1

11 cách trị rạn da nên thử

Có rất nhiều phương pháp trị rạn da, từ các sản phẩm bôi ngoài da cho đến các công nghệ điều trị xâm lấn. Mặc dù các sản phẩm bôi da đều không thể loại bỏ được hoàn toàn vết rạn nhưng có thể giúp rạn da mờ nhanh hơn.
11 cách trị rạn da nên thử 11 cách trị rạn da nên thử

Rạn da hình thành khi da bị kéo căng quá mức trong thời gian dài. Điều này có thể xảy ra do cơ thể tăng trưởng nhanh trong thời gian dậy thì, do mang thai hoặc do tăng cân. Rạn da là điều rất bình thường và không gây hại gì đến sức khỏe.

Bất kỳ ai cũng có thể bị rạn da, dù nam hay nữ. Mang thai và dậy thì là hai giai đoạn mà da dễ bị rạn nhất trong đời.

Ban đầu, vết rạn da thường có dạng đường mảnh màu đỏ hoặc tím và hơi gồ hơi lên. Hầu hết các vết rạn da đều tự mờ dần theo thời gian.

Khi mờ đi, vết rạn da sẽ có màu sáng hơn so với vùng da xung quanh, hơi bóng, trông giống như vết sẹo và không còn lộ rõ như ban đầu nữa.

Có rất nhiều phương pháp trị rạn da, từ các sản phẩm bôi ngoài da cho đến các công nghệ điều trị xâm lấn. Mặc dù các sản phẩm bôi da đều không thể loại bỏ được hoàn toàn vết rạn nhưng có thể giúp rạn da mờ nhanh hơn.

Tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm này ngay từ khi vết rạn mới hình thành.

Các biện pháp trị rạn da tại nhà

1. Vitamin A

Dạng vitamin A được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da là retinoid (dẫn xuất vitamin A). Retinoid có thể làm cho da trở nên căng mịn và tươi trẻ hơn. Thành phần này có trong nhiều loại kem bôi da cả kê đơn và không kê đơn.

Nghiên cứu từ năm 2015 tập trung vào tretinoin - một dạng retinol mạnh được dùng trong các loại kem bôi theo đơn (retinol là một loại retinoid). Trong một nghiên cứu từ năm 1996, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tretinoin giúp vết rạn da nhỏ lại và mờ đi. (1)

Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu mới, quy mô lớn để kiểm chứng hiệu quả của tretinoin trong điều trị rạn da.

Các sản phẩm chứa thành phần vitamin A có thể gây kích ứng da nên phải dùng đúng theo hướng dẫn và thận trọng trong thời gian đầu sử dụng. Phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc có ý định mang thai trong tương lai gần không nên dùng retinoid vì thành phần này có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

2. Axit hyaluronic

Axit hyaluronic (HA) có tác dụng giữ ẩm và phục hồi da. Đây là một thành phần có trong nhiều loại lotion, serum và kem dưỡng.

Sự xuất hiện các vết rạn da là dấu hiệu cho thấy cấu trúc bên dưới của da đã có sự thay đổi. Bị rạn có nghĩa là da đã trở nên kém đàn hồi hơn, một phần là do collagen không còn thực hiện tốt chức năng bình thường, đó là tạo “bộ khung” nâng đỡ làn da.

Theo một nghiên cứu vào năm 2014, axit hyaluronic có thể tác động đến độ đàn hồi của da.

Trên thực tế, một số nghiên cứu từ năm 2017 cho thấy rằng axit hyaluronic có thể giúp cải thiện các vết rạn da, mặc dù cần phải nghiên cứu thêm để khẳng định chắc chắn. Bạn có thể thử thoa các sản phẩm dưỡng da chứa axit hyaluronic lên vùng da bị rạn mỗi ngày xem các vết rạn có mờ đi hay không.

3. Rau má

Rau má (Centella asiatica) là một loại rau ăn được, được dùng làm thảo dược chữa bệnh và cũng là một thành phần được sử dụng trong các sản phẩm dưỡng da.

Tinh chất rau má có trong một số sản phẩm trị sẹo, làm dịu và phục hồi da.

Rau má có chứa các chất giúp giảm viêm và thúc đẩy sự sản xuất collagen. Nghiên cứu từ năm 2015 cho thấy rằng các loại kem chứa tinh chất rau má có thể giúp ngăn ngừa rạn da khi mang thai và làm mờ các vết rạn. (2)

4. Đường

Đường là một thành phần tẩy da chết phổ biến. Các tinh thể nhỏ nhẹ nhàng loại bỏ đi lớp tế bào chết và giúp cho da trở nên mịn màng, tươi sáng hơn.

Mài da vi điểm (microdermabrasion) là một trong số ít các phương pháp đã được chứng minh lâm sàng là giúp làm mờ vết rạn da. Phương pháp này có nguyên lý là loại bỏ đi lớp da trên cùng, nhờ đó mà lớp tế bào da cũ được thay thế bằng lớp tế bào mới sáng màu hơn. Điều này giúp dần dần làm mờ thâm, sạm, sẹo và vết rạn. Vì tẩy da chết bằng đường cũng có nguyên lý tương tự, chỉ có là điều là tác động nhẹ hơn nên có thể thử dùng đường để cải thiện rạn da. Cách này có ưu điểm là có thể sử dụng chính các nguyên liệu sẵn có trong nhà.

Các bước tẩy da chết bằng đường:

  1. Chuẩn bị 1/2 chén đường và một thành phần làm mềm da như dầu hạnh nhân hoặc dầu dừa. Trộn dầu vào đường từng chút một cho đến khi hỗn hợp vừa đủ đặc, không quá loãng để tránh bị chảy và không quá đặc để có thể dễ dàng bôi đều lên da. Có thể cần sử dụng đến 1/2 chén dầu.
  2. Nhẹ nhàng chà hỗn hợp đường và dầu trên vùng da có vết rạn.
  3. Rửa sạch bằng nước ấm.
  4. Thực hiện 2 - 3 lần mỗi tuần trong khi tắm.

Mỗi lần bạn có thể trộn nhiều một chút để dùng dần. Sau khi trộn, bảo quản hỗn hợp đường và dầu trong hộp kín nhưng không nên để quá lâu. Nếu hỗn hợp chuyển màu hoặc có mùi lạ thì cần phải trộn mẻ mới.

5. Lô hội

Lô hội hay nha đam từ lâu đã được sử dụng trong làm đẹp. Phần thịt trong suốt bên trong lá lô hội có thể được dùng để thoa trực tiếp lên da nhằm làm dịu và dưỡng ẩm.

Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy rằng lô hội giúp làm lành vết bỏng và vết thương. (3) Vì rạn da là một dạng sẹo do các lớp bên dưới của da bị tổn thương nên đặc tính phục hồi da của lô hội có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm mờ các vết rạn da.

Mặc dù có rất ít bằng chứng lâm sàng cho thấy lô hội có tác dụng trị rạn da nhưng thoa gel lô hội tươi lên da vẫn là một cách đáng thử vì có tác dụng làm mềm và phục hồi da tự nhiên.

Thoa lô hội tươi hoặc các sản phẩm gel lô hội bán sẵn lên vết rạn da hàng ngày sau khi tắm.

6. Dầu dừa

Dầu dừa nguyên chất có một số lợi ích đối với làn da. Loại dầu này có thể giúp củng cố hàng rào bảo vệ da.

Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy rằng dầu dừa giúp cải thiện tình trạng da khô và một số bệnh nhiễm trùng da. Và trong một nghiên cứu được thực hiện trên chuột vào năm 2010, dầu dừa nguyên chất đã giúp cho các vết thương trên da nhanh lành hơn.

Chưa có nhiều bằng chứng cho thấy dầu dừa có thể trị rạn da và nghiên cứu về tác dụng trị rạn da của các loại dầu thực vật khác như dầu ô liu, dầu hạnh nhân và bơ ca cao cũng không cho thấy bất kỳ sự cải thiện nào.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào năm 2015 thì mát-xa da bằng dầu có thể giúp ngăn ngừa rạn da. (4) Mát-xa nhẹ nhàng vùng da bị rạn với dầu dừa hàng ngày còn có thể giúp da căng mịn hơn và góp phần làm cho vết rạn mờ đi. Hơn nữa, cách này rất lành tính, không gây hại gì đến da.

Tất nhiên, nếu bạn bị dị ứng với dừa nên không nên sử dụng dầu dừa trên da.

Cần lưu ý rằng bất kỳ thành phần bôi da nào đều có thể gây dị ứng hoặc kích ứng, bao gồm cả các thành phần tự nhiên. Vì vậy nên nếu nhận da có phản ứng bất thường như nóng rát, mẩn đỏ, ngứa ngáy hay sưng tấy thì phải ngừng sử dụng ngay.

Các phương pháp trị rạn da chuyên sâu

Nếu đã thử các biện pháp bôi da kể trên mà không hiệu quả thì có thể phải điều trị bằng các phương pháp chuyên sâu.

Mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng các vết rạn da có sự cải thiện rõ rệt khi điều trị bằng các phương pháp dưới đây.

Một điều quan trọng cần lưu ý là không phải phương pháp điều trị chuyên sâu nào cũng có thể xóa hoàn toàn rạn da và không có bất kỳ phương pháp nào có thể ngăn ngừa vết rạn mới.

7. Liệu pháp laser

Liệu pháp laser sử dụng ánh sáng mạnh, tập trung vào một điểm nhỏ trên da. Theo nghiên cứu vào năm 2017, điều trị bằng laser có thể kích thích sự sản xuất collagen và giúp các vết rạn da mờ dần, giống với vùng da xung quanh nhưng hiệu quả tùy thuộc vào loại tia laser được sử dụng. Một số công nghệ laser cần điều trị nhiều lần để có kết quả rõ rệt.

Ngoài làm mờ rạn da, liệu pháp laser còn có các công dụng khác như làm căng mịn, trẻ hóa da, trị sẹo và điều trị bệnh trứng cá đỏ.

8. Mài da vi điểm

Mài da vi điểm (microdermabrasion) là một dạng tẩy tế bào chết nhưng tác động mạnh hơn nhiều so với các biện pháp tẩy tế bào chết tại nhà. Phương pháp này sử dụng một dụng cụ cầm tay bôi chất làm mòn lên da để nhẹ nhàng loại bỏ đi lớp tế bào trên cùng của da.

Số lượng nghiên cứu về tác dụng của phương pháp mài da vi điểm đối với rạn da hiện chưa có nhiều nhưng một đánh giá nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy phương pháp này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng rạn da.

9. Lăn kim vi điểm

Phương pháp lăn kim vi điểm (microneedling) sử dụng một dụng cụ giống như con lăn có gắn hàng trăm đầu kim siêu nhỏ lăn trên da để tạo ra các vết thương cực nhỏ trên da. Điều này kích thích da sản xuất collagen và elastin, nhờ đó giúp làn da lỏng lẻo trở nên căng và săn chắc hơn.

Không giống như các dụng cụ được dùng tại nhà, phương pháp lăn kim vi điểm được thực hiện tại bệnh viện hay spa đi sâu hơn vào da để thúc đẩy khả năng tự chữa lành tự nhiên của da. Do đó nên phương pháp này cho hiệu quả cao hơn và an toàn hơn.

Lăn kim vi điểm là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu giúp làm phẳng và mờ vết rạn da, thậm chí là cả những vết rạn cũ và ngoài ra, phương pháp này còn giúp làm đều màu da.

10. Liệu pháp điều trị bằng sóng cao tần

Phương pháp điều trị bằng sóng cao tần (radiofrequency – RF) sử dụng tần số vô tuyến truyền năng lượng vào da để kích thích sự sản sinh collagen. Kết quả là làn da trở nên săn chắc hơn.

Gần đây, phương pháp điều trị bằng sóng cao tần được kết hợp với lăn kim vi điểm để năng lượng sóng cao tần vào sâu hơn trong da. Theo nghiên cứu vào năm 2019, các đầu kim siêu nhỏ xuyên qua da và đưa sóng cao tần vào trong da, kích thích các lớp collagen ở sâu bên dưới.

Nghiên cứu vào năm 2019 chỉ ra rằng liệu pháp điều trị bằng sóng cao tần có thể làm giảm rạn da nhưng cần nghiên cứu thêm để so sánh hiệu quả của phương pháp này với các phương pháp điều trị khác hiện có.

11. Peel da hóa học

Peel da hóa học (chemical peel) là phương pháp bôi một loại dung dịch axit, chẳng hạn như axit glycolic, lên bề mặt da. Dung dịch peel da được dùng tại bệnh viện có nồng độ cao hơn so với các sản phẩm peel da dùng tại nhà.

Peel da hóa học giúp tẩy tế bào chết, tác động sâu xuống da và thúc đẩy sự sản sinh collagen. Điều này có thể làm cho các vết rạn da trở nên nhỏ đi.

Nói chung, các phương pháp điều trị chuyên sâu sẽ cho hiệu quả cao hơn so với các biện pháp điều trị rạn da tại nhà. Tuy nhiên, những phương pháp này lại có chi phí cao hơn và cũng phải điều trị nhiều lần mới có thể làm mờ hoặc loại bỏ hoàn toàn các vết rạn.

Hơn nữa, không phải phương pháp nào cũng phù hợp với mọi loại da.

Ai có thể bị rạn da?

Bất kỳ ai cũng có thể bị rạn da nhưng một số người có nguy cơ rạn da cao hơn. Di truyền là một trong những yếu tố chính quyết định nguy cơ rạn da. Nếu có người thân trong gia đình bị rạn da thì khả năng bạn bị rạn da sẽ khá cao.

Mang thai là một nguyên nhân phổ biến gây rạn da. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 cho thấy có tới 90% phụ nữ mang thai bị rạn da.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ rạn da còn có:

  • Sử dụng corticoid
  • Giảm hoặc tăng cân quá nhanh
  • Cơ thể phát triển nhanh trong giai đoạn dậy thì
  • Phẫu thuật nâng ngực
  • Tăng cơ nhanh chóng, chẳng hạn như do tập thể hình

Tóm tắt bài viết

Rạn da là một vấn đề rất phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như tăng trưởng quá nhanh, thay đổi cân nặng đột ngột và mang thai. Đa phần thì các vết rạn da sẽ tự mờ dần theo thời gian, kể cả khi không điều trị.

Tuy nhiên, nếu muốn thì có thể thử trị rạn da bằng các sản phẩm bôi da như retinoid, axit hyaluronic, tinh chất rau má, dầu dừa hay lô hội. Mặc dù không loại bỏ được hoàn toàn vết rạn nhưng những sản phẩm này có thể dưỡng ẩm da, giúp da căng mịn, thúc đẩy quá trình lành da và làm cho các vết rạn mờ đi. Các biện pháp trị rạn da tại nhà có ưu điểm là an toàn và đỡ tốn kém nhưng để xóa bỏ các vết rạn da thì sẽ cần phải điều trị bằng các biện pháp chuyên sâu như laser, mài da, lăn kim vi điểm hay peel da hóa học, tùy vào mức độ rạn, vị trí bị rạn trên cơ thể và loại da.

Phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi điều trị rạn để đảm bảo an toàn và tốt nhất nên chờ đến khi sinh xong mới tiến hành điều trị vì cơ thể sẽ không ngừng thay đổi trong suốt thai kỳ và giai đoạn đầu sau sinh.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ran da
Tin liên quan
Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ và cách điều trị
Các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ và cách điều trị

Mặc dù viêm da cơ địa gây khó chịu và thường khó điều trị nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng bệnh ở trẻ nhỏ.

5 cách đơn giản để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh
5 cách đơn giản để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Ở người lớn, viêm da tiết bã là nguyên nhân gây ra gàu còn ở trẻ sơ sinh, tình trạng này được dân gian gọi là “cứt trâu” và có biểu hiện là những mảng vảy dày có màu nâu vàng trên đầu của trẻ.

Cách trị gàu bằng dầu dừa
Cách trị gàu bằng dầu dừa

Không chỉ là một loại dầu được dùng trong nấu ăn, dầu dừa còn có nhiều công dụng trong chăm sóc da và tóc. Nhờ đặc tính dưỡng ẩm nên dầu dừa có thể giúp cải thiện tình trạng da khô và bong tróc, bao gồm cả gàu.

Cách trị chấy bằng dầu dừa
Cách trị chấy bằng dầu dừa

Axit lauric trong dầu dừa có tác dụng tiêu diệt chấy. Mặc dù dầu dừa không hiệu quả bằng các loại dầu gội và thuốc trị chấy nhưng lại ít độc hại hơn. Nếu bạn có da quá nhạy cảm và không sử dụng được các sản phẩm chứa hóa chất thì có thể thử dầu dừa xem sao.

Nguyên nhân và cách điều trị da nhăn nheo
Nguyên nhân và cách điều trị da nhăn nheo

Có nhiều phương pháp để làm giảm nếp nhăn trên da và cải thiện tình trạng da. Việc lựa chọn một phương pháp phù hợp sẽ phụ thuộc vào loại da, nguyên nhân gây ra nếp nhăn và vị trí cần điều trị trên cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây