Biện pháp tránh thai hiệu quả nhất để điều trị buồng trứng đa nang
Tác dụng của biện pháp tránh thai với hội chứng buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang (PCOS) là một bệnh lý mà buồng trứng hình thành nhiều nang nhỏ do nồng độ nội tiết tố nam androgen tăng quá cao trong cơ thể. Theo thống kê của Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ Hoa Kỳ (Office on Women’s Health), cứ 10 phụ nữ thì lại có một người bị bệnh này. Các biện pháp tránh thai nội tiết là một trong những giải pháp chính để kiểm soát các triệu chứng do mất cân bằng nồng độ nội tiết tố của hội chứng buồng trứng đa nang, ví dụ như chu kỳ kinh nguyệt không đều hay mất kinh nguyệt. Các biện pháp tránh thai giúp điều hòa chu kỳ kinh và ngoài ra còn khắc phục một số triệu chứng khác như:
- Chướng bụng
- Đau bụng
- Nổi mụn trứng cá
- Đau vùng chậu
- Mọc lông không mong muốn trên mặt và trên cơ thể (chứng rậm lông ở nữ)
- Không rụng trứng
Dưới đây là những biện pháp tránh thai nội tiết hiệu quả nhất cho người bị buồng trứng đa nang.
Thuốc tránh thai đường uống
Thuốc tránh thai đường uống là lựa chọn phổ biến và hiệu quả nhất để kiểm soát các triệu chứng buồng trứng đa nang. Có hai loại thuốc tránh thai đường uống là thuốc tránh thai kết hợp và thuốc tránh thai chỉ có progestin. Cả hai loại này đều có thể điều trị các triệu chứng buồng trứng đa nang và giúp người bệnh:
- rụng trứng
- có kinh nguyệt đều đặn hơn
- kinh nguyệt ra ít hơn
- giảm đau bụng
- đỡ mụn trứng cá hơn
- giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng
- giảm mọc lông không mong muốn
Hầu hết phụ nữ bị buồng trứng đa nang đều không gặp phải tác dụng phụ khi uống thuốc tránh thai nhưng các biện pháp tránh thai sẽ có tác động khác nhau đến cơ thể mỗi người. Người dùng có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như:
- Thay đổi tâm trạng
- Lo âu,bồn chồn
- Tăng hoặc giảm cân
- Buồn nôn
- Mệt mỏi, uể oải
- Đau đầu
- Đau ngực
- Ra máu giữa chu kỳ kinh
Thuốc tránh thai kết hợp
Thuốc tránh thai kết hợp là loại có chứa cả estrogen tổng hợp và progestin – dạng tổng hợp của hormone progesterone được tạo ra tự nhiên trong buồng trứng. Lượng hormone có trong mỗi loại thuốc là khác nhau. Người dùng có thể lựa chọn loại liều thấp hoặc liều cao. Ví dụ, thuốc tránh thai kết hợp liều thấp chứa khoảng 20mcg (microgam) estrogen. Thuốc tránh thai liều cao thường có chứa từ 30 đến 35mcg estrogen. Bác sĩ sẽ xác định liều lượng phù hợp với từng người.
Thuốc tránh thai chỉ có progestin
Thuốc tránh thai chỉ có progestin, hay còn được gọi là minipill, là một lựa chọn thay thế hiệu quả cho những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang và không thể dùng thuốc tránh thai kết hợp. Ở những người bị buồng trứng đa nang, nồng độ hormone progesterone trong cơ thể ở mức thấp. Thuốc tránh thai chỉ có progestin bổ sung progesterone, giúp người dùng có kinh nguyệt đều đặn hơn và giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Loại thuốc này có thể chứa tới 35mcg progestin.
Miếng dán tránh thai
Miếng dán tránh thai là những miếng dán mỏng bằng nhựa có chứa estrogen và progestin, được đặt trên da. Mỗi miếng dán được sử dụng trong thời gian 21 ngày và sau đó dừng trong 7 ngày để có kinh nguyệt bình thường rồi sau đó thay miếng dán mới. Giống như thuốc tránh thai đường uống, miếng dán tránh thai có tác dụng:
- giúp rụng trứng
- điều hòa kinh nguyệt
- giảm chướng bụng và đau bụng
- giảm mụn trứng cá
- giảm sự mọc lông không mong muốn
- giảm nguy cơ ung thư
Tác dụng phụ thường gặp khi dùng miếng dán tránh thai gồm có:
- Kích ứng da
- Buồn nôn và nôn
- Thay đổi tâm trạng
- Vú căng đau
- Đau đầu
- Người mệt mỏi
- Tăng cân
- Tăng huyết áp
Vòng âm đạo
Vòng âm đạo (NuvaRing) là một vòng tròn bằng nhựa mềm, dẻo được đưa vào bên trong âm đạo. Mỗi chiếc vòng được giữ nguyên vị trí trong 21 ngày rồi tháo ra trong 7 ngày để có kinh nguyệt và sau đó thay vòng mới vào tháng tiếp theo. Giống như thuốc đường uống và miếng dán tránh thai, vòng âm đạo có tác dụng:
- giúp rụng trứng
- điều hòa kinh nguyệt
- giảm chướng bụng và đau bụng
- giảm mụn trứng cá
- giảm mọc lông
- giảm nguy cơ ung thư
Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng vòng âm đạo gồm có:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Vú căng đau
- Người mệt mỏi
- Tăng cân
- Chán ăn
Các biện pháp điều trị khác
Các biện pháp tránh thai kết hợp, bao gồm cả dạng thuốc đường uống, vòng âm đạo hoặc miếng dán đều là những phương pháp được sử dụng phổ biến và được khuyên dùng để điều trị các triệu chứng buồng trứng đa nang. Đối với những người không thể uống thuốc tránh thai kết hợp hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai kết hợp khác thì bác sĩ sẽ kê thuốc chỉ có progestin. Ngoài ra còn có các lựa chọn thay thế khác như:
- Liệu pháp progesterone: có thể dùng progesterone trong 10 đến 14 ngày, sau đó nghỉ từ 1 – 2 tháng. Mặc dù phương pháp này không có tác dụng tránh thai hay làm giảm nồng độ androgen nhưng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng buồng trứng đa nang.
- Vòng tránh thai nội tiết có chứa progestin: Vòng tránh thai nội tiết có chứa progestin giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang giống như thuốc tránh thai kết hợp hoặc thuốc tránh thai chỉ chứa progestin.
- Metformin (tên thương hiệu là Glucophage): thuốc này được dùng để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2, có tác dụng giảm nồng độ insulin và androgen, cải thiện tình trạng kháng insulin. Kháng insulin là một vấn đề thường xảy ra ở những phụ nữ bị buồng trứng đa nang và metformin có thể khắc phục được vấn đề này. Vì chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA cấp phép để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang nên đây được coi là một ứng dụng ngoài hướng dẫn (off-label)* của thuốc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng metformin có thể giúp rụng trứng và làm cho chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn.
Cảnh báo về Metformin
Vào tháng 5 năm 2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị một số nhà sản xuất thuốc metformin giải phóng kéo dài (extended release) ngừng sản xuất và đưa sản phẩm của mình ra khỏi thị trường. Nguyên nhân là do một số loại metformin giải phóng kéo dài được phát hiện là có chứa nồng độ chất gây ung thư cao hơn mức cho phép. Nếu bạn hiện đang dùng thuốc này thì cần hỏi bác sĩ để được giải thích cụ thể và xem có cần sử dụng thuốc khác hay không.
* Ứng dụng ngoài hướng dẫn (off-label) có nghĩa là một loại thuốc được ứng dụng vào một mục đích không có trong chỉ định của thuốc. Ví dụ, metformin được dùng trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang là một ứng dụng ngoài hướng dẫn. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn có thể kê thuốc cho các mục đích này mà không vi phạm quy định. Lý do là bởi cơ quan chức năng chỉ quy định việc kiểm tra và cấp phép thuốc chứ không quy định cách mà các bác sĩ sử dụng thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, bác sĩ vẫn có thể kê các loại thuốc cho mục đích ngoài hướng dẫn nếu cảm thấy hiệu quả.
Lưu ý khi sử dụng biện pháp tránh thai
Mặc dù hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ nhưng không phải ai bị bệnh này cũng gặp vấn đề với khả năng sinh sản. Một số phụ nữ dù bị buồng trứng đa nang nhưng vẫn có thể mang thai bình thường. Khi đi khám, tùy theo vấn đề và mong muốn của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp, có thể là biện pháp tránh thai hoặc các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Nếu quyết định sử dụng biện pháp tránh thai để khắc phục các triệu chứng buồng trứng đa nang và tránh mang thai ngoài ý muốn thì có một số điều cần lưu ý như sau:
Thuốc tránh thai đường uống
Trung bình, các loại thuốc đường uống có hiệu quả tránh thai khoảng 91%. Điều này có nghĩa là khoảng 9 trong số 100 phụ nữ sử dụng thuốc sẽ vẫn có thai. Nếu như không uống đủ liều thì khả năng mang thai sẽ càng cao. Do đó, cần cài đặt lời nhắc trên điện thoại để nhớ uống thuốc đúng giờ mỗi ngày.
Miếng dán tránh thai và vòng âm đạo
Miếng dán tránh thai và vòng âm đạo cũng cho hiệu quả khoảng 91%. Điều này có nghĩa là khoảng 9 trong số 100 phụ nữ sử dụng một trong hai biện pháp này vẫn mang thai mỗi năm. Điều quan trọng là phải thay vòng âm đạo hoặc miếng dán da đúng thời gian quy định để đảm bảo sự bảo vệ liên tục. Mỗi một ngày không sử dụng biện pháp tránh thai thì khả năng mang thai khi quan hệ tình dục sẽ càng tăng lên.
Lựa chọn nào là tốt nhất?
Sau khi chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang, bác sĩ sẽ tư vấn về biện pháp điều trị hiệu quả nhất. Người bệnh nên cân nhắc các biện pháp dựa trên một số yếu tố như:
- Mức độ dễ sử dụng: nên suy nghĩ xem biện pháp tránh thai nào dễ sử dụng nhất. Nếu hay quên uống thuốc mỗi ngày thì vòng âm đạo hoặc miếng dán sẽ là lựa chọn phù hợp nhất.
- Tác dụng phụ: hầu hết các biện pháp tránh thai đều có tác dụng phụ giống nhau. Tuy nhiên, một số sẽ có các tác dụng phụ nhẹ hơn và bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể dựa trên thể trạng mỗi người. Có thể sẽ phải thử một vài biện pháp khác nhau rồi mới có thể lựa chọn được biện pháp phù hợp nhất.
Mãn kinh có ảnh hưởng thế nào đến hội chứng buồng trứng đa nang?
Buồng trứng đa nang gây khó khăn cho việc thụ thai và nguyên nhân một phần là vì chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bất thường nên người bệnh không thể đoán được cửa sổ thụ thai.
Khi đến tuổi mãn kinh, các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang vẫn tồn tại song song với các triệu chứng tiền mãn kinh. Vậy mãn kinh có ảnh hưởng gì đến bệnh lý này hay không?
Ở một số người, hội chứng buồng trứng đa nang gây mọc lông ở mặt và những vị trí không mong muốn trên cơ thể nhưng nhiều người khác lại bị tình trạng rụng tóc và mỏng tóc.
Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh do rối loạn cân bằng nội tiết tố khiến cho buồng trứng hình thành nhiều nang nhỏ ở bề mặt ngoài. Không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ, hội chứng buồng trứng đa nang còn gây ra nhiều tác động khác đến cơ thể, trong đó có nổi mụn trứng cá.
Các triệu chứng buồng trứng đa nang có thể được kiểm soát bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và thay đổi một số thói quen sống.