Liệu pháp áp lạnh điều trị mụn cóc
Liệu pháp áp lạnh là gì?
Liệu pháp áp lạnh là một trong những cách để điều trị mụn cóc, trong đó sử dụng nitơ lỏng - một chất làm lạnh sâu để đóng băng và phá hủy mô mụn cóc.
Vậy cụ thể phương pháp này được thực hiện như thế nào? Có hiệu quả hay không? Và có những rủi ro nào?
Trị được loại mụn cóc nào?
Hầu hết các loại mụn cóc không phải ở bộ phận sinh dục đều có thể xử lý được bằng phương pháp áp lạnh. Nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp áp lạnh cho hiệu quả cao nhất khi trị mụn cóc ở tay và mụn cóc Plantar ở lòng bàn chân.
Đối tượng
Nếu đã thử các phương pháp trị mụn cóc khác như axit salicylic mà không hiệu quả thì có thể cân nhắc liệu pháp áp lạnh. Đây cũng là một lựa chọn dành cho những người muốn loại bỏ mụn cóc một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, phương pháp này có thể sẽ không phù hợp với những người chịu đau kém, chẳng hạn như trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Quy trình thực hiện
Liệu pháp áp lạnh được thực hiện tại bệnh viện. Đầu tiên, bác sĩ cắt mụn cóc bằng dao nhỏ và sắc. Sau đó bôi chất làm đông lạnh bằng tăm bông hoặc dùng bình xịt. Chất được sử dụng phổ biến nhất là nitơ lỏng nhưng ngoài ra còn có carbon dioxide.
Liệu pháp áp lạnh sẽ gây đau nên cần gây tê tại chỗ ở vị trí có mụn cóc để bệnh nhân không cảm thấy đau trong quá trình điều trị. Quy trình thực hiện khá nhanh chóng. Đối với những trường hợp có mụn cóc lớn thì sẽ cần điều trị nhiều buổi để có thể loại bỏ hoàn toàn.
Có thể đông lạnh mụn cóc tại nhà không?
Liệu pháp áp lạnh sử dụng nitơ lỏng – một chất có thể gây bỏng lạnh nên phải được thực hiện bởi bác sĩ tại bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Nếu muốn thì có thể thử sử dụng những bộ dụng cụ làm đông lạnh mụn cóc tại nhà như Compound W Freeze Off hoặc Freeze Away Easy Wart Remover. Những sản phẩm này sử dụng hỗn hợp propane trộn với dimethyl ether và được bôi trực tiếp lên mụn cóc. Mặc dù không hiệu quả như liệu pháp áp lạnh nhưng nếu có mụn cóc nhỏ thì có thể thử dùng. Cần phải làm theo tất cả các hướng dẫn một cách cẩn thận để có kết quả tối ưu và không xảy ra các vấn đề không mong muốn.
Sau điều trị cần lưu ý gì?
Sau điều trị bằng liệu pháp áp lạnh, mụn nước sẽ hình thành ở vị trí mụn cóc. Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc và mụn nước sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Khi mụn nước bị vỡ thì cần dùng dung dịch sát trùng để giảm sự lây lan của virus từ mụn cóc và giảm hình thành sẹo. Nếu mụn nước gây đau và sau nhiều ngày vẫn không vỡ thì cần đến gặp bác sĩ. Liệu pháp áp lạnh có thể sẽ để lại sẹo.
Thông thường sẽ bị đau tại vị trí điều trị trong khoảng vài ngày sau thủ thuật.
Có những rủi ro nào?
Nói chung, liệu pháp áp lạnh là một giải pháp an toàn để xử lý mụn cóc nhưng bất cứ phương pháp điều trị nào cũng đều đi kèm một số rủi ro nhất định. Vấn đề lớn nhất có thể xảy ra là nhiễm trùng vết thương, thường là do nhiễm vi khuẩn. Các dấu hiệu nhiễm trùng gồm có:
- Sưng đỏ
- Đau buốt
- Sốt
- Tiết dịch màu vàng, mưng mủ
- Nhiễm trùng do vi khuẩn có thể điều trị được bằng cách uống thuốc kháng sinh.
Một số vấn đề khác có thể xảy ra sau liệu pháp áp lạnh còn có:
- Tổn thương dây thần kinh, dẫn đến mất cảm giác tạm thời
- Vết thương lâu lành
- Hình thành vết loét
- Hình thành sẹo hoặc làm thay đổi màu da
- Tổn thương da
Tóm tắt bài viết
Liệu pháp áp lạnh là một phương pháp hiệu quả để trị mụn cóc ở những vị trí không phải bộ phận sinh dục và có ưu điểm là không hoặc ít để lại sẹo. Phương pháp này thường được sử dụng khi đã dùng các loại thuốc bôi nhưng không có hiệu quả.
Mặc dù HPV thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng một số chủng gây ra mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) trong khi một số chủng khác lại có thể dẫn đến một số bệnh ung thư ví dụ như ung thư cổ tử cung.
Mụn cóc có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, trong đó có hậu môn.
Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc phẳng tự biến mất mà không để lại biến chứng nào. Tuy nhiên, dù tự biến mất hay được điều trị thì mụn cóc cũng đều có thể quay trở lại.
HPV có thể tồn tại trên các bề mặt và xâm nhập vào cơ thể của người tiếp xúc. Virus cũng có thể lây lan từ bộ phận này sang các bộ phận khác nên cần vệ sinh thân thể cẩn thận và rửa tay thường xuyên khi bị mụn cóc quanh móng.
Có 5 loại mụn cóc chính. Mỗi loại xuất hiện trên những bộ phận khác nhau của cơ thể và có những đặc điểm nhận dạng riêng.