Bệnh cơ tuyến tử cung là gì?
Bệnh cơ tuyến tử cung là gì?
Cơ tuyến tử cung là một tình trạng mà mô niêm mạc tử cung – lớp mô bao phủ bề mặt bên trong của tử cung - phát triển vào lớp cơ trên thành của cơ quan này. Điều này làm cho thành tử cung dày lên, dẫn đến kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài hơn bình thường, cũng như là đau đớn dữ dội trong kỳ kinh nguyệt hoặc khi quan hệ tình dục.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây nên vấn đề này. Tuy nhiên, cơ tuyến tử cung thường xảy ra ở những phụ nữ có nồng độ estrogen ở mức cao. Bệnh thường tự khỏi sau khi mãn kinh vì đây là giai đoạn mà nồng độ estrogen suy giảm đáng kể.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân gây ra bệnh cơ tuyến tử cung. Một số giả thuyết phổ biến và nhận được nhiều sự ủng hộ nhất gồm có:
- Mô thừa trong thành tử cung, có từ trước khi sinh và bắt đầu phát triển vào tuổi trưởng thành
- Sự phát triển bất thường của mô: các tế bào niêm mạc tử cung xâm lấn vào lớp cơ tạo nên thành tử cung. Điều này có thể xảy ra do vết rạch trong tử cung của các quy trình phẫu thuật (chẳng hạn như khi sinh mổ hay cắt u xơ) hoặc do hoạt động bình thường của tử cung
- Tế bào gốc trong thành tử cung phát triển thành tế bào niêm mạc tử cung
- Viêm tử cung xảy ra sau khi sinh nở: điều này phá vỡ đường ranh giới bình thường giữa các tế bào niêm mạc tử cung
Các yếu tố nguy cơ
Như đã nói ở trên, nguyên nhân chính xác gây bệnh cơ tuyến tử cung hiện vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này, ví dụ như:
- Ở độ tuổi 40 hoặc 50 (trước mãn kinh)
- Đã từng sinh con
- Từng phẫu thuật tử cung, chẳng hạn như sinh mổ hoặc phẫu thuật cắt bỏ u xơ
Hầu hết các trường hợp cơ tuyến tử cung đều là những phụ nữ trong độ tuổi 40 hoặc 50. Lý do được cho là bởi khi sang độ tuổi này, cơ thể đã phải tiếp xúc với estrogen trong thời gian dài. Tuy nhiên, bệnh cơ tuyến tử cung cũng có thể xảy ra ở cả phụ nữ trẻ.
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh cơ tuyến tử cung có thể từ nhẹ đến nặng và cũng có nhiều phụ nữ không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Khi có thì các triệu chứng phổ biến nhất là:
- Đau bụng kinh dữ dội, kéo dài
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Kinh nguyệt ra nhiều
- Chu kỳ kinh nguyệt dài hơn bình thường
- Máu kinh ra kèm các cục máu đông lớn
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau tức, khó chịu ở vùng bụng dưới
Chẩn đoán cơ tuyến tử cung
Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để xác định xem tử cung có bị to lên hay không. Ở nhiều phụ nữ bị cơ tuyến tử cung, tử cung có kích thước to gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần bình thường.
Sau đó sẽ cần thực hiện các phương pháp kiểm tra khác.
Phương pháp siêu âm sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh cơ tuyến tử cung hoặc loại trừ các vấn đề khác, ví dụ như có khối u trên tử cung. Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh chuyển động của các cơ quan nội tạng mà trong trường hợp này là tử cung. Đầu tiên, bác sĩ bôi một ít gel chuyên dụng lên da bụng, sau đó đặt đầu dò cầm tay lên và di qua lại trên thành bụng. Đầu dò sẽ tạo ra hình ảnh chuyển động trên màn hình để giúp bác sĩ quan sát bên trong tử cung.
Có thể sẽ cần chụp cộng hưởng từ (MRI) để thu được hình ảnh có độ phân giải cao của tử cung nếu như không thể chẩn đoán bằng phương pháp siêu âm. Chụp cộng hưởng từ là phương pháp sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng. Bệnh nhân sẽ nằm yên trên bàn và được đưa vào trong một thiết bị quét có hình dạng như một đường hầm lớn. Nếu đang mang thai thì cần báo với bác sĩ khi được yêu cầu chụp cộng hưởng từ. Ngoài ra, cần nói với bác sĩ nếu có thiết bị cấy ghép bằng kim loại hay thiết bị điện bên trong cơ thể, chẳng hạn như máy tạo nhịp tim.
Các phương pháp điều trị
Những trường hợp bị cơ tuyến tử cung mức độ nhẹ có thể không cần phải điều trị. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng và cản trở hoạt động hàng ngày thì sẽ cần điều trị bằng một trong những phương pháp sau:
Thuốc chống viêm
Những loại thuốc chống viêm như ibuprofen giúp làm giảm lượng máu kinh trong kỳ kinh nguyệt đồng thời làm giảm các cơn đau bụng. Người bệnh nên bắt đầu dùng thuốc chống viêm khoảng từ 2 - 3 ngày trước khi bắt đầu có kinh và tiếp tục dùng cho đến khi hết kinh. Lưu ý, không uống những loại thuốc này nếu đang mang thai.
Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone là phương pháp sử dụng các loại thuốc như thuốc tránh thai đường uống kết hợp (thuốc gồm có cả estrogen và progestin), thuốc tránh thai chỉ chứa progestin (dạng uống, tiêm hoặc vòng tránh thai) và các thuốc chủ vận GnRH như Lupron (leuprolide). Liệu pháp hormone giúp kiểm soát nồng độ estrogen và từ đó làm giảm các triệu chứng bệnh cơ tuyến tử cung. Các loại vòng tránh thai nội tiết, chẳng hạn như Mirena, có thể ở trong cơ thể lên đến 5 năm.
Cắt đốt nội mạc tử cung
Đây là các phương pháp cắt bỏ hoặc phá hủy niêm mạc tử cung. Quy trình thực hiện khá đơn giản với thời gian phục hồi ngắn, bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày. Tuy nhiên, các thủ thuật này không phải lúc nào cũng hiệu quả vì ở bệnh cơ tuyến tử cung, mô niêm mạc thường xâm lấn sâu vào thành tử cung.
Nút động mạch tử cung
Đây là thủ thuật bít một số động mạch cung cấp máu cho vùng bị cơ tuyến tử cung. Khi nguồn cung cấp máu bị cắt, những vùng mô bất thường sẽ tự động co lại. Phương pháp này còn được sử dụng để điều trị u xơ tử cung. Sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân sẽ cần ở lại viện từ 1 – 2 ngày. Vì xâm lấn ít nên nút động mạch tử cung giúp tránh hình thành sẹo trong tử cung.
Điều trị bằng công nghệ MRgFUS
MRgFUSlà viết tắt của MRI-guided focused ultrasound surgery (điều trị bằng sóng siêu âm hội tụ dưới sự hướng dẫn của máy chụp cộng hưởng từ). Đây là là công nghệ sử dụng các bước sóng cường độ cao tập trung chính xác để tạo ra nhiệt và phá hủy các mô. Quá trình phá hủy được theo dõi qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp này có hiệu quả làm giảm các triệu chứng cơ tuyến tử cung.
Cắt tử cung
Tất cả những biện pháp nêu trên đều chỉ có thể làm giảm triệu chứng bệnh cơ tuyến tử cung. Cách duy nhất để chữa khỏi hoàn toàn là phẫu thuật cắt tử cung. Đây được coi là một ca đại phẫu, chỉ được thực hiện trong những trường hợp nghiêm trọng và bệnh nhân không có kế hoạch sinh con trong tương lai. Buồng trứng không ảnh hưởng đến bệnh cơ tuyến tử cung nên không cần phải cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật.
Các biến chứng
Bệnh cơ tuyến tử cung đa phần không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Khi bị ra máu quá nhiều và đau bụng, đau vùng chậu dữ dội thì người bệnh sẽ không thể thực hiện được các hoạt động bình thường.
Do bị ra máu nhiều vào kỳ kinh nên những phụ nữ bị cơ tuyến tử cung dễ bị thiếu máu. Thiếu máu là tình trạng xảy ra do sự thiếu hụt chất sắt. Khi không có đủ sắt, cơ thể sẽ không thể tạo ra đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đến các mô. Điều này sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải, chóng mặt và da xanh xao.
Tình trạng này còn có thể dẫn đến lo lắng, bồn chồn, buồn bã và dễ cáu gắt.
Tóm tắt bài viết
Bệnh cơ tuyến tử cung không đe dọa đến tính mạng. Hiện có nhiều phương pháp điều trị để giảm nhẹ các triệu chứng bệnh nhưng giải pháp duy nhất có thể chấm dứt bệnh hoàn toàn là phẫu thuật cắt tử cung. Tuy nhiên, nếu không điều trị thì bệnh này cũng thường tự khỏi sau mãn kinh.
Bệnh cơ tuyến tử cung không giống như lạc nội mạc tử cung - tình trạng mà mô niêm mạc tử cung phát triển ở những vị trí khác ở bên ngoài tử cung nhưng một số người bị cả cơ tuyến tử cung vả cả lạc nội mạc tử cung cùng một lúc.
Cắt tử cung là quy trình phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung của người phụ nữ.
Tìm hiểu về giải phẫu, chức năng và các vấn đề thường gặp của âm đạo
Hầu hết phụ nữ đều có dạng tử cung ngả trước. Đây là điều hoàn toàn bình thường.
Khi tử cung bị sệ xuống hoặc lệch ra khỏi vị trí bình thường thì hiện tượng ấy gọi là sa tử cung.
Việc điều trị kịp thời nhiễm trùng lây qua đường tình dục có thể ngăn ngừa bệnh viêm vùng chậu.