1

Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và các vấn đề về tiêu hóa khác. Tinh dầu bạc hà còn giúp giảm đau và có lợi cho làn da.
Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà

Bạc hà là một loại thảo dược thân thảo lành tính, có mùi thơm mát và vị the, được sử dụng rộng rãi trong y học, ngoài ra còn được dùng làm gia vị nấu ăn và pha chế đồ uống. Tinh dầu bạc hà được chiết xuất từ thân và lá của cây bạc hà. Loại bạc hà được sử dụng phổ biến nhất làm tinh dầu là bạc hà Âu hay bạc hà cay (peppermint). Đây là một loại bạc hà lai giữa lục bạc hà (spearmint) và bạc hà nước (watermint).

Tinh dầu bạc hà được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Thành phần hóa học chính trong tinh dầu bạc hà là menthol và menthone. Nhưng ngoài ra tinh dầu bạc hà còn chứa các hợp chất khác.

Công dụng của tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có rất nhiều công dụng khác nhau, ví dụ như:

  • Thuốc chữa các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích, buồn nôn và các vấn đề về tiêu hóa khác, cảm lạnh và đau đầu
  • Bôi ngoài da để trị ngứa, đau cơ và đau đầu
  • Chất tạo mùi trong thực phẩm
  • Hương liệu trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như nước súc miệng, xà phòng và mỹ phẩm

Các cách sử dụng tinh dầu bạc hà

Có nhiều cách sử dụng tinh dầu bạc hà:

  • Bôi ngoài da
  • Khuếch tán vào không khí
  • Uống ở dạng viên nén hoặc viên nang
  • Nhỏ mũi

Lưu ý, chỉ những sản phẩm được sản xuất dưới dạng viên nén hoặc viên nang mới có thể uống. Không uống tinh dầu bạc hà dạng lỏng. Phải luôn pha loãng tinh dầu với dầu nền trước khi thoa lên da và chấm một lượng nhỏ lên da để thử phản ứng dị ứng trước khi dùng trên vùng da rộng.

Lợi ích của tinh dầu bạc hà

Theo các tài liệu được ghi chép lại, cây bạc hà được sử dụng làm thuốc từ thời Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm hiểu về những lợi ích của loại thảo mộc này đối với sức khỏe.

Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu hiện có.

Điều trị hội chứng ruột kích thích

Một số nghiên cứu đã tìm hiểu về lợi ích của tinh dầu bạc hà đối với hội chứng ruột kích thích (IBS). Đây là một rối loạn tiêu hoá mạn tính với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy và táo bón.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2019 gồm 12 thử nghiệm đã đánh giá hiệu quả của viên nang tinh dầu bạc hà trong điều trị hội chứng ruột kích thích khi so sánh với giả dược. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tinh dầu bạc hà giúp cải thiện triệu chứng đau bụng và các triệu chứng khác của hội chứng ruột kích thích. (1)

Các nhà nghiên cứu chưa lý giải được cơ chế điều trị hội chứng ruột kích thích và các bệnh đường tiêu hóa khác của tinh dầu bạc hà nhưng rất có thể là nhờ các tác dụng sau đây:

  • Làm giãn các cơ trơn của đường tiêu hóa
  • Chống viêm
  • Tác động đến hệ vi khuẩn trong đường tiêu hóa
  • Giảm cảm giác đau ở đường tiêu hóa

Điều trị các bệnh đường tiêu hóa khác

Tinh dầu bạc hà hoặc menthol, một trong những thành phần hóa học chính trong tinh dầu bạc hà, đã được sử dụng kết hợp với hạt caraway để khắc phục các triệu chứng khó tiêu chức năng (functional dyspepsia). Tình trạng này được có các triệu chứng đặc trưng là đầy hơi, chướng bụng và đau bụng.

Một tổng quan tài liệu vào năm 2019 đã tóm tắt kết quả của một số nghiên cứu về bạc hà, tinh dầu bạc hà và hạt caraway. Nhìn chung, phương pháp điều trị kết hợp này có vẻ hứa hẹn trong việc làm giảm các triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng.

Trong một tổng quan tài liệu khác gồm các nghiên cứu về điều trị bệnh đường tiêu hóa bằng thảo dược ở trẻ em và thiếu niên, tinh dầu bạc hà cho thấy hiệu quả trong việc giảm thời gian, tần suất và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng đau bụng khi so sánh với giả dược.

Tuy nhiên, tinh dầu bạc hà không có hiệu quả điều trị khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh khi so với thuốc simethicone.

Trị buồn nôn

Buồn nôn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và tình trạng này có thể xảy ra sau phẫu thuật. Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2016 đã đánh giá tác dụng của việc hít tinh dầu bạc hà để giảm buồn nôn sau phẫu thuật. Những bệnh nhâm tham gia cho biết họ cảm thấy đỡ buồn nôn hơn sau khi hít tinh dầu bạc hà. (2)

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 cũng đã đánh giá tác dụng của liệu pháp mùi hương đối với chứng buồn nôn sau phẫu thuật. Bốn trong số các nghiên cứu được xem xét trong tổng quan này đã so sánh tinh dầu bạc hà với giả dược. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hít tinh dầu bạc hà hầu như không có tác dụng làm giảm cảm giác buồn nôn sau phẫu thuật.

Buồn nôn và nôn cũng là tình trạng thường gặp trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Một nghiên cứu vào năm 2018 được thực hiện trên 56 phụ nữ mang thai đã đánh giá tác dụng giảm buồn nôn và nôn của liệu pháp mùi hương. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất cứ sự khác biệt đáng kể nào giữa tinh dầu bạc hà và giả dược.

Nghiên cứu còn tìm hiểu xem liệu tinh dầu bạc hà có giúp giảm buồn nôn ở những bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa trị hay không.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 80 bệnh nhân vào năm 2021 đã cho những bệnh nhân ung thư bôi một giọt tinh dầu bạc hà vào vùng giữa môi trên và mũi 3 lần một ngày trong 5 ngày sau khi hóa trị. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng cách này giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất buồn nôn và nôn.

Giảm đau

Tinh dầu lộc đề xanh (wintergreen) và tinh dầu bạc hà đã được sử dụng để giảm đau đầu do căng thẳng, đau nửa đầu và đau đầu do các nguyên nhân khác.

Trong một nghiên cứu vào năm 2019 so sánh tác dụng của tinh dầu bạc hà và thuốc gây tê tại chỗ lidocain đối với chứng đau nửa đầu, các nhà nghiên cứu nhận thấy cả hai đều giúp giảm khoảng 40% cường độ của cơn đau. Việc nhỏ tinh dầu bạc hà vào bên trong mũi đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm tần suất và cường độ đau đầu tương đương với lidocain. (3)

Một nghiên cứu khác đã đánh giá tác dụng của viên uống tinh dầu bạc hà ở những người bị chứng khó nuốt và đau ngực không do tim. Hơn một nửa số người sử dụng viên uống cho biết các triệu chứng có sự cải thiện.

Chăm sóc da và tóc

Tinh dầu bạc hà là một thành phần có trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm nhưng có rất ít nghiên cứu về lợi ích của bạc hà khi bôi lên da và tóc.

Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2016 đã đánh giá tác dụng của việc bôi tinh dầu bạc hà trực tiếp lên da đối với tình trạng ngứa mạn tính. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng dung dịch tinh dầu bạc hà 1% giúp làm giảm thời gian và mức độ ngứa.

Một nghiên cứu vào năm 2014 được thực hiện trên chuột đã so sánh tinh dầu bạc hà với minoxidil (Rogaine) và các hợp chất đối chứng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng dung dịch tinh dầu bạc hà 3% giúp lông chuột mọc dày và dài hơn sau 4 tuần điều trị, tương tự như kết quả khi sử dụng minoxidil.

Trong một nghiên cứu vào năm 2016 kiểm tra tác dụng của tinh dầu bạc hà khi dùng tại chỗ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tinh dầu bạc hà bôi tại chỗ giúp làm tăng lưu lượng máu đến da. Điều này có thể giúp thúc đẩy mọc tóc vì lưu lượng máu tăng sẽ giúp các nang tóc hoạt động tốt hơn.

Kháng khuẩn và nấm men

Tinh dầu bạc hà có đặc tính kháng khuẩn nhẹ. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để xác định tác dụng của tinh dầu bạc hà đối với các loại vi khuẩn và nấm khác nhau. Mỗi nghiên cứu cho ra kết quả khác nhau.

Một nghiên cứu vào năm 2019 đã chỉ ra rằng tinh dầu bạc hà có tác dụng chống lại một số chủng vi khuẩn như:

  • Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng)
  • Escherichia coli
  • Klebsiella pneumoniae
  • Proteus mirabilis
  • Pseudomonas aeruginosa
  • Acinetobacter baumannii

Nghiên cứu này cho thấy tiềm năng của tinh dầu bạc hà trong điều trị một số bệnh nhiễm trùng, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

Mặc dù kết quả này đầy hứa hẹn nhưng tác dụng kháng khuẩn của tinh dầu bạc hà phụ thuộc vào loại vi khuẩn.

Nghiên cứu khác cho thấy rằng mặc dù tinh dầu bạc hà có đặc tính kháng khuẩn nhưng kém hiệu quả hơn so với các loại tinh dầu khác đối với 20 chủng vi khuẩn Streptococcus suis khác nhau.

Một nghiên cứu từ năm 2017 đã đánh giá tác dụng kháng nấm Candida của một số loại tinh dầu. Mặc dù tinh dầu bạc hà có một số đặc tính giúp kháng nấm nhưng lại có hoạt tính thấp nhất trong số tất cả các loại tinh dầu được thử nghiệm.

Lưu ý khi sử dụng tinh dầu bạc hà

Không được uống tinh dầu bạc hà hay bất kỳ loại tinh dầu nào khác. Một số vấn đề có thể xảy ra khi uống tinh dầu bạc hà gồm có:

  • Ợ nóng
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Nếu muốn tạo mùi bạc hà cho món ăn hay đồ uống thì bạn cần chọn siro bạc hà hay các sản phẩm hương liệu bạc hà. Không cho tinh dầu bạc hà vào đồ ăn.

Thoa tinh dầu bạc hà lên da hay sử dụng tinh dầu bạc hà trong liệu pháp mùi hương nhìn chung là an toàn nhưng cần lưu ý, tinh dầu bạc hà trong không khí có thể gây độc cho vật nuôi. Trước khi sử dụng liệu pháp mùi hương, hãy luôn chú ý đến sự an toàn của trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và vật nuôi trong nhà.

Tinh dầu bạc hà có thể gây độc khi dùng liều quá lớn. Loại tinh dầu này có chứa một hợp chất độc hại tên là pulegone. Tinh dầu bạc hà được dùng trong mỹ phẩm thường chỉ chứa tối đa 1% pulegone, mặc dù đôi khi có thể chứa nhiều hơn.

Điều quan trọng cần nhớ là tinh dầu bạc hà và các loại tinh dầu khác rất đậm đặc nên phải luôn pha loãng với dầu nền trước khi thoa lên da. Tỷ lệ pha loãng thường là một vài giọt tinh dầu pha với khoảng 30ml dầu nền. Không được thoa tinh dầu chưa pha loãng lên da.

Tinh dầu bạc hà có thể gây kích ứng hoặc dị ứng khi thoa lên da. Hãy thử thoa một ít tinh dầu đã pha với dầu nền lên một vùng da nhỏ và theo dõi trong 24 giờ. Nếu không xảy ra phản ứng gì thì mới dùng cho vùng da lớn hơn.

Tương tác với thuốc

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng viên uống tinh dầu bạc hà hay bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào, đặc biệt là nếu bạn đang dùng thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn).

Tinh dầu bạc hà có thể ảnh hưởng đến tốc độ cơ thể phân hủy cyclosporine, một loại thuốc thường được sử dụng sau phẫu thuật ghép tạng để ngăn cơ thể đào thải tạng ghép. Tinh dầu bạc hà có thể khiến cyclosporine tồn tại trong máu lâu hơn bình thường.

Các loại thuốc được chuyển hóa bởi men gan có thể bị ảnh hưởng bởi tinh dầu bạc hà. Những loại thuốc này gồm có:

  • cyclosporin
  • simvastatin
  • lovastatin
  • ketoconazol

Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng tinh dầu bạc hà nếu đang dùng thuốc giảm axit dạ dày, chẳng hạn như:

  • Thuốc kháng axit
  • Thuốc chẹn H2 như famotidine
  • Thuốc ức chế bơm proton như omeprazole

Những ai không nên sử dụng tinh dầu bạc hà?

Những người nên tránh sử dụng tinh dầu bạc hà gồm có:

  • Người bị thiếu enzyme G6PD: Những người bị thiếu enzyme G6PD nên tránh sử dụng các sản phẩm từ bạc hà, bao gồm cả chiết xuất và tinh dầu bạc hà trong liệu pháp mùi hương.
  • Người đang dùng một số loại thuốc: Sử dụng tinh dầu bạc hà trong liệu pháp mùi hương có thể ức chế CYP3A4, một loại enzyme có chức năng phân hủy nhiều loại thuốc. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc kê đơn nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu bạc hà.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Không bôi tinh dầu bạc hà lên mặt và ngực của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tinh dầu bạc hà có thể bay hơi, đi vào mũi của trẻ và gây độc.

Liệu pháp mùi hương sử dụng tinh dầu bạc hà còn có thể gây độc cho vật nuôi như chó và mèo.

Tóm tắt bài viết

Tinh dầu bạc hà được chiết xuất từ lá và thân của cây bạc hà, thường là bạc hà peppermint. Tinh dầu bạc hà có nhiều tác dụng, chẳng hạn như giúp làm giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và các bệnh về đường tiêu hóa khác, giảm buồn nôn và giảm đau. Tinh dầu bạc hà còn có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm nhẹ. Một số lợi ích của tinh dầu bạc hà đã được nghiên cứu chứng minh. Tinh dầu bạc hà có thể được bôi lên da hoặc dùng trong liệu pháp mùi hương.

Tinh dầu bạc hà nói chung là an toàn nhưng dùng liều quá lớn có thể gây độc. Luôn phải pha loãng tinh dầu bạc hà với dầu nền trước khi sử dụng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dầu hoa anh thảo có những công dụng gì?
Dầu hoa anh thảo có những công dụng gì?

Dầu hoa anh thảo (evening primrose) được chiết xuất từ hạt của cây hoa anh thảo, một loài cây có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Từ lâu, loài cây này đã được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề khác nhau như bầm tím, bệnh trĩ và viêm họng.

Tinh dầu bạc hà có tác dụng trị đau đầu không?
Tinh dầu bạc hà có tác dụng trị đau đầu không?

Có rất nhiều biện pháp tự nhiên đã được sử dụng để trị đau đầu và một trong số đó là tinh dầu bạc hà. Tinh dầu bạc hà có dạng lỏng để bôi ngoài da hoặc khuếch tán vào không khí. Hiện nay còn có các sản phẩm viên uống tinh dầu bạc hà. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà còn được thêm vào một số loại đồ ăn và đồ uống.

Tinh dầu bạc hà có tác dụng gì đối với hội chứng ruột kích thích (IBS)?
Tinh dầu bạc hà có tác dụng gì đối với hội chứng ruột kích thích (IBS)?

Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome – IBS) là một rối loạn tiêu hoá gây ra các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy và táo bón. Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này vẫn chưa được xác định nhưng các tác nhân kích hoạt triệu chứng gồm có mốt số loại thực phẩm, đồ uống và stress.

Tinh dầu hương thảo có tác dụng trị rụng tóc không?
Tinh dầu hương thảo có tác dụng trị rụng tóc không?

Tinh dầu hương thảo có thể giúp ngăn ngừa rụng tóc và hỗ trợ mọc tóc. Tuy nhiên, bôi quá nhiều tinh dầu có thể gây ra tác dụng phụ.

Phụ nữ mang thai có được dùng tinh dầu khuynh diệp không?
Phụ nữ mang thai có được dùng tinh dầu khuynh diệp không?

Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về việc sử dụng tinh dầu, bao gồm cả tinh dầu khuynh diệp trong thời gian mang thai nhưng khuynh diệp là một loại thảo dược tương đối an toàn với phụ nữ mang thai nếu sử dụng đúng cách.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây