Quá trình hồi phục sau phẫu thuật thu nhỏ ngực
Theo đánh giá của bệnh nhân và các bác sĩ, quá trình hồi phục sau phẫu thuật thu nhỏ ngực thường nhẹ nhàng hơn tưởng tượng, cơn đau không quá mức chịu đựng, đa phần chỉ cần dùng các loại thuốc giảm đau nhóm I (cho cơn đau nhẹ-trung bình) và chỉ cần 1-2 tuần là có thể quay lại làm việc.
Dưới đây là những thông tin chung về quá trình hồi phục sau phẫu thuật thu nhỏ ngực, tuy nhiên bài viết có thể không chứa toàn bộ thông tin cần thiết hoặc đúng cho từng cá nhân. Vì mỗi ca mổ được chỉnh sửa để phù hợp cho từng cá nhân và mỗi cá nhân hồi phục khác nhau, vậy nên bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ đã làm phẫu thuật cho mình để biết cụ thể những gì cần làm và cần tránh.
Quá trình hồi phục
Sau khi làm phẫu thuật, bệnh nhân sẽ nghỉ ngơi tại bệnh viện cho đến khi thuốc gây mê hết tác dụng. Lúc này, bệnh nhân sẽ ra về với áo nịt ngực mà bác sĩ hoặc y tá đã giúp mặc khi kết thúc ca mổ, có thể có ống dẫn lưu hoặc không (tùy vào bác sĩ), kèm theo các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh... mà bác sĩ đã kê đơn; bệnh nhân cũng sẽ được dặn dò về thời gian tái khám, cách thay băng/chăm sóc vết mổ, những chỉ dẫn cần tuân thủ... Bệnh nhân nên thuê xe hoặc nhờ người đưa đón thay vì tự mình điều khiển phương tiện, vì tác dụng của thuốc gây mê vẫn còn.
Một đến ba ngày đầu thường là khoảng thời gian khó khăn nhất, tuy nhiên nhiều bác sĩ và bệnh nhân từng trải qua phẫu thuật đã nói rằng khoảng thời gian này không quá khốn khổ hay đau quá mức chịu đựng. Dù có thể nào, bệnh nhân vẫn sẽ có thuốc giảm đau hỗ trợ.
Ngày đầu tiên sau khi làm phẫu thuật
Ngay sau khi trở về nhà từ cơ sở phẫu thuật, mục tiêu của bạn đơn giản chỉ là nghỉ ngơi lấy lại sức. Bạn có thể ăn uống nhẹ nhàng, ăn đồ nhạt hoặc đồ hợp khẩu vị, đồ dễ tiêu hóa... Cố gắng đi lại, di chuyển nhẹ nhàng ngay khi có thể, trong những khoảng thời gian ngắn. Việc di chuyển sớm sẽ giúp bạn hồi phục thuận lợi hơn rất nhiều, cũng như có thể rút ngắn thời gian hồi phục, giảm tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng (VD: huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi...)
Nhớ uống thuốc đầy đủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngực của bạn sẽ bị sưng ngay lập tức sau khi làm phẫu thuật, cũng như bầm tím và đau. Vì vậy đây sẽ là khoảng thời gian bạn bắt đầu sống chung với những “tác dụng phụ” mà ca phẫu thuật nào cũng có này. Sưng nề thường lên đến đỉnh điểm trong 3-5 ngày đầu, nhưng sau đó sẽ dần dần xẹp đi một cách tự nhiên. Đau và bầm tím cũng sẽ cải thiện dần theo từng ngày.
Tuần đầu tiên
Đa số mọi người sẽ cần ít nhất một tuần này để hồi phục trước khi quay trở lại làm việc.
Bạn sẽ thấy cơ thể dần lấy lại sức lực qua từng ngày, nhưng trong thời gian đầu bạn thực sự cần bình tĩnh và chậm rãi chờ cho cơ thể hồi phục. Bạn sẽ bị hạn chế về mức độ vận động do vẫn còn yếu và khó chịu, thường không thể giơ tay cao quá đầu và cũng không nên làm như vậy... Rất nhiều người nói rằng lúc này họ gần như không cảm thấy đau, mà hầu hết chỉ thấy khá khó chịu và không được thoải mái. Tư thế ngủ cũng bị hạn chế trong vài ngày đầu. Tốt nhất trong thời gian này, bạn nên có người thân hoặc bạn bè ở bên hỗ trợ.
Bệnh nhân sẽ dần quay trở lại với các món thông thường. Chế độ ăn sau phẫu thuật chủ yếu cần đầy đủ dưỡng chất, nên cung cấp nhiều nước cho cơ thể và giảm muối để hỗ trợ giảm sưng nề. Sưng nề có thể “chạy” xuống các bộ phận dưới, nên bạn có thể bị sưng nề ở bàn chân, cổ chân, hoặc bàn tay... nếu gặp trường hợp này, mát-xa vuốt ngược vùng bị sưng về phía bụng, kê cao vùng bị sưng khi nằm, ngồi để giúp giảm sưng.
Các bác sĩ thường khuyên mặc áo ngực co giãn 24/7 trong khoảng thời gian ban đầu này, chỉ tháo ra khi đi tắm. Ống dẫn lưu, nếu bạn được cho sử dụng, sẽ được tháo ra khi bạn tái khám sau một tuần hoặc tùy theo quy định của bác sĩ (nếu dịch chảy ra ít hơn một lượng nhất định thì sẽ rút ống).
Bạn có thể tắm, nhưng hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước, có người yêu cầu chờ 4-6 ngày, có người cho tắm sau 24-48 giờ hoặc sau khi vết mổ khép miệng. Thường thì bệnh nhân nên tránh ngâm mình trong bồn tắm, ao hồ, biển, bể bơi... chỉ nên dùng vòi hoa sen với chế độ xả nước nhẹ nhàng và xà phòng tắm.
Bạn sẽ được khâu nhiều lớp, các lớp sâu được khâu bằng chỉ tự tiêu và chỉ này sẽ tồn tại từ 3-6 tháng, còn lớp bên ngoài thì sẽ dùng chỉ thường. Bác sĩ sẽ giúp bạn tháo chỉ trong buổi tái khám sau 1 tuần hoặc 2 tuần.
Tuần thứ hai
Bạn vẫn sẽ có những cảm giác bất thường ở ngực, ví dụ như đau, khó chịu, căng tức nhẹ, ngứa, bỏng rát... miễn là các cảm giác này thoáng qua, cải thiện theo thời gian và không quá mức chịu đựng, thì thường chúng không phải là điều đáng lo ngại. Bạn sẽ bị ngứa và khô ở vết rạch mổ vì chúng đang trong quá trình liền da. Trong hai tuần đầu, đừng mong ngực bạn trông đẹp ngay lập tức, nó phải trải qua quá trình trông tồi tệ trước khi có thể trông đẹp hơn.
Nhìn chung bạn vẫn sẽ phải tiếp tục mặc áo ngực co giãn. Bạn chưa thể quay lại tập luyện thể dục, nhưng thường sẽ cảm thấy mình năng động hơn so với những ngày đầu. Đừng ngồi yên một chỗ mà hãy tăng dần mức độ vận động bằng cách đi lại nhẹ nhàng, di chuyển quãng ngắn quanh nhà. Tuy nhiên vẫn cần chú không hoạt động quá sức, không làm căng kéo vết mổ để tránh làm rách vết mổ, không nâng/xách vật nặng hơn 2 kg và nên cẩn thận khi chơi với trẻ nhỏ và thú cưng.
Đừng lo lắng khi bạn vẫn bị sưng nề và/hoặc bầm tím. Sưng nề sẽ giảm rất chậm, cần vài tháng để ngực xẹp về mức bình thường và có thể mất đến một năm để hết sưng hoàn toàn. Bạn vẫn có thể hoạt động trong những tháng về sau cho dù sưng nề vẫn còn sót lại. Sưng nề và bầm tím sẽ hết dần qua thời gian, miễn là không có các dấu hiệu bất thường thì sẽ không sao (bỗng dưng bị nóng, mẩn đỏ bất thường, đau, đau khi chạm vào...).
Một tháng đầu
Trong một tháng này, cơ thể của bạn sẽ thay đổi theo nhiều cách. Vết mổ đã liền lại, mặc dù cần thêm vài tháng nữa thì nó mới chắc chắn hoàn toàn và khi đó bạn mới có thể quay lại mặc áo ngực có gọng. Sau khi được cho tháo áo ngực co giãn, bạn nên chọn loại áo ôm bó vừa vặn nhưng không có gọng, tránh gọng áo ngực chà sát hoặc tì vào vết mổ.
Lúc này, sức lực của bạn đã quay trở lại kha khá, đủ để bạn nhận ra cảm giác nhẹ nhõm vì sức nặng trước ngực đã được giảm đi. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ thấy thoải mái hơn khi vận động, nhưng bạn vẫn nên kiểm soát mức độ vận động của mình. Không cần phải vội vàng. Đến cuối tháng, rất có thể bác sĩ sẽ cho phép bạn quay trở lại với các bài tập nhẹ.
Sau 1-2 tuần, bạn sẽ có thể quay lại làm việc, nếu công việc của bạn chủ yếu bao gồm những việc nhẹ nhàng, làm bàn giấy, không cần vận động thể chất mạnh hoặc mang vác đồ nặng. Nếu công việc đòi hỏi cao hơn về mặt thể chất, ví dụ nếu bạn là lính cứu hỏa, y tá, điều dưỡng, bác sĩ... thì bạn có lẽ sẽ phải chờ thêm 4-6 tuần. Hãy trao đổi với bác sĩ về quyết định này.
Trong 1-2 tháng đầu, bạn sẽ dần quay lại với con người trước khi làm phẫu thuật, chỉ là với bộ ngực nhẹ nhàng hơn và tinh thần vui vẻ hơn.
Hồi phục lâu dài
Bạn đã có thể quay lại với các hoạt động, sinh hoạt bình thường, nhưng quá trình hồi phục ở bên trong cơ thể vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng sau đó, có thể kéo dài đến một năm sau khi làm phẫu thuật.
Sưng nề gần như giảm hoàn toàn sau 3-6 tháng và đó là lúc bạn sẽ nhìn thấy hình dạng thật của bộ ngực mới. Tuy nhiên ngực vẫn có thể sưng nhẹ trong 6-12 tháng tiếp theo, không cần làm gì hơn ngoài chờ đợi.
Vết sẹo cũng sẽ tự trưởng thành trong quá trình này, trở nên mỏng hơn, phẳng hơn và mờ dần đi. Có thể vết sẹo sẽ không “tàng hình” hoàn toàn, nhưng nếu nó lành một cách suôn sẻ, thì vết sẹo thường sẽ mờ đến mức không quá gây chú ý.
Một số bệnh nhân có thể bị tê, mất cảm giác một phần (đặc biệt là núm vú) lên đến một năm sau phẫu thuật. Có những người sẽ lấy lại cảm giác này theo thời gian, nhưng cũng có những người sẽ mất cảm giác hoàn toàn.
Bệnh nhân nên làm gì sau phẫu thuật
Có những điều mà bệnh nhân có thể thực hiện để đảm bảo một quá trình hồi phục suôn sẻ. Bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của mình, để được bác sĩ tư vấn trực tiếp và cụ thể về trường hợp của bạn.
Quy tắc chung cho bệnh nhân sau phẫu thuật
Hãy lắng nghe cơ thể của bạn.
Nguyên tắc chung là hãy để cơ thể bạn dẫn đường. nếu bạn cảm thấy quá mệt hoặc cảm thấy việc gì đó quá sức của mình, hãy dừng lại, không cần vội vàng. Nếu cơn đau sau phẫu thuật ngày càng tăng, hoặc bỗng dưng có cơn đau mới, hoặc cảm giác bất thường, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Nếu da bỗng thay đổi khác lạ (lạnh ngắt, tím tái, đỏ ửng, mẩn đỏ, nóng...) cũng nên báo cho bác sĩ biết. Các vấn đề thường gặp sau phẫu thuật (sưng nề, bầm tím, đau, căng tức khó chịu...) sẽ giảm dần trong tuần đầu tiên và tiếp tục giảm trong những ngày sau đó, nếu trường hợp của bạn đi ngược lại với xu hướng này, liên lạc với bệnh viện, phòng khám hoặc y tá/bác sĩ để được hỗ trợ tư vấn. Nếu gặp vấn đề nghiêm trọng (cơn đau quá mức, cảm giác nôn nao, không tỉnh táo...) bạn có thể tới thẳng phòng cấp cứu.
Những điều nên làm
Có một số điều mà bệnh nhân có thể tham khảo để giúp quá trình hồi phục của mình được diễn ra tốt đẹp hơn:
- Đi lại sớm ngay khi có thể hoặc khi được bác sĩ cho phép sau phẫu thuật, tránh ngồi hoặc đứng tại chỗ quá lâu trong những ngày sau đó
- Uống nhiều nước, hạn chế muối, ăn uống đủ chất và nghỉ ngơi đầy đủ
- Giữ tinh thần lạc quan, quá trình hồi phục có vẻ dài những rồi cũng sẽ trôi qua nhanh chóng, bạn sẽ sớm nhận thấy những lợi ích tốt đẹp từ ca phẫu thuật thu nhỏ ngực. Nếu cảm thấy quá căng thẳng hoặc lo lắng, bạn có thể thử các biện pháp như thiền, tập hít thở chậm để giúp cảm thấy bình tĩnh hơn.
- Mặc áo nịt ngực 24/7 hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh áo quá chật hoặc quá rộng, tránh áo có gọng, có thể chà xát lên vết mổ.
- Dùng băng dán y tế: Điều này tùy vào bác sĩ, nhưng rất nhiều bác sĩ cho bệnh nhân dùng băng dán y tế để dán vết mổ, nhằm ngăn hai mép vết mổ xê dịch để ngực hồi phục tốt hơn. Thường dùng trong khoảng 6 tuần.
- Đảm bảo uống đúng những loại thuốc bác sĩ kê đơn và uống hết cữ thuốc kháng sinh, nếu bạn uống không hết thì thuốc có thể không đạt được tác dụng hoàn toàn. Nếu muốn dùng thêm thuốc gì khác (VD: thực phẩm chức năng, thuốc bôi trị sẹo...) hãy hỏi ý kiến bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của bạn trước khi bôi.
- Cấm rượu và thuốc lá trong ít nhất 4-6 tuần. Hãy trao đổi với bác sĩ về vấn đề này.
- Cẩn thận trong việc vận động, di chuyển, đặc biệt là những ngày đầu. Tránh làm căng kéo vết mổ, tránh sử dụng cơ ngực quá mức. Hãy tăng dần mức độ vận động theo mức độ thoải mái của bạn và theo lời khuyên của bác sĩ.
- Kê lưng hơi cao và ngủ trong tư thế nằm ngửa (khoảng 1-3 ngày), dần dần hạ thấp xuống và khi vết mổ đã liền chắc chắn, bạn có thể nằm nghiêng. Đừng nằm sấp cho đến tuần thứ 6 để tránh đè lên ngực.
Các biến chứng có thể gặp và cách xử lý
Sơ lược một số vấn đề bạn có thể gặp phải trong quá trình hồi phục, hãy luôn giữ thái độ lạc quan và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Các vấn đề thường gặp
- Sưng nề: Do dịch thừa từ ca phẫu thuật và dịch bạch huyết ứ đọng. Nên uống nhiều nước, ăn ít muối, kê cao chỗ bị sưng.
- Bầm tím: Do máu chảy ra từ các mao mạch, tụ lại dưới da. Không cần phải làm gì, có thể chờ cho nó tự biến mất.
- Đau: Thay đổi ở mỗi người và sẽ cải thiện theo thời gian. Nên dùng thuốc giảm đau để kiểm soát trong những ngày đầu. Theo dõi trong những ngày tiếp theo để phát hiện kịp thời những cơn đau bất thường.
- Vết mổ bị dúm dó, co rút lại hoặc vết mổ lõm xuống, chia đôi bầu vú: Đây là hiện tượng bình thường, có thể do sưng nề làm căng vết mổ, đừng lo lắng, điều này sẽ cải thiện qua thời gian.
- Tụ dịch/Tụ máu: Dịch huyết tương hoặc máu chảy vào những chỗ trống dưới da để lại do phẫu thuật, dẫn đến các ổ dịch tụ, gây sưng, đau tại chỗ đó, chèn ép lên da, mạch máu dẫn đến thiếu máu cục bộ, làm thay đổi màu sắc và nhiệt độ... Ống dẫn lưu được dùng để giảm khả năng hình thành ổ tụ dịch, nhưng nếu ổ tụ nhỏ, cơ thể sẽ tự giải quyết, với ổ tụ vừa và to, bác sĩ sẽ xử lý bằng cách rút dịch bằng ống tiêm hoặc rạch mổ để dẫn lưu dịch.
- Rỉ dịch vàng/chảy máu một chút từ vết mổ: Có thể là bình thường, đặc biệt trong giai đoạn đầu, miễn là không quá mức thì không đáng lo. Thay băng và giữ sạch vết mổ, nhưng nên báo cho bác sĩ biết để theo dõi.
- Lộ chỉ khâu dưới da: Chỉ tự tiêu khâu ở lớp sâu sẽ tồn tại trong khoảng 3-6 tháng, đôi khi cơ thể muốn đẩy ngoại vật ra ngoài, dẫn đến việc chỉ khâu bên dưới da bị đùn lên trên bề mặt (xảy ra với 20% bệnh nhân). Khi đó ngực bệnh nhân có thể xuất hiện những cục u như mụn nhọt, nóng đỏ, đau... Có thể báo cho bác sĩ để được cắt chỉ hoặc trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn tự làm điều đó. Quan trọng là giữ sạch sẽ, tránh để nhiễm trùng
Biến chứng nghiêm trọng
- Hoại tử núm vú/quầng vú: Cần chú ý đến màu sắc, nhiệt độ, dáng vẻ của da và nms vú-quầng vú. Hãy đảm bảo phức hợp núm vú/quầng vú vẫn hồng hào, nhiệt độ ấm; nếu nó bị tím tái, lạnh ngắt trong một khoảng thời gian đáng kể, hãy liên hệ với bác sĩ
- Nhiễm trùng: Dấu hiệu là da bị đỏ, nhiệt độ tăng cao tại vùng bị nhiễm trùng, thường là quanh các vết rạch mổ là lan ra xung quanh. Có thể dẫn đến các triệu chứng toàn cơ thể như sốt, ớn lạnh... Liên lạc với bác sĩ để được đánh giá và có thể cho dùng kháng sinh càng sớm càng tốt.
- Bục vết mổ: Do sưng, do vận động mạnh hoặc vì lý do gì đó, vết mổ bị hở miệng, có thể kèm theo dịch chảy ra ngoài. Lúc này bạn cần liên hệ với bác sĩ và làm theo hướng dẫn của họ. Nhìn chung khi vết mổ lành lại, vấn đề này thường không ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả cuối cùng, trừ khi bị nhiễm trùng, dẫn đến hoại tử.
- Bất đối xứng: Hai bầu ngực vốn không đối xứng, nhưng nếu một bên to hơn hẳn bên còn lại, hoặc bị đau mạnh ở một bên, đó có thể là dấu hiện của ổ tụ máu lớn cần sự chú ý của bác sĩ.
- Bị mẩn đỏ nặng, bị chảy mủ, dịch nhiều từ vết mổ là những dấu hiệu cho thấy bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ.
- Nếu bạn bị nôn và không thể giữ được thức ăn trong dạ dày trong 24 giờ, hoặc nếu cảm thấy cơ thể vô cùng thiếu nước, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến thẳng phòng cấp cứu
Đó là những điều mà bạn cần biết về quá trình hồi phục sau thu nhỏ ngực, nếu còn thắc mắc hoặc có câu hỏi gì, bạn có thể gửi câu hỏi trong mục hỏi đáp hoặc để lại số điện thoại để được hỗ trợ.
Đa số ca bục vết mổ không nghiêm trọng và khi xử lý thích hợp, sẽ không ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ của bầu ngực hay của vết sẹo về lâu về dài
Hoại tử mỡ vú là các tế bào mỡ bị chết do bị thương hoặc thiếu máu cục bộ
Các đường rạch trong thu nhỏ ngực chủ yếu nằm ở cực dưới của bầu vú, không dễ lộ ra bên ngoài quần áo
Các câu hỏi thường gặp sau phẫu thuật thu nhỏ ngực
Nhiễm trùng gây đỏ, đau, sưng, căng tức ở vú và có thể dẫn đến các biến chứng phiền phức khác...
- 1 trả lời
- 1241 lượt xem
Chào bác sỹ ạ, bác sỹ cho e hỏi hai ngực em bị lệch nhau, bên to bên bé thì sau phẫu thuật có thu nhỏ lại bên to được không ạ
- 8 trả lời
- 740 lượt xem
Tôi có thể không mặc áo ngực thể thao hoặc áo ngực phẫu thuật vài giờ trong một ngày không?
- 7 trả lời
- 572 lượt xem
Đến nay đã được 5 tuần kể từ khi tôi làm phẫu thuật và tôi có một vết thương hở nhỏ trên đường rạch bên ngực phải. Khu vực này luôn rỉ chút máu đỏ tươi. Có vẻ như nó không bị nhiễm trùng. Tôi đã giữ cho nó sạch sẽ bằng xà phòng và nước, bôi kem kháng sinh và che chắn cho nó bằng miếng băng vệ sinh (băng luôn dính vào vết thương). Tôi chỉ muốn biết có thứ gì khác mà tôi nên/có thể sử dụng để giúp tăng tốc độ hồi phục hay không? Kem Silver Nitrate có phải là thứ sẽ giúp hỗ trợ làm lành vết mổ không?
- 15 trả lời
- 3126 lượt xem
Tôi nghĩ công ty bảo hiểm sẽ không chi trả cho chi phí phẫu thuật thu nhỏ ngực ngực phì đại. Họ không coi đây là một nhu cầu y tế mặc dù ngực đang khiến tôi bị đau lưng và đau cổ dữ dội. Một bác sĩ phẫu thuật giỏi sẽ tính giá quy trình này là bao nhiêu? Có bao gồm cả gây mê không? Xin cảm ơn.
- 19 trả lời
- 3567 lượt xem
Tôi đang có ý định thu gọn ngực. Tôi mới chỉ 23 tuổi, cao 1m59, nặng 61 kg. Tôi đã cố gắng giảm cân nhưng vòng một vẫn to. Lúc nào tôi cũng cảm thấy mất tự tin với cơ thể mình, tôi muốn thu nhỏ ngực nhưng không muốn có các vết sẹo xấu xí. Có cách nào giảm kích cỡ ngực mà không để lại sẹo rộng không? Một vấn đề khác nữa là vòng một của tôi đang bắt đầu chảy xệ. Nếu tôi vẫn giữ kích cỡ này và chỉ treo cao chúng lên thôi thì có cách nào không để lại sẹo không?