Giữ lượng đường trong máu trong phạm vi khỏe mạnh có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường.
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn hay mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu được phát hiện sớm (trước khi võng mạc bị tổn thương) thì có thể chỉ cần kiểm soát đường huyết là đủ. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần tái khám định kỳ để theo dõi.
Trong trường hợp bệnh võng mạc đái tháo đường mới ở giai đoạn không tăng sinh nhưng võng mạc đã bị tổn thương thì có các giải pháp điều trị như sau:
- Phẫu thuật bằng laser hay quang đông võng mạc bằng laser: phá hủy các mạch máu bất thường và túi phình ở các mạch máu của võng mạc.
- Dùng thuốc: Tiêm steroid vào mắt có thể làm giảm tình trạng viêm và ngăn chặn sự hình thành các mạch máu mới. Người bệnh cũng có thể sẽ phải tiêm thuốc ức chế VEGF (thuốc ức chế tăng sinh tân mạch) để làm giảm tình trạng phù hoàng điểm và cải thiện thị lực. Cả hai loại thuốc đều được tiêm bởi nhân viên y tế.
- Phẫu thuật cắt dịch kính: Khi bệnh võng mạc đái tháo đường đã chuyển sang giai đoạn tăng sinh, người bệnh có thể phải phẫu thuật cắt dịch kính. Phương pháp này điều trị các vấn đề với võng mạc và thủy tinh thể - khối chất đặc trong suốt, có dạng thấu kính hai mặt lồi nằm ở phía sau giác mạc. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ mô sẹo, máu hoặc chất lỏng và một phần của thủy tinh thể để ánh sáng có thể tập trung chính xác vào võng mạc và đồng thời, tình trạng co kéo hay bong võng mạc cũng được điều trị nếu có.
Phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường
Để phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường thì điều quan trọng hàng đầu là phải kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Để đạt được điều này thì người bệnh cần dùng thuốc đầy đủ, duy trì chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên. Người bệnh cũng cần theo dõi đường huyết mỗi ngày và đi khám ngay khi nhận thấy mức đường huyết thường xuyên dao động.
Các loại thực phẩm nên có trong chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng:
- Thực phẩm chứa carbohydrate có chỉ số đường huyết (GI) thấp
- Rau củ
- Trái cây
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt
- Các loại đậu
- Sữa ít béo
- Các nguồn chất béo tốt như quả bơ và các loại quả hạch, hạt
- Cá, nhất là các loại cá béo như cá hồi và cá trích
Ngoài ra, người bệnh cũng cần kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác như cao huyết áp hay cholesterol cao và bỏ thuốc nếu hút. Những vấn đề này sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Các biến chứng khác của bệnh đái tháo đường
Bệnh võng mạc đái tháo đường không phải là biến chứng duy nhất của bệnh đái tháo đường. Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều các vấn đề khác, chẳng hạn như:
- Bệnh tim mạch
- Bệnh thận
- Bệnh thần kinh
- Bệnh Alzheimer
- Vấn đề về bàn chân
- Trầm cảm
- Bệnh về da
Mức đường huyết không được kiểm soát còn có thể dẫn đến các bệnh về mắt khác như:
- Phù hoàng điểm: Tình trạng tích tụ chất lỏng ở vùng trung tâm võng mạc, gây triệu chứng nhìn mờ, hiện tượng ruồi bay, mắt nhìn thấy gợn sóng và màu sắc không rõ.
- Bong võng mạc: Tình trạng võng mạc bị kéo ra khỏi lớp mô bên dưới.
- Tăng nhãn áp tăng sinh mạch: Một loại bệnh tăng nhãn áp thứ phát trong đó các mạch máu mới hình thành ở khóe mắt, ngăn cản nước chảy ra khỏi mắt.
- Xuất huyết dịch kính: Các mạch máu mới bị rò rỉ máu, máu chảy vào khoang chứa dịch kính và dẫn đến mất thị lực hoàn toàn.
Những bệnh lý này cũng có thể gây suy giảm hoặc mất thị lực.
Khi nào cần đi khám?
Những người bị đái tháo đường cần đi khám mắt ít nhất một lần mỗi năm hoặc thường xuyên hơn theo khuyến nghị của bác sĩ. Đi khám ngay khi nhận thấy thị lực có sự thay đổi bất thường.
Người bệnh cũng nên đi khám nếu đường huyết thường xuyên ở mức cao dù đã dùng thuốc theo đúng chỉ định và thực hiện các phương pháp điều trị khác.
Tóm tắt bài viết
Bệnh võng mạc đái tháo đường là một bệnh về mắt nghiêm trọng có thể dẫn đến suy giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn, xảy ra do lượng đường trong máu không được kiểm soát. Người mắc bệnh tiểu đường cần khám mắt định kỳ, kể cả khi thị lực vẫn bình thường và nhanh chóng đi khám khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, chẳng hạn như nhìn mờ, giảm khả năng quan sát vào ban đêm hay có các đốm vệt trong tầm nhìn. Mặc dù bệnh võng mạc đái tháo đường không thể đảo ngược được nhưng điều trị sớm có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và duy trì thị lực.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng ngừa được phổ biến nhất. Đây cũng là bệnh về mắt phổ biến nhất ở người mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh võng mạc đái tháo đường và phù hoàng điểm do đái tháo đường là hai trong số các vấn đề về thị lực phổ biến nhất có liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Khi bị căng thẳng hay stress, cơ thể sẽ tiết ra một số loại hormone khiến lượng đường trong máu tăng cao. Điều này gây ra các triệu chứng bất lợi ở những người bị đái tháo đường. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Tìm hiểu về vai trò của insulin trong cơ thể và lợi ích của liệu pháp insulin trong kiểm soát, điều trị đái tháo đường type 2.
Bệnh đái tháo đường là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên khắp thế giới. Ước tính có khoảng 8,5% người lớn trên toàn thế giới hiện đang sống với bệnh đái tháo đường. Có hai loại bệnh đái tháo đường chính là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.