Hút mỡ bụng: những điều cần biết
Phân chia giải phẫu vùng bụng
Hút mỡ bụng là một trong các kỹ thuật thẩm mỹ được yêu cầu thực hiện nhiều nhất. Lý do là vì mỡ thường xuyên tích tụ tại vùng bụng ở cả nam giới và nữ giới.
Vùng bụng của từng người có sự khác biệt đa dạng về giải phẫu: cấu trúc da, lớp mỡ dưới da, lớp cơ thành bụng và mỡ nội tạng bên trong ổ bụng. Bác sĩ cần đánh giá cẩn thận để đưa ra chỉ định phẫu thuật phù hợp.
Bụng được chia làm hai vùng giải phẫu: vùng bụng trên và vùng bụng dưới. Chúng được nhận biết rõ rệt hơn ở những người béo phì, bởi đường rãnh eo nằm ngang – thường nằm ngay bên trên rốn.
- Vùng bụng trên: từ rốn lên đến mép dưới xương ức, có đặc điểm là có nhiều mô xơ hơn.
- Vùng bụng dưới: từ rốn xuống đến mép trên vùng mu (rốn được tính cho vùng bụng dưới), mỡ thường lỏng lẻo hơn
Có điều cần lưu ý là đường nét phình to ở bụng không phải lúc nào cũng là do mỡ, mà có thể có yếu tố cơ thành bụng lỏng lẻo (phân tách cơ bụng) dẫn đến bụng bị phình ra phía trước.
Những phụ nữ từng mang thai, sinh đẻ thường bị xổ bụng sau sinh, nghĩa là hai khối cơ thẳng bụng tách xa nhau, khiến bụng dưới càng phình to. Ngoài ra, những người thừa cân béo phì cũng có thể gặp tình trạng tách cơ bụng do áp lực từ mỡ nội tạng lên thành bụng. Nếu chỉ dùng phương pháp hút mỡ bụng thì không thể giải quyết được vấn đề này. Muốn chữa xổ bụng sau sinh hoặc cải thiện tình trạng bụng to do phân tách cơ bụng thì bệnh nhân cần làm phẫu thuật thắt cơ thẳng bụng (trong quy trình tạo hình thành bụng).
Các vấn đề về da bụng: da lỏng lẻo, chảy xệ, nhăn nheo, rạn da... cũng sẽ không có cải thiện gì đáng kể khi làm hút mỡ. Nếu vấn đề chính khiến bệnh nhân quan tâm là tình trạng da, thì nên tham khảo các thủ thuật căng da/các biện pháp điều trị tình trạng cụ thể của da thay vì hút mỡ - thứ chỉ giải quyết mỡ thừa ở bụng. Thậm chí nếu da quá lỏng lẻo/chảy xệ… thì hút mỡ xong trông sẽ còn tệ hơn trước. Vậy nên hãy xác định rõ mục đích của mình với bác sĩ và chọn thủ thuật thích hợp dựa trên tình trạng thực tế của cơ thể bạn.
Chưa có báo cáo nào về việc hút mỡ có tác động xấu lên thai kỳ sau này, trong trường hợp bệnh nhân quyết định làm hút mỡ khi còn trẻ. Thêm vào đó, nếu tăng cân dần dần khi mang thai, kết hợp duy trì chế độ ăn đều đặn suốt thai kỳ, thì đường nét mà hút mỡ mang lại sẽ không bị ảnh hưởng bởi quá trình mang thai và sinh nở sau này.
Đối tượng lý tưởng của hút mỡ bụng
Nhìn chung, bệnh nhân lý tưởng cho thủ thuật này là những người có mỡ thừa khu trú tại chỗ, đang có mức cân nặng lý tưởng hoặc gần với mức cân này nhất, độ săn chắc của da từ khá đến tốt, có động lực phấn đấu và có mức độ kỳ vọng thực tế trước khi bắt đầu làm phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân bị béo phì từ nhẹ đến vừa phải cũng sẽ đạt được kết quả tốt với phẫu thuật hút mỡ bụng.
Nếu bệnh nhân quá béo phì, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu giảm cân tới một mức thích hợp, vừa là để tối ưu hóa kết quả phẫu thuật và đôi khi cũng là để bệnh nhân chứng minh quyết tâm thay đổi của mình. Việc thay đổi lối sống lành mạnh hơn vừa giúp duy trì kết quả thẩm mỹ từ hút mỡ, vừa giúp bệnh nhân khỏe mạnh hơn.
Mỡ phân bố ở đàn ông có thể khác so với ở phụ nữ. Ví dụ như mỡ thừa ở bụng trên của nam giới phân bổ dàn trải hơn và nhiều khả năng là mỡ sâu bên dưới cơ (mỡ nội tạng). Tương tự như thế, phần lớn bụng dưới cũng thường là do mỡ dưới cơ, loại mỡ chỉ có thể giảm bằng cách ăn kiêng/luyện tập chứ không thể bằng hút mỡ.
Bụng cũng là vùng dễ gặp sẹo từ các ca phẫu thuật trước. Phương án thường được áp dụng trong trường hợp này là hút nhẹ nhàng bằng que hút mỡ từ mọi hướng. Nếu que hút mỡ xuyên được qua bên dưới vết sẹo thì tiến hành như bình thường, nếu không thì bác sĩ sẽ thực hiện các thao tác hút xung quanh vết sẹo, thậm chí rạch thêm vị trí tiếp cận mới nếu cần.
Các bác sĩ sẽ cần đặc biệt chú ý nếu bệnh nhân có ổ thoát vị bụng. Thường cần phải chữa các ổ thoát vị vài tháng trước khi làm hút mỡ, nhưng với các ổ thoát vị “rất nhỏ” thì có thể bác sĩ vẫn sẽ tiến hành hút mỡ, mặc dù vậy phải làm thật sự cẩn thận. Việc đánh dấu vị trí thoát vị bằng bút dạ có thể giúp xác định dễ dàng hơn trong quá trình làm phẫu thuật.
Trước khi tiến hành hút mỡ
Giai đoạn chuẩn bị cho hút mỡ cũng rất quan trọng.
Trước đó, trong các buổi tư vấn, bệnh nhân nên trao đổi kỹ càng với bác sĩ về mong muốn của họ, lắng nghe kết quả đánh giá tình trạng thực tế ở bụng, trao đổi về các lựa chọn kỹ thuật, vv... Đây cũng là lúc để bệnh nhân đánh giá xem bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có phù hợp với mình không.
Trước phẫu thuật, bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm chức năng gan, máu, thời gian thrombin (thời gian đông máu), HIV... Cũng như điều tra tiền sử bệnh để chuẩn bị tốt nhất cho ca hút mỡ.
Về phần bệnh nhân, ngoài chuẩn bị kiến thức về ca phẫu thuật bác sĩ cũng có thể có một danh sách các yêu cầu mà bạn cần tuân thủ trước phẫu thuật vài tuần:
- Cần tránh một số loại thuốc và thực phẩm chức năng (aspirin, advil, vitamin E liều cao, tỏi/thực phẩm chức năng có tỏi... vì có khả năng chống đông máu)
- Chế độ ăn uống tập luyện cụ thể (tránh ăn mặn, uống đủ nước, tập luyện phù hợp...)
- Không hút thuốc lá trước và sau phẫu thuật 2-3 tuần
- Bệnh nhân cũng thường được cho dùng kháng sinh 1 ngày trước phẫu thuật và tiếp tục dùng sau phẫu thuật, cộng thêm tắm bằng xà phòng kháng khuẩn trong một tuần trước đó.
Bác sĩ cũng sẽ cho bạn thử đồ nịt/băng ép trước phẫu thuật để tìm cỡ vừa vặn, sau đó đánh dấu đồ nịt/gen nịt/băng ép đó với tên của bệnh nhân và để dành sử dụng sau phẫu thuật.
Quy trình hút mỡ bụng
Sau khi hoàn thành các thủ tục, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc tiền phẫu thuật, nhiều bác sĩ cho bệnh nhân dùng một loại an thần nhẹ sau đó tiêm các loại thuốc cần thiết (giảm đau, kháng sinh).
Tiếp đến là bơm dung dịch tumescent vào vùng làm phẫu thuật và chờ 20-30 phút. Dung dịch tumescent có tác dụng gây tê tại chỗ cũng như hỗ trợ quá trình hút mỡ. Dung dịch tumescent có chứa các chất giúp co mạch máu, nên có thể làm hạn chế xuất huyết, bầm tím, giúp thủ thuật an toàn hơn. Nhìn chung đây gần như đã trở thành bước căn bản trong hút mỡ hiện đại.
Có 4 kỹ thuật hút mỡ chính hiện nay:
- Hút mỡ truyền thống
- Hút mỡ trợ lực
- Hút mỡ công nghệ laser Smartlipo
- Hút mỡ công nghệ sóng siêu âm Vaser
Hút mỡ bụng truyền thống
Hút mỡ bụng truyền thống là hút mỡ sử dụng que hút mỡ (ống cannula) có gắn với máy hút. Hút mỡ bụng truyền thống có tên gọi khác là hút mỡ Tumescent.
Trong phiên điều trị, bác sĩ sẽ dùng nhiều ống cannula (que hút mỡ) với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau trong cùng một ca hút mỡ. Nhiều bác sĩ bắt đầu với ống cannula lớn (3,5-4 mm) để loại bỏ mỡ gần bề mặt cơ, sau đó dùng ống cannula nhỏ hơn (3 – 2,5 – 2 mm) khi càng hút mỡ dần về phía da. Với kỹ thuật này, những đường rỗng do ống cannula tạo ra sẽ nhỏ dần khi càng gần về da và điều này được cho là sẽ giúp hạn chế khả năng gây biến dạng đường nét trên bề mặt. Đồng thời, bác sĩ tin rằng kỹ thuật này sẽ giúp thúc đẩy da co lại và căng hơn, đem lại một kết quả đẹp mắt hơn sau phẫu thuật.
Việc chọn kích cỡ và loại ống cannula cũng phụ thuộc vào vị trí và mức độ mỡ tích tụ. Xu thế gần đây là sử dụng ống cannula nhỏ.
Vùng bụng trên thường cần ống cannula lớn (3 mm) để đẩy xuyên qua các dải mô xơ xuất hiện nhiều ở vùng này, hoặc nếu khó tiến hành quá thì bác sĩ sẽ dùng ống cannula nhỏ hơn (2,5 mm) để tạo lối vào trước sau đó mới dùng ống to (3mm) để hút mỡ hiệu quả. Chú ý là vùng này có thể chảy máu nhiều hơn vì nó nhiều mô xơ hơn, và cũng sẽ gây khó chịu nhiều hơn.
Ở vùng bụng dưới, mỡ thường được phân bổ lỏng lẻo hơn, ít bị bó buộc trong các mô xơ, nên có thể loại bỏ dễ dàng hơn. Đa phần mỡ bụng dưới sẽ được loại bỏ luôn trong giai đoạn phá vỡ mỡ bằng ống cannula lớn (3,5-4 mm) ban đầu.
Hút mỡ trợ rung
Hút mỡ trợ rung cũng giống với hút mỡ truyền thống, có cải tiến ở hơn ở chỗ que hút mỡ được gắn với tay cầm nối với máy tạo rung. Máy hút mỡ trợ rung có cơ chế làm ống cannula rung để phá vỡ liên kết mỡ đồng thời hút mỡ ra ngoài cùng lúc.
Hút mỡ công nghệ laser
Trong hút mỡ laser, bác sĩ sẽ dùng ống laser đưa qua lại trong lớp mỡ, năng lượng nhiệt phát ra từ đầu ống laser sẽ hóa lỏng mỡ. Sau đó bác sĩ dùng ống cannula để hút mỡ ra.
Rủi ro lớn nhất của kỹ thuật này là bỏng da, nhưng bằng các biện pháp đề phòng cẩn thận và chuyên môn/kinh nghiệm, bác sĩ có thể giảm nguy cơ này xuống tối thiểu.
Hút mỡ công nghệ sóng siêu âm Vaser
Với hút mỡ Vaser, một thanh kim loại phát ra sóng siêu âm sẽ được đưa vào cơ thể và đánh tan mỡ (hóa lỏng mỡ) nhờ cơ chế cavitation. Mỡ sau khi hóa lỏng sẽ được dùng ống cannula để đưa ra ngoài.
Sau khi đã hài lòng với kết quả thẩm mỹ, bác sĩ sẽ tiến hành khâu đóng vết rạch luồn ống – hoặc cứ để hở nếu vết rạch nhỏ để làm cổng thoát dịch, rồi y tá sẽ làm sạch và cho bệnh nhân mặc đồ nịt/băng ép đã chuẩn bị sẵn.
Thời gian hồi phục sau hút mỡ bụng
Thời gian hồi phục hoàn toàn sau hút mỡ nhìn chung thường mất ít nhất 6 tháng. Tức là khách hàng cần 6 tháng để nhìn thấy kết quả cuối cùng.
Những triệu chứng như sưng nề, bầm tím, đau thường giảm gần hết sau 1-2 tháng và thường không có xu hướng trầm trọng hơn.
Như mọi khía cạnh khác của hút mỡ, quá trình chăm sóc sau hút mỡ bụng sẽ thay đổi tùy vào từng bác sĩ. Nhìn chung, đồ nịt hậu phẫu, dẫn lưu dịch tumescent thừa và tránh các hoạt động thể chất mạnh là những điểm quan trọng đối với kết quả cuối cùng sau hút mỡ.
Có một điều thú vị là các vết rạch, dù khâu hay để hở, đều sẽ khép miệng và lành sau khoảng 1 tuần. Thường các bác sĩ sẽ cố để hở hoặc chỉ khâu khép một phần vết rạch, vì nếu không có chỗ dẫn dịch, dịch ứ đọng có thể gây sưng nề dai dẳng và cản trở da co lại sau hút mỡ. Các động tác mát-xa từ trên xuống để đẩy dịch qua các vết rạch sẽ được y tá thực hiện hoặc bệnh nhân có thể tự làm trong lúc tắm rửa. Trong lần tắm đầu tiên, một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể vẫn còn thấy choáng váng, vì vậy nên nhờ người thân hỗ trợ trong giai đoạn đầu cho đến khi bạn thấy tỉnh táo hơn.
Bệnh nhân cũng sẽ được kê một số loại thuốc như kháng sinh, chống viêm, giảm đau... để giúp hạn chế các khó chịu sau phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ thấy bình thường khi nghỉ ngơi, nhưng những lúc quay người, căng giãn cơ, đứng dậy... thì có thể thấy đau. Cảm giác khó chịu này, cộng với sưng nề, sẽ cải thiện nhanh chóng trong 2 tuần đầu và gần như biến mất hoàn toàn sau 1 tháng.
Bầm tím, sưng nề có thể gia tăng trầm trọng giai đoạn một tuần đầu, nhưng cải thiện dần sau đó.
Nổi cục lồi lõm, không đều và bị cứng là hiện tượng bình thường sau hút mỡ, đặc biệt ở vùng bụng dưới. Tình trạng này sẽ đỡ dần qua thời gian, vùng đó sẽ mềm và phẳng đều dần sau 1-3 tháng. Bạn vẫn có thể bị sưng nề, lồi lõm, tê dại nhẹ trong tận 3-6 tháng.
Biến chứng có thể gặp phải của hút mỡ bụng
Việc sử dụng dung dịch tumescent đã giúp giảm đáng kể những biến chứng trầm trọng được ghi nhận sau hút mỡ cổ điển.
Thủng ruột, viêm phúc mạc là biến chứng đặc biệt chỉ có ở những ca hút mỡ thành bụng. Nguyên nhân là do điều hướng ống cannula sai, dẫn đến tiến quá sâu qua lớp mỡ và đâm xuyên qua ổ bụng. Tất nhiên, với bệnh nhân bị thoát vị, đã làm phẫu thuật mở bụng từ trước thì nguy cơ ruột thoát vị khỏi thành bụng do lực từ ca hút mỡ và bị đâm trúng là cao hơn. Để tránh gặp biến chứng hiếm xảy ra nhưng nguy hiểm này, các bác sĩ sẽ chú ý khám trước phẫu thuật và cẩn trọng với vị trí của ống cannula trong quá trình làm hút mỡ. Tất nhiên, nếu tai nạn đâm thủng ruột thật sự xảy ra, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sớm, ngay sau phẫu thuật hoặc sau đó 1-2 ngày. Dễ nhận biết nhất là qua cơn đau mạnh, bất thường ở bụng, hoặc dịch rỉ ra có màu/mùi bất thường (khác với màu vàng trong hơi nhuốm máu thông thường sau hút mỡ)... Nếu nghi ngờ xảy ra trường hợp thủng ruột, bác sĩ sẽ xác nhận bằng biện pháp chụp chiếu, hội chẩn nếu cần và chắc chắn là sẽ can thiệp gấp bằng phẫu thuật.
Đã có nhiều biến chứng nghiêm trọng được ghi nhận lại sau hút mỡ, chủ yếu đến từ những ca gây mê toàn thân. Đã có báo cáo về huyết khối tĩnh mạch sâu, nhưng xuất hiện nhiều hơn ở những ca kết hợp hút mỡ với thủ thuật khác (tạo hình thành bụng...), phù phổi cũng đã từng xảy ra sau hút mỡ nhưng là trong trường hợp bệnh nhân hút mỡ thể tích lớn và được truyền nhiều dịch.
Những biến chứng ít nghiêm trọng hơn có thể gặp sau hút mỡ là: lồi lõm da bụng, hình thành ổ dịch tụ, ổ máu tụ, loét da, viêm bong tróc da và bầm tím. Đây đều là hiện tượng phổ biến và đa phần sẽ tự khỏi mà không cần điều trị gì.
Nếu ổ dịch tụ dai dẳng, to và lồi ra như cục u thì có thể điều trị bằng rút dịch qua ống tiêm, lặp lại nhiều lần cho tới khi ổ tụ dịch tan hết.
Bụng cũng là một vùng rất dễ bị phù, vì vậy sưng nề và bầm tím là chuyện cần lường trước khi làm hút mỡ. Và vì trọng lực kéo dịch/máu xuống dưới và tích tụ vào vùng có vị trí thấp (háng, chân...), nên không có gì lạ khi những vùng này bị sưng/bầm tím, đặc biệt là trong 48-72 giờ sau hút mỡ.
Viêm bong da đôi khi có thể xảy ra sau hút mỡ mạnh bạo gần bề mặt da đối với bệnh nhân có da mỏng và có vết rạn. Viêm bong da cũng được ghi nhận trong trường hợp dùng xốp đệm Reston mà bị ẩm. Tình trạng này có thể điều trị bằng các loại bằng gạc chăm sóc vết mổ đặc biệt, ví dụ như Tegaderm, được thay mới mỗi vài ngày cho đến khi hồi phục.
Biến dạng lồi lõm không đều ở da hoặc vẫn còn sót mỡ thừa có thể được xử lý bằng ca hút mỡ lần 2 sau ca hút mỡ đầu khoảng 3-6 tháng.
Tìm hiểu chung về hút mỡ truyền thống, hút mỡ trợ lực rung, hút mỡ bằng siêu âm, hút mỡ bằng laser. Những quá trình này thực hiện như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu
Kỹ thuật thẩm mỹ được đánh giá là tốt nhất trong điều trị nọng cằm (hai cằm)
Mặc dù đa phần bắp chân to là do cơ bắp, nhưng đôi khi mỡ cũng góp phần làm tăng kích thước của bắp chân và trong trường hợp đó, bạn có thể chọn hút mỡ bắp chân để có được đôi chân thon gọn hơn.
Hút mỡ vùng lưng, cuộn mỡ dưới áo bra
Hút mỡ là một quy trình phẫu thuật được rất nhiều người nói đến, nhưng lại ít người biết rõ chi tiết về nó. Mục đích của quy trình này là loại bỏ các túi mỡ không mong muốn khỏi cơ thể để cải thiện hình dáng.
- 4 trả lời
- 1212 lượt xem
Tôi đã làm tạo hình thành bụng khoảng 5 tuần trước. Đồng thời tôi cũng hút mỡ một chút ở ụ hông (VASER). Tôi vẫn chăm chỉ mặc băng ép và hạn chế hoạt động tới mức tối thiểu. Tuy nhiên tôi bị sưng rất nhiều. Ước chừng bụng và ụ hông của tôi to hơn 60% so với trước khi làm phẫu thuật. Tôi không sờ thấy các ụ cứng có thể là tụ dịch hoặc tụ máu. Những gì tôi đọc được trên mạng (bao gồm nghiên cứu y học) cho thấy đáng ra sau 5 tuần thì tôi phải giảm sưng tầm 80% rồi. Xin hãy cho tôi ý kiến. Trông tôi có bình thường không?
- 6 trả lời
- 1420 lượt xem
Có điểm gì khác biệt giữa các phương pháp trên không?
- 5 trả lời
- 2075 lượt xem
Tôi đang tự hỏi liệu đây là mỡ hay sưng nề. Mỡ có thể trở lại vùng đã được điều trị ngay sau khi hút mỡ hay không? 21 ngày sau khi hút mỡ bằng siêu âm Vaser tôi không có quá nhiều mỡ nhưng đã loại bỏ mỡ cứng đầu ở vùng bụng dưới và vùng sườn. Eo của tôi sẽ trông nhỏ hơn một chút nhưng tôi lo lắng vì tôi vẫn túm lấy mỡ ở quanh bụng và sườn, nơi mỡ đã được loại bỏ, tôi đang vật lộn để chờ xem kết quả! Có ai có thể giúp tôi không?
- 5 trả lời
- 2708 lượt xem
Cách đây 4 năm tôi đã sinh một bé nặng 4,5 kg bằng phương pháp sinh mổ. Sau đó tôi có rất nhiều vết rạn da và da thừa trên bụng. Hai ngày trước tôi đi đến một buổi tham vấn thực hiện hút mỡ VASER, ông ấy rất đáng mến và chân thành, nhưng ông ấy nói ông sẽ không bao giờ có thể mang lại cho tôi một thân hình bikini và tôi cần thực hiện phẫu thuật tạo hình thành bụng mới đạt được điều đó. Liệu điều này đúng không? Nếu tôi cứ thực hiện hút mỡ bằng siêu âm VASER thì sẽ vẫn còn da thừa lỏng lẻo? Tôi thực sự không muốn phẫu thuật tạo hình bụng, có quy trình nào khác không?
- 4 trả lời
- 1374 lượt xem
Tôi đang nghiên cứu để tìm ra phương pháp tốt nhất cho tình trạng của mình. Tôi muốn loại bỏ mỡ bụng, thắt chặt da chùng nhão, chảy xệ, và tốn ít hoặc không mất thời gian hồi phục. Nếu có phương pháp nào không phẫu thuật thì tốt nhất. VASER hay Vaser Hi def vv... phương pháp nào tốt nhất cho tôi? Tôi cần tìm kiểu bác sĩ nào?