1

Bệnh tiểu đường có ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Khi cơ thể không có insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, đường sẽ ở lại trong máu thay vì được đưa vào tế bào, dẫn đến đường trong máu tăng cao trong khi các tế bào lại không được cung cấp lượng năng lượng cần thiết. Điều này gây ra một loạt các vấn đề ảnh hưởng đến hầu hết các hệ thống chính trong cơ thể.
Bệnh tiểu đường có ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể? Bệnh tiểu đường có ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường

Khi nhắc đến “bệnh tiểu đường”, đa số mọi người thường nghĩ ngay đến lượng đường trong máu hay đường huyết cao.

Đường huyết là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Đường huyết bị mất cân bằng trong một thời gian dài có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường xảy ra do trục trặc về khả năng sản xuất hoặc sử dụng insulin của cơ thể. Insulin là một loại hormone giúp cơ thể chuyển hóa đường (glucose) trong máu thành năng lượng.

Bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát một cách hiệu quả khi được chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng như bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận và bệnh lý thần kinh.

Thông thường sau khi chúng ta ăn uống, cơ thể sẽ phân hủy đường từ thức ăn và sử dụng lượng đường này để tạo năng lượng cho tế bào.

Để đạt được điều này, tuyến tụy sản xuất ra một loại hormone có tên là insulin. Insulin có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển đường từ máu vào các tế bào. Sau đó, các tế bào sẽ sử dụng đường làm năng lượng.

Bệnh tiểu đường xảy ra khi tuyến tụy sản xuất quá ít insulin hoặc hoàn toàn không sản xuất insulin. Ở những người bị tiểu đường type 2, cơ thể còn xảy ra kháng insulin – tình trạng mà insulin được sử dụng không hiệu quả.

Khi cơ thể không có insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, đường sẽ ở lại trong máu thay vì được đưa vào tế bào, dẫn đến đường trong máu tăng cao trong khi các tế bào lại không được cung cấp lượng năng lượng cần thiết. Điều này gây ra một loạt các vấn đề ảnh hưởng đến hầu hết các hệ thống chính trong cơ thể.

Các loại bệnh tiểu đường

Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến cơ thể tùy thuộc vào loại tiểu đường. Có hai loại bệnh tiểu đường chính là tiểu đường type 1 và type 2.

Tiểu đường type 1, còn được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên hay bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, là một bệnh tự miễn. Bệnh lý này xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy và khiến cho tuyến tụy không còn khả năng tạo ra insulin. Do cơ thể không sản xuất insulin nên người mắc bệnh tiểu đường type 1 phải sử dụng liệu pháp insulin suốt đời để tồn tại. Đa số người mắc bệnh tiểu đường type 1 phát hiện bệnh từ khi còn nhỏ hoặc ở độ tuổi thanh niên.

Tiểu đường type 2 bắt nguồn từ tình trạng kháng insulin. Loại tiểu đường này trước đây gần như chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nhưng hiện nay số người trẻ hơn mắc tiểu đường type 2 đang ngày một tăng. Điều này là do một số thói quen sống, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động.

Ở người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể sử dụng insulin kém hiệu quả, dẫn đến khó khăn trong quá trình vận chuyển đường trong máu vào tế bào. Để khắc phục vấn đề, tuyến tụy sẽ tạo ra nhiều insulin hơn nhưng theo thời gian, các tế bào sản xuất insulin trở nên suy yếu và cuối cùng ngừng hoạt động, khiến cơ thể bị thiếu insulin. Lúc này, người bệnh cũng sẽ phải sử dụng liệu pháp insulin.

Những người bị tiểu đường type 2 đều từng trải qua giai đoạn tiền tiểu đường – tình trạng lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức tiểu đường. Có thể kiểm soát tiền tiểu đường và ngăn tình trạng này tiến triển thành tiểu đường type 2 bằng cách thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và theo dõi sát sao mức đường huyết.

Mặc dù chưa có cách chữa trị khỏi nhưng bệnh tiểu đường có thể kiểm soát được. Đôi khi, việc tuân thủ tốt kế hoạch điều trị còn giúp bệnh thuyên giảm.

Còn một loại tiểu đường nữa là tiểu đường thai kỳ. Đây là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian mang thai. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống và tập thể dục. Loại tiểu đường này đa phần tự khỏi sau khi sinh nhưng sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ và còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 sau này cho cả mẹ và con.

Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến các cơ quan, hệ thống trong cơ thể

Ảnh hưởng đến hệ nội tiết, bài tiết và tiêu hóa

Khi tuyến tụy sản xuất quá ít hoặc không sản xuất insulin, hoặc nếu cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin thì các tế bào sẽ không được cung cấp năng lượng từ đường trong máu. Lúc này, cơ thể sẽ sử dụng các hormone khác để biến chất béo thành năng lượng. Điều này sẽ tạo ra lượng hóa chất độc hại cao, gồm có axit và ceton. Nồng độ ceton cao sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm toan ceton – một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.

Nhiễm toan ceton gây ra các triệu chứng như:

  • Khát nước cực độ
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Mệt mỏi
  • Thở gấp
  • Khô da, miệng
  • Mặt đỏ bừng
  • Hơi thở có mùi trái cây
  • Đau đầu
  • Đau nhức cơ
  • Mệt rã rời
  • Buồn nôn, nôn

Hơi thở có mùi trái cây là do nồng độ ceton trong máu tăng cao. Đường trong máu cao và lượng ceton nhiều hơn bình thường trong nước tiểu là những dấu hiệu chỉ ra nhiễm toan ceton. Nếu không được điều trị, nhiễm toan ceton có thể dẫn đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể gặp phải một tình trạng gọi là hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết (diabetic hyperglycemic hyperosmolar syndrome – HHS). Đây là tình trạng mà lượng đường trong máu ở mức rất cao nhưng không có ceton.

Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết có thể gây mất nước và thậm chí là hôn mê. Tình trạng này chủ yếu xảy ra trong những trường hợp mắc bệnh tiểu đường mà chưa được phát hiện hoặc bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt. Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết cũng có thể xảy ra do nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc nhiễm trùng.

Đường huyết cao có thể gây ra chứng liệt dạ dày – tình trạng các cơn co bóp dạ dày diễn ra không bình thường và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày. Điều này lại khiến lượng đường trong máu tăng lên. Một số triệu chứng của liệt dạ dày gồm có:

  • Buồn nôn
  • Nôn, nôn ra thức ăn chưa tiêu hóa hết
  • Đầy hơi
  • Ợ nóng
  • Đau bụng
  • Nhanh no khi ăn

Ảnh hưởng đến thận

Bệnh tiểu đường cũng có thể làm hỏng thận và ảnh hưởng đến khả năng lọc các chất thải ra khỏi máu của thận. Người mắc bệnh tiểu đường nên khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm nước tiểu. Albumin niệu vi lượng hay lượng protein trong nước tiểu cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu cho thấy thận đang có vấn đề.

Bệnh thận có liên quan đến bệnh tiểu đường được gọi là bệnh thận đái tháo đường. Bệnh thận đái tháo đường thường không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu.

Người mắc bệnh tiểu đường nên xét nghiệm đánh giá chức năng thận thường xuyên để phát hiện sớm bệnh thận, từ đó điều trị kịp thời để ngăn ngừa tổn thương thận không thể hồi phục hoặc suy thận.

Ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ cao huyết áp và tình trạng này khiến tim phải làm vệc nhiều hơn bình thường.

Đường trong máu cao có thể góp phần khiến cho chất béo tích tụ và hình thành mảng xơ vữa trên thành mạch máu. Dần dần theo thời gian, những mảng xơ vữa sẽ gây cản trở sự lưu thông máu và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.

Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, tiêu hóa và bệnh thận Hoa Kỳ (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases - NIDDK), bệnh tiểu đường làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. (1) Ngoài theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu, thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ cao huyết áp và mức cholesterol cao.

Những người hút thuốc lá nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hút thuốc còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và làm giảm lưu thông máu.

Lưu thông máu kém có thể ảnh hưởng đến bàn tay hoặc bàn chân và gây đau khi đi lại. Tình trạng này được gọi là đau chân cách hồi.

Mạch máu bị thu hẹp còn có thể dẫn đến những vấn đề khác ở cẳng chân và bàn chân, ví dụ như bàn chân thường xuyên bị lạnh hoặc mất cảm giác.

Tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên - một loại bệnh thần kinh đái tháo đường gây giảm cảm giác ở tứ chi. Bệnh thần kinh ngoại biên rất nguy hiểm vì sẽ khiến cho người bệnh không biết mình bị thương, điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng và loét bàn chân. Lưu thông máu kém và tổn thương dây thần kinh thậm chí còn làm tăng nguy cơ hoại tử chân và phải cắt cụt.

Do đó, người bị tiểu đường cần chú ý chăm sóc đôi chân thật cẩn thận và kiểm tra chân thường xuyên để phát hiện những bất thường.

Ảnh hưởng đến da

Bệnh tiểu đường còn có thể ảnh hưởng đến da - cơ quan lớn nhất của cơ thể. Cùng với mất nước, tình trạng thiếu ẩm do lượng đường trong máu cao có thể khiến da chân bị khô và nứt nẻ.

Cần phải lau khô chân hoàn toàn sau khi tắm rửa và bơi. Có thể sử dụng kem dưỡng thể để dưỡng ẩm cho da chân nhưng không nên để những vùng da này quá ẩm.

Các nếp gấp ấm, ẩm trên da rất dễ bị nhiễm nấm hoặc vi khuẩn. Điều này thường xảy ra ở những vị trí như kẽ ngón tay và ngón chân, bẹn, nách và khóe miệng.

Các triệu chứng gồm có mẩn đỏ, nổi mụn nước và ngứa ngáy.

Các điểm chịu trọng lượng lớn ở lòng bàn chân thường hình thành vết chai. Các vết chai có thể bị nhiễm trùng hoặc loét. Khi có dấu hiệu loét ở bàn chân thì phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức để tránh bị hoại tử và phải cắt bàn chân.

Các vấn đề khác về da do bệnh tiểu đường còn có:

  • Nhọt
  • Viêm nang lông (nhiễm trùng nang lông)
  • Lẹo
  • Nhiễm trùng móng tay

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát còn có thể dẫn đến ba bệnh về da:

  • U vàng phát ban: gây nổi các sẩn cứng màu đỏ, phần giữa màu vàng trên da.
  • Xơ cứng ngón tay, ngón chân: xuất hiện các mảng da dày, cứng ở bàn tay hoặc bàn chân.
  • Bệnh da do đái tháo đường: gây hình thành các mảng màu nâu trên da. Vấn đề này không nguy hiểm và không cần điều trị.

Các vấn đề về da này thường khỏi khi lượng đường trong máu được kiểm soát ổn định.

Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương

Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương các dây thần kinh và dẫn đến bệnh thần kinh đái tháo đường. Tình trạng này sẽ làm giảm cảm giác, khiến người bệnh không cảm nhận được nóng, lạnh và đau đớn, do đó sẽ dễ bị thương hơn và không phát hiện mình bị thương nếu vết thương nằm ở vị trí khó thấy trên cơ thể.

Nếu không được phát hiện và điều trị, vết thương sẽ ngày càng nghiêm trọng và có thể bị nhiễm trùng.

Bệnh tiểu đường còn có thể gây phình, rò rỉ các mạch máu trong mắt và dẫn đến bệnh võng mạc đái tháo đường. Bệnh lý này sẽ dần làm suy giảm thị lực và cuối cùng có thể dẫn đến mù lòa. Các triệu chứng ban đầu của bệnh về mắt do tiểu đường thường chỉ nhẹ nên người bệnh cần phải đi khám mắt thường xuyên. Điều này sẽ giúp phát hiện vấn đề từ sớm.

Ảnh hưởng đến hệ sinh dục

Sự thay đổi nội tiết tố trong thời gian mang thai có thể gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ và làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Có hai loại cao huyết áp cần chú ý khi mang thai là tiền sản giật và sản giật.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát dễ dàng và đường huyết trở lại bình thường sau khi sinh. Các triệu chứng của tiểu đường thai kỳ cũng tương tự như các loại tiểu đường khác nhưng sản phụ còn có thể bị nhiễm trùng âm đạo hoặc bàng quang tái đi tái lại.

Nếu người mẹ bị tiểu đường thai kỳ, thai nhi thường có cân nặng khi sinh lớn hơn bình thường. Điều này gây khó khăn cho quá trình sinh nở. Phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao hơn trong tương lai.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ảnh hưởng, như thế
Tin liên quan
Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường type 2 đến sức khỏe răng miệng
Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường type 2 đến sức khỏe răng miệng

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng cơ thể sử dụng glucose hay đường trong máu để tạo năng lượng. Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng, gồm có tổn thương thần kinh, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận và thậm chí mù lòa. Một biến chứng cũng khá phổ biến mà những người mắc bệnh tiểu đường có thể gặp phải là bệnh về nướu (lợi) và các vấn đề về răng miệng khác.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?

Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải một số dạng rối loạn giấc ngủ và các chứng rối loạn khác ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Nhiệt độ cao và độ ẩm ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?
Nhiệt độ cao và độ ẩm ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?

Mùa hè có thể gây ra nhiều vấn đề cho những người mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy rằng thời tiết nóng bức có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe ở người bị tiểu đường và điều này khiến cho người bệnh trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ và độ ẩm cao.

Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?
Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?

Ngoài giảm chất lượng giấc ngủ và cảm giác mệt mỏi sau khi thức giấc, chứng ngưng thở khi ngủ còn gây ra nhiều tác động tiêu cực khác đến sức khỏe. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, chứng ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết trong suốt cả ngày, thay đổi cách cơ thể phản ứng với hormone insulin và góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường.

10 yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số A1C của người bệnh tiểu đường type 2
10 yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số A1C của người bệnh tiểu đường type 2

Xét nghiệm A1C là xét nghiệm máu được sử dụng để theo dõi hiệu quả của phác đồ điều trị bệnh tiểu đường type 2. Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình trong 2 đến 3 tháng gần nhất.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây