1

Các biến chứng của rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có những biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng như đột quỵ và ngừng tim.
Các biến chứng của rối loạn nhịp tim Các biến chứng của rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Trong khi một số loại rối loạn nhịp tim vô hại thì một số loại lại làm suy yếu cơ tim và giảm lưu lượng máu đến các bộ phận còn lại của cơ thể.

Mỗi loại rối loạn nhịp tim có biến chứng khác nhau.

Một số loại rối loạn nhịp tim phổ biến là:

  • Rung nhĩ, loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất
  • Cuồng nhĩ
  • Nhịp tim nhanh trên thất
  • Nhịp nhanh thất
  • Rung thất, loại rối loạn nhịp tim nghiêm trọng nhất

Những loại rối loạn nhịp tim xảy ra ở tâm thất (các buồng dưới của tim) là nguy hiểm nhất. Nhưng rối loạn nhịp tim xảy ra ở tâm nhĩ (các buồng trên) cũng có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.

Biến chứng về tim

Một số loại rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến các biến chứng về tim nghiêm trọng, chẳng hạn như suy tim hoặc ngừng tim.

Suy tim

Suy tim sung huyết hay suy tim là tình trạng chức năng tim suy giảm, tức là tim không thể bơm đủ máu đến các bộ phận còn lại của cơ thể.

Tim đập bất thường sẽ không thể bơm máu hiệu quả. Do đó, rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ, có thể gây suy tim. Ở người bị rung nhĩ, các buồng trên của tim co bóp quá nhanh và không đều. Theo thời gian, điều này khiến cho cơ tim trở nên suy yếu. Ngược lại, suy tim cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.

Ngừng tim

Ngừng tim là khi tim đột nhiên ngừng đập. Nguyên nhân chính gây ngừng tim là rung thất. Gần 70% số ca ngừng tim là do rung thất.

Rung thất là tình trạng các buồng dưới của tim rung lên thay vì co bóp bình thường. Điều này có thể khiến cho tim ngừng hoạt động.

Một số loại nhịp nhanh thất, như nhịp nhanh thất vô mạch, có chung nguyên nhân với tình trạng ngừng tim. Nhịp nhanh thất là tình trạng tim đập quá nhanh bắt nguồn từ tâm thất. Khi tim co bóp quá nhanh, tâm thất không có đủ thời gian để chứa đầy máu và điều này làm giảm lượng máu được bơm đến các cơ quan.

Biến chứng về não

Rối loạn nhịp tim có thể làm giảm lưu lượng máu đến não. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề như đột quỵ và sa sút trí tuệ. Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim có nguy cơ gây biến chứng về não cao nhất.

Đột quỵ

Khoảng 20% số ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ, loại đột quỵ phổ biến nhất, là do rung nhĩ. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi một mạch máu cấp máu cho não bị tắc nghẽn.

Rung nhĩ là tình trạng các buồng trên của tim co bóp quá nhanh và khiến cho máu không được đẩy hết xuống tâm thất. Máu ứ đọng trong tâm nhĩ có thể đông lại. Cục máu đông có thể di chuyển theo máu từ tim đến não và dẫn đến đột quỵ.

Sa sút trí tuệ

Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa rung nhĩ và suy giảm nhận thức. Mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy rung nhĩ là nguyên nhân trực tiếp gây sa sút trí tuệ nhưng những người bị rung nhĩ có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn.

Một nghiên cứu lớn vào năm 2023 được thực hiện trên gần 200.000 người cho thấy rung nhĩ làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ ở người dưới 65 tuổi và người không mắc bệnh thận mạn.

Nghiên cứu trên 433.000 người của Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh vào năm 2023 cho thấy những người mắc rung nhĩ trước 65 tuổi có nguy cơ bị sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer cao hơn.

Một trong những biến chứng của rung nhĩ là đột quỵ và đột quỵ cũng làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.

Các biến chứng khác

Ngoài các biến chứng về tim và não, rối loạn nhịp tim còn làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi – tình trạng cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu trong phổi.

Thuyên tắc phổi thường là do huyết khối tĩnh mạch sâu, tình trạng cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở sâu bên trong cơ thể, thường là ở cẳng chân hoặc đùi.

Một nghiên cứu vào năm 2018 kết luận rằng nguy cơ thuyên tắc phổi tăng đáng kể trong 6 tháng đầu sau khi được chẩn đoán mắc rung nhĩ.

Thuyên tắc phổi cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.

Khi nào cần đi khám?

Hãy đi khám ngay khi thấy các triệu chứng rối loạn nhịp tim trở nên nặng hơn hoặc xuất hiện triệu chứng mới. Các triệu chứng thường gặp của rối loạn nhịp tim gồm có:

  • Đánh trống ngực (cảm nhận tim đập nhanh, mạnh hoặc đập bỏ nhịp)
  • Hồi hộp, bồn chồn
  • Lú lẫn
  • Mệt mỏi
  • Đau hoặc cảm giác kó chịu ở ngực
  • Khó thở khi vận động hoặc cả khi nghỉ ngơi
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Ngất xỉu

Phòng ngừa biến chứng rối loạn nhịp tim

Một trong những cách để ngăn ngừa biến chứng của rối loạn nhịp tim là duy trì lối sống lành mạnh và tránh các tác nhân kích hoạt:

  • Ăn thực phẩm tốt cho tim mạch
  • Tránh xa caffeine
  • Tập thể dục thường xuyên ở cường độ vừa phải (tránh tập cường độ cao)
  • Tránh những tình huống căng thẳng
  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế uống rượu bia

Nếu bạn đã cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim thì cần tránh những môn thể thao va đập vì điều này có thể khiến máy bị bung ra.

Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng thuốc không kê đơn, chẳng hạn như thuốc điều trị cảm lạnh hay thuốc chống dị ứng, và thực phẩm chức năng.

Dùng thuốc, thiết bị tim cấy ghép, các thủ thuật như chuyển nhịp tim và các phương pháp điều trị khác có thể giúp kiểm soát các triệu chứng rối loạn nhịp tim và ngăn ngừa biến chứng. Phác đồ điều trị phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn nhịp tim.

Một số câu hỏi về rối loạn nhịp tim

Có cần đi khám khi thấy tim đập bất thường không?

Nếu sự thay đổi về nhịp tim chỉ là tạm thời thì hãy thử tìm nguyên nhân, chẳng hạn như lo lắng, caffeine hoặc hút thuốc, sau đó cố gắng tránh những điều này để tránh tình trạng tái phát.

Nếu tình trạng nhịp tim bất thường vẫn tiếp diễn thì nên đi khám để xác định nguyên nhân.

Hãy đi khám ngay khi nhận thấy tim đập bất thường nếu bạn đang mắc một bệnh lý nào đó, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh mạch vành hay tăng huyết áp.

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim nào hiệu quả nhất?

Việc điều trị rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn nhịp tim cũng như các vấn đề sức khỏe khác mà bạn đang mắc.

Các phương pháp điều trị chính là:

  • Thay đổi lối sống
  • Dùng thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi
  • Thủ thuật, chẳng hạn như sốc điện chuyển nhịp (sử dụng xung điện để điều chỉnh nhịp tim) hay triệt đốt qua ống thông (xử lý các tín hiệu điện bất thường trong tim)
  • Thiết bị tim cấy ghép, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim để kiểm soát nhịp tim

Khi nào cần gọi cấp cứu?

Hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu bạn bị rối loạn nhịp tim và gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Đau ngực
  • Hụt hơi
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Mệt mỏi cực độ

Tóm tắt bài viết

Rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến nhiều biến chứng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như đột quỵ và ngừng tim. Có nhiều phương pháp điều trị giúp kiểm soát chứng rối loạn nhịp tim và ngăn ngừa biến chứng, gồm duy trì lối sống lành mạnh, dùng thuốc và các thủ thuật y tế. Bác sĩ sẽ xác định phác đồ điều trị phù hợp dựa trên loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn nhịp tim.

Nếu bạn bị rối loạn nhịp tim và có các triệu chứng như đau ngực hoặc ngất xỉu, hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Loạn nhịp xoang là gì?
Loạn nhịp xoang là gì?

Rối loạn nhịp xoang là tình trạng nhịp tim không đều, quá nhanh hoặc quá chậm.

Rối loạn nhịp tim chậm là gì?
Rối loạn nhịp tim chậm là gì?

Trái tim khỏe mạnh có tần suất đập ổn định. Ở hầu hết người lớn, nhịp tim khi nghỉ ngơi là từ 60 đến 100 lần mỗi phút. Rối loạn nhịp tim chậm (bradyarrhythmia) là khi tim đập dưới 60 lần/phút và sự co bóp của tim không bắt đầu từ nút xoang, nơi xuất phát các tín hiệu điện điều hòa nhịp tim.

Rối loạn nhịp thất là gì và điều trị bằng cách nào?
Rối loạn nhịp thất là gì và điều trị bằng cách nào?

Rối loạn nhịp thất (ventricular arrhythmia) là tình trạng nhịp tim bất thường bắt đầu từ tâm thất, hai buồng dưới của tim. Tim có thể đập quá nhanh hoặc các buồng tim co bóp không đồng bộ khiến tim không thể hoạt động bình thường.

Rối loạn nhịp tim có gây tử vong không?
Rối loạn nhịp tim có gây tử vong không?

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim bất thường, có thể là nhanh hơn, chậm hơn bình thường hoặc hỗn loạn, không ổn định. Có nhiều loại rối loạn nhịp tim. Mỗi loại có mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tử vong khác nhau. Những loại rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ tâm thất (hai buồng dưới của tim) đặc biệt nguy hiểm.

Các thủ thuật điều trị rối loạn nhịp tim
Các thủ thuật điều trị rối loạn nhịp tim

Nếu đã thay đổi lối sống và dùng thuốc mà tình trạng rối loạn nhịp tim không cải thiện, người bệnh có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị rối loạn nhịp tim. Việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn nhịp tim.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây