1

Thông Tin Về Bệnh Tràn Khí Màng Phổi Tự Phát - bệnh viện 103

Tràn khí màng phổi tự phát là gì?

Tràn khí màng phổi tự phát là tình trạng khí thoát ra từ nhu mô phổi vào khoang màng phổi qua phế nang bị tổn thương mà không do nguyên nhân là lực tác động từ bên ngoài (chấn thương hoặc vết thương).

Bình thường trong khoang màng phổi không có khí và tạo nên áp lực âm, điều đó giúp cho phổi nở để thực hiện chức năng trao đổi khí. Khi có tràn khí vào khoang màng phổi, phổi sẽ bị ép lại, không thể trao đổi khí, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Phân loại tràn khí màng phổi tự phát

Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát:

  • Tràn khí màng phổi xuất hiện ở những người trước đó khoẻ mạnh, hay gặp ở nam giới, trẻ tuổi (tỷ lệ nam/nữ = 3/1), thường do vỡ các bóng khí ở bề mặt phổi.
  • Cơ chế hình thành các bóng khí còn chưa rõ: có thể do bẩm sinh hoặc do viêm tiểu phế quản tận. Thường gặp ở người cao, gầy vì ở cơ địa này áp lực đỉnh phổi thấp hơn dễ gây vỡ các bóng khí.
  • Khoảng 30% số trường hợp tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát bị tái phát.

Tràn khí màng phổi tự phát tái phát:

  • Là tràn khí màng phổi xuất hiện ở những người bị bệnh phổi trước đó, tiên lượng xấu hơn.
  • Thường gặp ở người trên 30 tuổi.
  • Rất nhiều bệnh phổi có thể gây biến chứng tràn khí màng phổi như: lao phổi, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, xơ hoá kén, xơ phổi kẽ lan toả, bệnh bụi phổi…

Triệu chứng của tràn khí màng phổi tự phát

  • Khởi phát đột ngột, đau ngực dữ dội (đau như xé ngực), bệnh nhân phải ôm lấy ngực. Có thể xuất hiện triệu chứng đau ngực sau khi ho khạc hoặc làm việc gắng sức.
  • Cảm giác khó thở, ngột ngạt. Triệu chứng khó thở tăng dần khi mức độ tràn khí tăng lên.
  • Vã mồ hôi lạnh, ho khan. Trường hợp tràn khí nặng sẽ vật vã, tím tái, thở nhanh nông, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Khi có các triệu chứng trên cần để bệnh nhân tư thế nửa nằm nửa ngồi và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Chẩn đoán

Có thể chẩn đoán xác định bệnh tràn khí màng phổi tự phát bằng: khám lâm sàng, chụp XQ, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và soi màng phổi.

Tuy nhiên cũng có trường hợp các triệu chứng kín đáo, ít rầm rộ, dễ bỏ qua. Bệnh nhân chỉ thấy tức ngực, khó thở nhẹ, đôi lúc ho khan, cảm thấy mệt mỏi.

  • Khám lâm sàng: ngực bên tràn khí căng vồng, giảm cử động thở, gõ vang, rung thanh giảm và rì rào phế nang giảm hoặc mất.
  • Chụp XQ lồng ngực: tăng sáng, mất vân phổi, các khoang gian sườn giãn rộng, phổi bị ép về phía rốn phổi, trung thất bị đẩy sang bên đối diện, vòm hoành thấp. Có thể thấy hình ảnh tràn máu màng phổi kết hợp.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): có thể phát hiện các bóng khí, kén khí.
  • Soi màng phổi kết hợp chẩn đoán và điều trị.

Điều trị

  • Chọc hút khí màng phổi: Dùng bơm tiêm hoặc máy hút để hút khí màng phổi qua một kim lớn. Đây là biện pháp không triệt để, chỉ sử dụng trong cấp cứu, đặc biệt những trường hợp tràn khí nặng mà chưa thể dẫn lưu.
  • Dẫn lưu màng phổi: Để điều trị, cấp cứu hoặc trước khi phẫu thuật. Sử dụng các ống dẫn lưu ngực chuyên dụng và máy hút liên tục. Dẫn lưu màng phổi cần đảm bảo nguyên tắc: kín, một chiều, triệt để và vô trùng truyệt đối.
  • Phẫu thuật nội soi: Đây là phương pháp điều trị hiệu quả, ít xâm lấn, thời gian nằm viện ngắn, xử trí triệt để được tổn thương là nguyên nhân gây tràn khí và gây dính màng phổi tránh tái phát.
  • Bằng phẫu thuật nội soi, các phẫu thuật viên sẽ phát hiện các bóng khí, kén khí là nguyên nhân gây tràn khí. Tùy thuộc kích thước, số lượng, vị trí các bóng khí sẽ có kỹ thuật xử trí khác nhau. Thông thường sẽ khâu, kẹp các tổn thương rách nhu mô và các bóng khí.
  • Một số trường hợp nhiều bóng khí có thể phải cắt phần phổi có các bóng khí đó (cắt phổi hình chêm).
  • Trong phẫu thuật nội soi còn sử dụng các kỹ thuật gây dính màng phổi để hạn chế tái phát
  • Đối với tràn khí màng phổi tái phát nhiều lần, tràn khí do kén khí khổng lồ, có biến chứng nhiễm khuẩn hoặc áp xe, có thể phải phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi.

Những điều cần chú ý sau phẫu thuật

Bệnh nhân sau phẫu thuật hoàn toàn có cơ hội quay trở lại với cuộc sống bình thường. Để đạt được điều đó bạn cần quan tâm đến chế độ ăn uống, tập luyện, phòng bệnh và giữ cho tinh thần luôn lạc quan vui vẻ.

  • Thực hiện điều trị sau mổ: Đối với một số bệnh cần phải tiếp tục điều trị sau mổ thì nên tuân thủ đúng phác đồ đề ra.
  • Duy trì tập thể dục và đi bộ: Nên tập thể dục nhẹ nhàng và đi bộ mỗi lần 20-30 phút, một đến hai lần mỗi ngày (không gắng sức), kết hợp với tập thở.
  • Ăn uống tốt: Nhanh chóng trở lại bữa ăn ngày thường, ăn bữa bổ sung, không kiêng khem.      

Phòng bệnh:

Luôn giữ ấm, tránh nhiễm lạnh, vệ sinh răng miệng tốt.

Tái khám:

Giữ liên lạc với bác sĩ chuyên khoa, hỏi ý kiến nếu có bất thường hoặc những vấn đề chưa rõ. Đi khám lại đúng theo hẹn.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? 01:57
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
 Hàng năm có khoảng 450 triệu người trên thế giới bị viêm phổi, đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người,...
 3 năm trước
 641 Lượt xem
Tin liên quan
Viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân, thường là sau khi bị nhiễm trùng hô hấp trên hoặc cảm lạnh. Nếu bạn cho rằng con của bạn có thể bị viêm phổi, hãy cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?
Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?

Triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp thường có tính tương đồng, điều này gây khó khăn và trở ngại trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây