Tóc bạc sớm - dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm
Tóc bạc là một dấu hiệu của tuổi già nhưng tóc bạc có thể xảy ra ở cả những người trẻ tuổi, thậm chí là những người dưới 20 tuổi. Tình trạng này được gọi là tóc bạc sớm. Tóc bạc sớm đa phần không nguy hiểm, chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài và gây mất tự tin nhưng đôi khi, tóc bạc sớm là dấu hiệu cảnh báo của một bệnh lý tiềm ẩn.
Vậy tại sao tóc lại bị bạc? Những nguyên nhân nào có thể khiến tóc bạc sớm? Có cần đi khám khi tóc bạc sớm hay không? Điều trị tóc bạc sớm bằng cách nào?
Nguyên nhân gây bạc tóc
Màu sắc của tóc đến từ sắc tố melanin do các tế bào melanocyte (tế bào biểu bì tạo hắc tố) ở nang tóc tạo ra. Theo thời gian, các tế bào này hoạt động kém đi, sản xuất ra ít melanin hơn và làm cho sợi tóc bị nhạt màu. Khi tế bào melanocyte ngừng tạo ra melanin, sợi tóc sẽ mất đi màu sắc vốn có và trở nên bạc trắng.
Tóc bạc là một dấu hiệu bình thường của sự lão hóa. Ở người Châu Á, tóc thường bắt đầu bạc từ độ tuổi 30 - 40. Cứ sau 10 năm, lượng tóc bạc lại tăng khoảng 10 - 20% cho đến khi toàn bộ tóc trên đầu trở nên bạc trắng. Nếu tóc bạc bắt đầu xảy ra trước tuổi 25 thì được coi là tóc bạc sớm.
Các nguyên nhân gây tóc bạc sớm
Tóc bạc sớm thường là do di truyền hoặc do các nguyên nhân khác làm rối loạn hoạt động của nang tóc, khiến các tế bào biểu bì tạo hắc tố ở nang tóc giảm sản sinh sắc tố melanin sớm hơn bình thường. Dưới đây là các nguyên nhân chính dẫn đến tóc bạc sớm.
Tóc bạc sớm do di truyền
Di truyền quyết định tất cả các đặc điểm của tóc, bao gồm cả độ tuổi bắt đầu bị bạc tóc. Tóc bạc sớm do di truyền không thể khắc phục và ngăn ngừa được. Tuy nhiên, dạng tóc bạc sớm này không nguy hiểm.
Tóc bạc sớm do thiếu hụt dinh dưỡng
Tóc bạc sớm cũng có thể là do các tế bào melanocyte không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho quá trình sản xuất melanin. Điều này có thể xảy ra do chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng hoặc do các chất dinh dưỡng trong máu không được vận chuyển một cách hiệu quả đến các tế bào melanocyte. Dần dần, các tế bào này hoạt động kém đi hoặc ngừng tạo ra melanin.
Một trong những nguyên nhân khiến tóc bạc sớm là do thiếu hụt vitamin, nhất là vitamin B12 vì vitamin này ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc và còn có vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh hồng cầu – các tế bào máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các tế bào trong cơ thể.
Khi cơ thể bị thiếu vitamin B12, tóc sẽ không còn chắc khỏe và số lượng hồng cầu trong máu giảm. Điều này dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng nuôi tế bào melanocyte.
Ngoài vitamin B12, các vitamin và khoáng chất khác như sắt, selen và axit béo omega-3 cũng có vai trò quan trọng không kém trong việc nuôi dưỡng tóc, tăng cường sản sinh hồng cầu, chống lại gốc tự do và ngăn ngừa tóc bạc sớm.
Những chất dinh dưỡng này có trong nhiều loại thực phẩm như thịt, trứng, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám, sữa ít béo, cá và các loại rau xanh.
Tóc bạc sớm do bệnh lý
Tóc bạc sớm là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau:
Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch hiểu nhầm các tế bào trong cơ thể là tác nhân gây hại và tấn công các tế bào khỏe mạnh bằng phản ứng viêm. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Khi hệ miễn dịch tấn công nang tóc, một số tế bào ở nang tóc sẽ bị phá hủy, trong đó có các tế bào melanocyte. Khi các tế bào này không còn tạo ra melanin, tóc sẽ bị bạc.
Những người mắc bệnh tự miễn ảnh hưởng đến da đầu còn có thể gặp phải các vấn đề khác, chẳng hạn như rụng tóc từng mảng hay bệnh bạch biến. Cả hai vấn đề này đều có thể khiến tóc bạc sớm.
Bệnh về máu
Các bệnh về máu như thiếu máu khiến cho nang tóc không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Điều này làm cho các tế bào melanocyte hoạt động kém hoặc không có đủ nguyên liệu để tạo ra melanin, dẫn đến hậu quả là tóc bạc sớm.
Bệnh tuyến giáp
Cả cường giáp (tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp) và suy giáp (tuyến giáp tạo ra quá ít hormone tuyến giáp) đều có thể dẫn đến tóc bạc sớm. Nồng độ hormone tuyến giáp nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào melanocyte và làm giảm lượng melanin được tạo ra.
Các bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sự tạo sắc tố tóc
Một số bệnh do đột biến gen hoặc rối loạn di truyền khiến cho tế bào melanocyte tạo ra ít melanin hơn bình thường hoặc cơ thể bị thiếu tế bào melanocyte, dẫn đến tóc bạc sớm hoặc tóc bạc ngay từ khi sinh ra. Một số ví dụ về các căn bệnh này là hội chứng pybaldism, hội chứng Waardenburg và bệnh bạch tạng.
Tóc bạc sớm do căng thẳng
Mối liên hệ giữa căng thẳng và tóc bạc sớm hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng các bác sĩ cho rằng có thể là do hormone norepinephrine. Norepinephrine là một loại hormone mà cơ thể tạo ra khi bị căng thẳng. Norepinephrine có thể ảnh hưởng đến nang tóc và phá hủy các tế bào melanocyte, dẫn đến tóc bạc sớm.
Căng thẳng còn có thể gây rụng tóc do nang tóc bị phá hủy. Trong một số trường hợp, nang tóc không bị hỏng vĩnh viễn mà vẫn mọc lại tóc nhưng sợi tóc mới mọc ra có thể bị bạc do không có sắc tố melanin. Đôi khi, nang tóc bị phá hủy vĩnh viễn, không còn khả năng mọc tóc và điều này dẫn đến hói đầu.
Tóc bạc sớm do hút thuốc
Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hơn một nửa số người tham gia hút thuốc lá bị bạc tóc trước 30 tuổi. Từ đó có thể thấy hút thuốc lá là một nguyên nhân gây tóc bạc sớm.
Hút thuốc lá có ảnh hưởng lớn đến mạch máu. Các chất độc hại trong thuốc lá sẽ làm co mạch máu, điều này làm gián đoạn sự vận chuyển chất dinh dưỡng đến nang tóc và tế bào melanocyte. Khi không được cung cấp đủ dưỡng chất, tế bào melanocyte sẽ không thể tạo ra melanin và khiến tóc bị bạc. Nếu tiếp tục hút thuốc, các tế bào melanocyte bị hỏng sẽ không thể phục hồi và dẫn đến bạc tóc vĩnh viễn. Hút thuốc lá còn gây rụng tóc và làm tăng nguy cơ hói đầu.
Điều trị tóc bạc sớm
Để điều trị tóc bạc sớm thì trước tiên cần phải đi khám. Việc điều trị còn tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu là do di truyền hoặc do các nguyên nhân khiến cho tế bào melanocyte bị hỏng vĩnh viễn như hút thuốc lá hay căng thẳng thì sẽ không có cách nào đảo ngược được tình trạng tóc bạc.
Nếu là do bệnh tật hoặc thiếu hụt dinh dưỡng và các tế bào melanocyte chưa bị phá hủy hoàn toàn thì vẫn có thể điều trị được.
Theo một số báo cáo, ở những người bị bạc tóc sớm do bệnh tuyến giáp hoặc do thiếu vitamin B12, tóc có thể trở lại màu sắc bình thường sau khi tình trạng bệnh được điều trị hoặc bổ sung đủ chất. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ báo cáo nào về khả năng chữa khỏi trong những trường hợp bị bạc tóc sớm do căng thẳng hay do hút thuốc lá.
Nếu bị bạc tóc vĩnh viễn do những nguyên nhân này hoặc do lão hóa thì giải pháp duy nhất là nhuộm tóc để che đi tạm thời.
Ngăn ngừa tóc bạc sớm
Bỏ thuốc lá
Như đã nói ở trên, hút thuốc lá có thể dẫn đến tóc bạc sớm và một khi tóc bạc thì sẽ không có cách nào điều trị được. Mặc dù không phải ai hút thuốc cũng bị bạc tóc sớm nhưng nguy cơ sẽ cao hơn so với những người không hút. Do đó, nếu bạn đang hút thuốc lá thì nên hạn chế hoặc tốt nhất là bỏ hẳn để ngăn ngừa tóc bạc sớm.
Ăn uống đủ chất
Thiếu hụt dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân khiến tóc bạc sớm. Vì vậy cần ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm để cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Điều này không chỉ có lợi cho tóc mà còn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.
Nhiều người bị thiếu hụt dinh dưỡng dù vẫn ăn uống đầy đủ. Nguyên nhân là do khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém. Những trường hợp này cần đi khám bác sĩ để có cách điều trị.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Căng thẳng có thể khiến tóc bạc vĩnh viễn. Để giảm nguy cơ tóc bạc sớm thì cần giữ tinh thần luôn thoải mái, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và hạn chế tối đa các yếu tố gây căng thẳng.
Điều trị các bệnh gây bạc tóc
Tóc bạc sớm có thể là do các bệnh di truyền, bệnh tự miễn, bệnh về máu hoặc bệnh tuyến giáp. Phát hiện và điều trị các bệnh này từ sớm sẽ giúp ngăn ngừa tóc bạc.
Kết luận
Mặc dù tóc bạc sớm không phải vấn đề hiếm gặp nhưng không nên coi thường vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang có vấn đề. Nếu bị bạc tóc trước 25 tuổi thì nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Mũ kích thích mọc tóc thực sự có hiệu quả điều trị rụng tóc. Thiết bị này sử dụng laser năng lượng thấp LLLT có tác dụng kích thích nang tóc mọc tóc tốt hơn, tạo ra sợi tóc dày và chắc khỏe hơn, đồng thời cải thiện lưu thông máu đến da đầu
Những điều cần biết về cấy tóc cho nữ giới
Hói đầu là một vấn đề thường gặp ở người lớn tuổi. Mặc dù đây là một vấn đề rất phổ biến nhưng có ảnh hưởng lớn đến vẻ ngoài và sự tự tin. Nếu nhận thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường thì phải cẩn thận vì đó có thể là dấu hiệu sớm của hói đầu. Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc về hói đầu, bao gồm nguyên nhân, cách điều trị và ngăn ngừa.
Bảng giá cấy tóc 2022 các địa chỉ cấy tóc uy tín tại Hà Nội, TP.HCM.
Tổng hợp các nguyên nhân gây rụng tóc, tóc thưa, tóc mỏng và cách điều trị
- 31 trả lời
- 23001 lượt xem
Tôi đang cân nhắc phẫu thuật cấy tóc và tôi mắc chứng hói kiểu nam. Phấu thuật cấy tóc có phải chỉ là giải pháp tạm thời? Làm sao mà cả đầu tôi có thể dày tóc nếu chứng hói kiểu nam liên tục xảy ra? Bác sĩ khuyên tôi nên cấy 4000 nang tóc. Nếu có thể cấy hết lượng này trong một quy trình phẫu thuật thì tốt, vì tôi không muốn cứ vài năm lại phải thực hiện phẫu thuật. Liệu tôi có thể trì hoãn được tình trạng này không?
- 28 trả lời
- 5516 lượt xem
Thật khó để biết tôi phải trả bao nhiêu cho một ca cấy tóc. Các bác sĩ chỉ cần đưa ra phạm vi giá cả cũng là rất tốt rồi. Xin cảm ơn thông tin của các bác sĩ.
- 7 trả lời
- 4264 lượt xem
Sau cấy tóc tự thân, 3 tháng sau tóc mọc như thế nào?
- 5 trả lời
- 2133 lượt xem
Có thể sử dụng thuốc mỡ hay loại thuốc uống nào để tăng tỷ lệ thành công trong cấy tóc không? Làm gì để chuẩn bị cho một quy trình cấy tóc tự thân?
- 5 trả lời
- 1964 lượt xem
Xin chào các bác sĩ! 23 ngày trước tôi đã làm cấy tóc FUE (cấy 3500 nang tóc). Hiện vùng cho tóc của tôi vẫn rất đỏ. Đôi khi nó còn bị ngứa nhiều. Bác sĩ bảo tôi chuyện này là rất bình thường và sẽ phải mất một thời gian nữa mới hết. Tuy nhiên, tôi nghĩ chuyện này không hề bình thường. Tôi có nên bôi thuốc mỡ để giảm đỏ không? Hay có lẽ nên dùng các loại thuốc khác? Cảm ơn các bác sĩ đã trả lời!