1

Bệnh học Ung thư phổi - bệnh viện 103

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong do bệnh ung thư hàng đầu ở cả nam giới và phụ nữ. Bệnh có liên quan trực tiếp với hút thuốc lá. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, khó khăn trong điều trị triệt để.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

  • Cho đến nay, các nhà khoa học đều nhận thấy hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Có đến 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Khói thuốc lá không chỉ chứa các độc chất gây ung thư mà còn làm tê liệt hệ thống bảo vệ của phổi.
  • Những người tiếp xúc thường xuyên và hít phải khói, bụi độc hại, bụi silic, bụi amiăng…
  • Những người bị nhiễm phóng xạ.
  • Gia đình có người bị ung thư phổi (yếu tố gen).

Loại tế bào ung thư

Ung thư phổi được chia làm hai loại chính: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Mỗi loại ung thư phát triển và lan tràn theo những cách khác nhau và được điều trị khác nhau.

  • Ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh, di căn sớm. Nó gắn liền mật thiết với hút thuốc lá và hiếm thấy ở người không hút thuốc.
  • Ung thư phổi không tế bào nhỏ phát triển chậm hơn.

Giai đoạn của bệnh

Để có kế hoạch điều trị tốt nhất, bác sĩ cần xác định được loại ung thư phổi và giai đoạn phát triển của bệnh. Việc xác định giai đoạn của bệnh được tiến hành rất cẩn thận để tìm rõ xem bệnh đã lan ra đến những phần nào trên cơ thể.

Các giai đoạn của ung thư phổi tế bào nhỏ:

  • Giai đoạn hạn chế: ung thư được phát hiện ở một lá phổi và những mô gần kề.
  • Giai đoạn mở rộng: ung thư được phát hiện tại những mô ở vùng ngực bên ngoài phổi hoặc ung thư được phát hiện ở những cơ quan xa hơn.

Các giai đoạn của ung thư phổi không tế bào nhỏ 

  • IA: Khối u có đường kính ≤ 3cm. Không di căn hạch khu vực. Không di căn xa.
  • IB: Khối u có đường kính > 3cm nhưng ≤ 5cm. Không di căn hạch khu vực. Không di căn xa.
  • IIA: Khối u có đường kính ≤ 5cm. Di căn hạch cạnh khí quản, hạch rốn phổi cùng bên và hạch trong phổi gồm cả những hạch xâm lấn trực tiếp. Không di căn xa. Hoặc:Khối u có đường kính > 5cm nhưng ≤ 7cm.     Không di căn hạch khu vực. Không di căn xa.
  • IIB: Khối u có đường kính > 5cm nhưng ≤ 7cm. Di căn hạch cạnh khí quản, hạch rốn phổi cùng bên và hạch trong phổi gồm cả những hạch xâm lấn trực tiếp. Không di căn xa. Hoặc:Khối u > 7cm hoặc nhiều nhân ung thư trong một thùy phổi hoặc u xâm lấn vào màng phổi,            thành ngực, phế quản chính. Không di căn           hạch khu vực. Không di căn xa.
  • IIIA: Khối u > 7cm hoặc nhiều nhân ung thư trong một thùy phổi hoặc u xâm lấn vào màng phổi, thành ngực, phế quản chính. Di căn hạch cạnh khí quản, hạch rốn phổi cùng bên và hạch trong phổi. Không di căn xa. Hoặc:Khối u có đường kính ≤ 7cm. Di căn hạch      trung thất cùng bên và/hoặc hạch dưới ngã ba khí quản. Không di căn xa. 
  • IIIB: Khối u với bất kỳ kích thước và mức độ xâm lấn. Di căn hạch trung thất đối bên, hạch rốn phổi đối bên, hạch cơ bậc thang cùng hoặc đối bên, hoặc hạch thượng đòn. Không di căn xa.
  • IV: Khối u với bất kỳ kích thước và mức độ xâm lấn. Bất kỳ mức độ di căn hạch. Đã có di căn xa đến các cơ quan khác.

Triệu chứng

Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng ung thư phổi thường rất nghèo nàn và không đặc hiệu, khiến cho việc chẩn đoán hết sức khó khăn. Khi bệnh tiến triển có thể có các triệu chứng sau:

  • Ho không khỏi, ngày càng nặng.
  • Thở nặng nhọc, thở dốc.
  • Giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân.
  • Đau tức ngực kéo dài.
  • Ho đờm có lẫn máu.
  • Khàn giọng.
  • Đau vai, đau tay và các ngón tay, ngón tay dùi trống.
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng phổi, như viêm phổi.
  • Thay đổi tâm trạng, mệt mỏi.

Các phương pháp chẩn đoán

Khi có dấu hiệu cảnh báo cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế, với những người có yếu tố nguy cơ thì nên đi khám định kỳ mỗi năm một lần. Các bác sĩ sẽ khám toàn diện và chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán.

  • Một trong những biện pháp phát hiện sớm ung thư phổi là chụp X quang phổi và chụp cắt lớp điện toán (CT).
  • Để xác định tế bào ung thư của khối u người ta sử dụng các kỹ thuật sinh thiết như: soi và sinh thiết xuyên thành phế quản, sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của CT, tìm tế bào ung thư trong đờm hoặc dịch màng phổi, sinh thiết qua siêu âm nội phế quản.
  • Để chẩn đoán giai đoạn, chụp CT là kỹ thuật có giá trị, ngoài ra còn có các kỹ thuật hiện đại như PET-CT, soi trung thất hoặc nội soi lồng ngực, nội soi siêu âm chẩn đoán.
  • Một số phương pháp để chẩn đoán mức độ di căn xa của ung thư có thể được áp dụng như: PET-CT, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), xạ hình xương toàn thân…

Điều trị

Tùy thuộc loại ung thư và giai đoạn của bệnh bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị. Nhìn chung là điều trị đa mô thức (kết hợp nhiều phương pháp), bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, miễn dịch, kiểm soát triệu chứng.

Phẫu thuật:

  • Là phương pháp điều trị cơ bản, đáng tin cậy. Được chỉ định cho ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn tương đối sớm của bệnh (I, II và IIIA).
  • Mục đích của phẫu thuật là cắt bỏ hoàn toàn khối u và các hạch di căn. Đa số các trường hợp sẽ được điều trị hóa chất, điều trị đích hỗ trợ sau phẫu thuật.
  • Các phẫu thuật có thể áp dụng cho ung thư phổi gồm: cắt thùy phổi, cắt phổi hình chêm, cắt phân thùy phổi và cắt toàn bộ một bên phổi. Hiện nay, việc cắt phổi có thể thực hiện bằng phẫu thuật nội soi hoặc nội soi hỗ trợ tùy thuộc giai đoạn của bệnh.

Hóa trị:

  • Cả hai loại ung thư phổi đều có thể sử dụng hóa trị với mục đích ngăn sự tăng trưởng của tế bào ung thư tại chỗ và di căn. Hóa trị có thể được thực hiện kết hợp với phẫu thật hoặc xạ trị.
  • Phác đồ hóa trị bao gồm nhiều thuốc và sẽ được tiến hành qua nhiều chu kỳ tùy thuộc loại ung thư. Việc hóa trị thường gây ra những tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, sút cân, rụng tóc, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, loét miệng…

Xạ trị:

  • Là phương pháp dùng năng lượng phóng xạ chiếu vào khối u nhằm tiêu diệt sự phân chia và phát triển của tế bào ung thư.
  • Với những trang thiết bị hiện đại, ngày nay xạ trị là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn. Xạ trị được áp dụng cho những bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật hay kết hợp với hóa trị và phẫu thuật để kéo dài thời gian sống.
  • Tác dụng không mong muốn của xạ trị có thể là mệt mỏi, giảm bạch cầu, loét bỏng, sút cân…

Điều trị đích:

Xuất phát từ những tiến bộ trong nghiên cứu về đột biến gen. Điều trị đích là sử dụng các thuốc sinh học tác động tới quá trình dẫn truyền tín hiệu tăng trưởng không kiểm soát của tế bào ung thư cũng như kiểm soát tăng sinh mạch máu tới khối u. Đây là phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? 01:57
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
 Hàng năm có khoảng 450 triệu người trên thế giới bị viêm phổi, đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người,...
 3 năm trước
 658 Lượt xem
Tin liên quan
Viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân, thường là sau khi bị nhiễm trùng hô hấp trên hoặc cảm lạnh. Nếu bạn cho rằng con của bạn có thể bị viêm phổi, hãy cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?
Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?

Triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp thường có tính tương đồng, điều này gây khó khăn và trở ngại trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây