1

Hướng dẫn sử dụng Exparel (bupivacaine) giảm đau sau phẫu thuật ngực, bụng

Exparel là một loại thuốc tiêm được sử dụng để giảm đau sau phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật tạo hình thành bụng và nâng ngực.
Exparel Hướng dẫn sử dụng Exparel (bupivacaine) giảm đau sau phẫu thuật ngực, bụng

Exparel là gì?

Exparel là một loại thuốc kê đơn dạng tiêm, được sử dụng để giảm đau sau phẫu thuật.

Cụ thể, Exparel được FDA phê chuẩn cho những mục đích sử dụng sau đây:

  • Giảm đau tại chỗ: Exparel được tiêm vào một số vùng nhất định trên cơ thể để gây tê và do đó sẽ không còn cảm giác đau. Khi được dùng cho mục đích giảm đau tại chỗ, Exparel có thể sử dụng được cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
  • Phong bế thần kinh: Exparel được sử dụng để chặn một số dây thần kinh truyền tín hiệu đau bên trong cơ thể. Exparel được sử dụng cho mục đích này trong những trường hợp phẫu thuật ở các vùng cơ thể chịu sự ảnh hưởng của đám rối thần kinh cánh tay. (Đám rối thần kinh cánh tay là tập hợp các dây thần kinh truyền tín hiệu giữa tủy sống và vai, cánh tay hoặc bàn tay). Khi được dùng nhằm mục đích phong bế thần kinh, Exparel chỉ được phép sử dụng cho người lớn.

Chi tiết thuốc

Exparel có chứa hoạt chất bupivacaine, được đựng trong các lọ đơn liều thể tích 10ml và 20ml. Exparel chỉ có một mức nồng độ là 13,3 miligam trên mililit (mg/mL).

Exparel được tiêm trong ca phẫu thuật để giảm đau trong quá trình hồi phục.

Hiệu quả

Hiệu quả của Exparel đối với các mục đích sử dụng đã được phê chuẩn sẽ được nói rõ trong phần bên dưới.

Thuốc gốc

Bupivacaine – hoạt chất trong Exparel – được bán dưới dạng thuốc gốc (generic drug). Thuốc gốc là thuốc có chứa cùng thành phần hoạt tính với cùng mức nồng độ giống như biệt dược. Thuốc gốc được sản xuất và bán ra thị trường sau khi biệt dược hết hạn độc quyền.

Tuy nhiên, hiện Exparel chỉ có dạng biệt dược (brand-name drug) và không có dạng thuốc gốc.

So sánh Exparel và bupivacaine

Thuốc gốc bupivacaine có công thức bào chế khác với Exparel.

Exparel được bào chế để giải phóng hoạt chất từ từ, mang lại hiệu quả giảm đau kéo dài trong vài ngày sau khi tiêm. Do được bào chế để giải phóng hoạt chất chậm nên Exparel là một loại thuốc tiêm liposome. Thuốc tiêm liposome là những loại thuốc có chứa thành phần hoạt tính trong các hạt nhỏ, giống như mỡ và khi vào cơ thể, những hạt này sẽ được hấp thụ từ từ.

Tác dụng phụ của Exparel

Exparel có thể gây ra các phản ứng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Danh sách bên dưới là một số tác dụng phụ chính có thể xảy ra sau khi tiêm Exparel nhưng ngoài ra còn có một số tác dụng phụ ít gặp khác.

Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ của Exparel, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn các cách xử lý khi gặp tác dụng phụ.

Tác dụng phụ nhẹ

Các tác dụng phụ nhẹ của Exparel gồm có:

  • Táo bón
  • Chóng mặt
  • Ngứa
  • Đau lưng hoặc cổ
  • Mệt mỏi
  • Lo âu, bồn chồn
  • Khó ngủ
  • Thay đổi vị giác
  • Co giật cơ
  • Buồn nôn và nôn*
  • Sốt *

Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ kéo dài hoặc ngày càng nặng hơn thì cần thông báo ngay cho bác sĩ.

* Những tác dụng phụ này sẽ được thảo luận kỹ hơn trong phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Các tác dụng phụ nghiêm trọng của Exparel đều không phổ biến nhưng có thể xảy ra. Báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải các tác dụng phụ dưới đây. Gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện khẩn cấp nếu cảm thấy các triệu chứng có thể đe dọa đến tính mạng.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng của Exparel và các triệu chứng gồm có:

  • Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp) với các triệu chứng như:
    • Mệt mỏi, thiếu năng lượng, không có sức lực
    • Da nhợt nhạt
  • Sưng phù ở cánh tay hoặc chân với các triệu chứng như:
    • Da căng bóng
    • Cánh tay, cẳng chân, bàn tay hoặc bàn chân to lên so với bình thường
    • Sau khi bị ấn lên và giữ trong vài giây, da bị lõm chứ không trở về trạng thái bình thường ngay
  • Huyết áp thay đổi, có thể quá cao hoặc quá thấp. Các triệu chứng gồm có:
    • Đau tức ngực
    • Đổ mồ hôi
    • Mệt mỏi
    • Vấn đề về thị lực
  • Mất sụn trong khớp với các triệu chứng như:
    • Đau khớp
    • Cứng khớp
  • Rối loạn nhịp tim với các triệu chứng như:
    • Đau tức ngực
    • Chóng mặt
    • Nhịp tim không đều
    • Hụt hơi
  • Bí tiểu với các triệu chứng như:
    • Tiểu khó
    • Dòng tiểu yếu
    • Bàng quang không rỗng hoàn toàn sau khi đi tiểu
  • Methemoglobin huyết (một chứng rối loạn máu). Các triệu chứng gồm có:
    • Thay đổi màu da
    • Cảm giác lâng lâng
    • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
    • Co giật
  • Phản ứng dị ứng
  • Ngã

Chi tiết tác dụng phụ

Dưới đây là thông tin chi tiết về một số tác dụng phụ thường gặp của Exparel.

Dị ứng

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Exparel cũng có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người.

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:

  • Phát ban da
  • Ngứa
  • Đỏ bừng (da nóng và ửng đỏ)

Mặc dù hiếm gặp nhưng Exparel có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các triệu chứng như:

  • Sưng nề dưới da, thường là ở mí mắt, môi, bàn tay hoặc bàn chân
  • Sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng
  • Khó thở

Báo ngay cho bác sĩ nếu xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với Exparel. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu nhận thấy các triệu chứng đe dọa tính mạng.

Buồn nôn và nôn mửa

Exparel có thể gây buồn nôn hoặc nôn mửa sau khi tiêm.

Trong các nghiên cứu lâm sàng về Exparel khi được sử dụng nhằm mục đích giảm đau tại chỗ: (1)

  • 2,1% đến 40,2% những người được tiêm Exparel bị buồn nôn
  • 1,1% đến 37,5% những người được tiêm giả dược (thuốc không chứa hoạt chất) bị buồn nôn
  • 2,1% đến 27,8% những người được tiêm Exparel bị nôn mửa
  • 4,3% đến 17,7% những người được tiêm giả dược bị nôn mửa

Trong các nghiên cứu, Exparel được tiêm vào một số vùng nhất định của cơ thể để gây tê và khiến cho người tham gia không còn cảm thấy đau. Khoảng tỷ lệ phần trăm số người gặp phải tác dụng phụ thay đổi theo loại phẫu thuật cụ thể được thực hiện.

Cũng trong các nghiên cứu trên, khi Exparel khi được sử dụng nhằm mục đích phong bế thần kinh:

  • 36,9% những người được tiêm Exparel bị buồn nôn
  • 37,3% những người tiêm giả dược bị buồn nôn
  • 10,1% đến 18,3% những người được tiêm Exparel bị nôn mửa
  • 20,4% những người tiêm giả dược bị nôn mửa

Trong nghiên cứu, Exparel được tiêm vào một số vùng nhất định của cơ thể để ngăn các dây thần kinh truyền tín hiệu đau. Khoảng tỷ lệ phần trăm số người gặp phải tác dụng phụ thay đổi theo liều lượng thuốc được tiêm.

Nhiều người cảm thấy buồn nôn hoặc bị nôn mửa trong hoặc sau ca phẫu thuật - thời điểm mà họ được tiêm Exparel. Nguyên nhân gây buồn nôn và nôn có thể là do bản thân ca phẫu thuật hoặc do các loại thuốc được sử dụng, bao gồm cả Exparel.

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ theo dõi sát sao sau ca phẫu thuật. Hãy báo cho bác sĩ nếu cảm thấy buồn nôn hoặc nôn trong thời gian hồi phục. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê thuốc để giảm bớt cảm giác khó chịu.

Nếu tình trạng buồn nôn hoặc nôn mửa không hết trong vòng 24 đến 48 giờ sau phẫu thuật thì cần báo cho bác sĩ ngay lập tức. Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nhiễm trùng.

Sốt

Một số người bị sốt sau khi tiêm Exparel. Ví dụ, trong nghiên cứu lâm sàng, tình trạng sốt xảy ra ở:

  • 1,1% đến 23,3% những người được tiêm Exparel
  • 0% đến 17,9% những người được tiêm giả dược (thuốc không chứa hoạt chất)

Khoảng tỷ lệ phần trăm này thay đổi theo loại phẫu thuật đã thực hiện và liều lượng Exparel được sử dụng.

Một điều quan trọng cần lưu ý là Exparel được tiêm vào thời điểm diễn ra ca phẫu thuật để giúp giảm đau trong quá trình hồi phục và nhiều người bị sốt sau phẫu thuật. Tuy nhiên, cần báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu sốt kéo dài không hạ hoặc vài ngày sau phẫu thuật mới bắt đầu bị sốt.

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để xác định nguyên nhân gây sốt. Trong một số trường hợp, sốt là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm trùng.

Bupivacaine - một hoạt chất trong Exparel - được sử dụng để gây tê một số vùng trên cơ thể và giúp cho bệnh nhân không cảm thấy đau. Do đó, những vùng đã được tiêm Exparel có thể bị tê bì sau khi phẫu thuật.

Trao đổi với bác sĩ để phân biệt hiện tượng tê bình thường với tê bất thường và thời gian bị tê sau khi tiêm Exparel.

Nếu tê lan đến những vùng không tiêm Exparel thì cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức. Đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nguy hiểm đến tính mạng.

Té ngã

Trong các nghiên cứu lâm sàng, té ngã là một tác dụng phụ thường gặp ở những người được tiêm Exparel nhằm mục đích phong bế thần kinh. (Thuốc được tiêm vào một số vùng trên cơ thể để ngăn một số dây thần kinh truyền tín hiệu đau).

Cụ thể, trong nghiên cứu, tình trạng té ngã xảy ra ở:

  • 2,4% đến 2,7% số người được tiêm Exparel
  • 0,3% những người tiêm giả dược (thuốc không chứa hoạt chất)

Khoảng tỷ lệ phần trăm này thay đổi theo liều lượng Exparel được tiêm.

Tuy nhiên, tình trạng té ngã không được báo cáo trong các nghiên cứu lâm sàng khi Exparel được sử dụng làm thuốc giảm đau tại chỗ. (Thuốc được tiêm vào một số vùng nhất định trên cơ thể để gây tê và làm mất cảm giác đau.) (1)

Nếu bị té ngã sau khi tiêm Exparel, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ sẽ xác định liệu nguyên nhân gây té ngã có phải do Exparel hay không và hướng dẫn cách khắc phục.

Các tác dụng phụ khác của Exparel có thể dẫn đến té ngã

Exparel có thể gây ra một số tác dụng phụ dẫn đến té ngã, gồm có:

  • Chóng mặt
  • Tụt huyết áp
  • Suy nhược
  • Co giật cơ
  • Tê ở khu vực được tiêm Exparel

Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong số này và lo lắng về nguy cơ bị ngã thì hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn các cách đảm bảo an toàn sau khi tiêm Exparel.

Liều lượng tiêm Exparel

Liều lượng Exparel mà bác sĩ chỉ định sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Loại phẫu thuật hoặc thủ thuật cần tiến hành
  • Diện tích của vùng phẫu thuật hoặc vùng cơ thể cần giảm đau

Dưới đây là các mức liều lượng thường được sử dụng hoặc khuyến nghị. Bác sĩ sẽ xác định liều lượng cụ thể phù hợp cho từng trường hợp.

Dạng thuốc và nồng độ

Exparel được sản xuất ở dạng lỏng và tiêm vào những khu vực cần giảm đau trên cơ thể.

Exparel có dạng lọ đơn liều 10ml và 20ml với một mức nồng độ duy nhất là 13,3 miligam trên mililit (mg/mL) hay 1,3%.

Liều dùng để giảm đau sau phẫu thuật

Exparel được tiêm một mũi duy nhất trong ca phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xác định liều Exparel phù hợp tùy thuộc vào loại phẫu thuật cần thực hiện. Liều Exparel còn phụ thuộc vào diện tích vùng phẫu thuật.

Ví dụ, trong các nghiên cứu lâm sàng, liều Exparel được sử dụng là:

  • 106mg (8ml) ở những người phẫu thuật cắt xương ngón chân cái
  • 266mg (20ml) ở những người phẫu thuật cắt trĩ

Liều khuyến nghị tối đa khi Exparel được sử dụng làm thuốc giảm đau tại chỗ là 266mg (20ml) và liều khuyến nghị tối đa khi Exparel được sử dụng để phong bế thần kinh là 133mg (10ml).

Liều dùng cho trẻ nhỏ

Ở trẻ nhỏ, liều lượng Exparel cần dùng để giảm đau tại chỗ được xác định dựa trên khối lượng cơ thể của trẻ. Liều khuyến nghị thông thường là 4mg thuốc cho mỗi kg khối lượng cơ thể. Liều khuyến nghị tối đa ở trẻ nhỏ là 266mg.

Có cần sử dụng Exparel lâu dài không?

Exparel không được sử dụng để giảm đau lâu dài. Loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn để giảm đau sau một số ca phẫu thuật.

Cơ chế hoạt động của Exparel

Exparel được sử dụng để giảm đau trong thời gian hồi phục sau phẫu thuật. Thuốc này có cơ chế là giảm tín hiệu đau được truyền từ vị trí phẫu thuật đến não và tủy sống. Exparel gây tê khu vực được tiêm và làm giảm cảm giác đau.

Exparel có chứa hoạt chất bupivacaine, được bào chế để giải phóng hoạt chất một cách từ từ và nhờ đó mang lại hiệu quả giảm đau kéo dài trong vài ngày.

Bao lâu thì Exparel phát huy tác dụng?

Thời gian bắt đầu phát huy tác dụng của Exparel ở mỗi người là khác nhau nhưng loại thuốc này thường có tác dụng trong vòng 30 phút sau khi tiêm.

Tác dụng của Exparel kéo dài bao lâu?

Thời gian duy trì tác dụng của Exparel ở mỗi người cũng không giống nhau.

Trong các nghiên cứu lâm sàng, hiệu quả giảm đau của Exparel kéo dài từ 24 đến 72 giờ. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào loại phẫu thuật đã thực hiện và liều lượng thuốc được sử dụng.

Công dụng của Exparel

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn các loại thuốc kê đơn như Exparel để điều trị một số vấn đề nhất định nhưng Exparel cũng có thể được sử dụng dưới hình thức “ngoài hướng dẫn” (off-label) để điều trị các vấn đề khác. Mỗi một loại thuốc được phê chuẩn để điều trị một số bệnh nhất định. Sử dụng ngoài hướng dẫn có nghĩa là một loại thuốc được dùng để điều trị một vấn đề, bệnh lý không nằm trong danh sách các bệnh đã được phê chuẩn.

Giảm đau sau phẫu thuật

Exparel được FDA phê chuẩn để giảm đau sau phẫu thuật. Thuốc này được tiêm trong khi phẫu thuật để giảm đau trong quá trình hồi phục.

Cụ thể, Exparel được chấp thuận cho những mục đích sử dụng sau đây:

  • Giảm đau tại chỗ: Exparel được tiêm vào một số vùng nhất định trên cơ thể để gây tê và do đó sẽ không còn cảm thấy đau. Khi được dùng nhằm mục đích giảm đau tại chỗ, Exparel có thể sử dụng được cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
  • Phong bế thần kinh: Exparel được sử dụng để chặn một số dây thần kinh truyền tín hiệu đau trong cơ thể. Exparel được sử dụng cho mục đích này trong những trường hợp cần phẫu thuật ở các vùng cơ thể chịu sự ảnh hưởng của đám rối thần kinh cánh tay. (Đám rối thần kinh cánh tay là tập hợp các dây thần kinh truyền tín hiệu giữa tủy sống và vai, cánh tay hoặc bàn tay). Khi được dùng nhằm mục đích phong bế thần kinh, Exparel chỉ được phép sử dụng cho người lớn.

Lưu ý, cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng Exparel nhằm mục đích phong bế thần kinh ở các vùng cơ thể không chịu sự ảnh hưởng của đám rối thần kinh cánh tay.

Trong quá trình phẫu thuật thường sẽ xảy ra tổn thương mô và viêm tại vị trí phẫu thuật. Exparel có tác dụng giảm đau sau nhiều loại phẫu thuật, gồm có:

  • Phẫu thuật tạo hình thành bụng
  • Phẫu thuật cắt tử cung
  • Phẫu thuật ngực, chẳng hạn như nâng ngực và treo ngực sa trễ
  • Phẫu thuật giảm cân
  • Phẫu thuật chỉnh hình
  • Phẫu thuật hàm
  • Phẫu thuật răng khôn

Hiệu quả giảm đau sau phẫu thuật của Exparel

Trong các nghiên cứu lâm sàng, Exparel có hiệu quả giảm đau cho những người tham gia trong thời gian hồi phục sau phẫu thuật.

Ví dụ, trong một nghiên cứu được thực hiện trên những người phải phẫu thuật cắt xương ngón chân cái, một số người đã được tiêm Exparel với liều lượng là 106mg sau phẫu thuật trong khi một số người khác được tiêm giả dược. Trong vòng 24 giờ đầu tiên sau ca phẫu thuật, những người tiêm Exparel có điểm số đau thấp hơn đáng kể so với những người tiêm giả dược.

Một nghiên cứu khác đã được thực hiện trên những người phẫu thuật cắt trĩ. Sau ca phẫu thuật, một số người được tiêm 266mg Exparel trong khi những người khác được tiêm giả dược. Trong vòng 72 giờ sau ca phẫu thuật, những người tiêm Exparel có điểm số đau thấp hơn đáng kể so với những người tiêm giả dược.

Một nghiên cứu lâm sàng khác đã tiêm Exparel cho những người phải phẫu thuật phục hồi chóp xoay vai hoặc chỉnh hình toàn bộ khớp vai. Trước ca phẫu thuật, một số người được tiêm 133mg Exparel nhằm mục đích phong bế thần kinh trong khi những người khác được tiêm giả dược. Trong thời gian lên đến 48 giờ sau phẫu thuật, những người được tiêm Exparel có điểm số đau thấp hơn nhiều so với những người tiêm giả dược.

Sử dụng Exparel cho trẻ em

Exparel được cho phép sử dụng làm thuốc giảm đau tại chỗ cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Exparel được tiêm vào một số vùng nhất định trên cơ thể để gây tê và làm cho trẻ không cảm thấy đau.

Các câu hỏi thường gặp về Exparel

Dưới đây là câu trả lời cho một số câu hỏi thường gặp về Exparel.

Exparel có được sử dụng để phong bế mặt trước cơ ngang bụng (TAP block) không?

Exparel được phê duyệt cho mục đích sử dụng là phong bế thần kinh ở một số dây thần kinh trong cơ thể. Phong bế thần kinh có nghĩa là thuốc được tiêm vào một số khu vực nhất định trên cơ thể để ngăn dây thần kinh truyền tín hiệu đau từ vị trí có vết thương đến não và tủy sống.

Khi được dùng để phong bế thần kinh, Exparel được tiêm tại những vị trí có dây thần kinh nằm trong đám rối thần kinh cánh tay (nhóm các dây thần kinh truyền tín hiệu giữa tủy sống và vai, cánh tay hoặc bàn tay). Nếu phải làm phẫu thuật tại một vùng cơ thể chịu sự ảnh hưởng của đám rối thần kinh cánh tay, bác sĩ sẽ tiêm Exparel vào vùng đó để giúp giảm đau.

Tuy nhiên, trong phương pháp phong bế mặt trước cơ ngang bụng (transversus abdominis plane block – TAP block), một loại thuốc gây tê sẽ được tiêm vào các dây thần kinh ở thành bụng. Exparel không được phê chuẩn sử dụng cho mục đích này mà chỉ được sử dụng để phong bế thần kinh trong đám rối thần kinh cánh tay.

Cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu tính an toàn và hiệu quả của Exparel khi tiêm ở các vùng khác trên cơ thể nằm ngoài đám rối thần kinh cánh tay và xem liệu có thể sử dụng Exparel trong phương pháp TAP block hay không.

Exparel có phải là thuốc gây tê không?

Exparel là một loại thuốc gây tê – một trong các phương pháp vô cảm (anesthetic) và cụ thể hơn, Exparel là một loại thuốc giảm đau (analgesic).

Các loại thuốc gây tê có tác dụng làm mất cảm giác ở các vùng trên cơ thể và nhờ đó giúp bệnh nhân không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện các thủ thuật y tế cũng như là một thời gian ngắn sau đó. Thuốc giảm đau - cũng là một loại thuốc gây tê - vừa có tác dụng làm mất cảm giác và vừa ngăn chặn cảm giác đau ở một số vùng nhất định trên cơ thể.

Ngoài gây tê, một phương pháp vô cảm nữa được sử dụng phổ biến trong phẫu thuật là gây mê. Thuốc gây mê khiến cho bệnh nhân chìm vào giấc ngủ hay tạm thời không còn ý thức. Tuy nhiên, Exparel không có tác dụng này mà chỉ gây tê và giảm đau ở vùng cơ thể được tiêm thuốc.

Exparel có phải là thuốc giảm đau opioid không?

Exparel không thuộc nhóm thuốc giảm đau opioid. Opioid là một nhóm thuốc giảm đau tác động đến một số thụ thể nhất định trên các tế bào trong cơ thể.

Một số loại thuốc giảm đau trong nhóm opioid gồm có:

  • morphin
  • oxycodone
  • hydromorphone

Exparel có cơ chế hoạt động khác với opioid. Exparel không tác động đến các thụ thể opioid của cơ thể mà thay vào đó, loại thuốc này gây tê ở vị trí được tiêm.

Không giống như opioid có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, Exparel chỉ tác động đến mô hoặc dây thần kinh tại vị trí tiêm. Ngoài ra, các thuốc giảm đau nhóm opioid có thể gây lệ thuộc thuốc nhưng Exparel thì không.

Có thể sử dụng Exparel cùng với các loại thuốc giảm đau khác không?

Có thể. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giảm đau khác ngoài Exparel. Các loại thuốc này có thể kết hợp cùng với Exparel để giúp giảm đau hiệu quả hơn trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật.

Để biết thêm thông tin về các loại thuốc khác có thể sử dụng cùng Exparel, vui lòng đọc phần “Sử dụng Exparel cùng với các loại thuốc khác” ở bên dưới.

Và nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc sử dụng các loại thuốc giảm đau khác cùng với Exparel thì tố nhất nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ.

Có cần đề nghị bác sĩ sử dụng Exparel không?

Hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng Exparel trong buổi thăm khám tiền phẫu. Thuốc này được sử dụng để giảm đau sau phẫu thuật nhưng thường được tiêm ngay trong ca phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cho biết có cần thiết phải tiêm Exparel hay không.

Exparel được tiêm ở đâu?

Exparel được tiêm tại vùng cần phẫu thuật trên cơ thể. Thuốc này giúp giảm đau trong giai đoạn hậu phẫu.

Hỏi bác sĩ để biết chính xác vị trí tiêm Exparel. Bác sĩ sẽ xác định vị trí tiêm dựa trên ca phẫu thuật cần tiến hành.

Exparel có thể được bơm qua tủy sống không?

Bơm thuốc giảm đau qua tủy sống (pain pump) là phương pháp đưa một số loại thuốc trực tiếp vào tủy sống để giảm đau. Dụng cụ bơm được đặt vào tủy sống trong quá trình phẫu thuật và có thể sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn (tối đa 24 giờ sau phẫu thuật) hoặc trong thời gian dài (lên đến vài tháng hoặc vài năm).

Exparel không được sử dụng trong phương pháp này mà sẽ được tiêm tại vị trí phải phẫu thuật trên cơ thể.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ khuyến nghị bơm thuốc giảm đau qua tủy sống thay vì tiêm Exparel nếu cảm thấy phương pháp này hiệu quả hơn so với Exparel.

Điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ về các biện pháp kiểm soát đau đớn trước khi diễn ra ca phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp an toàn và hiệu quả nhất.

Các lựa chọn thay thế cho Exparel

Ngoài Exparel còn có nhiều loại thuốc khác cũng được sử dụng để giảm đau sau phẫu thuật. Mỗi một loại thuốc có hiệu quả khác nhau và phù hợp cho một số vùng nhất định trên cơ thể. Nếu muốn tìm một loại thuốc khác thay cho Exparel thì hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Lưu ý, một số loại thuốc dưới đây được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn để giảm đau.

Một số ví dụ về các loại thuốc khác có thể được sử dụng để giảm đau sau phẫu thuật gồm có:

  • Thuốc giảm đau tại chỗ, chẳng hạn như:
    • lidocaine (Xylocaine, Xylocaine-MPF, Lidoject,…)
    • bupivacaine (Marcaine, Sensorcaine-MPF,…)
    • ropivacaine (Naropin)
    • procaine
  • Thuốc giảm đau toàn thân, chẳng hạn như:
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), gồm có ketorolac và ibuprofen (Advil)
    • Thuốc giảm đau nhóm opioid, gồm có hydromorphone (Dilaudid) và morphin (Kadian, MS Contin,...)

Thuốc giảm đau tại chỗ được tiêm tại một số vùng của cơ thể để gây tê và dẫn đến mất cảm giác đau ở vùng đó.
Thuốc giảm đau toàn thân là những loại thuốc tác động đến toàn bộ cơ thể.

Sử dụng Exparel cùng với các loại thuốc khác

Exparel được cho phép sử dụng làm thuốc giảm đau tại chỗ và thuốc phong bế thần kinh để giảm đau sau một số ca phẫu thuật.

Khi được sử dụng làm thuốc giảm đau tại chỗ, Exparel được tiêm vào một số vị trí nhất định trên cơ thể để tạo sự tê bì và không còn cảm thấy đau.

Và khi được sử dụng để phong bế thần kinh, Exparel sẽ ngăn cản một số dây thần kinh truyền tín hiệu đau ở trong cơ thể. Cụ thể, Exparel được sử dụng cho các dây thần kinh nằm trong đám rối thần kinh cánh tay (tập hợp các dây thần kinh truyền tín hiệu giữa tủy sống và vai, cánh tay hoặc bàn tay).

Đôi khi, Exparel được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác để giảm đau hiệu quả hơn. Dưới đây là một số loại thuốc thường được dùng cùng Exparel.

Nếu có thắc mắc về việc sử dụng các loại thuốc khác chung với Exparel, hãy nói chuyện trực tiếp với bác sĩ.

Lưu ý, không được trộn và tiêm Exparel cùng với các loại thuốc gây tê tại chỗ không chứa bupivacaine (hoạt chất trong Exparel) vì làm vậy sẽ khiến cho hoạt chất trong Exparel được giải phóng quá nhanh trong cơ thể. Và điều này có thể sẽ làm thay đổi hiệu quả của Exparel.

Exparel và quy tắc 50%

Trong một số trường hợp, bác sĩ kê Exparel kết hợp với một loại thuốc khác cũng chứa bupivacaine, miễn là tỷ lệ bupivacaine và Exparel không vượt quá 1:2, có nghĩa là lượng bupivacaine được sử dụng không được nhiều hơn 50% liều lượng Exparel.

Ví dụ, nếu sử dụng 133mg Exparel thì không nên thêm quá 66,5mg bupivacaine.

“Cocktail” Exparel

Exparel có thể được sử dụng cùng với một số loại thuốc khác để giảm đau hoặc giảm viêm. Sự kết hợp thuốc này được gọi là “cocktail Exparel” hay “cocktail giảm đau”. Exparel và các loại thuốc khác có thể được tiêm tại vị trí phẫu thuật trong cùng một mũi hoặc tiêm hai mũi riêng biệt.

Các loại thuốc được kết hợp cùng Exparel sẽ phụ thuộc vào loại phẫu thuật cần tiến hành và còn tùy theo kinh nghiệm của bác sĩ.

Một số loại thuốc có thể được sử dụng kết hợp với Exparel gồm có:

  • clonidine (Catapres, Duraclon,…)
  • ketorolac
  • epinephrine (Adrenalin, Levophed,…)

So sánh Exparel và Marcaine

Exparel có gì khác với các loại thuốc cũng được sử dụng nhằm mục đích giảm đau sau phẫu thuật, chẳng hạn như Marcaine?

Thành phần

Cả Exparel và Marcaine đều chứa cùng một thành phần hoạt tính, đó là bupivacaine. Tuy nhiên, Exparel và Marcaine được bào chế theo các cách khác nhau. Do đó, hai loại thuốc này giải phóng hoạt chất với tốc độ nhanh chậm không giống nhau ở trong cơ thể.

Exparel được làm bằng công nghệ liposome trong khi quy trình sản xuất Marcaine không sử dụng công nghệ liposome. Khi vào cơ thể, Exparel giải phóng hoạt chất chậm hơn so với Marcaine.

Công dụng

Cả Exparel và Marcaine đều được sử dụng làm thuốc giảm đau tại chỗ để giảm đau sau phẫu thuật. Exparel và Marcaine được tiêm vào một số vùng nhất định trên cơ thể để gây tê và mất cảm giác đau.

Khi dùng với mục đích giảm đau tại chỗ, Exparel có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên trong khi Marcaine được sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Ngoài ra, FDA còn cho phép sử dụng Exparel để phong bế thần kinh nhằm giảm đau sau phẫu thuật, có nghĩa là ngăn một số dây thần kinh truyền tín hiệu đau trong cơ thể.

Cụ thể, Exparel có tác dụng phong bế thần kinh trong những trường hợp cần phẫu thuật ở các vùng cơ thể chịu sự ảnh hưởng của đám rối thần kinh cánh tay (tập hợp các dây thần kinh truyền tín hiệu giữa tủy sống và vai, cánh tay hoặc bàn tay).

Tuy nhiên, chưa rõ tính an toàn và hiệu quả của Exparel khi sử dụng cho các dây thần kinh nằm ngoài đám rối thần kinh cánh tay.

Ngoài giảm đau tại chỗ, Marcaine còn được cho phép sử dụng làm thuốc gây tê vùng (gây tê trên một vùng cơ thể rộng hơn so với gây tê tại chỗ).

Dạng thuốc và cách sử dụng

Exparel có dạng lỏng, được đựng bên trong lọ đơn liều (10ml hoặc 20ml), chỉ có một mức nồng độ và được đưa vào cơ thể qua đường tiêm.

Marcaine có nhiều mức nồng độ và thể tích lọ khác nhau. Marcaine cũng được đưa vào cơ thể qua đường tiêm.

Tác dụng phụ và rủi ro

Exparel và Marcaine đều chứa bupivacaine. Do đó, hai loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ giống nhau nhưng cũng có một số tác dụng phụ khác nhau.

Tác dụng phụ nhẹ

Dưới đây là 10 tác dụng phụ nhẹ phổ biến nhất của Exparel và Marcaine, bao gồm cả các tác dụng phụ chung và riêng.

Tác dụng phụ của riêng Exparel:

  • Táo bón
  • Ngứa
  • Khó ngủ
  • Co giật cơ

Tác dụng phụ của riêng Marcaine:

Gần như không có tác dụng phụ nhẹ nào khác với Exparel

Tác dụng phụ chung của cả Exparel và Marcaine:

  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Lo âu, bồn chồn
  • Sốt
  • Chóng mặt
  • Đau lưng hoặc cổ
  • Mệt mỏi

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Dưới đây là các tác dụng phụ nghiêm trọng phổ biến nhất của Exparel và Marcaine, bao gồm cả các tác dụng phụ chung và riêng.

Tác dụng phụ của riêng Exparel:

  • Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
  • Methemoglobin huyết (một chứng rối loạn máu)
  • Té ngã
  • Mất sụn trong khớp
  • Sưng phù ở tay hoặc chân

Tác dụng phụ của riêng Marcaine:

  • Co giật
  • Viêm màng não (viêm ở lớp màng bao phủ não và tủy sống)
  • Tê liệt chân

Tác dụng phụ chung của cả Exparel và Marcaine:

  • Mất ý thức
  • Ngừng thở
  • Rối loạn nhịp tim
  • Tăng hoặc hạ huyết áp
  • Bí tiểu
  • Dị ứng

Hiệu quả

Exparel và Marcaine được phê chuẩn cho những mục đích sử dụng khác nhau nhưng cả hai đều được sử dụng làm thuốc giảm đau tại chỗ để giảm nhẹ cảm giác đau đớn sau phẫu thuật.

Hai loại thuốc này chưa được so sánh trong các nghiên cứu lâm sàng nhưng các nghiên cứu riêng biệt về mỗi loại đã phát hiện ra rằng cả Exparel và Marcaine đều có hiệu quả giảm đau trong giai đoạn hậu phẫu.

So sánh Exparel và lidocaine

Ngoài Marcaine, một loại thuốc khác cũng được sử dụng nhằm mục đích tương tự là lidocaine. Vậy Exparel có điểm gì giống và khác với lidocaine?

Thành phần

Exparel là một loại thuốc biệt dược có chứa hoạt chất bupivacaine. Đây là một loại thuốc gây tê được sử dụng để làm tê các vùng nhất định trên cơ thể và giảm đau.

Lidocaine cũng là một loại thuốc gây tê. Tuy nhiên, lidocaine có cả dạng thuốc gốc và cũng là thành phần hoạt tính trong các loại thuốc biệt dược, chẳng hạn như:

  • Lidoderm
  • Lignospan Forte
  • Synera
  • Xylocaine

Công dụng

Exparel được cho phép sử dụng cho người lớn để giảm đau sau phẫu thuật. Cụ thể, loại thuốc này được phê chuẩn cho những mục đích sử dụng sau đây:

  • Giảm đau tại chỗ: Exparel được tiêm vào một số vùng nhất định trên cơ thể để gây tê và do đó sẽ không còn cảm thấy đau. Khi được dùng cho mục đích giảm đau tại chỗ, Exparel có thể sử dụng được cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
  • Phong bế thần kinh: Exparel được sử dụng để chặn một số dây thần kinh truyền tín hiệu đau trong cơ thể. Exparel được sử dụng cho mục đích này trong trường hợp cần phẫu thuật ở những vùng cơ thể chịu sự ảnh hưởng của đám rối thần kinh cánh tay (tập hợp các dây thần kinh truyền tín hiệu giữa tủy sống và vai, cánh tay hoặc bàn tay). Khi được dùng nhằm mục đích phong bế thần kinh, Exparel chỉ được phép sử dụng cho người lớn.

Chưa rõ việc sử dụng Exparel để phong bế thần kinh tại các vùng cơ thể khác nằm ngoài đám rối thần kinh cánh tay có an toàn hay không.

Lidocaine cũng được cho phép sử dụng để giảm đau tại chỗ và phong bế thần kinh trong phạm vi đám rối thần kinh cánh tay. Và cũng giống như Exparel, lidocaine có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ.

Ngoài ra, lidocaine còn được cho phép sử dụng để gây tê các vùng khác như:

  • Phong bế thần kinh trung ương (tiêm trực tiếp vào các khu vực ảnh hưởng đến tủy sống)
  • Phong bế thần kinh liên sườn (giữa các xương sườn)

Dạng thuốc và cách sử dụng

Exparel có dạng lỏng, được đựng bên trong lọ đơn liều (thể tích 10ml hoặc 20ml), chỉ có một mức nồng độ và được đưa vào cơ thể qua đường tiêm.

Lidocaine có nhiều mức nồng độ và thể tích lọ khác nhau nhưng cũng được tiêm vào cơ thể.

Tác dụng phụ và rủi ro

Exparel và lidocaine đều là thuốc gây tê. Do đó, cả hai loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ rất giống nhau nhưng cũng có một số tác dụng phụ khác nhau.

Tác dụng phụ nhẹ

Dưới đây là 10 tác dụng phụ nhẹ phổ biến nhất của Exparel và lidocaine, bao gồm cả các tác dụng phụ chung và riêng.

Tác dụng phụ của riêng Exparel:

  • Táo bón
  • Sốt
  • Ngứa ngáy
  • Mệt mỏi
  • Khó ngủ

Tác dụng phụ của riêng lidocain:

Không có tác dụng phụ nhẹ nào khác với Exparel

Tác dụng phụ chung của cả Exparel và lidocaine:

  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Chóng mặt
  • Co giật cơ
  • Lo âu, hồi hộp
  • Đau lưng hoặc cổ

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của Exparel và lidocain, bao gồm cả các tác dụng phụ chung và riêng.

Tác dụng phụ của riêng Exparel:

  • Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
  • Rối loạn nhịp tim
  • Tăng huyết áp
  • Bí tiểu
  • Methemoglobin huyết (một chứng rối loạn máu)
  • Té ngã
  • Mất sụn trong khớp

Tác dụng phụ của riêng lidocain:

  • Tiểu tiện hoặc đại tiện không kiểm soát
  • Suy giảm chức năng tình dục

Tác dụng phụ chung của cả Exparel và lidocaine:

  • Mất ý thức
  • Ngừng thở
  • Dị ứng
  • Tụt huyết áp
  • Sưng ở tay hoặc chân

Hiệu quả

Hai loại thuốc này chưa được so sánh trong các nghiên cứu lâm sàng nhưng các nghiên cứu riêng biệt về mỗi loại đã phát hiện ra rằng cả Exparel và lidocaine đều có hiệu quả giảm đau tại chỗ và phong bế thần kinh.

Có cần kiêng đồ uống có cồn sau khi tiêm Exparel không?

Chưa có nghiên cứu nào kiểm chứng tính an toàn khi uống đồ uống có cồn sau khi tiêm Exparel. Nếu uống rượu bia thì hãy hỏi bác sĩ xem có cần phải kiêng sau khi tiêm Exparel hay không.

Tương tác thuốc

Exparel có thể tương tác với một số loại thuốc khác, thực phẩm và thực phẩm chức năng.

Mỗi sự tương tác có thể dẫn đến những vấn đề khác nhau. Ví dụ, một số sự tương tác làm giảm hiệu quả của thuốc trong khi các dạng tương tác khác lại làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ hoặc làm cho tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng hơn.

Exparel và các loại thuốc khác

Dưới đây là danh sách các loại thuốc có thể tương tác với Exparel. Danh sách này không đầy đủ và ngoài ra còn có rất nhiều loại thuốc khác cũng có thể tương tác với Exparel.

Trước khi tiêm Exparel cần báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng đang dùng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn ngừng thuốc nếu cần thiết để tránh xảy ra tương tác với Exparel.

Exparel và các loại thuốc gây tê tại chỗ khác

Sử dụng Exparel kết hợp với các loại thuốc khác có tác dụng tương tự có thể làm tăng tác dụng phụ của Exparel. Do đó, không nên dùng bất kỳ loại thuốc gây tê tại chỗ nào khác trong ít nhất 96 giờ sau khi tiêm Exparel.

Ví dụ về các thuốc gây tê tại chỗ khác gồm có:

  • lidocaine (Xylocaine, Xylocaine-MPF, Lidoject,...)
  • bupivacaine (Marcaine, Sensorcaine-MPF,...)
  • ropivacaine (Naropin)
  • procaine (Novocain)

Ngoài ra, không nên trộn lẫn Exparel với các loại thuốc gây tê tại chỗ không chứa bupivacaine (hoạt chất trong Exparel) vì làm như vậy sẽ khiến cho bupivacaine trong Exparel được giải phóng quá nhanh trong cơ thể và làm thay đổi hoạt động của Exparel.

Exparel và các loại thuốc có thể gây methemoglobin huyết

Exparel có thể gây ra một tác dụng phụ gọi là methemoglobin huyết – tình trạng có quá nhiều methemoglobin trong máu. Methemoglobin huyết khiến cho các mô không nhận đủ oxy từ máu.

Do đó, sau khi tiêm Exparel không được dùng bất kỳ loại thuốc nào khác cũng có thể gây methemoglobin huyết để tránh làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ này.

Một số loại thuốc khác cũng có thể gây methemoglobin huyết gồm có:

  • Thuốc chống co giật, chẳng hạn như phenobarbital, phenytoin (Dilantin, Phenytek)…
  • Nitrat, chẳng hạn như oxit nitric (INOmax), nitroglycerin (Nitrostat, NitroMist,...), nitroprusside (Nitropress),…
  • Thuốc điều trị sốt rét, chẳng hạn như chloroquine, primaquine…

Exparel và các loại thảo dược, thực phẩm chức năng

Hiện chưa có bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào được báo cáo là có thể tương tác với Exparel. Tuy nhiên, vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thảo dược hay thực phẩm chức năng trong khoảng thời gian sau tiêm Exparel.

Exparel và thực phẩm

Cũng chưa có bất kỳ loại thực phẩm nào được báo cáo là có thể tương tác với Exparel nên có thể ăn uống bình thường sau khi tiêm thuốc này.

Cách sử dụng Exparel

Exparel được tiêm vào cơ thể. Thuốc này được sử dụng để giảm đau trong thời gian hồi phục sau phẫu thuật.

Vị trí tiêm

Thông thường, Exparel được tiêm ngay tại vùng cần phẫu thuật trên cơ thể. Vị trí tiêm chính xác còn tùy thuộc vào loại phẫu thuật cần thực hiện và kinh nghiệm của bác sĩ.

Thời điểm tiêm

Exparel được tiêm trong quá trình phẫu thuật. Vì thuốc giải phóng chậm bên trong cơ thể nên không cần phải tiêm thêm sau phẫu thuật. Tác dụng giảm đau của Exparel sẽ kéo dài vài ngày sau khi tiêm.

Sử dụng Exparel cho phụ nữ mang thai

Chưa rõ liệu việc sử dụng Exparel trong thời kỳ mang thai có an toàn hay không. Trong các nghiên cứu được thực hiện trên động vật, một số vấn đề đã xảy ra ở những con non tiếp xúc với Exparel trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng đúng với con người.

Phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm Exparel để được tư vấn về những rủi ro và lợi ích của việc sử dụng loại thuốc này.

Sử dụng biện pháp kiểm soát sinh sản sau tiêm Exparel

Như đã nói ở trên, chưa rõ liệu Exparel có an toàn khi dùng trong thai kỳ hay không. Nếu bạn có quan hệ tình dục và bạn hoặc bạn tình có thể mang thai thì hãy nói chuyện với bác sĩ về việc sử dụng các biện pháp kiểm soát sinh sản sau khi tiêm Exparel.

Sử dụng Exparel ở phụ nữ cho con bú

Chưa có đủ thông tin để kết luận tính an toàn của bupivacaine - hoạt chất trong Exparel - khi sử dụng trong thời gian cho con bú.

Một số báo cáo cho thấy rằng một lượng nhỏ bupivacaine có thể đi vào sữa mẹ nhưng chưa rõ liệu điều này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ hay không.

Nếu đang cho con bú thì cần báo cho bác sĩ trước khi tiêm Exparel.

Chống chỉ định

Hãy trao đổi với bác sĩ về bệnh sử trước khi tiêm Exparel. Loại thuốc giảm đau này không phù hợp với người đang mắc một số bệnh lý hoặc có các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe khác, gồm có:

  • Vấn đề về tim mạch: Exparel có thể gây ra những thay đổi về huyết áp và nhịp tim. Nếu đang có vấn đề về tim mạch thì việc sử dụng Exparel có thể khiến cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Để biết thêm thông tin, vui lòng đọc phần "Tác dụng phụ của Exparel" ở trên.
  • Dị ứng: Nếu bị dị ứng vào lần tiêm Exparel trước hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc thì không được tiêm Exparel. Cần báo với bác sĩ về điều này để bác sĩ chọn loại thuốc giảm đau khác. Nếu không chắc có bị dị ứng hay không thì nên làm test trước khi tiêm.
  • Mang thai: Chưa rõ liệu Exparel có an toàn khi sử dụng trong thai kỳ hay không. Để biết thêm thông tin, vui lòng quay lại đọc phần “Sử dụng Exparel cho phụ nữ mang thai” ở trên.
  • Đang cho con bú: Tính an toàn của Exparel khi sử dụng trong thời gian cho con bú cũng chưa được kiểm chứng. Để biết thêm thông tin, vui lòng đọc phần “Sử dụng Exparel ở phụ nữ cho con bú” ở trên.

Thông tin dành cho bác sĩ

Dưới đây là những thông tin về Exparel dành cho bác sĩ.

Chỉ định

Exparel được chỉ định để:

  • giảm đau tại chỗ cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên
  • phong bế thần kinh trong đám rối thần kinh cánh tay cho người lớn

Cần nghiên cứu thêm để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của Exparel khi sử dụng để phong bế thần kinh ở các vùng cơ thể khác ngoài đám rối thần kinh cánh tay.

Cách sử dụng

Exparel được tiêm một liều duy nhất. Không được dùng Exparel cùng với các loại thuốc gây tê tại chỗ không chứa bupivacaine.

Có thể pha loãng hoặc không pha loãng Exparel trước khi tiêm. Thuốc có thể được pha loãng với nước muối sinh lý thông thường (0,9%) hoặc dịch truyền Ringer lactate. Để giữ tính toàn vẹn của các hạt liposome thì nên tiêm Exparel bằng kim tiêm 25G hoặc các loại kim có lỗ lớn khác.

Exparel được tiêm trong quá trình phẫu thuật.

Cơ chế hoạt động

Exparel là một loại thuốc gây tê tại chỗ với cơ chế hoạt động là ngăn chặn sự dẫn truyền các xung thần kinh và làm chậm sự lan truyền của kích thích đau đến não và tủy sống.

Dược động học và chuyển hóa

Sự hấp thụ và thời gian duy trì tác dụng của bupivacaine phụ thuộc vào liều lượng, đường dùng và khu vực sử dụng. Bupivacaine được giải phóng từ Exparel được hấp thụ toàn thân.

Trong các nghiên cứu lâm sàng, thời gian bán thải của Exparel dao động trong khoảng từ 24 đến 34 giờ khi được sử dụng để giảm đau sau phẫu thuật và trung bình là 11 giờ khi được sử dụng để phong bế thần kinh. Thời gian bán thải của một loại thuốc là khoảng thời gian mà nồng độ thuốc trong máu giảm đi một nửa.

Chống chỉ định

Không sử dụng Exparel để gây tê cạnh cổ tử cung trong các thủ thuật sản phụ khoa.

Bảo quản

Exparel cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 8 độ C (36 độ F đến 46 độ F). Nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng, Exparel chỉ để được trong thời gian 30 ngày. Tuy nhiên, không nên cho Exparel lại vào tủ lạnh sau khi đã để ở nhiệt độ phòng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Hướng dẫn cơ bản về phẫu thuật tạo hình thành bụng
Hướng dẫn cơ bản về phẫu thuật tạo hình thành bụng

Bụng nhô, bụng to, da chùng nhão chảy xệ...phù hợp với phẫu thuật tạo hình thành bụng

Những điều cần tránh sau khi phẫu thuật thu gọn bụng
Những điều cần tránh sau khi phẫu thuật thu gọn bụng

Sau khi giảm một lượng cân nặng đáng kể hoặc sau khi sinh con, phẫu thuật thu gọn bụng (tạo hình thành bụng) có thể giúp bạn có được thành bụng phẳng mịn.

Sự thật đáng ngạc nhiên về phẫu thuật tạo hình thành bụng
Sự thật đáng ngạc nhiên về phẫu thuật tạo hình thành bụng

Nếu bạn có da thừa lỏng lẻo trên vùng bụng thì tất cả các bài tập gập bụng ngồi hay nằm gập bụng hay các bài tập các làm săn chắc cơ bụng trên thế giới cũng không đủ để giúp bạn có được thành bụng phẳng mịn.

Những quan niệm sai lầm phổ biến nhất về phẫu thuật tạo hình thành bụng
Những quan niệm sai lầm phổ biến nhất về phẫu thuật tạo hình thành bụng

Qua nhiều năm, quá trình mang thai và những thay đổi về cân nặng có thể để lại cho bạn một thành bụng mỡ, chùng nhão, lỏng lẻo. Nếu bỗng dưng bạn thấy mất tự tin với vòng hai của mình thì một quy trình phẫu thuật tạo hình thành bụng có thể cải thiện được đáng kể.

Lợi ích của phẫu thuật tạo hình thành bụng
Lợi ích của phẫu thuật tạo hình thành bụng

Mỗi người đều có các vị trí có vấn đề trên cơ thể, một phần trên cơ thể, cho dù bạn có làm gì đi chăng nữa thì dường như nó cũng không hề cải thiện.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
Có thể làm săn chắc da bụng chảy xệ sau giảm cân mà không cần phẫu thuật không?
  •  6 năm trước
  •  18 trả lời
  •  4345 lượt xem

Tôi hiện 18 tuổi, khoảng 1 năm trước tôi đã giảm hơn 35kg trong vòng 9 tháng. Tôi có một ít da chảy xệ, nhăn nheo xung quanh vùng bụng nhưng nó có vẻ không quá nghiêm trọng. Tôi tập luyện rất nhiều và dường như bụng của tôi cũng đã cải thiện. Liệu tôi có cần phải phẫu thuật để làm săn chắc da không, hay là có phương pháp nào tự nhiên bằng cách tập luyện hoặc dùng kem dưỡng da không?

Nên dùng băng dán phẫu thuật trong bao lâu sau tạo hình thành bụng?
  •  4 năm trước
  •  4 trả lời
  •  933 lượt xem

Tôi vừa phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn phần được 9 ngày. Không biết có nên để băng dán vết thương tự bong ra hay nên gỡ nó ra sau một khoảng thời gian? Y tá ở chỗ tôi làm phẫu thuật bảo nếu nó không bong sau hai tuần thì tự gỡ. Tôi chắc chả dám tự gỡ đâu. Kinh nghiệm và kiến thức của mọi người về chuyện này thế nào? Tôi còn phải bôi kem trị sẹo prosil sau khi lành.

Cao 1m7, 26 tuổi, có 2 con, định phẫu thuật nâng ngực. Tôi có nên làm thêm tạo hình thành bụng toàn phần hay tạo hình thành bụng mini kèm hút mỡ hai bên không?
  •  4 năm trước
  •  3 trả lời
  •  1074 lượt xem

Cao 1m7, 26 tuổi, có 2 con, định phẫu thuật nâng ngực. Tôi có nên làm thêm tạo hình thành bụng toàn phần hay tạo hình thành bụng mini kèm hút mỡ hai bên không? Tôi đang cố quyết định xem mình cần làm thủ thuật gì để chuẩn bị chi phí. Năm nay tôi 26 tuổi, bà mẹ 2 con (một bé 3 tuổi, một bé 6 tháng). Tôi nặng hơn trước lúc mang thai khoảng 4,5 kg, nhưng dường như tôi không thể làm lớp mỡ trước bụng hay phần da chảy xệ biến mất. Chúng tôi sắp chuyển về quê ở Hawaii nên tôi rất muốn có được hình dáng thon gọn nhất trước lúc đó. Tôi nên làm tạo hình thành bụng toàn phần hay làm tạo hình thành bụng mini kèm hút mỡ hai bên hông? Có phải rốn tôi quá thấp để làm tạo hình thành bụng mini không? Tôi còn định đi nâng ngực nữa. Tôi cao 1m7, bình thường nặng 49,8 kg.

Đã làm tạo hình thành bụng/hút mỡ được 3 tuần. Có phải tôi đang tự làm hỏng kết quả phẫu thuật? Nếu là thật, thì làm thế nào để dừng làm như thế vì tôi vô thức làm trong lúc ngủ?
  •  4 năm trước
  •  4 trả lời
  •  1146 lượt xem

Một sáng tôi thức dậy và vô tình giãn người trong lúc đang mơ màng. Tôi không cố ý, nhưng chuyện đó xảy ra trong vài ngày liền. Không đau, thực ra tôi thấy khá thích, nhưng tôi sẽ hơi ê ẩm một chút trong một lúc sau.

Sẹo mổ tạo hình thành bụng: tôi có thể mặc bikini sau 1 năm phẫu thuật không?
  •  8 năm trước
  •  75 trả lời
  •  8055 lượt xem

Tôi hình dung sau phẫu thuật tạo hình bụng sẽ có các vết sẹo mổ được che, giấu kín dưới lớp quần lót. Có đúng là như vậy không? Tôi có thể mặc bộ bikini một năm sau tạo hình thu gọn bụng không?

Video có thể bạn quan tâm
Tạo hình thành bụng chuyển rốn Dr Quang Đức - ca 2 tái khám cắt chỉ sau 10 ngày Tạo hình thành bụng chuyển rốn Dr Quang Đức - ca 2 tái khám cắt chỉ sau 10 ngày 02:30
Tạo hình thành bụng chuyển rốn Dr Quang Đức - ca 2 tái khám cắt chỉ sau 10 ngày
Nguồn: Tiến sĩ bác sĩ Quang Đức 108
 5 năm trước
 4116 Lượt xem
Cắt da mỡ thừa, tạo hình thành bụng Cắt da mỡ thừa, tạo hình thành bụng 05:33
Cắt da mỡ thừa, tạo hình thành bụng
Trước PT: KH có bụng và hông đều thừa da, thừa mỡ nhiều. Bs tư vấn tạo hình thành bụng toàn bộ có chuyển rốn.
 6 năm trước
 4018 Lượt xem
Tạo hình thành bụng chuyển rốn và hút mỡ Dr Quang Đức ca 4 - tái khám cắt chỉ sau 12 ngày Tạo hình thành bụng chuyển rốn và hút mỡ Dr Quang Đức ca 4 - tái khám cắt chỉ sau 12 ngày 02:08
Tạo hình thành bụng chuyển rốn và hút mỡ Dr Quang Đức ca 4 - tái khám cắt chỉ sau 12 ngày
Nguồn: Tiến sĩ bác sĩ Quang Đức
 5 năm trước
 2627 Lượt xem
Ét.o.ét Giải cứu Vòng 2 siêu khủng Ét.o.ét Giải cứu Vòng 2 siêu khủng 00:21
Ét.o.ét Giải cứu Vòng 2 siêu khủng
Vòng 2 nhiều ngấn phì đại, m.ỡ cứng dày do bị mắc bệnh béo phì, có thể chuyển hóa chậm. Cơ thể nặng nề khiến khách hàng di chuyển chậm chạp dẫn đến...
 2 năm trước
 2573 Lượt xem
Tạo hình thành bụng sau 2 tháng như thế nào??? Tạo hình thành bụng sau 2 tháng như thế nào??? 08:34
Tạo hình thành bụng sau 2 tháng như thế nào???
Mời cả nhà cùng so sánh với bác sĩ nhé!!Phẫu thuật được thực hiện tại bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế
 5 năm trước
 2348 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây