1

8 lợi ích đã được chứng minh của tinh dầu cúc chamomile

Tinh dầu là chất lỏng đậm đặc chứa các hợp chất hóa học dễ bay hơi được chiết xuất từ thực vật. Tinh dầu đã và đang được sử dụng rất phổ biến vì những lợi ích đối với sức khỏe. Lợi ích của tinh dầu cúc chamomile đã được một số nghiên cứu chứng minh. Loại tinh dầu này đã được sử dụng để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau.
8 lợi ích đã được chứng minh của tinh dầu cúc chamomile 8 lợi ích đã được chứng minh của tinh dầu cúc chamomile

Sự khác biệt giữa cúc La Mã và cúc Đức

Cúc chamomile thuộc họ Cúc, cùng họ với các loài hoa khác như cúc dại, cúc mâm xôi, cúc vạn thọ, cúc đồng tiền… Tinh dầu cúc chamomile được chiết xuất từ hoa của loài cây này.

Có hai loại hoa cúc chamomile:

  • Cúc La Mã (Roman chamomile, tên khoa học là Chamaemelum nobile hoặc Anthemis nobilis)
  • Cúc Đức (German chamomile, tên khoa học là Matricaria recutita hoặc Chamomilla recutita)

Hai loại hoa cúc này có đặc điểm hơi khác nhau một chút. Ngoài ra, thành phần hóa học của các hoạt chất trong hai loại cũng hơi khác nhau. Đã có nghiên cứu được thực hiện về cả hai loại. Hoạt chất được nghiên cứu nhiều nhất là chamazulene. Hàm lượng chamazulene trong hoa cúc Đức cao hơn so với cúc La Mã.

Các lợi ích của tinh dầu cúc chamomile

Việc sử dụng cúc chamomile đã được ghi chép trong các tài liệu y học từ thời Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại. Trong suốt nhiều thế kỷ, loài hoa này đã được sử dụng để điều trị:

  • rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như khó tiêu, buồn nôn và đầy hơi
  • chữa lành vết thương như vết cắt, bỏng và vết loét
  • giảm lo âu, căng thẳng
  • các bệnh về da như bệnh chàm và phát ban
  • chống viêm và giảm đau do các vấn đề như đau lưng, đau dây thần kinh và viêm khớp
  • mất ngủ

Các nghiên cứu đang bắt đầu làm sáng tỏ những lợi ích của tinh dầu cúc chamomile đối với sức khỏe và lý do tại sao loại hoa này được sử dụng làm thuốc chữa nhiều chứng bệnh khác nhau trong nhiều năm qua. Hãy cùng khám phá những lợi ích nổi bật của tinh dầu cúc chamomile.

1. Điều trị rối loạn tiêu hóa

Một nghiên cứu trên động vật vào năm 2014 đã đánh giá tác dụng của chiết xuất hoa cúc Đức đối với bệnh tiêu chảy. Các tác giả của nghiên cứu phát hiện ra rằng tinh dầu cúc chamomile có tác dụng ngăn ngừa tiêu chảy và tích tụ dịch trong ruột. (1)

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã sử dụng tinh dầu cúc chamomile pha loãng bôi lên da của những sản phụ sinh mổ để đánh giá tác động của tinh dầu đến hoạt động của đường ruột sau sinh. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những sản phụ bôi tinh dầu hoa cúc lên bụng thèm ăn trở lại sớm hơn và cũng “xì hơi” sớm hơn so với những người không sử dụng tinh dầu hoa cúc.

Một nghiên cứu khác đã nghiên cứu tác động của chiết xuất hoa cúc La Mã đến ruột của chuột lang, chuột thường và người. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chiết xuất cúc La Mã có đặc tính làm giãn cơ. Điều này có thể là lý do tại sao tinh dầu cúc chamomile được sử dụng cho các vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu và đau bụng.

2. Chữa lành vết thương

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã tìm hiểu về tác động của chiết xuất cúc La Mã đến quá trình chữa lành vết thương bị nhiễm trùng ở chuột. Thuốc mỡ chứa chiết xuất hoa cúc có đặc tính kháng khuẩn và chữa lành vết thương cao hơn đáng kể so với thuốc mỡ tetracycline và giả dược.

3. Điều trị rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Một nghiên cứu vào năm 2017 đã thử sử dụng chiết xuất cúc chamomile làm phương pháp điều trị ngắn hạn cho chứng rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder). Sau 8 tuần dùng chiết xuất hoa cúc, 58,1% người tham gia cho biết các triệu chứng lo âu có sự thuyên giảm. (2)

Nồng độ hormone cortisol ở mức thấp vào buổi sáng có liên quan đến chứng rối loạn lo âu. Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2018 cho thấy cúc chamomile có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn lo âu và tăng mức cortisol vào buổi sáng.

4. Điều trị trầm cảm

Trầm cảm và rối loạn lo âu thường xảy ra cùng nhau. Một nghiên cứu đã thử sử dụng chiết xuất hoa cúc Đức qua uống cho những người mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm.

Các nhà nghiên cứu quan sát thấy các triệu chứng trầm cảm giảm đáng kể sau 8 tuần điều trị ở nhóm sử dụng chiết xuất hoa cúc.

Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần lưu ý. Chiết xuất hoa cúc có thể uống được nhưng tinh dầu hoa cúc thì không.

5. Giảm kích ứng da

Các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu vào năm 2010 đã đánh giá hiệu quả của tinh dầu hoa cúc Đức trong việc làm giảm chứng viêm da dị ứng ở chuột.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các dấu hiệu dị ứng giảm đáng kể ở những con chuột được bôi tinh dầu hoa cúc so với những con chuột không được bôi tinh dầu.

6. Giảm đau

Một nghiên cứu vào năm 2015 đã tìm hiểu về tác dụng của tinh dầu cúc chamomile pha loãng trong điều trị bệnh thoái hóa khớp. Những người tham gia được yêu cầu thoa tinh dầu cúc chamomile 3 lần một ngày trong 3 tuần.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người thoa tinh dầu hoa cúc ít phải sử dụng thuốc giảm đau hơn nhiều so với những người không thoa tinh dầu. (3)

Một nghiên cứu khác đánh giá tác dụng của việc bôi tinh dầu cúc chamomile đối với hội chứng ống cổ tay. Sau 4 tuần, các triệu chứng bệnh ở nhóm điều trị bằng tinh dầu hoa cúc đã giảm nhẹ đáng kể so với nhóm dùng giả dược.

7. Cải thiện giấc ngủ

Cúc chamomile từ lâu đã được dùng để cải thiện giấc ngủ và các nghiên cứu cũng đã chứng minh điều này. Khi được sử dụng cho mục đích này, cúc chamomile thường được dùng qua đường uống.

Trong một nghiên cứu, 60 người cao tuổi được chia thành hai nhóm. Một nhóm được cho dùng viên uống chứa chiết xuất cúc chamomile hai lần một ngày, trong khi nhóm còn lại được cho dùng giả dược (viên uống không chứa chiết xuất hoa cúc).

Vào cuối nghiên cứu, những người dùng chiết xuất hoa cúc có chất lượng giấc ngủ tốt hơn nhiều so với nhóm dùng giả dược. (4)

8. Đặc tính chống ung thư

Một nghiên cứu vào năm 2019 đã đánh giá tác động của chiết xuất hoa cúc Đức đến tế bào ung thư trong điều kiện nuôi cấy. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các tế bào ung thư dễ chết hơn khi được điều trị bằng chiết xuất hoa cúc. (5)

Nghiên cứu này còn cho thấy chiết xuất hoa cúc có thể làm giảm khả năng hình thành mạch máu của tế bào ung thư. Khi không được cung cấp đủ máu, khối u ung thư sẽ không thể phát triển hoặc bị teo nhỏ.

Một nghiên cứu gần đây đã đánh giá tác dụng của hợp chất apigenin trong tinh dầu cúc chamomile. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng apigenin vừa giúp ức chế sự phát triển vừa gây chết tế bào ung thư ở người.

Cách sử dụng tinh dầu cúc chamomile

Tinh dầu cúc chamomile mang lại nhiều lợi ích ấn tượng như vậy nhưng làm thế nào để có được những lợi ích đó? Có hai cách sử dụng tinh dầu cúc chamomile là dùng ngoài da hoặc hít tinh dầu.

Hít tinh dầu

Hít tinh dầu cúc chamomile có thể giúp điều trị nhiều vấn đề như lo âu, căng thẳng và mất ngủ. Bạn có sử dụng máy khuếch tán tinh dầu hoặc pha loãng tinh dầu và cho vào bình xịt.

  • Máy khuếch tán: Máy khuếch tán giúp lan tỏa mùi thơm của tinh dầu đều khắp phòng. Bạn nên thực hiện theo đúng hướng dẫn của máy để đạt hiệu quả tối đa.
  • Xịt tinh dầu pha loãng: Pha 10 đến 15 giọt tinh dầu với khoảng 30ml nước trong một bình xịt thủy tinh và lắc đều trước khi sử dụng. Không sử dụng bình xịt nhựa vì tinh dầu có thể phân hủy nhựa theo thời gian.

Khi sử dụng tinh dầu hoa cúc hay bất kỳ loại tinh dầu nào làm liệu pháp mùi hương, bạn nên thực hiện ở những nơi thoáng khí. Không nên khuếch tán hay xịt tinh dầu ở nơi có phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em và vật nuôi.

Dùng ngoài da

Giống như nhiều loại tinh dầu khác, tinh dầu cúc chamomile cũng có thể được dùng ngoài da. Điều này có thể giúp giảm đau nhức, các vấn đề về tiêu hóa và lo âu.

Dù là loại tinh dầu nào thì cũng phải pha loãng với dầu nền trước khi thoa lên da. Bạn có thể sử dụng tinh dầu cúc chamomile theo một trong các cách sau đây:

  • Dùng làm dầu mát-xa: Pha loãng tinh dầu với một loại dầu nền thích hợp cho mát-xa như dầu dừa hay dầu jojoba. Lấy một lượng hỗn hợp dầu vừa đủ, thoa lên da và mát xa nhẹ nhàng trong vài phút.
  • Pha nước tắm: Trộn tinh dầu cúc chamomile với dầu nền và pha vào nước tắm ấm.
  • Trộn với kem dưỡng da: Thêm 1 hoặc 2 giọt tinh dầu cúc chamomile vào kem dưỡng hoặc lotion rồi sử dụng như bình thường.
  • Chườm: Thêm 1 đến 2 giọt tinh dầu cúc chamomile đã pha loãng vào nước ấm, nhúng một miếng vải hoặc khăn sạch vào nước rồi chườm lên vùng bị đau nhức như lưng hoặc bụng.

Rủi ro khi sử dụng tinh dầu cúc chamomile

Không uống tinh dầu vì tinh dầu rất đậm đặc và có thể gây hại khi vào trong cơ thể. Một số loại tinh dầu còn có thể gây ngộ độc. Nếu muốn uống, bạn nên chọn trà hoa cúc.

Để tinh dầu ngoài tầm với của trẻ em và vật nuôi.

Ngoài ra còn một số điều quan trọng khác bạn cần lưu ý trước khi sử dụng tinh dầu hoa cúc hay bất kỳ loại tinh dầu nào.

Kích ứng da

Tinh dầu có thể gây kích ứng da, đặc biệt là khi sử dụng tinh dầu không pha loãng. Bạn nên chấm thử một lượng nhỏ tinh dầu đã pha loãng vào bên trong khuỷu tay và theo dõi trong vài giờ trước khi sử dụng trên các khu vực khác của cơ thể.

Nếu vùng da bôi tinh dầu có biểu hiện đỏ, ngứa, nóng rát hay sưng tấy thì không được tiếp tục sử dụng nữa.

Dị ứng

Tinh dầu cúc chamomile có thể gây dị ứng ở một số người. Nếu bạn bị dị ứng với một loài cây khác thuộc họ cúc như cỏ phấn hương hay cúc vạn thọ thì khả năng cao là bạn cũng bị dị ứng với cúc chamomile.

Mặc dù hiếm gặp nhưng cúc chamomile có thể gây sốc phản vệ - một dạng phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Các dấu hiệu của sốc phản vệ gồm có:

  • Khó thở
  • Choáng váng, xây xẩm
  • Sưng cổ họng
  • Ho hoặc thở khò khè
  • Tức ngực
  • Phát ban
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Tiêu chảy

Khi gặp các triệu chứng này, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Tương tác thuốc

Cúc chamomile có thể tương tác với thuốc cyclosporine và warfarin. Nếu bạn đang dùng thuốc kê đơn thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu cúc chamomile.

Sử dụng khi mang thai hoặc cho con bú

Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu cúc chamomile hay bất kỳ loại tinh dầu nào.

Lưu ý khi mua tinh dầu cúc chamomile

Bạn cần lưu ý những điều sau đây khi mua tinh dầu cúc chamomile hoặc các loại tinh dầu khác:

  • Các loại tinh dầu đều không được quản lý nghiêm ngặt giống như thuốc. Do đó, cần chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất là của những hãng lớn, uy tín để đảm bảo chất lượng.
  • Kiểm tra tên khoa học của thành phần trong tinh dầu để đảm bảo mua đúng loại tinh dầu.
  • Chọn tinh dầu nguyên chất, không pha trộn: Chọn những sản phẩm mà thành phần chỉ gồm tinh dầu, không có thêm bất cứ thành phần nào khác. Một cách thử độ nguyên chất của tinh dầu là nhỏ tinh dầu lên một tờ giấy trắng. Tinh dầu nguyên chất sẽ nhanh chóng bốc hơi hết, không để lại dấu vết gì trên giấy. Nếu sản phẩm không bay hơi mà tạo thành vòng tròn trên giấy thì chứng tỏ sản phẩm đó đã bị pha trộn vói dầu thực vật.
  • Ngửi tinh dầu: Tinh dầu hoa cúc có mùi thơm sâu, nồng ấm và ngọt ngào. Nếu sản phẩm không có mùi hoặc mùi bất thường thì không nên mua. Nếu bạn đã từng dùng tinh dầu cúc chamomile thì cũng có thể dùng cách này để phân biệt tinh dầu thật giả.
  • Chọn tinh dầu được đựng trong lọ tối màu: Ánh sáng có thể làm hỏng tinh dầu, vì vậy hãy chọn những sản phẩm được đựng trong lọ tối màu.

Tóm tắt bài viết

Tinh dầu cúc chamomile từ lâu đã được sử dụng để trị nhiều vấn đề khác nhau, từ vấn đề về tiêu hóa cho đến chữa lành vết thương. Nghiên cứu hiện nay đã khám phá ra những lợi ích khác của loại tinh dầy này như giảm lo âu, trầm cảm, cải thiện giấc ngủ, giảm đau và thậm chí là hỗ trợ phòng ngừa ung thư.

Bạn có thể sử dụng tinh dầu cúc chamomile cùng với máy khuếch tán tinh dầu, pha loãng với dầu nền rồi thoa lên da, pha vào nước tắm hoặc trộn với sản phẩm dưỡng da. Giống như bất kỳ loại tinh dầu nào khác, hãy thử phản ứng da trước khi sử dụng.

Cần lưu ý, tinh dầu chưa được chứng minh là có tác dụng chữa khỏi bất kỳ một bệnh lý nào và tinh dầu cũng không thể thay thế các phương pháp điều trị chính thống. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu để điều trị bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Lưu Ý Khi Quan Hệ Tình Dục Sau Sinh Thường Có Thể Bạn Chưa Biết
Lưu Ý Khi Quan Hệ Tình Dục Sau Sinh Thường Có Thể Bạn Chưa Biết

Để bắt đầu quan hệ tình dục sau sinh thường bạn cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng sức khỏe của người mẹ, quá trình hồi phục sau sinh và tâm lý của cả hai vợ chồng. Điều quan trọng nữa là hai vợ chồng cần chủ động sử dụng biện pháp tránh thai trong khoảng thời gian đầu khi quan hệ tình dục sau sinh con.

Giảm các triệu chứng mãn kinh bằng dầu hoa anh thảo
Giảm các triệu chứng mãn kinh bằng dầu hoa anh thảo

Giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh thường gây ra các triệu chứng khó chịu như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, mệt mỏi và dễ cáu gắt. Có nhiều biện pháp tự nhiên để khắc phục các triệu chứng này, một trong số đó là dùng dầu hoa anh thảo.

Tinh dầu hoa oải hương có những lợi ích gì cho da?
Tinh dầu hoa oải hương có những lợi ích gì cho da?

Tinh dầu hoa oải hương mang lại một số lợi ích cho làn da như giảm viêm và cải thiện khả năng chữa lành vết thương. Có một điều cần lưu ý khi dùng tinh dầu hoa oải hương hay bất kỳ loại tinh dầu nào là phải pha loãng tinh dầu trước khi bôi lên da.

Tinh dầu bạc hà có lợi gì cho mái tóc?
Tinh dầu bạc hà có lợi gì cho mái tóc?

Tinh dầu là chất lỏng được chiết xuất từ các loài thực vật, có nồng độ hợp chất thực vật cao, có mùi thơm và dễ bay hơi. Tinh dầu bạc hà là loại tinh dầu được chiết xuất từ lá và thân cây bạc hà. Tinh dầu bạc hà là một trong những loại tinh dầu phổ biến nhất hiện nay. Tinh dầu bạc hà có thể được sử dụng cho mục đích chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và làm sạch.

Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà
Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và các vấn đề về tiêu hóa khác. Tinh dầu bạc hà còn giúp giảm đau và có lợi cho làn da.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây