Điều Trị Cười Hở Lợi
Cười hở lợi là xem tình trạng lộ nhiều mô nướu khi cười. Những bệnh nhân tìm đến phòng khám để điều trị cười hở lợi cho biết rằng cười hở lợi khiến họ cảm thấy tự ti và nụ cười kém hấp dẫn. Tin tốt là có nhiều cách điều trị cười hở lợi tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề này. Một khi xác định rõ nguyên nhân, bác sĩ sẽ giúp bạn sở hữu nụ cười tự tin, rạng ngời.
Nguyên nhân gây cười hở lợi
Bạn có thể nhận thấy rằng tất cả các yếu tố (tỉ lệ, vị trí,…) liên quan đến răng, môi, lợi, hàm đều là những thành phần quan trọng quyết định thẩm mỹ nụ cười của bạn. Nguyên nhân gây nên cười hở lợi cũng xoay quanh 4 thành phần: lợi - răng - xương - môi.
Cười hở lợi do lợi
Cười hở lợi do lợi gồm có 2 nguyên nhân nhỏ: do quá phát lợi và do chậm mọc răng thụ động
Quá phát lợi (viêm lợi phì đại)
Viêm lợi phì đại thường gặp ở bệnh nhân có thói quen vệ sinh răng miệng kém. Bệnh nhân đến phòng khám trong tình trạng lợi sưng đỏ hoặc phì đại, có mảng bám cao răng, miệng hôi, dễ chảy máu…
Chậm mọc răng thụ động
Quá trình mọc răng gồm 2 giai đoạn chủ động và thụ động. Giai đoạn mọc răng chủ động diễn ra do sự di chuyển của răng (mọc từ trong xương lên) hướng tới mặt phẳng cắn, trong khi đó giai đoạn mọc răng thụ động liên quan tới sự di chuyển của mô lợi về phía chân răng để bộc lộ thân răng. Nếu giai đoạn mọc răng thụ động này bị trì hoãn thì 1 phần thân răng bị chìm trong mô lợi, dẫn đến cười hở lợi.
Dấu hiệu rõ nhất của sự chậm mọc răng thụ động là bệnh nhân có thân răng ngắn và lộ lợi.
(Chiều dài thân răng trung bình ở nam giới là 10,6 mm và ở nữ giới khoảng 9,8 mm).
Cười hở lợi do răng
Bệnh nhân cười hở lợi do răng thường có răng mọc quá mức xuống dưới và ra trước, thường đi kèm với khớp cắn sâu.
Cười hở lợi do xương
Xương hàm trên phát triển quá mức theo chiều thẳng đứng khiến tầng mặt dưới dài hơn bình thường.
Dấu hiệu nhận biết: khi cười: lộ lợi quá mức và môi dưới che phủ cạnh cắn và răng cối nhỏ hàm trên.
Ở trạng thái nghỉ ngơi, 2 môi thường không khép kín với nhau.
Cười hở lợi do môi
Do môi trên ngắn hoặc cường cơ môi
- Môi trên ngắn: Chiều dài trung bình môi trên của phụ nữ là 20-22 mm, của nam giới là 22-24 mm (được đo khi nghỉ ngơi, tính từ chân cánh mũi đến điểm thấp nhất của môi trên).
- Cường cơ môi: Bình thường lúc nghỉ ngơi răng cửa hàm trên lộ 3-4 mm, khi cười “thả ga” thì lộ khoảng 10-11 mm. Khi chuyển từ trạng thái nghỉ sang trạng thái cười “thả ga”, môi co khoảng 6-8 mm. Khi môi co nhiều hơn, được coi là cường cơ môi.
Một số bệnh nhân bị cười hở lợi có thể do cả 2 nguyên nhân môi trên ngắn và cường cơ môi.
Điều trị cười hở lợi
Điều quan trọng là cần xác định được nguyên nhân gây cười hở lợi để đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. Mỗi nguyên nhân sẽ có mỗi phương án giải quyết khác nhau. Bác sĩ có thể sử dụng đơn lẻ một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để mang lại kết quả thẩm mỹ tối ưu nhất cho bệnh nhân.
Điều trị viêm lợi phì đại
Áp dụng cho những đối tượng bị viêm lợi phì đại. Bệnh nhân cần tới phòng khám nha khoa để để lấy cao răng, nạo sạch mảng bám chân răng. Tăng cường sát khuẩn bằng cách sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn thường xuyên, kết hợp đánh răng bằng bàn chải lông mềm và sử dụng chỉ nha khoa theo hướng dẫn.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc điều trị viêm lợi (như Metrogyl Denta,..).
Kết thúc quá trình điều trị, lợi hết viêm, hết phù nề và co lại, để lộ thân răng nhiều hơn. Lúc này, bệnh nhân sẽ nhận thấy tình trạng cười hở lợi biến mất. Một số trường hợp đặc biệt, ngay cả khi viêm lợi phì đại được điều trị hoàn toàn nhưng vẫn chưa hết cười hở lợi, bác sĩ có thể đề xuất phương án cắt lợi (tạo hình đường viền lợi) để có kết quả tốt hơn.
Cắt lợi
Phần lớn bệnh nhân bị chậm mọc răng thụ động sẽ được điều trị cười hở lợi bằng cách này.
Cắt lợi (phẫu thuật tạo hình viền lợi/nướu) là một thủ thuật khá đơn giản, ít xâm lấn, được coi là an toàn và ít rủi ro biến chứng.
Đầu tiên, bác sĩ thăm khám và xác định lượng mô lợi cần loại bỏ để tương xứng với răng. Tổng lượng mô lợi có thể được cắt bỏ khoảng 2 mm (đo theo chiều dài) hoặc ít hơn. Bác sĩ dùng dao mổ hoặc tia laser để cắt, tạo hình viền lợi. Quy trình diễn ra tương đối nhanh và kết quả là vĩnh viễn.
Trong một số trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể kết hợp quy trình cắt lợi và phẫu thuật hạ thấp mào xương ổ răng.
Chỉnh nha có đánh lún răng cửa
Đối tượng: bệnh nhân bị cười hở lợi do răng.
Chỉnh nha (niềng răng) giúp nắn thẳng răng, giải quyết tình trạng răng thưa, răng mọc chen chúc và chỉnh sửa các vấn đề về khớp cắn. Kết quả sau khi chỉnh nha kết hợp đánh lún răng cửa giúp giải quyết tình trạng cười hở lợi.
Để đạt mức độ thẩm mỹ cao hơn, một số bác sĩ vừa kết hợp chỉnh nha vừa kết hợp các phẫu thuật nha chu.
Sử dụng khí cụ chỉnh nha hoặc phẫu thuật cắt xương hàm trên
Đối tượng: bệnh nhân bị cười hở lợi do xương.
Tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị tương ứng tác động vào quá trình tăng trưởng của xương hoặc can thiệp phẫu thuật xương hàm trên.
- Bệnh nhân trước tuổi dậy thì: quá trình tăng trưởng đang diễn ra, bác sĩ chỉ định bệnh nhân đeo khí cụ Headgear kéo cao, nhằm hạn chế sự tăng trưởng của xương hàm trên.
- Bệnh nhân sau tuổi dậy thì: xương đã phát triển và cứng hơn. Dựa trên hồ sơ cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ có thể đề xuất phương án phẫu thuật cắt đẩy xương hàm trên – kỹ thuật cắt xương hàm trên kiểu Le fort I. Đây là quy trình xâm lấn, cần phải gây mê và cân nhắc thận trọng trước khi thực hiện.
Tiêm Botox
Đối tượng phù hợp: bệnh nhân cười hở lợi do môi
Botox là một chất điều biến thần kinh giúp thư giãn cơ và trong điều trị cười hở lợi, Botox giúp giảm mức độ nâng môi trên khi cười. Phương pháp này tuy đắt đỏ nhưng được nhiều người lựa chọn vì nó ít xâm lấn.
Trước khi tiêm Botox, bác sĩ phải xác định thật chính xác vị trí cần tiêm (ở cơ nâng môi) và tính toán cẩn thận liều lượng tiêm (thông thường cần 2-4 đơn vị tiêm cho mỗi bên phải –trái). Liều lượng nhỏ để ngăn ngừa bất kỳ trở ngại nào của Botox tới việc ăn uống, nói chuyện cũng như thẩm mỹ nụ cười.
Quy trình diễn ra nhanh chóng (khoảng 10 phút) nhưng kết quả chỉ là tạm thời, kéo dài khoảng 4-6 tháng, bệnh nhân cần phải lặp lại quy trình để duy trì kết quả.
Phẫu thuật làm nông ngách tiền đình
Đối tượng: bệnh nhân cười hở lợi do môi
Phẫu thuật này còn được gọi là phẫu thuật tái định vị môi trên (hoặc cắt cơ nâng môi trên), trong đó bác sĩ rạch một đường mổ dọc theo đường nối niêm mạc. Sau đó, rạch một đường thứ 2 song song và cách đường thứ nhất khoảng 10-12 mm. Từ đường rạch này, bác sĩ bóc tách dưới màng xương, tách niêm mạc nướu ra khỏi xương hàm trên. Tiếp theo, bóc tách da và mô dưới da ra khỏi lớp cơ bên dưới. Cuối cùng, loại bỏ vùng bóc tách, khâu cố định lại 2 đường rạch với nhau bằng chỉ khâu.
- Thông tin về bảng giá Điều Trị Cười Hở Lợi
- Hỏi đáp về Điều Trị Cười Hở Lợi
- Video Điều Trị Cười Hở Lợi của các khách hàng
- Hình ảnh trước sau Điều Trị Cười Hở Lợi
- 3 trả lời
- 2701 lượt xem
Gần đây tôi mới đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách trị cười hở lợi. Ban đầu tôi định tiêm Botox nhưng bác sĩ nói là không nên vì hiệu quả không được rõ rệt và tư vấn cho tôi về phương pháp phẫu thuật hạ môi trên. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe về phương pháp này nên muốn hỏi xin thêm ý kiến. Quy trình thực hiện có dễ không? Hiệu quả có được lâu dài không? Có cần làm dài thân răng nữa không?
- 8 trả lời
- 1712 lượt xem
Tôi vừa mới phẫu thuật hàm xong. Lúc đầu cứ hi vọng là phẫu thuật xong thì sẽ hết cười hở lợi nhưng lại không thấy thay đổi gì cả. Vậy nếu bây giờ tôi phẫu thuật mũi thì có khắc phục được vấn đề này không?
- 4 trả lời
- 1345 lượt xem
Tôi bị hở lợi khi cười quá to nên là cứ phải cười mỉm và lấy tay che nhưng vì như thế rất không thoải mái nên tôi đang muốn tìm một cách khắc phục. Tôi chỉ muốn sửa lợi thôi chứ không muốn can thiệp đến môi thì nên thực hiện phương pháp phẫu thuật nào?
- 4 trả lời
- 2534 lượt xem
Nếu bây giờ tôi phẫu thuật cắt lợi thì liệu sau này có dễ bị tụt lợi hơn không hay lợi sẽ lành lại khỏe mạnh như bình thường?
- 6 trả lời
- 1031 lượt xem
Có những phương pháp nào để chữa cười hở lợi? Tôi đang muốn tìm một phương pháp càng ít xâm lấn càng tốt và cũng không muốn phải can thiệp đến xương.
- 8 trả lời
- 1948 lượt xem
Tôi vừa mới phẫu thuật hàm để khắc phục vẩu. Trước đấy tôi cứ nghĩ là phương pháp này sẽ làm giảm tình trạng cười hở lợi nhưng sau khi phẫu thuật xong thì vẫn thế. Tôi rất muốn xử lý vấn đề này nhưng không muốn phải phẫu thuật lại một lần nữa. Vậy thì tôi có những lựa chọn nào? Có thể dán sứ Veneer không?
- 6 trả lời
- 1422 lượt xem
Tôi bị cười hở lợi và răng khấp khểnh. Tôi nên lựa chọn phương pháp nào để khắc phục?
- 5 trả lời
- 1141 lượt xem
Tôi thường xuyên kiểm tra răng và tối nay mới phát hiện ra là bị mất một mảng lợi. Gần đây tôi vừa thay sang bàn chải đánh răng mới và thấy hơi cứng nên đã không dùng nữa. Không biết có phải do nguyên nhân này không. Liệu lợi có tự mọc lại không hay sẽ phải ghép lợi? Tôi đang thấy rất lo.
- 4 trả lời
- 1640 lượt xem
Tôi bị cười hở lợi và có hàm răng khấp khểnh thì nên phẫu thuật lợi bằng laser, tiêm Botox hay chọn một phương pháp nào khác?
- 5 trả lời
- 3690 lượt xem
Khi cười, răng của tôi lộ ra rất ít còn lợi lại hở khá nhiều. Sắp tới tôi còn định sẽ phẫu thuật tạo hình môi và có thắc mắc là sau khi phẫu thuật liệu lợi có bị hở nhiều hơn không?
- 3 trả lời
- 1500 lượt xem
Tôi bị cười hở lợi (bên phải hở nhiều hơn) và 2 răng cửa hàm trên còn to hơn hẳn các răng còn lại. Tôi nên làm thế nào để xử lý? Phẫu thuật cắt lợi hay dán sứ Veneer? Ngoài ra, hai răng cửa hình như còn bị mẻ và không bằng nhau. Tôi có tật nghiến răng nên giờ đang phải đeo máng bảo vệ. Tôi không đòi hỏi răng phải hoàn hảo đâu mà chỉ cần đẹp hơn bây giờ là được.
- 1 trả lời
- 3256 lượt xem
Cháu phẫu thuật cười hở lợi bằng cách cắt cơ nâng môi trên ở viện 108. Bác sĩ tiến hành rạch 1 đường ở dưới môi sau đó dùng cái gì đó đốt các bó cơ cháu thấy có mùi khét vào tiến hành khâu lại bằng chỉ tự tiêu. Hôm nay là ngày thứ 20 sau phẫu thuật môi cháu vẫn bị sưng chỉ sưng chứ không đau gì ạ đường rạch cháu thấy đã liền lại rồi. Sau khi bớt sưng ở mặt môi bắt đầu có cảm giác tê nóng có cảm giác như có gì đó kéo từ dưới môi lên mũi. Hiện tượng này ban đầu chỉ xuất hiện vào buổi tối sau đó cháu được kê thêm vitamin b1 thì cảm giác này xuất hiện cả ngày. Khi cháu cấu vào môi trên thì không thấy có cảm giác. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi có phải cháu đã bị mất cảm giác ở môi trên rồi không liệu có hồi phục lại như ban đầu không tại sao môi cháu lại bị sưng lâu như vậy ? Có cách nào để giảm tình trạng sưng này không ạ ?
- 4 trả lời
- 1025 lượt xem
Tôi mới 20 tuổi và đã bị tụt lợi từ khá lâu. Tình trạng thậm chí còn nặng hơn do tôi niềng răng 3 năm trước. Tôi nên làm gì?
- 5 trả lời
- 1905 lượt xem
Tôi bị cười hở lợi và có răng cửa bị xoay thì có thể phẫu thuật cắt lợi không? Ngoài ra, nếu răng bị như thế thì có thể dán sứ Veneer được không hay tôi nên dán composite? Xin các bác sĩ tư vấn cho tôi một giải pháp tốt nhất để khắc phục các vấn đề này.
- 7 trả lời
- 4304 lượt xem
Trước đây tôi đã từng dán composite nhưng mặt dán giờ đã bị mẻ và ngả màu nên tôi định sẽ bọc răng sứ hoặc dán sứ Veneer. Tôi còn bị cười hở lợi nữa thì có nên phẫu thuật cắt lợi trước rồi mới dán sứ không?
- 7 trả lời
- 4893 lượt xem
Tôi đang tính là sẽ niềng răng nhưng nha sĩ nói là hàm răng của tôi sẽ đẹp hơn nếu như phẫu thuật cắt lợi. Vậy nếu bây giờ tôi phẫu thuật trước thì sau này còn có thể niềng răng không hay nên niềng răng trước đã?
- 3 trả lời
- 924 lượt xem
Tôi định sẽ phẫu thuật cắt lợi ở 6 chiếc răng cửa và bác sĩ nói là hôm đó sẽ bôi kem gây tê lên lợi. Nhưng tôi vẫn thấy lo, không biết quá trình phẫu thuật có gây đau đớn gì không? Liệu tôi có còn cảm nhận được lưỡi dao hay tia laser trên lợi của mình không? Trong lúc bác sĩ mài xương thì có cảm thấy buốt không? Tôi nghe nói phương pháp này rất đơn giản, hầu như không đau nhưng vẫn thấy lo.
- 4 trả lời
- 1818 lượt xem
Mấy hôm nữa tôi sẽ phẫu thuật để điều trị cười hở lợi và sau đó một thời gian ngắn sẽ đi du lịch nên muốn hỏi là thời gian tối thiểu để hồi phục sau ca phẫu thuật này là bao lâu? Và liệu có biến chứng nào có thể phát sinh sau đó không?
- 4 trả lời
- 5284 lượt xem
Tôi cần niềng răng trong tổng cộng 2 năm và giờ đã được khoảng 7 tháng rồi. Tôi nghĩ là mình cười hơi hở lợi nên đang tính sẽ phẫu thuật cắt lợi. Tôi muốn hỏi là vào hôm tháo niềng thì liệu có thể phẫu thuật lợi luôn không?
- 3 trả lời
- 1695 lượt xem
Tôi đã từng tiêm Botox và filler rồi nhưng thấy không có hiệu quả lắm. Ngoài ra, 4 răng cửa của tôi rất nhỏ nên tôi muốn tìm một phương pháp khắc phục cười hở lợi, đồng thời làm cho các răng này to hơn một chút. Tôi đã nói chuyện với hai bác sĩ, một người khuyên là nên tạo hình lợi bằng laser trong khi bác sĩ kia lại bảo nên làm dài thân răng và dán sứ Veneer. Tôi mới 20 tuổi thôi và muốn tìm một phương pháp có thể điều trị cười hở lợi vĩnh viễn để lợi không bao giờ mọc lại nữa thì nên chọn phương pháp nào? Ngoài ra, tôi không muốn phải mài răng thì có nên chọn dán sứ Veneer không hay chỉ dán composite thôi?