1

Dầu hoa anh thảo có những công dụng gì?

Dầu hoa anh thảo (evening primrose) được chiết xuất từ hạt của cây hoa anh thảo, một loài cây có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Từ lâu, loài cây này đã được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề khác nhau như bầm tím, bệnh trĩ và viêm họng.
Dầu hoa anh thảo có những công dụng gì? Dầu hoa anh thảo có những công dụng gì?

Tác dụng chữa bệnh của dầu hoa anh thảo có thể là nhờ hàm lượng axit gamma-linolenic (GLA) cao. GLA là một loại axit béo omega-6 có trong dầu thực vật. Dầu hoa anh thảo thường được dùng dưới dạng thực phẩm chức năng hoặc bôi tại chỗ.

Những lợi ích của dầu hoa anh thảo

Dầu hoa anh thảo có thể mang lại một số lợi ích nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận những công dụng của loại dầu này.

Hiện chưa có đủ bằng chứng chứng minh bất kỳ công dụng nào của dầu hoa anh thảo trong điều trị bệnh. Mặc dù vậy nhưng nói chung đây là một loại dầu an toàn khi sử dụng lâu dài và một số nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích mà loại dầu này có thể mang lại. Dưới đây là một số lợi ích nổi bật của dầu hoa anh thảo.

1. Giảm mụn trứng cá

Một số ý kiến cho rằng GLA trong dầu hoa anh thảo có thể giúp trị mụn trứng cá bằng cách giảm viêm da và số lượng tế bào da gây tổn thương. Ngoài ra, dầu hoa anh thảo còn giúp giữ ẩm cho da.

Theo một nghiên cứu vào năm 2022, dầu hoa anh thảo có thể giúp giảm một số tác dụng phụ của thuốc isotretinoin (Accutane) – một loại thuốc trị mụn trứng cá nặng.

Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy uống bổ sung GLA giúp làm giảm tổn thương do mụn viêm và không viêm.

Nhưng vẫn cần có thêm những nghiên cứu lớn hơn, kéo dài hơn để xác định tính an toàn và hiệu quả của dầu hoa anh thảo trong trị mụn trứng cá.

2. Điều trị bệnh chàm

Tại một số quốc gia, dầu hoa anh thảo đã được phê duyệt để điều trị bệnh chàm (eczema), một bệnh lý viêm da.

Một nghiên cứu vào năm 2018 tại Hàn Quốc đã kết luận rằng dầu hoa anh thảo giúp cải thiện điểm số Chỉ số diện tích và mức độ nghiêm trọng của bệnh chàm (EASI) ở những người bị bệnh chàm nhẹ so với giả dược. Theo các tác tác giả của nghiên cứu, tình trạng mất nước qua da và hydrat hóa da có sự cải thiện ở nhóm tình nguyện viên sử dụng dầu hoa anh thảo.

Nghiên cứu này không đánh giá hiệu quả của dầu hoa anh thảo đối với bệnh chàm khi sử dụng tại chỗ.

3. Cải thiện sức khỏe tổng thể của da

GLA trong dầu hoa anh thảo có thể có lợi cho cấu trúc và chức năng của da. Vì da không thể tự sản xuất GLA nên việc sử dụng dầu hoa anh thảo giàu GLA có thể giúp giữ cho làn da khỏe mạnh.

Cả hai nghiên cứu được đề cập ở bên trên đều chỉ ra rằng dầu hoa anh thảo cải thiện sự hydrat hóa da ở những người tham gia.

Theo một nghiên cứu vào năm 2005, uống dầu hoa anh thảo có thể giúp làn da mịn màng và tăng sự đàn hồi, độ ẩm, sự săn chắc, đồng thời giảm tình trạng mệt mỏi.

4. Giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt

Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy dầu hoa anh thảo có hiệu quả trong điều trị các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome), chẳng hạn như:

  • Vú căng đau
  • Cáu gắt
  • Chướng bụng
  • Nổi mụn

Các nhà nghiên cứu tin rằng một số phụ nữ gặp phải các triệu chứng này do nhạy cảm với hormone prolactin trong cơ thể. GLA chuyển đổi thành một chất có tên là prostaglandin E1. Chất này được cho là có thể giúp ngăn chặn prolactin kích hoạt các triệu chứng tiền kinh nguyệt.

5. Giảm đau vú

GLA trong dầu hoa anh thảo được cho là có tác dụng giảm viêm và ức chế prolactin – hormone gây hiện tượng đau vú vào kỳ kinh nguyệt.

Nhưng một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy so với các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) tại chỗ, danazol và vitamin E thì dầu hoa anh thảo chỉ hiệu quả tương đương giả dược.

Tuy nhiên, theo các tác giả nghiên cứu, dầu hoa anh thảo hiếm khi gây ra tác dụng phụ bất lợi nên phụ nữ có thể thử dùng loại dầu này để giảm tình trạng đau vú vào kỳ kinh nguyệt.

6. Giảm bốc hỏa

Một số người tin rằng dầu hoa anh thảo có thể làm giảm tình trạng bốc hỏa, một trong những vấn đề khó chịu nhất vào thời kỳ mãn kinh.

Trong một nghiên cứu nhỏ vào năm 2021, những phụ nữ sử dụng dầu hoa anh thảo vào thời kỳ mãn kinh ít bị đổ mồ hôi vào ban đêm hơn so với những người không sử dụng dầu hoa anh thảo.

Nhưng Trung tâm Y học Tổng hợp và Bổ sung Quốc gia Hoa Kỳ (NCCIH) lưu ý rằng chưa có đủ bằng chứng chứng minh hiệu quả của dầu hoa anh thảo đối với tình trạng bốc hỏa cũng như các triệu chứng mãn kinh khác.

7. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Trên toàn thế giới có hàng trăm triệu người đang mắc bệnh tim mạch. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, ước tính cướp đi sinh mạng của khoảng 18 triệu người mỗi năm. Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống như sử dụng thuốc, không ít người tìm đến các biện pháp tự nhiên để kiểm soát bệnh tim mạch, chẳng hạn như dầu hoa anh thảo.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy rằng dầu hoa anh thảo có thể giúp cải thiện mức cholesterol và điều này có lợi cho sức khỏe tim mạch. Nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng công dụng của dầu hoa anh thảo đôi với sức khỏe tim mạch.

9. Giảm đau dây thần kinh

Bệnh thần kinh ngoại biên là một biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường và một số bệnh lý khác. Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018, các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng các axit béo như axit linolenic có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh thần kinh, chẳng hạn như:

  • Tăng nhạy cảm với nóng và lạnh
  • Châm chích
  • Yếu cơ

Tuy nhiên, cần có thêm các thử nghiệm lâm sàng trên người để kiểm chứng những lợi ích này của axit béo và dầu hoa anh thảo.

10. Giảm đau xương

Một nguyên nhân phổ biến gây đau xương là viêm khớp dạng thấp, một bệnh lý viêm khớp mạn tính. Theo một nghiên cứu nhỏ vào năm 2017, GLA trong dầu hoa anh thảo có tác dụng giảm đau do viêm khớp dạng thấp mà không gây ra tác dụng phụ.

Tuy nhiên, vẫn cần có thêm các nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác nhận điều này.

Tác dụng phụ và rủi ro

Dầu hoa anh thảo an toàn với hầu hết mọi người khi sử dụng trong thời gian ngắn. Tính an toàn của loại dầu này khi sử dụng trong thời gian dài chưa được xác định.

Khác với thuốc, các loại thực phẩm chức năng không được giám sát về chất lượng. Khi mua viên uống dầu hoa anh thảo, hãy tìm hiểu kỹ và lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Không mua những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Dầu hoa anh thảo có thể gây ra một số tác dụng phụ nhưng đa số các tác dụng phụ thường nhẹ, ví dụ như:

  • Đau bụng
  • Khó tiêu
  • Đau đầu
  • Tiêu chảy nhẹ

Dùng liều tối thiếu có thể giúp ngăn ngừa tác dụng phụ.

Do chưa có đủ nghiên cứu nên chưa rõ tính an toàn của dầu hoa anh thảo khi sử dụng trong thời gian mang thai và cho con bú.

Dầu hoa anh thảo có thể gây dị ứng ở một số người. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng gồm có:

  • Viêm da ở bàn tay và bàn chân
  • Da mẩn đỏ
  • Khó thở
  • Thở khò khè

Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này khi dùng dầu hoa anh thảo, ngừng sử dụng ngay. Nếu có triệu chứng nghiêm trọng như sưng phù và khó thở thì phải nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Tương tác với thuốc

Dầu hoa anh thảo có thể tương tác với một số loại thuốc.

Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu, dầu hoa anh thảo có thể làm tăng nguy cơ chảy máu do loại dầu này có đặc tính làm loãng máu.

Dầu hoa anh thảo có thể làm giảm huyết áp nên nếu bạn đang dùng thuốc trị cao huyết áp hoặc thuốc chống đông máu thì nên không nên dùng loại dầu này.

Dầu hoa anh thảo còn có thể làm tăng tác dụng của thuốc trị HIV lopinavir, có nghĩa là tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của thuốc.

Tóm tắt bài viết

Nghiên cứu cho thấy dầu hoa anh thảo có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe như giảm mụn trứng cá, điều trị bệnh chàm, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệ và mãn kinh, giảm đau thần kinh. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu thêm để kiểm chứng những lợi ích này. Cho đến khi có kết luận chính thức, không nên sử dụng dầu hoa anh thảo thay cho các phương pháp điều trị chính thống.

Hiện không có liều dùng dầu hoa anh thảo tiêu chuẩn. Hầu hết các khuyến nghị về liều dùng hiện tại đều dựa trên liều lượng được sử dụng trong các nghiên cứu. Bạnn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng dầu hoa anh thảo để điều trị bất kỳ bệnh lý nào.

Luôn sử dụng liều tối thiểu để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ. Nếu có biểu hiện bất thường khi dùng dầu hoa anh thảo, hãy ngừng sử dụng ngay. Nếu các triệu chứng kéo dài dai dẳng, hãy đi khám bác sĩ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dầu hoa anh thảo có tác dụng trị bệnh chàm (eczema) không?
Dầu hoa anh thảo có tác dụng trị bệnh chàm (eczema) không?

Hoa anh thảo (evening primrose) là một loài cây có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và còn được tìm thấy ở một số khu vực thuộc châu Âu. Loài cây này nở hoa vào buổi tối. Dầu hoa anh thảo được chiết xuất từ hạt của cây. Dầu hoa anh thảo chứa axit béo omega-3 và axit gamma-linolenic (GLA) – một loại axit béo omega-6. Dầu hoa anh thảo được sản xuất ở dạng viên nang để dùng qua đường uống. Loại dầu này còn là thành phần trong một số sản phẩm chăm sóc da.

Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà
Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và các vấn đề về tiêu hóa khác. Tinh dầu bạc hà còn giúp giảm đau và có lợi cho làn da.

Tinh dầu hương thảo có tác dụng trị rụng tóc không?
Tinh dầu hương thảo có tác dụng trị rụng tóc không?

Tinh dầu hương thảo có thể giúp ngăn ngừa rụng tóc và hỗ trợ mọc tóc. Tuy nhiên, bôi quá nhiều tinh dầu có thể gây ra tác dụng phụ.

Công dụng và lợi ích của tinh dầu nhũ hương (olibanum)
Công dụng và lợi ích của tinh dầu nhũ hương (olibanum)

Tinh dầu nhũ hương được chiết xuất từ nhựa của cây nhũ hương (olibanum hay frankincense, tên khoa học là Boswellia carterii Birdw). Nhựa nhũ hương từ lâu đã được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền. Tinh dầu nhũ hương có nhiều công dụng, gồm có sản xuất nước hoa và sử dụng trong liệu pháp mùi hương. Loại tinh dầu này còn được sử dụng trong chăm sóc da và sức khỏe tổng thể.

Kích thích chuyển dạ bằng dầu hoa anh thảo có an toàn không?
Kích thích chuyển dạ bằng dầu hoa anh thảo có an toàn không?

Dầu hoa anh thảo có thể giúp làm mềm cổ tử cung nhưng vẫn chưa rõ liệu loại dầu này có tác dụng kích thích chuyển dạ hay không. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào trong thời gian mang thai.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây